
Nhàn là người cuối cùng rời khỏi ốp. Ôm con xuống cầu thang, nàng mới thấy hết cảnh hoang tàn của cuộc chạy loạn. Người ta chỉ kịp mang đi những gì đáng tiền lớn. Bếp điện, xoong nồi, bát đĩa vất ngổn ngang. Đám dân mấy phố xung quanh kéo đến hôi của, mặt mày hể hả…
Nhàn là người cuối cùng rời khỏi ốp. Ôm con xuống cầu thang, nàng mới thấy hết cảnh hoang tàn của cuộc chạy loạn. Người ta chỉ kịp mang đi những gì đáng tiền lớn. Bếp điện, xoong nồi, bát đĩa vất ngổn ngang. Đám dân mấy phố xung quanh kéo đến hôi của, mặt mày hể hả.Ốp “Búa liềm mới” được lệnh phải giải tán trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Tin sét đánh làm cả cộng đồng người Việt trong ốp (Ký túc xá) bàng hoàng, choáng váng.
Nửa phút sau, nổ bùng cơn ồn ào, nhốn nháo.
Biết sơ tán đi đâu số hàng hóa trong thời hạn ngắn như vậy? Lại còn chỗ ăn chỗ ở? Người ta chửi Ban quản trị: “Đồ lừa đảo! Hợp đồng với tây đã hết, không báo trước cho bà con, để cố thu thêm một tháng tiền nhà…”
Chủ tịch Hội đồng quản trị, mặt tái mét, phân bua: “Bà con thông cảm. Chúng tôi cứ nghĩ rằng sẽ đàm phán được để gia hạn hợp đồng…”
Tâm thần hoảng loạn, Nhàn ôm con ngồi khóc. Toàn thân run lẩy bẩy, nàng không biết làm gì. Ngay cả việc chạy ra takxophol – máy điện thoại công cộng – ngoài hành lang gọi điện cho mấy đứa bạn đến giúp, nàng cũng không đủ sức. Nhà người ta có vợ có chồng, hoặc có bồ, cơn hoảng loạn qua nhanh, xúm nhau vào đóng gói hàng hóa. Đằng này Nhàn chỉ có mỗi một mình, lại còn đứa con sáu tháng xanh như tàu lá đang khóc ngằn ngặt trên tay. Cả ốp năm tầng mấy trăm phòng, hàng nghìn con người sống trong đó, lại chất đầy hàng hóa. Đứa bé sinh ra trong cái ốp thiếu dưỡng khí, làm sao khỏe mạnh.
Nhàn chẳng thể nhờ ai được. Trong lúc hoảng loạn, người ta phải lo thân trước đã. Chẳng ai có thời giờ nghĩ trên đời này có một cô Nhàn.
Tâm thần dần hồi tỉnh, Nhàn bế con chạy đi gọi điện. Hành lang rầm rập người vác hàng hoá. Họ huých mẹ con Nhàn suýt ngã. Ồn quá, Nhàn phải hét to vào máy.
Mấy đứa bạn của Nhàn đang bán hàng ở “Xalút-1” tức tốc đến ngay. Thấy Nhàn khóc, chúng nó bật cười:
– Tưởng nhiều nhặn gì, có mấy bịch áo gió brắc (1) của mày, một chuyến xe là hết. Nhặt mấy bộ quần áo của mày và nhóc ấn đại vào bao tải đi. Chúng tao vác hàng xuống trước!
Nhàn là người cuối cùng rời khỏi ốp. Ôm con xuống cầu thang, nàng mới thấy hết cảnh hoang tàn của cuộc chạy loạn. Người ta chỉ kịp mang đi những gì đáng tiền lớn. Bếp điện, xoong nồi, bát đĩa vất ngổn ngang. Đám dân mấy phố xung quanh kéo đến hôi của, mặt mày hể hả.
Được bạn bè đùm bọc trong cơn hoạn nạn, Nhàn cũng không vui lên được.
Cái Hoa, đứa bạn cùng làm với Nhàn ở nhà máy dưới Egorepxk ngày còn hợp tác lao động, cho mẹ con nàng ở tạm. Căn phòng chỉ vẻn vẹn có mười lăm mét vuông. Nửa gian ngoài chất đầy hàng hóa. Nửa gian trong kê được hai cái giường. Chẳng có riđô, cũng chẳng có màn. Ở Nga không có muỗi, chẳng thấy người ta bán màn bao giờ. Tối, cái Hoa ôm bồ ngủ. Bên này, con Nhàn khóc u ơ. Nhàn không dám ru. Tủi thân, Nhàn chỉ dám khóc thầm.
Con bạn của Nhàn thật vô tư. Nó đã gần ba mươi, có chồng, một con ở nhà. Bồ của nó là trai tân, sang Nga theo đường “du lịch”. Hoa bảo với Nhàn:
– Thằng chồng tao ở nhà nó biết rồi, dọa bỏ. Chuyến về phép vừa rồi, tao dán vào miệng nó mấy trăm đô. Lại đặt vào đít nó cái xe máy, im re. Cả đời nó đã bao giờ nhìn thấy tờ đô, đạp cái xe tòng tọc luôn tuột xích. Mấy lão bạn chồng tao đến chơi nói khích: “Có vợ mà cho đi tây, như cúp không khóa để ngay Bờ Hồ”. Tao đốp lại ngay: “Có vợ mà cho đi tây. Vừa được cả cúp, được ngay cả bồ”. Thằng Đại bồ tao bây giờ thật dở hơi. Nó mới chưa đầy hai mươi tuổi, bị bọn trong ốp trêu “Phi công trẻ lái máy bay bà già”, mà vẫn cứ đòi tao bỏ chồng để lấy nó. Dại gì mà tao lấy trẻ ranh. Được cái nó khỏe, hàng ngày cửu vạn cho tao. Kiếm được vài “buộc” (2) là tao phới.
Nhàn lại khác. Nàng là gái chưa chồng. Hồi còn làm công nhân ở Egorepxk, Nhàn được Sở yêu. Ai cũng bảo Nhàn may mắn. Nhà máy hàng trăm công nhân nữ. Thành phố của Nhàn lại là thành phố cấm. Các bạn trai ở xa đến chơi phải có vida mới được phép ở lại vài ngày. Nhàn có nhan sắc, nên mới may mắn được yêu là vì thế.
Sở làm ở nhà máy ô tô Zil ở trên Mát. Rồi Sở đi “bộ đội”. “Bộ đội” là từ dân Cộng ta chỉ những người bỏ việc nhà máy, hoặc hết hợp đồng lao động, tự ở lại đi buôn. Những năm tám chín, chín mươi, ai đã đi “bộ đội” thường bị mọi người tẩy chay, không chứa chấp, phải sống chui lủi. Nhàn thương tình, đón Sở về. Nhà máy có lệ cấm không cho nam giới ngủ lại, Nhàn dùng dây thừng thòng từ tầng hai xuống cho Sở trèo lên. Chị em trong ốp cũng nhiều người làm vậy. Mấy trăm con người đang hơ hớ tuổi yêu đương, cấm đoán sao nổi.
Vì sống bất hợp pháp, Sở thường ru rú trong phòng. Nhàn phải nuôi Sở. Sở rủ Nhàn lên Matxcơva. Ở thủ đô gần chục triệu dân, sống dễ lọt hơn cái thành phố mắt muỗi này. Mọi người gọi tắt là Egorep, rồi chệch đi thành “Eo ôi khiếp”. Có người lạ đến là cán bộ nhà máy, rồi công an biết ngay. Có lần công an đến kiểm tra, Sở nhảy vào ngồi trong cái nồi quân dụng năm chục lít, Nhàn lấy cái nồi khác chụp lên. Không hiểu lúc ấy Sở ngồi thế nào mà cũng lọt.
Nhà máy của Nhàn cũng vừa hết hạn hợp đồng. Mọi người được nhà máy mua vé cho về nước. Nhàn bỏ vé máy bay, theo Sở lên Matxcơva. Vay mượn bạn bè, hai người thuê một phòng ở “Búa liềm mới” để bán hàng. Đứa con ra đời trong cái phòng chật chội ấy.
Lưng vốn được khoảng vài chục tờ, Sở về nước báo cáo với bố mẹ hai bên để làm giấy tờ kết hôn chính thức, tiện thể đánh áo gió, áo “phông rết” từ nhà sang. Hàng Việt Nam lúc này đang được giá. Lo được đủ “giấy tờ” về phép, Sở cầm toàn bộ vốn liếng về, dặn Nhàn bán nốt mấy bịch áo gió rồi nghỉ ngơi, đợi Sở sang. Sở về được hai tuần thì “Búa liềm mới” sập.
Biết tin Sở về nhà đã lấy vợ, không sang nữa, Nhàn còn rụng rời hơn cả khi nghe tin ốp “Búa liềm mới” giải tán.
Nhưng nàng không khóc, chỉ bật ra được một câu: “Đồ khốn nạn!”
Không thể để bạn nuôi báo cô mãi, mặc dù nó rất tốt bụng, Nhàn đi khắp năm tầng “Xalut-1” nhặt vỏ chai bia. Lưng địu con, tay đẩy xe vỏ chai, Nhàn đem bán cho cửa hàng. Cái Hoa cho Nhàn ít vốn. Nhàn mua bia, thuốc lá về giao cho các cửa hàng bán đồ khô. Mỗi một thùng bia, tút thuốc lãi được dăm ba rúp. Người ta thương tình nhận cho Nhàn, chứ cánh đánh bia chuyên nghiệp họ ra tận chợ “ốp-tôm” (3) chở bằng xe tải về giao, Nhàn cạnh tranh sao nổi. Cái Hoa bảo tiền bán vỏ chai, bán bia, thuốc, Nhàn cất làm vốn. Tiền ăn hàng ngày, Hoa bao tất.
Nhàn căm thù cánh đàn ông. Trước những lời ve vãn ong bướm, Nhàn trừng mắt khinh bỉ. Bọn họ thường nghĩ, đàn bà đã lầm lỡ một lần, chắc cũng chẳng gìn giữ gì nữa. Có người lúc rượu bốc lên, nói huỵch toẹt: “Tiện thì làm. Buông vài lời bỡn cợt, cô nào dễ thì chơi. Ai hơi đâu mà mất công tán tỉnh. Thời buổi đánh quả, thì giờ là vàng bạc. Gái tây hôm nào chẳng lượn lờ trong ốp, xì tiền ra là nhanh nhất. Điều hòa âm dương là chính. Yêu iếc quái gì!”… Chưa nghe hết câu, Nhàn nhổ nước bọt quay đi.
Căm ghét đàn ông, nhưng nhiều đêm trong Nhàn cứ cồn cào nỗi khát thèm nhục thể. Khuya, bên kia giường cứ thỉnh thoảng kêu cọt kẹt. Cái Hoa ý tứ, cố giữ gìn, nhưng thỉnh thoảng không kìm được, bật ra tiếng rên khe khẽ. Thằng Đại, bồ của nó, đang tuổi hai mươi, cả đêm sùng sục như trâu húc mả.
– Nhè nhẹ thôi, kẻo cái Nhàn thức giấc. – Tiếng cái Hoa thì thào.
– Kệ nó! Nhà mình chứ có nhà nó đâu mà sợ. – Đại cười khùng khục trong chăn.
Nhàn đưa ngón tay lên miệng, cắn đến tím bầm.
Cái Hoa đã đặt mua vé máy bay.
– Tao phải về thôi mày ạ. Thằng chồng tao đang dọa bán nhà. Tiền của mấy năm lao động, buôn bán bên này dồn cả vào mới xây được căn nhà. Lúc xây lại đứng tên hắn. Tao phải về để giữ, không thì trắng tay.
– Mày về tao ở với ai? – Nhàn khóc.
– Thì tao bàn giao thằng Đại cho mày. – Hoa nói tỉnh queo. – Cửa hàng sẵn có rồi. Nó khỏe mạnh, xốc vác, mày có thể dựa vào nó được. Kiếm ít tiền dắt lưng làm vốn, sau này về nước còn có cái lều chui ra chui vào chứ.
– Chịu thôi, ai lại thế. – Nhàn giãy nảy. – Nó là bồ của mày cơ mà. Tao sợ đàn ông lắm rồi.
Hoa phì cười:
– Bồ chớ có phải chồng đâu mà tao giữ. Sợ gì bọn đàn ông. Phải dắt mũi chúng nó chứ. Nếu mày không ưng thằng Đại, thì chọn thằng nào là “soái”, chỉ phải ở nhà lo cơm nước cho nó. Mày đẹp, tao thấy mấy thằng cứ liếc mày hoài. Cho chúng nó vào tròng đi. Chỉ có điều, đừng để có bầu.
Nhàn là con gái nhà lành. Một lần lầm lỡ, nàng chẳng dám về quê. Không thể gặp bố mẹ họ hàng với một đứa con không bố.
Ngay trong đêm đầu tiên sau khi Hoa về nước, Đại đã mò vào giường Nhàn.
Hoảng hốt, Nhàn choàng dậy.
– Việc gì Nhàn phải sợ. Tội gì phải chịu cảnh hai người cô đơn nằm một phòng lạnh lẽo. Sống với tôi, Nhàn sẽ có tiền nuôi con. Nhàn giúp tôi bán hàng, lãi chia đôi.
– Không, không! – Nhàn run rẩy ôm chặt con vào lòng. – Tôi không thể! Đàn ông các anh…
– Tùy nhàn. – Đại thở dài. – Tôi không thể sống thiếu đàn bà. Rồi tôi cũng phải rủ người khác đến ở thôi. Không biết lúc ấy họ có chịu để cho Nhàn ở chung phòng nữa không?
Những đêm sau, Nhàn đặt đứa con nằm ngoài che chắn. Thỉnh thoảng nàng giật mình tỉnh giấc, ôm chặt lấy con, sợ nó rơi xuống đất. Nàng không thể đi đâu được. Không còn ai thân thích đến mức cho ở nhờ như cái Hoa. Đại cũng chưa rủ ai về ở cùng, cũng chưa đuổi mẹ con Nhàn. Vốn tiếng Nga của anh chàng “du lịch” mới được một năm còn ú ớ, Đại vẫn cần có Nhàn bán hàng giúp hàng ngày. Nhàn đẹp, lại có duyên bán hàng, khách lúc nào cũng đông.
Điều không thể tránh khỏi đã xảy ra.
Cái thai trong bụng Nhàn lớn dần. Đại ép nàng đi bệnh viện. Nhàn sợ. Nhàn muốn giữ đứa con. Đứa con sẽ cột chặt Đại với mình.
“Xalút -1” tan. Đại và Nhàn chạy về ốp “Xokol”.
Gần đến ngày Nhàn sinh nở, Đại bỏ đi không một lời từ biệt. Sáng ra, Nhàn thấy trên bàn có mấy trăm ngàn.
* * *
Đang giữa đêm khuya, một người đàn ông đập cửa phòng thường trực của Ban quản trị ốp Xokol:
– Anh Tuyền ơi! Vợ tôi đau đẻ, nhờ anh gọi điện cho bệnh viện đưa xe tới đón giúp tôi với.
Bồng đứa con nhỏ trên tay, nước mắt Nhàn lã chã. Không biết thằng lớn mấy hôm nay ở nhà ăn uống ra sao. Mấy người phòng bên trước lúc nàng đi viện đã nhận trông giúp hộ. Ốp mới dựng, toàn người tứ xứ, không có ai là người thân thích. Họ trông giúp con mình là tốt lắm rồi. Ngày mai đã đến hạn nộp tiền thuê nhà. Trong túi một xu chẳng có…
Gặp Thiện, người đàn ông đập cửa nhờ gọi giúp điện thoại hôm nọ, Tuyền hỏi: – Thế nào, vợ anh đẻ con trai hay con gái?
Thiện lắc đầu thở dài:
– Thấy cô ấy trở dạ một thân một mình, tôi nhận là vợ để các anh gọi giúp, chứ tôi đã vợ con gì đâu.
(Matxcơva 15/6/96 – 14/1/97)
Chú thích:
1. Brắc: Hàng bị hỏng, bị lỗi (tiếng Nga)
2. Buộc : Một xấp tiền gồm 100 tờ (Mười nghìn đô – tiếng lóng)
3. Chợ bán buôn (tiếng Nga)
C.H.T