Những câu thơ từ rung động chân thành – Bão Vũ

Anh sẽ không phải phân vân ký tên bên dưới với tư cách là một Nhà Thơ

Nhà thơ Nguyễn Thanh Tuyên, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng còn là một bác sĩ nội khoa. Dường như anh ngại được gọi là nhà thơ nên thường chỉ dùng học vị của mình dưới các bài thơ – “Bs Nguyễn Thanh Tuyên”, thậm chí có lúc, như chiếu lệ, anh còn để cho in cả bức ảnh chân dung của mình mặc áo blu trắng, cổ đeo ống nghe. Cái học vị bác sĩ ấy bây giờ không quá hiếm hoi như thời xưa nên rõ ràng là anh không có ý trưng diện gì, mà chỉ là cách để người ta thể tất cho sự “mạo phạm” của mình khi lấn lướt sang địa hạt thi ca cao siêu.

Nhưng trên tất cả, nhiều bài thơ của Nguyễn Thanh Tuyên xác định anh là người từng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt. Điều này in đậm trong những vần thơ da diết của anh như những vết thương chưa yên lành trên bao vùng đất bom đạn hằn dấu. Và chính điều đó khiến anh có những cảm xúc chân thực trong thơ.

Bây giờ, người đọc thơ dù dễ tính cũng rất khó khăn để có thể tìm ra được một bài, thậm chí chỉ một câu đáng giá giữa bạt ngàn thơ. Vì rằng, dù chỉ một câu thơ thực sự là thơ cũng chẳng thể dễ dàng xuất hiện trong xô bồ hỗn độn, giả dối và trống rỗng. Không ít nhà thơ chuyên nghiệp đã phải tìm đến những kỹ xảo tân kỳ, hoặc phải cầu cứu đến kỹ thuật để thay thế cho cảm xúc chai mòn. Người thì loay hoay giữa các khuynh hướng, trào lưu thơ đến độ hoang mang vô hướng… đã khiến cho Thơ biến hình, không còn xác định được dung mạo nữa. Đó là một hiện thực không mong muốn – một tình trạng bi đát mà người ta buộc phải thừa nhận. Và do vậy những nhà thơ còn coi thơ như “Thi đạo” đã không muốn xưng mình là thi sĩ, vì cảm thấy như có lỗi.

Chỉ những rung động chân thành từ cõi sâu xa trong tâm hồn khiến người làm thơ có thể viết ra những câu thơ đẹp. Tác giả của hai tập thơ “Tiếng vọng” và “Nhịp thầm” không hề lạm dụng kỹ thuật, thậm chí anh tỏ ra như mình không cần đến kỹ thuật. Nhưng anh biết chưng cất, nung luyện những “Thi khoáng” một cách tự nhiên không khiên cưỡng, để câu thơ óng ánh xuất hiện như kết quả tất yếu của cuộc luyện kim thành công. Trong một bài thơ kể về việc đi tìm hài cốt đồng đội,  Nguyễn Thanh Tuyên đã bộc phát một ý thơ mới mẻ, viết nên những câu thơ nghẹn ngào:

Ta đào bới nét chữ mình thời trẻ

Trong vỏ kháng sinh chôn theo bạn cuối đồi

Làn hương mỏng bồi hồi gọi hộ

Sao chữ mình mà bạn mãi không “Ơi!…”

(Tìm lại chữ mình)

Nguyễn Thanh Tuyên hồi tưởng lại tuổi thanh xuân sôi nổi của mình khi trở lại chiến trường nơi đã từng cùng sống chết với bao bạn đồng ngũ:

Cỏ khâu vá kín đường mòn
Tiếng chân rậm rịch bạn còn quanh đây
Ngực sâu ủ lửa than gầy
Bạc đầu ngược dốc tìm ngày thanh xuân

(Lối xưa)

Câu cuối của khổ thơ trên, tài tình như lối chơi chữ trong cổ thi “Bạc đầu đi tìm tuổi xanh”, mà sâu xa, gợi đến câu thơ của Nguyễn Du: “Vãng sự bi thanh trủng/ Tân thu đáo bạch đầu”. Chuyện đã qua đau lòng như nấm mồ xanh /  Mới sang thu mà đầu đã bạc (Thu chí). Một thành công rất tự nhiên từ cảm xúc chân thật.

Với người bạn lính đang nằm dưới cỏ, tác giả độc thoại thân thiết mà nghẹn buồn như tiếng khóc:

Sao không thể chuyện trò qua “di động”

Hay tâm tình qua những email…

Cách đồng đội ước chừng ba tấc đất

Mà xa xăm thăm thẳm vạn độ dài…

(Viếng bạn)

Cũng như những người đã trải qua lửa đạn chiến trường, Nguyễn Thanh Tuyên thấu hiểu sự tồn tại của đất đai chính là máu đỏ trào ra từ những trái tim liệt sĩ. Nhưng buồn thay giờ đây đã ngã giá thành những thỏi kim loại ánh vàng lạnh ngắt, vô cảm, vô tình… đồng nghĩa với sự vô lương:

Từng tấc đất băm vằm muôn mảnh đạn

Trộn đất nâu thấm đẫm máu đào

Họng súng giặc thét gào không mặc cả

Thấm thía giờ đất sốt đến nôn nao…

Và đất hát khúc bi ca về những kiếp người nhỏ mọn sống hối hả bon chen cho đến lúc sẽ phải xuôi tay bỏ lại tất cả bao thứ phù phiếm trên đời:

Bia đời… chạy chức mua danh

Tầng sâu cũng cỡ tiểu sành ấy thôi

Phù du chi thế cõi người?

Có nghe đất hát những lời cỏ sương …

(Lời cỏ lời sương)

Dành tình cảm cho những người trở về, anh thương binh trong thơ Nguyễn Thanh Tuyên vẫn tần tảo kiếm sống và chẳng hề nguôi nỗi nhớ  tới đồng đội trên dải Trường Sơn:

Ngẩn ngơ sóng gợn mây vần

Nao nao vân gỗ, bần thần dáng cây

Đoạn này, lựa chạm chim bay

Cành vương tỉa lá rễ gày suối tuôn

Khúc cong chọn tạc sườn non

Hươu ngơ ngác thuở lối mòn từng qua

…….

Xa rồi rách áo đói cơm

Khói tan xót bạn Trường Sơn không về

…….

Ngày ngày vân gỗ thơm hương

Hoà vào làn gió mười phương thổi về…

(Vân gỗ )

Chủ đề Thơ tình của Nguyễn Thanh Tuyên phổ rộng, lãng đãng buồn, nhưng cũng rất riêng:

Mai em về phía sum vầy

Hương vườn quả mọng đơm dày tíếng chim

Đêm trường ở phía lặng im

Lô xô con chữ mải tìm đến nhau…

(Gạo lứt)

Như đã nói, Nguyễn Thanh Tuyên không chủ tâm cầu viện đến kỹ thuật khi làm thơ, mặc dù vậy anh luôn có ý thức vượt khỏi sự cũ kỹ trong việc thể hiện ý tứ và sử dụng ngôn từ:

Líu ríu xanh

Cỏ mật lịm chân người

….

Môi phượng nở

Đương dậy thì từng góc nhỏ phố quen…

(Chớm dậy thì)

Thơ Nguyễn Thanh Tuyên giàu hình ảnh tuy không phải là những khám phá mới mẻ nhưng khá gợi cảm, có sức lay động:

Như ảo ảnh

Hiện khung trời thơ bé

Ao cũ

Chiều xưa

Bói cá chợt bay về.

(Ao cũ)

Hay ở khổ kết bài “Trở lại bến xưa“ ta cũng gặp:

Buông neo
Bờ sạt
Văng vẳng “Đò ơi ?”
Khoảng không không thưa

Chen chúc nhớ đầy

(Trở lại bến xưa)

Nguyễn Thanh Tuyên lặng lẽ và cần mẫn trong thơ. Có những câu thơ hay chợt đến trên đường, anh ghi lại trong điện thoại di động để sau này thành bài thơ. Nhưng có khi những câu thơ ấy loé sáng rồi tắt lịm đâu đó trong những công việc bề bộn hàng ngày của một bác sĩ. Tôi từng đọc một bài thơ khá hay của Nguyễn Thanh Tuyên viết về một người thương binh hỏng mắt làm nghề bán sáo trúc trong đêm. Dọc con phố tĩnh mịch, anh thương binh đơn độc cùng tiếng sáo réo rắt. Tiếng sáo thân phận, tiếng sáo “thay cơm”…  Bài thơ ấy không nằm ở tập thơ đã xuất bản của anh, vì nó đã bị thất lạc đâu đó. Bài thơ tự do dài khó nhớ, mà anh cũng không muốn viết lại. Bởi chẳng ai muốn khai quật cảm hứng cũ ra chế tác lại thành một bài thơ mà gầy cảm xúc. Đó là sự chân thành với thơ, như với tình yêu thực sự.

Nguyễn Thanh Tuyên làm thơ không nhiều và không phải bài thơ nào, thể nghiệm nào của anh cũng có kết quả như mong muốn; nhưng anh biết trân trọng thi ca. Người ta không hề thấy anh mê mải chăm chút cho danh tiếng  hay quảng bá ồn ào cho thơ mình, như ai đó.

Nguyễn Thanh Tuyên rung động với thi ca một cách chân thực và đã có những câu thơ lắng đọng trong tâm hồn người đọc, những câu thơ mà theo tôi, anh sẽ không phải phân vân ký tên bên dưới với tư cách là một Nhà Thơ.

B.V

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder