Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa: Thành Lê

Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm. Thực tế này không chỉ khẳng định năng lực, sức viết của các tác giả người Hải Phòng, mà còn góp phần lan tỏa giọng văn, sắc thơ, tiếng nói, tâm hồn của người đất Cảng đến với các em nhỏ cả nước.

Là tác giả có tác phẩm lựa chọn in vào sách giáo khoa từ khá sớm, nhà thơ Hoài Khánh, nguyên Phó chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng có nhiều tác phẩm được lựa chọn in vào sách giáo khoa trong chương trình giáo dục phổ thông. Chia sẻ về cơ duyên góp thơ vào sách giáo khoa, nhà thơ Hoài Khánh cho biết: Năm 1994, khi còn là cây viết trẻ, ông tham dự trại sáng tác văn học dành cho thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Bài thơ “Đồng hồ báo thức” do ông sáng tác được nhà thơ Phạm Hổ (cố Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam) đánh giá cao và được chọn in vào Tuyển tập Văn học cho thiếu nhi (Nhà xuất bản Văn học năm 1995). Đến năm 2004, bài thơ này được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3 tập 2 thuộc bộ sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 1998. Sau này, đến bộ sách Cánh Diều theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bài thơ lại được đưa vào sách Tiếng Việt lớp 2, tập 1.

Từ tác phẩm thơ đó, đến nay, nhà thơ Hoài Khánh có 11 tác phẩm thơ được đưa vào các cuốn sách giáo khoa thuộc 3 bộ sách của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đó là các bài thơ: “Đèo Hải Vân”, “Xuân trên đảo Bạch Long Vỹ”, “Chim đầu rìu” in trong các cuốn sách của bộ sách Kết nối tri thức và cuộc sống; bài thơ “Giữa lòng biển xanh”, “Xuân trên đảo Bạch Long Vỹ”, “Nay em 10 tuổi” đăng trên các cuốn của bộ sách Chân trời sáng tạo. Bộ sách Cánh Diều đăng tải các bài thơ “Đồng hồ báo thức”, “Chú hải quân”, “Bên ô cửa đá”, “Mỗi lần cầm sách giáo khoa”, “Hội xuân vùng cao”, “Cô gái mũ nồi xanh”.

Một tác giả trẻ khác cũng góp mặt 4 tác phẩm, trích đoạn tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa, đó là nhà thơ Phạm Vân Anh, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đang công tác tại Điện ảnh – Truyền hình Biên phòng. Nhà thơ Phạm Vân Anh cho biết: Trong bộ sách “Cánh diều” theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tôi có tác phẩm được chọn là trích đoạn truyện “Tình bạn”. Đây là câu chuyện kể về hai cậu bé, một ở trung du, miền núi và một ở vùng duyên hải. Tình bạn của các em hồn nhiên, chân thành, có nhiều ước mơ thật đáng yêu, nhất là đều muốn trở thành bộ đội. Hai tác phẩm được đặt hàng là bài thơ “Chú công an” thuộc chủ điểm quốc phòng- an ninh và bài thơ “Muôn sắc hoa tươi” thuộc chủ điểm giáo dục bình đẳng giới. Ngoài những tác phẩm này ra, điều tôi phấn khởi và tự hào nhất là trích đoạn bút ký “Người thầy quân hàm xanh” viết về đại úy Trần Bình Phục, cán bộ đồn Biên phòng Hòn Chuối, Bộ đội Biên phòng Cà Mau cũng được chọn đưa vào sách Truyện đọc lớp 5. Đây cũng là lần đầu một nhân vật có thật, một chiến sĩ Biên phòng được đưa và sách giáo khoa để học sinh cả nước có thể thêm hiểu và thêm yêu các chú bộ đội quân hàm xanh đã tận tụy chăm lo cho các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Theo nhà thơ Phạm Vân Anh, việc được lựa chọn các sáng tác thơ, văn đưa vào in trong các ấn phẩm sách giáo khoa cũng khai mở thêm nguồn cảm hứng sáng tác mới cho bản thân chị cũng như các tác giả khác. Từ việc có tác phẩm thơ, trích đoạn truyện ngắn được chọn đăng trong sách giáo khoa, chị thêm vững tin rằng mình có thể sáng tác văn học thiếu nhi. Ngay sau khi có tác phẩm được lựa chọn đưa vào sách giáo khoa, nhà thơ Vân Anh hoàn thành bản thảo tập thơ thiếu nhi “Khúc hát miền trời” và đang khởi thảo bộ truyện dài “Tớ là Quân khuyển”. Còn theo nhà thơ Hoài Khánh, thông qua sáng tác các tác phẩm theo gợi ý của các nhóm biên soạn các bộ sách, ngoài tuân theo các chủ đề, chủ điểm, dung lượng tác phẩm, bản thân ông cũng mong muốn gửi gắm góc nhìn các vấn đề cuộc sống theo cảm nhận, tâm hồn của người Hải Phòng tới những bạn đọc nhỏ tuổi thành phố và trên toàn quốc.

THÀNH LÊ

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder