Nhà văn Khuất Quang Thụy: Cả đời chỉ loay hoay viết về đồng đội, về chiến tranh

Nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong số những nhà văn đã trực tiếp tham chiến đấu tại chiến trường Miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2015), nhà báo Ngô Vĩnh Bình đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy.

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn của nhà báo Ngô Vĩnh Bình cùng phần trích tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của nhà văn Khuất Quang Thụy.

Nhà văn Khuất Quang Thụy là một trong số những nhà văn đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4/1975 – 30/4/2015), nhà báo Ngô Vĩnh Bình đã có cuộc phỏng vấn nhà văn Khuất Quang Thụy.
Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài phỏng vấn của nhà báo Ngô Vĩnh Bình cùng phần trích tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc” của nhà văn Khuất Quang Thụy.


Nhà văn Khuất Quang Thụy sinh năm 1950 tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Năm 1967 ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, ông đã nhập ngũ, chiến đấu trong đội hình Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng) tại các mặt trận nổi tiếng là ác liệt như: Quảng Trị, Tây Nguyên. Năm 1976, ông được điều về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị và sau đó học Trường Viết văn Nguyễn Du khoá I. Tốt nghiệp, Nhà văn Khuất Quang Thụy về Tạp chí Văn nghệ Quân đội lần lượt trải qua các chức vụ Biên tập viên, Trưởng ban văn xuôi rồi Phó Tổng biên tập. Hiện ông có chân trong Đảng đoàn và là Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng biên tập báo Văn Nghệ. Các tác phẩm chính của ông: “Trong cơn gió lốc” (tiểu thuyết, 1980); “Trước ngưỡng cửa bình minh” (tiểu thuyết, 1985); “Người ở bến Phù Vân” (tập truyện, 1985); “Không phải trò đùa” (tiểu thuyết, 1985); “Giữa ba ngôi Chúa” (tiểu thuyết, 1989); “Góc tăm tối cuối cùng” (tiểu thuyết, 1990); “Người đẹp xứ Đoài” (tiểu thuyết, 1991); “Đối chiến” (tiểu thuyết, 2010 ) v.v.. Khuất Quang Thụy đã được nhận các giải thưởng: Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2007, cho cụm 3 tiểu thuyết: “Trong cơn gió lốc”, “Không phải trò đùa” và “Góc tăm tối cuối cùng”, Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984 với tiểu thuyết “ Không phải trò đùa”; năm 2004 với tiểu thuyết “ Những bức tường lửa”…



Nhà văn Khuất Quang Thuỵ


Ông từng tâm sự: “… Khi còn ở chiến trường, tôi chỉ viết vì một khát khao duy nhất, ghi được càng nhiều càng tốt những kỷ niệm, những con người, những cảnh ngộ số phận éo le do sự khắc nghiệt của chiến tranh đưa đến. Sau này, khi chiến tranh kết thúc, tôi mới có điều kiện để hiểu ra rằng, dù đã ở ngoài mặt trận, dù đã thấy được cái ác liệt và dù đã viết nhiều trang nhưng có lẽ vẫn chưa nói được hết được… Cả đời chỉ loay hoay viết về cuộc chiến ấy, có lẽ là số phận của thế hệ những người cầm bút từng có những năm cầm súng như chúng tôi…” (Suy nghĩ về nghề – Sách Nhà văn Việt Nam hiện đại – Hội Nhà văn xuất bản, 2007, tr 974)
Gặp ông trong những ngày đầu tháng Tư lịch sử rất khó bởi báo Văn nghệ số đặc biệt sắp ra, Hội Nhà văn chuẩn bị Đại hội IX…; lại gặp mặt cựu chiến binh, thăm lại chiến trường xưa, rồi thì còn phải viết. Tạng ông vốn không viết không yên… Để ông “quên đi” những việc thường ngày, tôi vào chuyện với ông bằng… thơ
Ở hành lang Đại hội nhà văn năm1989, từ Sài Gòn ra nhà văn Triệu Xuân muốn gặp tác giả bài thơ “Sống mới khó làm sao” có  câu “Sống mới khó làm sao / Nữa là còn sáng tạo, nữa là còn yêu nhau”, tôi bảo “là anh”. Triệu Xuân trợn tròn mắt: “là tiểu thuyết gia Khuất Quang Thụy?
– Thì bây giờ vẫn túc tắc làm thơ đấy thôi.
– Mới nhất là bài “ Đừng ngốc thế em” in Văn nghệ số Tết với những câu: “Đừng ngốc thế em / Anh không chỉ là giấc mơ ngọt ngào mà còn là sự thật đắng cay / Với những năm hận thù và máu lửa…?. Là người đã qua những năm máu lửa, ấn tượng về ngày hòa bình đầu tiên cách nay 40 năm trong ông?
– Đó là những ngày tháng mà một đời người may mắn mới được chứng kiến. Biết bao đồng đội của chúng tôi đã không có được sự may mắn ấy.
Trưa 30 tháng Tư năm 1975, khi lá cờ chiến thắng được đồng đội của ông phất cao trên nóc dinh Độc Lập ông đang làm gì, ở đâu?
– Vào trưa 30-4, khi Dương văn Minh  tuyên bố đầu hàng tôi đã cùng với mũi đột kích của Trung đoàn 64, Sư 320 vào tới Dinh Độc lập rồi và chứng kiến cảnh những người lính trận căm những lá cờ trận rất khiêm nhường của mình lên công sắt phía tây dinh Độc lập (lối đối diện với Trường Lê Quí Đôn)…
Ông đã viết gì về những ngày ấy?
– Tôi sống chiến đấu như một chiến sĩ ở chiến trường từ năm 1968 đến tháng 4/1975. Tuy vậy, từng ấy thời gian cũng chẳng thể đủ để hiểu được cuộc chiến này.  Tôi viết về cuộc chiến ấy đã nhiều, nhưng có lẽ còn “chưa đến đầu đến đũa”…
–  Ngay từ khi vừa bước ra khỏi cuộc chiến, ông đã có “Trong cơn gió lốc” mà theo nhà văn Trung Trung Đỉnh thì ông là một trong “ ba cây bút lừng lẫy với ba tiểu thuyết lừng lẫy toàn quân, toàn quốc. Nó kịp thời đáp ứng với niềm hân hoan chiến thắng của mọi người, đó là Nắng đồng bằng của Chu Lai, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy và Năm 1975, họ đã sống như thế của Nguyễn Trí Huân…”
– Là của một thời thôi, rất ngắn!
Sau “Trong cơn gió lốc” là những “Không phải trò đùa”, ”Đối chiến”… những cuốn tiểu thuyết chân thực hơn, ít chất “tả trận”, giàu ngẫm ngợi?
– Có vẻ là như vậy. Thời gian là người thầy vĩ đại, giúp chúng ta nhận thức ra nhiều vấn đề. Đã có lần tôi ví như khi chúng ta đang trong một đám cháy thì chỉ thấy cay mắt, rát mặt, khói mù mịt chứ có thấy gì đâu. Thậm chí người chết bên cạnh cũng chẳng nhìn thấy. Khi chạy bà hỏa, có khi thứ đồ gia bảo ta không lo chạy mà lại vớ lấy mấy thứ vớ vẩn để mang ra khỏi đám cháy. Lùi ra ngoài đám cháy sẽ thấy đám cháy to hay bé, rồi phải tìm hiểu hỏi han vài ba ngày mới hiểu vì sao lại cháy, thậm chí lúc đó chúng ta lại vô cùng kinh ngạc khi nguyên nhân xảy ra đám cháy lại rất vớ vẩn, chứ không vì lý do to tát nào như ta vẫn tưởng khi ở trong đó.
. Ông nghĩ các nhà văn Việt Nam sau này sẽ tiếp cận đề tài chiến tranh theo hướng nào khi những nhà văn thế hệ chống Mỹ viết các ông… già đi?
– Tôi đã từng nói không chỉ một lần rằng, mỗi thế hệ sẽ có cách “đọc” lịch sử khác nhau, có cách để “kể” về lịch sử khác nhau. Có ai sống từ thời Nguyễn Trãi, thời Hồ Quý Ly đến giờ đâu mà chúng ta vẫn có những tác phẩm viết về thời ấy? Tôi thực sự thấy rằng chẳng cần phải lo những thế hệ mai sau sẽ viết về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thế nào. Họ sẽ có cách riêng để “khai quật” lịch sử.
Trở lại cuốn “Trong cơn gió lốc”, ông tâm đắc nhất chương nào, đoạn nào?
– Chương bộ đội Tây Nguyên sau bao năm “nếm mật,nằm gai” hùng dũng “tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô”
Những trang ấy có vẻ “tả trận”, có vẻ thông tấn?. Có lẽ bạn đọc trẻ hôm nay thích những trang nói về những người lính Tây Nguyên “trước giờ ra trận” hơn…
– Cái đó, tùy ông…
– Vâng, cám ơn nhà văn Khuất Quang Thụy

NGÔ VĨNH BÌNH


_____________

TRƯỚC NHỮNG NGÀY “GIÓ LỐC”
(Trích tiểu thuyết Trong cơn gió lốc của KHUẤT QUANG THỤY)

… Mánh cởi áo, vắt kiệt nước rồi phơi lên sợi dây rừng dưới một lùm cây nhỏ. Trung đội phó Đạt mở ba lô lấy cho Mánh chiếc áo khác, anh cầm cổ áo giũ một hồi:
– Khiếp! Áo với xống! Toàn mùi thuốc lào!
Mánh chậc lưỡi
– Già rồi! Diện với ai mà cậu bảo phải thơm tho?
– Thì cũng phải cho sạch sẽ một tí chứ! Mẹ đĩ mà ngửi thấy mùi thuốc lào ở áo anh cũng bỏ chạy xa ba cây số!
Mánh cười khì khì:
– Ấy! “Người yêu” của mình lại mê cái mùi ấy mới chết chứ. Hồi tớ về phép, trước khi đi chiến đấu, bà ấy bắt phải bỏ lại cái áo, bảo để đêm gối đầu cho con nó đỡ khóc. Tớ cho là cóc phải, bà ấy nhớ cái hơi của mình mà thôi!
Đạt chưa có vợ, anh không hiểu khi xa nhau, người vợ có nhớ chồng đến mức ấy không, chứ riêng với anh, nói thì nói vậy hễ Mánh đi vắng một đêm thì anh thấy trống trếnh làm sao ấy. Cái hầm cứ rộng hoác ra và anh trằn trọc khó ngủ. Không biết anh có nhớ cái hơi đẫm mùi thuốc lào của Mánh hay không, nhưng chắc chắn anh nhớ cái giọng thủ thỉ kể chuyện của Mánh. Mánh cứ rì rầm kể hết chuyện này sang chuyện khác. Lúc đầu anh cười đến phát ho sặc sụa lên, cười mãi mệt, anh nằm im và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Đối với anh Mánh, Đạt cũng không giấu diếm chuyện gì, kể cả chuyện vui lẫn chuyện buồn. Mới đêm qua thôi, nằm trong căn hầm này, Đạt đã kể cho Mánh nghe về mối tình của mình. Anh còn bấm đèn pin đọc cho Mánh nghe lá thư gần đây nhất của Dung, lá thư mang đến cho anh một nỗi buồn vô hạn: Dung đã đi lấy chồng sau khi tốt nghiệp đại học ở nước ngoài trở về. Đọc đến đoạn Dung kể rằng: Dung đã khóc sưng cả mắt lên nhưng gia đình vẫn không nghe, vẫn ép Dung phải lấy một tay kỹ sư, cùng công tác ở phòng kỹ thuật của một nhà máy với anh trai Dung, thì Mánh bật dậy, phẫn nộ quát lên:
– Nói láo! Nó chẳng khóc lóc cái cóc khô gì đâu. Đồ bội bạc. Làm gì có cái chuyện ép duyên bịa đặt ấy.
Đạt sững sờ:
– Bịa đặt!… Anh cho rằng Dung không hề bị ép duyên?
– Không! Làm gì có chuyện ấy. Cậu không thấy lời lẽ của nó viết trơn như mỡ cả một lượt đấy à? Nghe thì lâm li đấy, nhưng chỉ là nước mắt cá sấu, cậu hiểu không? Đau khổ! Đau khổ mà nó còn viết nổi cho cậu tám trang giấy. Văn chương chữ nghĩa hay hớm chưa? Đem vào Sài Gòn mà đăng báo được đấy!
Nhận xét của Mánh khiến Đạt rụng rời. Anh như thấy trời đất đổ sụp quanh mình. Có thể như thế không? Lẽ nào một người con gái như Dung mà lại bội bạc, lừa dối? Nhưng quả thực Dung nhiều lời như thế. Lá thư dứt tình mà Dung viết trơn tru như đã chuẩn bị từng lời, từng chữ vậy. Lòng dạ đàn bà con gái, chả biết thế nào? Thề thốt, hứa hẹn như thế, nhưng biết đâu, sau khi đi học ở nước ngoài về, Dung chẳng tính toán khác đi. Cuộc sống thực bao giờ chẳng hấp dẫn hơn là ôm ấp một giấc mộng xa xôi?
Mối nghi ngờ mỗi ngày một lớn lên trong lòng Đạt. Chiều nay, khi anh Mánh lên tiểu đoàn, còn một mình trong hầm, Đạt mang tất cả những lá thư của Dung ra đọc lại. Nhận xét của Mánh đêm qua đã khiến đầu óc anh tỉnh táo hơn. Và quả thực, đọc đến lá thư cuối cùng thì anh cũng nhận ra sự giả dối, trắng trợn của nó. Căm giận tràn đầy, tim anh như thắt lại, anh vò nhàu nát tất cả những trang thư đó rồi châm lửa đốt. Nhìn ngọn lửa xanh lè cứ liếm dần những trang giấy bội bạc ấy, anh nhếch mép cười. Thế là hết! Từ nay anh sẽ không vướng bận gì cả. Sẽ không còn đau đáu chờ đợi một chuyến thư vào. Sẽ không còn những phút ngồi một mình mơ mộng và tủm tỉm cười mỗi khi nghĩ tới ngày gặp lại. Sẽ không còn gì cả. Tất cả đã tiêu tan như những tàn tro kia. Bây giờ anh chỉ còn chiến đấu. Chiến đấu và chiến đấu.
Mánh đã nhận ra điều đổi khác đó trong đôi mắt Đạt. Nó đang ngấm đòn. Nó sẽ đau khổ, nhưng rồi khi hiểu ra tất cả, nó sẽ bình tĩnh trở lại. Lúc đó sự khinh bỉ sẽ lấn át sự nuối tiếc. Nó sẽ thấy cái con trời đánh ấy chẳng có gì đáng để nó phải đau khổ nữa. Nhưng phải có thời gian, cái gì mà chẳng cần thời gian. Mong sao nó bình tĩnh lại được trước khi bước vào chiến đấu thực sự. Đối mặt với kẻ thù cần phải tỉnh táo, bởi vì dù là sự hi sinh cũng chỉ có sự hy sinh tỉnh táo mới có ích cho cuộc chiến đấu của chúng ta

…Trước khi lên đại đội hội ý và báo cáo tình hình trong ngày, Mánh ghé qua tiểu đội một. Tiểu đội trưởng Hưng ngồi bên cửa hầm, bàn chân vẫn quấn băng kín mít. Thấy anh đến, Hưng quẳng cho anh một đoạn gỗ:
– Ngồi xuống đây tí đã anh!
– Thôi, mình phải đi hội ý bây giờ. Chân đã đỡ chưa?
Hưng lắc đầu:
– Vẫn còn sưng, anh ạ! Chỗ bị dập chưa lên da non.
– Biết tay chưa? Làm ăn tiếu táo nó tai hại thế đấy!
Hưng nhăn nhó:
– Chỉ tại mấy ông tướng nghịch. Em đang ở dưới hầm vét đất, mấy thằng ôn con ở trên đùa nghịch đạp phải tảng đá to như cái ba lô vừa mới bẩy lên, thế là nó lăn ầm xuống… Anh không biết chứ, lúc đó em tưởng nát bét bàn chân.
Mánh cúi xuống, nâng bàn chân trái của Hưng lên xem rồi kết luận:
– Có lẽ phải đi viện, cậu ạ!
Hưng giãy nảy lên:
– Không! Mấy hôm là nó khỏi thôi mà!
Mánh lắc đầu:
– Không ổn. Lỡ mà có lệnh cơ động gấp thì làm sao?
Hưng quả quyết:
– Em đi được. Đây, em đi thử cho anh xem.
Hưng đứng bật dậy, định đi mấy bước cho trung đội trưởng xem, nhưng Mánh vội ấn vai Hưng xuống:
– Thôi, rởm vừa vừa chứ. Thế cho các anh biết thân.
Hưng ngồi xuống, đưa tay lên gãi gãi mái tóc xoăn đen mượt của mình rồi đột ngột ngẩng lên nhìn Mánh:
– Anh Mánh này… Em nói thật, anh đừng để em mắc khuyết điểm không phục tùng mệnh lệnh. Nếu đại đội bắt em đi viện là em cứ ì ra đấy.
Mánh trợn mắt:
– Ghê nhỉ! Anh dám thách thức với tổ chức cơ à? Trò đùa! Kỷ luật là kỷ luật. Đại đội ra lệnh anh không chấp hành mà được à?
Hưng nhăn nhó vẻ đau khổ:
– Nhưng anh nói với đại đội một tiếng. Khổ lắm! Ai muốn thế này làm gì cơ chứ?
Nhìn vẻ mặt Hưng trung đội trưởng Mánh suýt phì cười. Anh cũng hù cho Hưng sợ vậy thôi, chứ cũng chưa đến nỗi nào. Vừa lúc đó, Ổn hát nghêu ngao đi tới. Thấy trung đội trưởng, cậu ta lè lưỡi một cái rồi im bặt. Đợi cho Mánh đi khỏi, Ổn mới dám bước tới:
– Thế nào? Anh Hưng?
Hưng quắc mắt:
– Còn thế nào? Chúng mày làm khổ tao. Ông ấy đang định đuổi tao đi viện kia kìa.
Ổn tắc lưỡi:
– Ông ấy dọa chơi đấy!
Rồi Ổn nháy mắt, chỉ về phía đại đội:
– Để em lên “oa-tơ-ghết” xem sao?
Ổn nhe bộ răng sún ra cười rồi nhanh như sóc, nhảy qua những bụi ô rô tiến về phía hầm đại đội. Các trung đội trưởng đã đến đủ và đang báo cáo tình hình. Trung đội trưởng Mánh đến muộn, chính trị viên Thìn chỉ một khúc gỗ và bảo:
– Anh ngồi đây nghe luôn anh Mánh!
Rồi Thìn lại cười, hỏi:
– Chúng nó bảo lúc máy bay bắn cối, anh sợ quá chúi xuống suối nằm, đúng không?
Mánh cười khẩy:
– Nói láo! Thằng này coi mấy cái “chuồn chuồn” ấy ra cái gì.
Đại đội trưởng Quảng khích thêm:
– Không nhảy xuống khe sao thấy anh ướt như chuột thế?
– Hà hà… tại cái túi nước. Mẹ khỉ, mình vác nước trên vai, lúc chạy máy bay quên khuấy, buông tay ra. Thế là nó đổ ào ra, tưới từ đầu đến chân.
– Vậy là anh cũng có hoảng?
– Thì… đã sao? Tránh voi chẳng xấu mặt nào!
Đại đội trưởng Quảng nháy mắt cười rồi quay sang trung đội trưởng trung đội hai:
– Nào, báo cáo tiếp đi Lân. Quân số hai mươi lăm. Ốm một. Rồi! Tiếp tục! Vũ khí trang bị như cũ. Được, con số cụ thể tôi có rồi. Tình hình tư tưởng của bộ đội ra sao?
Lân suy nghĩ một lúc rồi tiếp tục báo cáo:
– Về tư tưởng của anh em thì chẳng có gì đặc biệt, chỉ có điều ai cũng sốt gan sốt ruột lắm rồi. Tình hình mặt trận càng phát triển thuận lợi, anh em càng sốt ruột. Họ liên tục chất vấn tôi tại sao đơn vị ta lại cứ ngồi ì ở cái xó này? Khó trả lời quá! Đã có lúc tôi nghĩ, có lẽ đại đội đừng nên thông báo tin chiến thắng dồn dập quá!
Chính trị viên Thìn lắc đầu:
– Thế anh cứ tưởng rằng cứ để anh em mù tịt, không biết gì đến tình hình diễn biến chung của chiến dịch thì họ yên tâm à? Không đâu! Anh em họ tinh lắm. Dù không thông báo thì  bằng những kinh nghiệm riêng của mình, bằng sự nhạy cảm đặc biệt của người chiến sỹ, họ vẫn đo được nhịp độ phát triển của chiến dịch. Vấn đề là làm thế nào để anh em ta hiểu rằng, ta nằm đây cũng là đang nằm trong thế trận chung của chiến dịch, chứ không phải ta đang ở ngoài cuộc.
Trung đội trưởng Lân khẽ xua tay:
– Không ăn thua anh ạ. Tôi đã giải thích như thế nhưng anh em họ bảo rằng: “Anh nói thế thì nói chứ chính anh cũng sốt ruột bỏ cha nữa là tụi tôi”. Thì đúng như thế, biết làm sao? Tôi cũng xin thắc mắc, tại sao ta cứ chịu nằm bẹp ở đây trong khi các đơn vị bạn đang đánh ran lên xung quanh?
Mọi người cất tiếng cười vang. Đại đội trưởng Quảng quay sang chính trị viên Thìn:
– Tay Lân thế mà thâm. Nó nói thế là có ý bảo: “Ban chỉ huy đại đội có nói thánh nói tướng gì thì nói chứ chính các cha cũng đang sôi ruột lên chứ hơn gì anh em!”. Phải không ông Lân?
Trung đội trưởng Lân vội xua tay cải chính:
– Ấy chết! Các anh cứ suy diễn thế thì anh em hết nhờ.
– Vậy thì thế này – Thìn mỉm cười nhìn mọi người – chiều nay lên báo cáo tình hình ở tiểu đoàn mình cũng sẽ nói như vậy. Mình sẽ nói rằng chúng tôi cũng đã giải thích tình hình nhiệm vụ để anh em yên tâm, nhưng họ bảo: “Các thủ trưởng đại đội nói thế chứ chính các ông ấy  cũng có yên tâm mà ngồi chờ đâu, các ông ấy cũng đang thắc mắc, có điều là cán bộ nên không tiện nói ra thôi”. Thế nào ông Khẩn, ông Nguyên cũng động lòng và bảo: mấy thằng nói thế khác nào nó nói kháy ban chỉ huy tiểu đoàn. Có phải các anh định nói rằng ban chỉ huy tiểu đoàn nói gì thì nói chứ cũng đang nhấp nhổm, cũng thắc mắc với trên um cả lên chứ hơn gì anh em. Cứ như vậy, dưới huých lên trên, sẽ tới sư đoàn cho mà xem…
Đại đội trưởng Quảng vột ngắt lời:
– Thôi! Lý sự tào lao mãi. Tóm lại là tất cả đều đang sốt ruột. Phải không? Cứ cho đánh mù trời như trung đoàn 4 là yên hết.
… Mới chỉ “oa-tơ-ghết” được đến đó, Ổn liền hớt hải chạy về. Một bộ sậu gồm Phùng, Kén, Lúa, Hải… đang ngồi chầu hẫu trước cửa hầm tiểu đội trưởng Hưng, hoa chân múa tay tán rào rào. Thấy Ổn về, mặt mũi tươi tỉnh, Hưng liền hỏi đón:
– Thế nào?
Ổn không trả lời ngay mà đứng chống nẹ, hỏi lại:
– Vậy thì các anh đang bàn luận cái gì mà ồn cả lên như chợ vỡ thế?
Cái giọng Quảng Bình của Kén chua như dấm nhung lại cố gắng gườm lại cho nó bè ra, vẻ quan trọng:
– “Bộ tư lệnh” đang họp, bàn tình hình chiến sự. Coi bộ ngán quá hè? Nằm dài, tay chân tớ đâm trắng bệch ra như bà đẻ rồi các cha này. Ăn rồi ngủ, ngủ rồi túm năm tụm ba tán róc, ớn quá rồi!
– Đấy đấy! – Ổn xua tay ra hiệu cho mọi người yên lặng rồi tuyên bố – không phải chỉ cánh ta mà cả cán bộ trung đội, đại đội – Ổn hạ giọng xuống một chút, liếc xung quanh xem có ai nữa không rồi mới thì thào – Thậm chí cả tiểu đoàn nữa cũng đang thắc um lên kia kìa – rồi Ổn nhắc lại lời của đại đội trưởng – Tóm lại là tất cả đang sốt ruột phải không? Cứ cho đánh mù trời lên như trung đoàn 4 là xong hết.
Hưng hỏi tiếp:
– Thế còn việc của tớ?
Bấy giờ Ổn mới chợt nhớ ra:
– À… việc của anh… đại đội chưa bàn đến!
Hưng nhăn mặt:
– Chán bỏ mẹ! Cốt có việc ấy…
Lúa vỗ vai Hưng an ủi:
– Anh cứ yên trí. Không ai bắt anh đi viện lúc nước sôi lửa bỏng thế này đâu.
Kén hăng hái tuyên bố:
– Nếu đại đội lệnh cho anh phải về tuyến sau, chúng tôi sẽ kiến nghị…
Chỉ một lát sau, mọi người đã quên ngay cái chân đau của Hưng, quay sang bàn những chuyện khác. Thoạt đầu là chuyện trung đoàn 4 đánh Thuần Mẫn rồi chuyển qua tranh cãi xem ta có đánh Buôn Ma Thuật không? Thoắt cái đã ngắt sang sang chuyện săn nai ở Gia Lai đầu mùa mưa năm ngoái, chuyện con voi của binh trạm bỗng nhiên nổi giận kéo đổ tất cả nhà cửa của binh trạm bộ rồi chạy vào rừng… Tóm lại, toàn là những chuyện không đầu không cuối. Họ cứ ồn ào tranh cãi như vậy cho đến khi trung đội trưởng Mánh đi hội ý về, hét um lên:
– Trời ơi! Vón cục cả lại với nhau thế này à? Chiều nay nó đã gõ vào đầu rồi đấy các bố ạ. Nó mà cho một quả xuống đây rồi lại khiêng nhau không kịp.
Lính tráng im bặt, ngơ ngác nhìn nhau rồi vỗi vã tìm đường lỉnh ngay. Anh trung đội trưởng “lắm điều” đứng nhìn các chiễn sỹ của mình rồi lắc đầu ca cẩm:
– Đến mệt vì cái đám cứng đầu cứng cổ này. Chuyện ở đâu mà lắm thế không biết. Sểnh ra một tí là y như rằng…

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder