Trong một phiên họp, người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất và cũng là cơ quan lập pháp đã bày tỏ hầu hết những cung bậc của tình cảm…
Qui định… chết dân! Mỗi cửa giấy phép là một… cơ hàn! Làm luật… trên trời! Đó là nội hàm những câu nói của Chủ tịch Quốc hội tại phiên bàn về Luật Xây dựng sửa đổi tại UB Thường vụ ngày 21/2 vừa qua.
Về nội dung qui định… chết dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói nguyên văn: “Không biết phải mất bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền mới “lo đủ” các loại giấy phép, giấy xác nhận để đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Quy định như vậy chỉ… chết dân”.
Một câu nói đầy sự thẩu hiểu, cảm thông của người đứng đầu Quốc hội. Ông hiểu rằng để có một tấm giấy phép xây dựng, cử tri của ông phải mất không biết bao nhiêu thời gian và tiền bạc. Thời gian đi về và tiền bạc cho những khoản mà chỉ có người đưa và người nhận biết.
Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng còn xót xa: “Thực tế người dân khi làm nhà, xây dựng, chạy được giấy phép cơ cực lắm. Mỗi cửa phải xin phép mà một cửa cơ hàn, tình hình hiện tại đang là như thế đấy”.
Nếu ở vế đầu, ông dùng cụm từ “cơ cực” thì ở vế sau của câu nói, ông dùng chữ “cơ hàn”. Cơ cực và cơ hàn. Khó có từ nào diễn tả xót xa, cay đắng hơn nhưng cũng khó có từ nào chính xác hơn để chỉ một thực tế trong việc xin giấy xây dựng phép hiện nay.
Rồi người đứng đầu cơ quan lập pháp băn khoăn: “Không biết hiện tại một công trình xây dựng giờ cần bao nhiêu loại giấy phép. Có luật mới sẽ bớt được giấy nào?”. Đây cũng là mối lo thường nhật của tất cả những ai đã từng phải lặn lội đi xin giấy phép xây dựng. Nó như một mê hồn trận với những qui định chồng chéo, đan xen, rắc rối và luẩn quẩn như thuyết “quả trứng – con gà”: Có hộ khẩu mới được mua nhà và có nhà mới được nhập khẩu đã từng tồn tại dai dẳng một thời.
Và ông lo lắng với những qui định giời ơi, ban hành để ban hành nhưng chẳng mấy đi vào cuộc sống bởi ông hiểu rằng đó là cách làm luật… “trên trời” trong phòng máy lạnh của một số công chức vô cảm. Họ ban hành những qui định có lợi cho họ nhất, thậm chí để “hành dân là chính”: “Phải đưa cuộc sống vào luật chứ luật ban hành với các quy định… trên trời thì luật làm sao đi vào cuộc sống được”.
Trong một phiên họp, người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất và cũng là cơ quan lập pháp đã bày tỏ hầu hết những cung bậc của tình cảm.
Đó là sự thấu hiểu, cảm thông, xót xa, băn khoăn và lo lắng… Tất cả những điều trên cũng đủ nói lên cái bất ổn của Luật xây dựng nói riêng và cái tư duy “làm luật” hiện nay nói chung.
Song qua những phát biểu trên của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, chúng ta có quyền hi vọng rằng Luật xây dựng sửa đổi sẽ có những chuyển biến cơ bản, đáp ứng đòi hỏi chính đáng của cuộc sống bởi nhà ở và quyền có nhà ở là một trong những yếu tố phản ánh bản chất của một xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đặt là trọng tâm.
Tại Pháp lệnh về nhà ở đã ghi rõ: “Công dân thực hiện quyền có nhà ở bằng việc tạo lập hợp pháp nhà ở cho mình hoặc thuê nhà ở của chủ sở hữu khác theo quy định của pháp luật”.
Nhà ở là quyền của mỗi công dân. Xin đừng vì những “thủ tục mê hồn” để người dân phải “tha cư” ngay trong căn nhà của chính mình.
B.H.T.