Đại văn hào Andecxen có 3 câu chuyện: Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” và “Chú lính chì dũng cảm” được nhà hát MRVN dàn dựng.
Nhà hát Múa rối Việt Nam và Tổ chức interart Riviera SA Pháp đã chính thức công bố về Dự án hợp tác nghệ thuật: chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” được thể hiện bằng hình thức múa rối nước truyền thống. Đây sẽ là tiết mục mở đầu cho năm Việt Nam tại Pháp nhân Kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam.
Đại văn hào Andecxen có hàng trăm câu chuyện cổ tích, nhưng Nhà hát Múa rối VN đã lựa chọn 3 câu chuyện: Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” và “Chú lính chì dũng cảm” để dàn dựng rút gọn lại trong thời gian 60 phút.
Từ 8 năm trước (năm 2005), các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam đã dàn dựng chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” – với 3 câu chuyện “Vịt con xấu xí”, “Nàng tiên cá” và “Chú lính chì dũng cảm”. Năm 2010, họ mang những tiết mục này tới Liên hoan Múa rối quốc tế và ngay lập tức giành huy chương Vàng. Cũng tại liên hoan này, chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” của Việt Nam lọt vào tầm ngắm của ông Jean Luc Larguier, Giám đốc Tổ chức Interart Riviera SA, người đã có hơn 30 năm nghiên cứu rối nước Việt Nam. Quá hứng thú với cách kể truyện cổ tích Andecxen của các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Việt Nam, ông Larguier và cộng sự đã đặt vấn đề hợp tác để nâng cấp chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” nhằm đưa toàn bộ chương trình đến Pháp. Chính ông Larguier là người đã tạo cơ hội cho những câu chuyện của Andecxen hồi sinh sau 8 năm im lìm. Chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” được thực hiện bởi đạo diễn gạo cội Ngô Quỳnh Dao kiêm tác giả kịch bản, họa sĩ tạo hình nên đã được xây dựng thành một chương trình có ý tưởng đầy ý nghĩa, đề cao sự nhân đạo với thông điệp về hòa bình. Ba câu chuyện được chọn ngoài mấu chốt là có yếu tố nước – thuận lợi cho múa rối nước, họa sĩ Ngô Quỳnh Dao đã làm đầy thêm câu chuyện bằng cách tăng thêm các yếu tố sân khấu làm cho các tiết mục sinh động, hấp dẫn và gần gũi hơn với người xem. Ở những tiết mục này, múa rối nước đã thực hiện những câu chuyện phức tạp hơn, ly kỳ hơn, gần với cuộc sống hiện tại.
Ở lần hợp tác này với mục đích là biểu diễn tại Pháp, phục vụ công chúng Pháp nên vở diễn đã được “Pháp hóa”, chẳng hạn phải thay riđô của thủy đình bằng tre sang bằng dây, gần 100 con rối được làm mới hoàn toàn để phù hợp cho việc biểu diễn tại nhà thủy đình đặt trong hồ nước có mực nước chỉ sâu nửa mét (thông thường là 1m), thiết kế lại ánh sáng…
Ông Jean – Luc Larguier – Giám đốc Tổ chức Interarts Riviera SA Pháp chia sẻ: Vở rối nước này là một câu chuyện rất nên thơ kể về nguồn gốc của các con rối nước và đã được biểu diễn gần 100 lần ở Pháp, tiếc rằng chưa thể biểu diễn ở Việt Nam vì những điều kiện về sân khấu và kỹ thuật. Vậy đấy, rối nước của các bạn còn có thể kể được rất nhiều câu chuyện mang nhiều sắc thái khác nhau. Nhưng có điều các bạn cần có những người đam mê với múa rối để rối nước của các bạn không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, mà còn thật sự phát triển trong nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của khán giả.
NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, phụ trách các nghệ sĩ tham gia dự án “Truyện cổ tích Andecxen” cho biết: Khác với rối nước truyền thống, chương trình này đòi hỏi sự bứt phá, tiết tấu khẩn trương, mang hơi thở cuộc sống đương đại và những ý tưởng nhân văn mới. Dự án là một sự kiện thực sự đối với các nghệ sĩ múa rối Việt Nam bởi nó không chỉ cho thấy rối nước truyền thống hoàn toàn có thể ứng biến linh hoạt, mà còn tạo cơ hội cho các nghệ sĩ có một chuyến biểu diễn dài kỳ tại Pháp, nhất là được diễn ở Bảo tàng nghệ thuật Quai Branly.
Chương trình “Truyện cổ tích Andecxen” sẽ biểu diễn buổi đầu tiên tại Pháp vào tháng 12/2013, sau đó sẽ lưu diễn vào các tháng 6, 7, 12/2014.
Nguồn báo Nhân đạo và đời sống