Nhà văn Nguyễn Thi đã từng bày tỏ quan điểm cầm bút viết văn của mình: Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm lấy súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó… (1).
Nhắc đến Nguyễn Thi là người ta nghĩ về một người sống, chiến đấu, lao động hết mình và viết cũng hết mình. Ông là nhà văn sinh ra trước hết là để chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương đất nước và đồng bào mình. Những trang văn ông để lại cho đời là những gì mắt thấy, tai nghe trong cuộc chiến ấy, nên nó thường nóng hổi, mang hơi thở của cuộc sống thực trong những năm tháng cuộc chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ngày càng cam go hơn lúc nào hết.
Nhà văn Nguyễn Thi sinh ngày 15/5/1928, mất tháng 5/1968 với tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca và bút danh khác là Nguyễn Ngọc Tấn. Ông sinh ra ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Nhưng từ năm lên mười tuổi, ông đã phải mồ côi cha, mẹ đi bước nữa. Cuộc sống vất vưởng dường như là không cha, không mẹ ngay từ tấm bé đã đè nặng lên vai cậu bé Hoàng Ca. Năm 15 tuổi, 1943, Hoàng Ca đã theo người anh vào sống ở Sài Gòn, nhưng cũng không khá hơn. Năm 17 tuổi, 1945, chàng thanh niên Hoàng Ca đón chào Cách mạng tháng Tám như đến với một giấc mơ và ông đã tham gia đội Du kích Cảm tử mang tên vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình. Ít lâu sau, ông chuyển sang đơn vị chiến đấu. Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đơn vị ông đã chiến đấu ở nhiều tỉnh miền Đông và miến Tây Nam Bộ. Có lần còn truy kích địch sang tận Campuchia.Trong quân ngũ, Nguyễn Hoàng Ca vừa cầm súng chiến đấu, vừa hăng hái tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ như: vẽ tranh, soạn bài hát, sáng tác điệu múa, viết văn, làm thơ,…
Theo một tài liệu đã được công bố, chỉ riêng 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, từ khi tập kết, 1954, có 21.000 đảng viên ở lại bám trụ, nhưng tới phong trào Đồng khởi cuối năm 1960 chỉ còn gần 900 người. Xót xa nhất là ngày ông theo đơn vị lên tàu ra Bắc tập kết cũng là ngày vợ ông trở dạ sinh bé Thu Trang, nhưng lại là con của một người cùng hoạt động với bà, chứ không phải là con của Nguyễn Thi (!)
Tập kết ra Bắc, ở Tiểu đoàn 301, người chính trị viên trung đội trẻ tuổi Nguyễn Hoàng Ca tiếp tục làm thơ đăng báo Quân đội Nhân dân. Sau đấy ông về công tác tại Tạp chí Văn nghệ quân đội. Thời gian này ông viết truyện ngắn với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Nhà văn Nguyễn Thi là người đồng sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 5/1957. Ông thuộc thế hệ những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, sau đấy được bồi dưỡng thành lớp nhà văn quân đội đầu tiên cùng với những người như: Thanh Tịnh, Văn Phác, Chính Hữu, Vũ Cao, Từ Bích Hoàng, Hồ Phương, Hữu Mai, Nguyên Ngọc, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ, Nhị Ca, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Thu Bồn, Liên Nam,… Tên tuổi và tác phẩm của thế hệ nhà văn này đã làm nên một thời kỳ văn học sôi động, hừng hực khí thế chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Năm 1962, ông tình nguyện trở về miền Nam cầm súng đánh giặc và viết văn. Nguyễn Thi hi sinh ở mặt trận Sài Gòn, trong cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân năm 1968.
Từ cuộc sống cá nhân đầy bất hạnh, hoàn cảnh riêng rất éo le đã tạo nên một Nguyễn Thi giàu suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Ông gắn bó với nhân dân miền Nam bằng một tình cảm đặc biệt vừa thủy chung, vừa giàu ân nghĩa, nên ông muốn trút cả vào những trang viết của mình. Nhiều ý kiến cho rằng, Nguyễn Thi là một nhà văn của người nông dân Nam Bộ, những con người hồn nhiên, yêu đời, bộc trực, căm thù sục sôi quân cướp nước. Là cây bút có khả năng phân tích tâm lý con người một cách tinh tế, có khả năng thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật, ông đã tạo ra được những trang viết không chỉ giàu chất trữ tình, mà còn chất chứa hơi thở của cuộc sống thực. Những hình tượng nhân vật của ông đều là những người có tính cách gân guốc, có cá tính mãnh liệt.
Sau này đồng đội của ông kể lại rằng, khi vừa đang viết cuốn truyện lý về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, mang tên Ước mơ của đất lại vừa phải lo thường trực bài vở cho Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, nên ông không được tham gia Tổng tấn công Mậu Thân đợt một. Nhưng một người như Nguyễn Thi không thể cứ ngồi chờ đợi tin từ mặt trận, mà ông nhất quyết phải được mục sở thị cuộc Tổng tiến công ấy, để có thêm tư liệu sống cho những trang viết của mình sau này, thế là ông theo Tiểu đoàn 6 trong lần tiến quân vào Sài Gòn, đợt hai. Điều không may với ông là cuộc Tổng tiến công vào thời điểm ấy, địch đang quá mạnh, mà ta chưa chuẩn bị đầy đủ lực lượng, khí tài, chiến lược và chiến thuật, nên sự mất mát và hy sinh là không nhỏ. Trong một trận chiến đấu giằng co không cân sức, đơn vị bị thiệt hại nặng nề cả chỉ huy và chiến sĩ, Nguyễn Thi đã chủ động nhận quyền chỉ huy, tập họp chiến sĩ tổ chức đơn vị tiếp tục chiến đấu chống trả quân địch. Quả tên lửa quái ác từ trực chiếc thăng địch nhằm bắn thẳng vào, làm ông bị thương nặng. Trước khi lệnh cho những người còn lại rút lui ông đã nói rõ về mình và nhờ gửi về đơn vị cái bọc trong đấy có bản thảo của mấy cuốn sách còn đang viết dở.
Ngày ra đi vĩnh viễn của nhà văn Nguyễn Thi đến nay đã gần nửa thế kỷ, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, hiện chưa ai biết được một cách chắc chắn địa điểm ông hy sinh cũng như chính xác ông hy sinh vào ngày nào, chỉ biết là tháng 5/1968. Tại nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, trên ngôi mộ gió của ông có đề ngày hy sinh là 24/5/ 1968, nhưng nhiều người cho rằng đấy chỉ là một phỏng đoán.
Năm 2001 nhà văn Nguyễn Thi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật và danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng với nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Lê Anh Xuân, nhà văn Chu Cẩm Phong, Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.
*
Nguyễn Thi là người cầm bút viết văn khá sớm và viết nhiều thể loại khác nhau như: thơ, bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết,… Tập thơ Hương đồng nội viết năm 1950 và đã được tặng Giải thưởng Cửu Long vào năm 1952. Có lẽ Nguyễn Thi là trường hợp hy hữu cầm bút viết văn khi trình độ văn hóa mới hết bậc tiểu học. Nhưng do nỗ lực cá nhân, được rèn luyện trong môi trường quân đội, nên hai tập Trăng sáng (1960) và Đôi bạn (1962) của ông được đánh giá cao vào thời điểm ấy. Theo nhà lý luận, phê bình Ngô Thảo, sở dĩ chúng được chú ý: không chỉ bởi ngôn ngữ nghệ thuật, mà quan trọng hơn là vào những năm tháng Cách mạng còn đang phải tìm đường giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, người dân sống trong tâm trạng lo âu và chờ đợi, thì Nguyễn Ngọc Tấn đã phát hiện ra một chủ đề mới của văn học, đó là Lao động. Chỉ có lao động xây dựng miền Bắc vững mạnh mới làm cơ sở chắc chắn cho công cuộc giải phóng Miền Nam (2).
Các truyện ký về những người anh hùng và chiến sĩ thi đua có danh và vô danh của nhà văn Nguyễn Thi được in khá nhiều trong những năm chiến tranh và để lại dấu ấn trong lòng công chúng như Người mẹ Cầm súng, Những sự tích ở đất thép,… lại không nhiều. Bởi lẽ, sau khi ông hy sinh khoảng gần chục năm, 1978, đồng đội mới tập hợp chúng lại và in trong tập Truyện và ký – Nguyễn Thi, trong đó có nhiều cuốn đang viết dở như: Ở xã Trung Nghĩa, Cô gái đất Ba Dừa, Sen trong đồng, Ước mơ của đất.
Có thể nói một cách khách quan rằng đấy là những khám phá hào hứng và tràn đầy lạc quan của dòng văn chương Cách mạng miền Nam lúc bấy giờ về lòng yêu quê hương, đất nước, về tinh thần cách mạng của những người nông dân Nam Bộ hồn hậu, trung thực mưu trí, dũng cảm. Dù trong hoàn cảnh nào, nhất là những năm tháng cách mạng miền Nam rơi vào thoái trào, giữa muôn trùng vòng vây của một thế lực cầm quyền dưới sự trợ giúp đắc lực của Mỹ, đang phục hồi mạnh mẽ, nhưng nhà văn Nguyễn Thi vẫn giữ vẹn lòng tin son sắt vào lý tưởng cách mạng của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng. Ông đã không quản ngại nhận gian khổ, khó khăn và chấp nhận mọi hy sinh, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Trong sổ tay ghi chép, nhà văn Nguyễn Thi nói về mối quan tâm lớn lao của ông đối với đồng bào, đồng chí đã hy sinh vì cách mạng. Ông viết: Mai ngày giải phóng, đất nước thống nhất, công việc đầu tiên chưa phải là xây dựng những tượng đài ghi công to lớn mà là chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho những người dân đã hết lòng vì cách mạng những năm tháng này.
Sự nghiệp sáng tác văn chương của Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn I, từ Từ 1950 đến 1954, trước khi tập kết ra Bắc với bút danh Nguyễn Ngọc Tấn. Thời kỳ này ông làm thơ và viết truyện rồi cho in tập thơ Hương đồng nội, 1950. Tập thơ này gồm 20 bài là tiếng lòng của một chàng trai trẻ mới chập chững trên con đường đến với văn chương. Những quan sát, miêu tả của ông lúc này còn khá hồn nhiên, mang tính chất thể nghiệm, nên giá trị nghệ thuật chưa có là bao.
Thời kỳ này, truyện của Nguyễn Ngọc Tấn không có gì đặc sắc về đề tài, cách dựng chuyện, lối kể và văn phong thể hiện. Tính khái quát của tư tưởng chủ đề chưa cao, sự kiện được phản ánh còn rời rạc. Vì xuất phát điểm thấp, nên buổi đầu ông chưa đủ sức vẽ nên những bức tranh hoành tráng về dân tộc và kháng chiến. Tuy nhiên, những trang viết ban đầu ấy vẫn được mọi người đón nhận như những đứa con đầu đời đang tập những bước đi chập chững.
Giai đoạn II, từ 1954 – 1962 ông sống và viết ở miền Bắc. Hai tập truyện ngắn Trăng sáng, Ðôi bạn, mỗi tập gồm 07 truyện ngắn. Các mảng đề tài khá quen thuộc bấy giờ: tấm lòng Nam- Bắc trong chia cắt, tình nghĩa quân dân giữa đồng bào miền Bắc với bộ đội miền Nam đi tập kết, tội ác của Mỹ Ngụy và tinh thần hăng say lao động của người dân miền Bắc, tất cả vì đồng bào miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai Ngụy quân- Ngụy quyền, đã được ông quan tâm khai thác. Bắt đầu từ đây ông sống và sáng tác trong một môi trường mới, miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương lớn của miền Nam thành đồng.
Giai đoạn III, từ 1963 đến 1968, ông quay lại chiến trường miền Nam, sống và sáng tác, với bút danh Nguyễn Thi. Những tác phẩm tiêu biểu của ông tập trung vào các thể loại: ký, truyện ngắn, truyện ký, tiểu thuyết và được tập hợp trong tập Truyện và ký Nguyễn Thi. Ở thời kỳ này, ông đặc biệt chú ý đến việc khai thác và thể hiện nội tâm nhân vật với nhiều chi tiết có ý nghĩa tự truyện. Hiện thực được phản ánh trong các tác phẩm ở giai đoạn này chủ yếu là hiện thực tâm hồn, chân thực, gần gũi với công chúng, nhất là với người dân Nam Bộ. Văn phong của ông giàu chất trữ tình, ít hành động, sự việc hơn so với thời kỳ trước đây. Sự kết hợp những hình ảnh so sánh thông minh, độc đáo đã tạo nên những hứng thú thẩm mỹ bất ngờ đối với công chúng yêu thích văn chương của ông: Sự nóng ruột giấu ở trong đôi mắt đảo lia đảo lịa của cô tưởng có thể tóm ra mà đặt xuống bàn được (Một chuyến về phép); Tin ấy như con rắn luồn từ ngõ này sang ngách khác (Về Nam).
Dù chưa thể nói văn chương của Nguyễn Thi đã phản ánh một cách thật sự đầy đủ hiện thực cuộc sống chiến đấu gian khổ của đồng bào miền Nam thời kỳ ấy với tầm độ khái quát cao, nhưng những truyện ngắn của ông đã cho thấy những dấu hiệu tốt đẹp của một tài năng đầy triển vọng, phác thảo nên những nét cơ bản đã định hình về một phong cách nghệ thuật đang độ sung sức. Phong cách ấy sẽ được hoàn thiện và khẳng định trong thực tế chiến đấu ác liệt ở miền Nam, thực tế sáng tác những năm về sau.
Người mẹ cầm súng, Uớc mơ của đất là những truyện ký khá tiêu biểu của Nguyễn Thi viết về gia đình người nữ anh hùng Út tịch. Đối với Người mẹ cầm sung, một tác phẩm được Hội đồng Văn học nghệ thuật của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam tặng giải thưởng văn học Nguyễn Ðình Chiểu năm 1960-1965. Tác phẩm này của nhà văn Nguyễn Thi đã phần nào lý giải được mối quan hệ giữa tư cách công dân, hoạt động xã hội với tư cách cá nhân người phụ nữ, làm vợ, làm mẹ trong gia đình. Tiêu đề của truyện ký này đã toát lên ý đồ nghệ thuật của tác giả: Người mẹ cầm súng. Mặt khác nhà văn muốn lý giải nguồn gốc và quá trình phát triển hợp lý những tính cách tạo nên người anh hùng theo hướng từ tự phát đến tự giác. Những điều đó được gói gọn trong việc miêu tả tính cách Nam bộ thông qua nhân vật chị Út tịch. Sự mãnh liệt gần với bản năng tự nhiên của con người được lộ qua những hoàn cảnh trớ trêu, những việc làm táo bạo và những câu nói rất Nam Bộ của chị Út như ném ớt bột vào mặt con gái địa chủ, trèo lên ngọn dừa cao đái xuống; những câu nói nổi tiếng như: còn cái lai quần cũng đánh, đánh Tây sướng bằng tiên chứ cực gì,… chỉ có thể là một thứ đặc sản mang thương hiệu Út tịch mà thôi.
Dù chưa kịp hoàn thành trước lúc hy sinh, nhưng Ước mơ của đất là một truyện ký viết về cuộc đời người nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, đã được nhà văn dày công đầu tư chăm bẳm nó. Tác phẩm dù chỉ mới ở dạng bản phác thảo nhưng vẫn được công chúng đón nhận và đánh giá cao. Nếu như ông không bị số phận run rủi cướp đi sinh mạng và có thời gian hoàn thiện, thì chắc chắn đây cũng sẽ là truyện ký thứ hai viết về những người nữ anh hùng của cách mạng miền Nam thuộc diện hay nhất nhì.
Với một gia tài văn chương mà ở tuổi 40 nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi đã
để lại cho đời, dù không quá độ sộ, nhưng cũng đủ để cho thấy một phong cách văn chương mang đậm chất riêng ông. Những trang viết ấy đã góp phần xứng đáng vào diễn trình văn học cách mạng miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc ta cách đây gần 40 năm về trước./.
Đỗ Ngọc Yên