Việc dạy – học văn trong nhà trường đã được nhiều thầy giáo, nhiều nhà văn và nhà giáo dục bàn bạc nhiều năm, nhưng cho đến nay thì vấn đề vẫn như là thời sự, vẫn đang sốt dẻo. Trong công cuộc đổi mới về phương pháp giảng dạy trong nhà trường thì môn Văn đang có những điều bất cập. Trong bài viết này chúng tôi thử tìm hiểu vấn đề dưới góc độ xem xét các ý kiến của các nhà văn- chủ thể sáng tạo nên các tác phẩm mà thầy giáo và học sinh tiếp cận (dạy- học), lọc ra những vấn đề hữu dụng cho việc nâng cao chất lượng bộ môn này.
1. Tại sao học sinh kém hứng thú học văn?
Chúng ta thấy có khá nhiều giờ văn tính tư tưởng ( chính trị ) lấn át tính thẩm mỹ, thầy giáo cố gắng khai thác những nội dung xã hội trong bài văn cho kỳ được để thỏa mãn các yêu cầu mà “biểu điểm” đánh giá đưa ra, còn cái tiêu chí “ cho rằng sức mạnh văn chương nói gì thì nói, vẫn cứ nằm nơi con tim. Dạy cho học sinh biết rung động trước những áng văn chương là cần hơn là dạy cho học sinh các thao tác“ tam đoạn luận”,“bắc cầu”vv… (Vũ Xuân Túc – Ngữ văn nó cứ rối tung lên – VNTrẻ số 49 ), thì hầu như chưa thật chú ý đúng mức!
– Nhiều giáo viên vẫn cho rằng trong môn Văn nội dung là cái quan trọng, hình thức là phụ, là cái vỏ, cái thuyền để chở nội dung nên khai thác càng nhiều nội dung tư tưởng càng đạt. Thực ra, trong văn chương, nghệ thuật, nội dung và hình thức là hai mặt của một tờ giấy, không cái này thì cũng không cái kia, hình tượng văn chương là một chỉnh thể thẩm mỹ, nó không thể “tách rời”, cũng không thể bị “cắt khúc” một cách cơ học làm mất đi tính biểu cảm- một đặc trưng cơ bản của nghệ thuật- cái điều khiến độc giả khoái trá thích thú.
Nhà văn Tô Hoài nói về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức trong việc giảng văn và hậu quả tạo nên “ tình trạng kém hứng thú học văn” của học sinh hiện nay :
“…Trong một sáng tác hình thức và nội dung, cũng ví như da thịt( hình thức) và máu xương (nội dung). Hình thức và nội dung không phải như cái áo cái mũ có thể cởi ra mặc vào thân thể lúc nào cũng được. Sự liên quan giữa nội dung và hình thức một bài văn là sự liên quan của máu thịt với thân thể con người. Không phân tích được như thế, riêng về giảng dạy, không gây được những hiểu biết vô cùng cần thiết về nội dung câu văn, lời văn. Thiếu sót đó cũng một phần nào làm cho đối tượng học sinh ta hiện nay có tình trạng kém hứng thú học văn.” (Tô Hoài– Biết và hiểu trong phê bình và sáng tác-Văn nghệ 1-1 -2011)
Ông còn chỉ ra cụ thể: nội dung (máu xương), hình thức (da thịt), không thể tách rời. Phân tích hình thức không thể “sơ sài, qua loa, khập khiểng”, phải chú ý đến “vật liệu kiến trúc nội dung ấy”, đó là “nghệ thuật kể chuyện, cấu tạo nhân vật, đặc biệt là ngôn ngữ”, sau nữa tìm hiểu “ cốt cách văn phong”, xem tất cả liên quan nội dung, thể hiện nội dung ra sao. Trong phân tích của mình ông cho rằng giờ Văn hoặc đã tách rời hai yếu tố nội dung và hình thức một tác phẩm làm mất vẻ đẹp của văn chương hoặc chỉ dừng lại việc khen chê chung chung ít đi sâu “mổ xẻ cốt cách văn phong”, giờ văn ít thành công là vì vậy! ( bài đã dẫn)
– Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng, cách dạy văn của Việt Nam còn nhiều bất cập khi bắt hàng triệu người hiểu như nhau về một tác phẩm: “Ngay cả triệu viên gạch cùng được làm ra từ một khuôn cũng khác nhau huống chi một triệu con người… Một đứa trẻ ở nông thôn đọc Chí Phèo chắc chắn sẽ có những cảm nhận khác với một đứa trẻ ở thành phố. Làm sao giống nhau được! Vậy mà một tác phẩm văn chương bắt người ta hiểu giống nhau bằng cách ra những đáp án. Đó là một sự xúc phạm với tác giả nói riêng và sáng tạo nói chung!” ( Tạ Duy Anh– Cách dạy văn đang lạc hậu bậc nhất thế giới – Thể thao Văn hoá Chủ Nhật, 17/05/2009 – Yên Khương ghi)
Trong nhà trường không có bộ môn nào tối kỵ lối suy nghĩ và thực hành kiểu “lập trình hoá” theo đáp án chi tiết sẵn như Môn Văn, vì nó là môn học của trái tim, cái vui , cái buồn của nó rất uyển ảo.
– Nhà văn Nguyên Ngọc khái quát từ môn Văn đến các môn xã hội khác :
“…Nói trắng ra, hiện nay người ta chán, ghét học văn, học sử, là vì dạy văn thì có thật sự dạy văn đâu mà là dùng văn để dạy chính trị chủ yếu để dạy chính tri. Sử cũng hoàn toàn như vậy, không hề khác.”
( Nguyên Ngọc– Học Sử để biết làm người- Xưa và Nay – số 385- 08- 2011)
2. Về mối quan hệ thầy giáo và học sinh trong giờ văn:
Môn Văn với việc giải mã văn bản nghệ thuât, khám phá ý nghĩa cuộc sống .Đây là hai vấn đề liên quan nhưng có nhiều cách lý giải khác nhau về giờ văn trong nhà trường phổ thông. Chúng ta đều biết tiếp cận tác phẩm văn chương ở ngoài đời cũng như trong nhà trường là nhằm khám phá ý nghĩa cuộc sống đằng sau các hình tượng nghệ thuật.Và muốn khám phá được tốt ý nghĩa đó thì phải biết cách giải mã các hình tượng nghệ thuật nhiều khi khá “ bí ẩn ”. Đây là mối liên quan giữa hai phạm trù cái và cách mà ta thường gặp trong nhiều hiện tượng đời sống chứ không riêng gì nghệ thuật, văn chương. Hai phạm trù này có liên quan mật thiết nhưng lại không đồng nhất, nên xem là hai phương diện độc lập. Việc đọc văn ngoài đời và việc học văn trong nhà trường có cái giống và cái khác nhau. Giống là ở chỗ đều nhằm khám phá ý nghĩa cuộc sống rút ra những bài học bổ ích, nhưng khác ở chỗ, một đằng con người đủ trí khôn để tự tìm ra ý nghĩa, một đằng còn phải được hướng dẫn, trợ giúp để tìm ra kho châu báu đó. Bất cứ một thầy giáo có kinh nghiệm nào cũng hiểu rằng, tác phẩm đem dạy đều nhằm giúp các em khám phá ý nghĩa cuộc sống trong đó, tuy nhiên có những ý nghĩa dễ tiếp cận, nhưng cũng có những ý nghĩa mới mẻ, sâu kín khó khám phá, nhưng chính cái loại ý nghĩa thứ hai này mới làm thầy giáo và học sinh thích thú . Một nhân vật của M. Goocki đã từng nói : Dạy Văn thích vì luôn được tiếp cận cái mới và nói cái mới cho người khác nghe!
Chúng tôi rất đồng tình với cái phương pháp dạy văn “đọc – hiểu” mà GS Trần Đình Sử nêu lên, chúng tôi chỉ muốn lưu ý, trên cơ sở cho các em “đọc” tác phẩm để có cái sự “hiểu”, cần quán triệt thêm : Trong giờ văn, giúp HS giải mã ý nghĩa tác phẩm loại thứ nhất – loại dễ hiếu, thầy giáo nêu vấn đề đối thoại dắt dẫn cho HS tự tiếp cận tìm ra ý nghĩa; loại ý nghĩa thứ hai khá sâu kín với vốn sống của các em thì những câu trả lời thường vụn vặt hời hợt, thầy giáo cần kết hợp trực tiếp giảng bình nâng cao “ tầm đón nhận” cho các em. Không nên xem những học sinh chập chững trước cuộc đời cũng có tư thế như những độc giả tràn trề kinh nghiệm sống, tự mình chiêm nghiệm được các bí ẩn của hình tượng văn chương, dẫu đều tiếp cận tác phẩm với tư cách “đồng sáng tạo”! Vả lại khi thầy giảng bình những đoạn văn giàu suy cảm, trò chỉ ngồi nghe, xúc động, ghi vài ý chính nhưng các liên tưởng, so sánh, những độc thoại nội tâm luôn nảy sinh, trí óc làm việc nhiều , “ngộ” ra nhiều điều thú vị. Chính những lúc đó người thầy gián tiếp giúp các em biết cách thức tìm tòi, biết phương pháp để đi đến hiệu quả,“biết cách giải mã hình tượng nghệ thuật” chứ không phải chỉ những lúc thầy trực tiếp gợi ý, nêu câu hỏi đàm thoại mới thực hiện phương pháp tiếp cận tác phẩm.
Giờ Văn trong nhà trường có “mục tiêu kép”, khác lối đọc văn thông thường, nó giúp học sinh vừa tìm ra cái ý nghĩa cuộc sống đằng sau các con chữ, vừa biết cách thức tìm ra ý nghĩa đó. Tuy nhiên theo ý chúng tôi, môn Văn trong nhà trường phổ thông mục tiêu thứ nhất, khám phá ý nghĩa cuộc sống vẫn là chính yếu, góp phần hình thành nhân cách con người hiện đại, nó sát hợp với mục tiêu đào tạo của nhà trường phổ thông! Nói về mối quan hệ thầy giáo và học sinh trong giờ văn, xin được nhắc lại một ý kiến rất đáng để cho chúng ta suy nghĩ, ý kiến của nhà văn Ma Văn Kháng – một người rất am hiểu về giáo dục:
“ Lâu nay khi nói về đào tạo nhân tài, theo như tôi hiểu các nhà giáo dục cách tân thường nhấn mạnh quá đáng đến việc phải phát huy tích cực tính của học sinh. Tôi nghi ngờ điều này. Trước sau tôi vẫn đinh ninh: tất cả từ ông thầy[…] tình yêu văn chương và năng lực cảm thụ nó, sáng tạo nó là cả một quá trình hình thành và được thầy vun xới .” (Ma Văn Kháng– Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương- Hồi ký- NXB Hội Nhà Văn- Hà Nội 2009, tr43 )
Vấn đề không là ở chỗ bao nhiêu em tham gia phát biểu, bao nhiêu thời gian học sinh xử dụng trong giờ Văn, mà cái cốt lõi là ở chỗ học sinh đã tiếp cận tác phẩm, chiếm lĩnh được bao nhiêu nội dung ý nghĩa. Với bao nhiêu cách tân của phương pháp người giáo viên có năng lực đem xử dụng cũng chỉ nhằm giúp học sinh tiếp cận tác phẩm, nâng cao “tầm đón nhận” tự phát, để sau giờ học trở thành “một người khác” lớn khôn hơn một ít. Tất cả ý nghĩa của mô thức Dạy- Học văn mà chúng tôi quan niệm được sáng tỏ hơn khi tiếp cận ý kiến nhà văn Ma Văn Kháng.
3- Việc tuyển chọn các tác phẩm văn học đưa vào Sách Giaó Khoa:
Nhà văn Tạ Duy Anh trong một lần trò chuyện trên báo Thể thao Văn hoá có cho rằng
“… Sách Giáo Khoa hiện nay đã khắc phục được một vài nhược điểm, đang có xu hướng cho trẻ con tiếp cận với những giá trị mang tính nhân bản hơn và đã tiến gần hơn tới cái bản chất giáo dục- giáo dục về lòng thiện cho con người- đặt cơ sở để từ đó làm nảy sinh những tình cảm tốt đẹp hơn.”( bài đã dẫn ) Tuy nhiên nhà văn cũng lưu ý cần chọn tốt hơn nữa những tác phẩm“đi đúng vào nhịp tâm hồn, tình cảm và khao khát của tâm hòn trẻ thơ”-đặc biệt ở bậc tiểu học, cần bớt đi các bài văn “khô cứng,áp đặt”, nặng tính chất xã hội giáo huấn.
Trong cuộc hội thảo về sách tháng 03-2008 tại thành phố HCM, nhà văn Dạ Ngân có đưa một nhận xét đáng để chúng ta lưu ý, bà cho rằng tác phẩm chọn dạy trong nhà trường yếu về tính thẩm mỹ làm học sinh không thích học văn, cảm xúc này kéo dài cho đến sau này khi ra khỏi trường, sở thích đọc sách không có! Liên hệ chương trình SGK hiện nay với các sách giáo khoa ngày xưa( kiểu Quốc văn giáo khoa thư), thấy các sách cũ tuy có nhiều hạn chế về mặt này mặt khác nhưng sao có nhiều bài học xong nó cứ theo ta mãi suốt cuộc đời. Chưa hẳn là do các thao tác giảng văn mà chính hình tượng văn chương trong các bài được chọn giàu tính thẩm mỹ, thích hợp lứa tuổi nên nó ăn sâu, đậu lâu bền trong tầm hồn trẻ.
Ngoài việc chọn tác phẩm thích hợp lứa tuổi, cần chọn các “tác phẩm hay”.
“…Văn chương không thiếu tác phẩm hay để đưa vào SGK. Bao giờ dám đưa những tác phẩm, chẳng hạn một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, tác phẩm của Bảo Ninh… vào SGK dạy một cách đàng hoàng. […] đúng là có những tác phẩm rất hay, đáng in vào SGK đã, đang bị bỏ quên”. ( Tạ Duy Anh, bài đã dẫn )
Chọn như thế nào còn chờ tham bác ý kiến các nhà lý luận, các thầy giáo, các nhà soạn sách, nhưng căn bản ý kiến của ông có những nhân tố hợp lý vì HS cuối cấp rất nhiều em sẽ bước vào đời hoặc học sang các ngành khoa học tự nhiên khác mà không biết đến các tác phẩm nổi tiếng thì cũng thiệt thòi cho các em.
SGK không chỉ không đáp ứng tình cảm thẩm mỹ của lứa tuổi mà còn cần thể hiện đầy đủ diện mạo văn học nước nhà, có những khoảng trống cần bổ sung. Nhà thơ Mai Văn Phấn cùng nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng có ý kiến trao đồi vấn đề này: “…các tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn xuất hiện sau 1975 cần có mặt trong SGK, nhằm phản ánh trung thưc đời sống tinh thần dân tộc trong giai đoạn lịch sử nhất định.”để tránh tình trạng “…người học sau khi rời ghế nhà trường vẫn thấy khoảng trống mơ hồ nào đấy chưa được bù đắp”( Nguyễn Quang Thiều ghi lại- Báo Văn Nghệ 01- 2004)
Cuối bài viết này chúng tôi muốn giới thiệu thêm ý kiến tác giả Nguyễn Hoà- một nhà văn Thành phố HCM khi ông bàn về nội dung SGK:
“… Nếu bộ môn văn, bỏ quên văn học miền Nam trước 1975 và văn học hải ngoại là một thiếu sót lớn, cũng như bộ môn văn sẽ què quặt, chúng ta phải hiểu thật đúng đắn như vậy, khi chúng ta đúng là người VN và chúng ta không phải là người China.”
Ý kiến này các tác giả khác cũng đã nhiều lần nhắc đến như Vương Trí Nhàn, Phạm Xuân Nguyên, Lại Nguyên Ân… Có nhiều nhân tố hợp lý, thiết nghĩ nếu biết chọn lọc nó chỉ làm giàu thêm bộ phận văn học viết bằng tiếng Việt trong đại gia đình văn chương Thế giới, trong lâu dài cũng rất hữu ích về biên soạn chương trình Tiếng Việt ở nhà trường người Việt khắp hoàn cầu ./.
H.Q.
Nguồn: vanhoanghean.vn