Đời sống văn học không thể thiếu phê bình, nghiên cứu. Nếu xem “tác phẩm văn học như là quá trình”(1) thì phê bình và nghiên cứu là một khâu quan trọng trong chuỗi quá trình đó.
Nhà văn chỉ hoàn thành một công đoạn sáng tạo ra văn bản, người đọc nói chung và người phê bình, nghiên cứu nói riêng lại tiếp nối sự sáng tạo không bao giờ kết thúc ấy bằng khả năng tiếp nhận của mình, làm đầy thêm ý nghĩa cho tác phẩm. Giá trị của tác phẩm như thế nào, sức trường tồn của nó bao lâu, sự tác động của nó đến đời sống ra sao, nghĩa là sinh mệnh của tác phẩm thời kỳ hậu sáng tác tùy thuộc rất lớn vào người đọc mà đặc biệt là “siêu người đọc” – người phê bình, nghiên cứu. Vì vậy, người phê bình và nghiên cứu văn học cần phải có sự nhiệt tình, công tâm và hơn hết thảy là kiến thức chuyên môn và phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, do rất nhiều nguyên nhân khác nhau, phê bình và nghiên cứu văn học hiện nay còn tồn tại nhiều bất điều bất cập và thái quá.
Ở phương Tây chữ “criticism” là bao hàm cả hai nghĩa phê bình và nghiên cứu, nhưng ở nước ta nói phê bình và nghiên cứu là khác nhau. “Phê bình là đọc nhanh, nghiên cứu là đọc chậm. Phê bình là tiếp xúc động, nghiên cứu là tiếp xúc tĩnh. Phê bình là làm việc với cái sống, nghiên cứu là làm việc với cái chết. Phê bình là ở thì hiện tại, nghiên cứu là ở thì quá khứ. Phê bình là tìm kiếm cái cần khẳng định, nghiên cứu là khẳng định cái đã tìm thấy. Phê bình hỏi giá trị là gì, nghiên cứu hỏi giá trị thế nào”(2). Nghiên cứu được hiểu như là một dạng thức “phê bình học thuật”. Trong bài viết, chúng tôi dùng từ nghiên cứu theo nghĩa này.
1. Những bất cập trong nghiên cứu
1.1. Tụt hậu về lý luận
Lý luận rất cần thiết cho hoạt động sáng tác và phê bình, nghiên cứu. Không có lý luận, nghiên cứu văn học sẽ như chiếc áo không bâu. Tuy luôn luôn có lý luận nhưng so với các nước trong khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… thì Việt Nam đã và đang tụt hậu về lý luận. Các lý thuyết lý luận, trào lưu lý luận bao giờ cũng được được phổ biến ở Việt Nam sau các nước nói trên từ 10 đến 20 năm, sau phương Tây từ 20 đến 40 năm. Thi pháp học hiện đại thịnh hành ở phương Tây khoảng nửa đầu thế kỷ XX nhưng mãi đến thập niên 80 mới được ứng dụng ở Việt Nam. Tự sự học được các nhà khoa học trên thế quan tâm vào thập niên 70, Trung Quốc vào thập niên 90 và Việt Nam là những năm 2000. Văn học so sánh đặt bước chân khổng lồ của mình lên phương Tây từ đầu thế kỷ XX, đến năm 1954, Hiệp hội Văn học so sánh Quốc tế được chính thức thành lập, ở Trung Quốc, bộ môn Văn học so sánh được đưa vào chương trình đào tạo đại học từ đầu thập niên 90, còn ở Việt Nam thì cho đến nay vẫn chưa có bộ môn này trong chương trình đào tạo đại học. Chủ nghĩa hậu hiện đại trở thành một hiện tượng ở phương Tây từ thập niên 70, ở Nhật Bản từ thập niên 80, Trung Quốc là thập niên 90 và Việt Nam là đầu thế kỷ XXI…
Tụt hậu về lý luận tất sẽ dẫn đến những tụt hậu về nghiên cứu. Trước hết là tụt hậu so với sáng tác. Trong khi các nhà văn có ý thức tìm tòi, sáng tạo theo khuynh hướng mới rất thành công thì người nghiên cứu vẫn dùng phương pháp cũ, các hệ hình lý thuyết cũ để soi rọi vào tác phẩm dẫn đến những nhận định không chính xác hoặc không làm bật được giá trị của tác phẩm. Chẳng hạn, rất nhiều tiểu thuyết Việt Nam được sáng tác theo khuynh hướng tân lịch sử nhưng giới nghiên cứu thường gọi là tiểu thuyết lịch sử. Cách gọi này cho thấy sự tụt hậu của lý luận nghiên cứu so với sáng tác. Từ đó, nhiều công trình nghiên cứu tập trung so sánh độ chênh giữa “sự thực” và “hư cấu” mà không hiểu rằng đối với chủ nghĩa tân lịch sử, ngay cả bản thân sách lịch sử của các sử gia cũng là “lịch sử của tôi”, là “tự sự về lịch sử” và không thể có cái gọi là chân tướng lịch sử, lịch sử khách quan tuyệt đối. Trong văn học, lịch sử chỉ là cái phông nền bị nhà văn xóa mờ để vẽ lên đó câu chuyện của mình. Thậm chí, lịch sử chỉ là sợi chỉ mành để nhà văn treo lên đó cái chuông sự kiện, tư tưởng của mình.
1.2. Tiếp thu lý luận một cách tự phát, bị động, thiếu hệ thống
Phần lớn các lý thuyết lý luận hiện đại đều bắt nguồn từ phương Tây, được du nhập vào Việt Nam một cách tự phát, thiếu hệ thống và hoàn toàn không có chiến lược. Thông thường, các nhà khoa học đầu ngành tự tìm tòi, vận dụng các lý thuyết lý luận để nghiên cứu và sau đó dịch thuật, giới thiệu rộng rãi cho mọi người. Phần lớn, mỗi lý thuyết lý luận đến tay người nghiên cứu đều đã được một (các) nhà khoa học đầu ngành tổng hợp từ một số tài liệu nước ngoài. Những người đi sau xem đó là cẩm nang và cứ thế mà vận dụng, kế thừa. Hội đồng lý luận phê bình Trung ương, Hội Nhà văn, các Viện, trung tâm nghiên cứu và trường đại học không có động thái giới thiệu một cách có tổ chức, có hệ thống các lý thuyết lý luận. Tại các hội thảo như Tự sự học, Văn học so sánh, Văn học hậu hiện đại… các tham luận phần lớn tập trung vào mảng ứng dụng, chỉ có một vài tham luận thuần lý luận. Các hội thảo cũng không thống nhất được các thuật ngữ lý luận. Tất cả các vấn đề đặt ra về thuật ngữ đều là những tranh luận nửa vời dẫn đến việc tiếp nhận lý luận của các nhà nghiên cứu Việt Nam rơi vào cảnh “thầy bói xem voi”. Các cặp thuật ngữ trần thuật học / tự sự học, điểm nhìn / góc nhìn, siêu hư cấu / siêu tiểu thuyết… vẫn cứ tồn tại song song càng làm phức tạp hóa lý luận.
Thiếu hệ thống sẽ kéo theo thiếu sáng tạo, không biết hết người làm sao có thể biết mình. Ở Trung Quốc, khi tiếp thu tự sự học phương Tây, người ta nêu khẩu hiệu “Tự sự học như một chiến lược văn hóa” và thực hiện chiến lược đó đến cùng bằng cách dịch tất cả sách về tự sự học của G. Genette, R. Barthes, M. Bal, Tz. Todorov… để có một cái nhìn toàn cảnh về lý thuyết này. Sau đó, nhìn lại gia tài lý luận của dân tộc và khẳng định mình bằng những công trình Tự sự học Trung Quốc của Dương Nghĩa, Con đường tự sự học Trung Quốc của Tổ Quốc Tụng… Trong khi đó chúng ta chỉ tiếp nhận yếu tố ngoại nhập mà hoàn toàn không cố tìm tòi yếu tố nội sinh.
1.3. Sử dụng lý thuyết theo kiểu “tam sao thất bản”
Để có thể đọc và hiểu tường tận về một lý thuyết lý luận, cần tiếp xúc với nguyên tác. Làm được điều này, các nhà nghiên cứu phải thông thạo một vài ngoại ngữ. Ở Việt Nam hiện nay, số người này quá hiếm. Ngoại ngữ đã và đang là “gót chân Achille” của giới nghiên cứu. Họ đành phải sử dụng lý luận do người khác dịch thuật mà không có ý thức và khả năng kiểm định lại. Vì vậy, một số thuật ngữ được dịch chưa chuẩn, chưa đúng với tinh thần nguyên tác, chưa thống nhất và còn đậm tính chủ quan của một (vài) cá nhân nào đó vẫn được sử dụng từ người này sang người khác. Điều đó dẫn đến một thực trạng là rất nhiều thuật ngữ lý luận bị mắc bệnh tam sao thất bản. Ví dụ: Trong lý thuyết liên văn bản, G. Genette đưa ra năm loại tương tác khác nhau của văn bản là: paratextualité, métatextualité, hypertextualité, rchitextualité, intertextualité, được dịch sang tiếng Anh là paratextuality, metatextuality, hypertextuality, architextuality, intertextuality. Các nhà lý luận Việt Nam tùy theo cách hiểu và khả năng diễn đạt của mình đã dịch thành như sau: cận văn bản, siêu văn bản, ngoa dụ văn bản, kiến trúc văn bản, liên văn bản (Các khái niệm và thuật ngữ của các trường phái nghiên cứu văn học ở Tây Âu và Hoa Kỳ thế kỷ XX, Đào Tuấn Ảnh, Trần Hồng Vân, Lại Nguyên Ân, tr. 447); bàng văn bản, siêu văn bản, cực đại văn bản, cổ văn bản, liên văn bản (Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, Nguyễn Hưng Quốc, tr. 233); cận văn bản, văn bản, siêu văn bản, nguồn văn bản, văn bản (Những vấn đề mới trong nghiên cứu và giảng dạy văn học, Phạm Gia Lâm, tr. 486); cận văn bản, siêu văn bản, thượng văn bản, nguyên văn bản, liên văn bản (Kỷ yếu hội thảo quốc tế Những lằn ranh văn học, ĐHSP tp HCM, tr. 897). Chúng ta có thể thấy các thuật ngữ trên hầu hết được dịch sang từ Hán Việt và không hoàn toàn ăn khớp với nhau. Đúng ra, người sử dụng cần phải lý giải thuật ngữ, phải so sánh, cân nhắc giữa các bản dịch để hiểu cặn kẽ hơn vấn đề. Nhưng có một thực trạng chung là phần lớn họ chỉ căn cứ vào một hoặc vài bản dịch mà mình có được (hoặc tin tưởng) và xem đó là những định lý.
Ngoài ra, khi định nghĩa một thuật ngữ, những người nghiên cứu sau thường dẫn theo một công trình nào đó của người đi trước. Đây là kiểu tiếp nhận hớt ngọn xuất phát từ tâm lý ỷ lại và không muốn hoặc không dám tự chịu trách nhiệm về cách hiểu một thuật ngữ và nguồn tư liệu gốc. Dĩ nhiên những người nghiên cứu này thì khó mà có sự phản biện khi tiếp nhận tri thức. Và như vậy họ đã đánh mất đi tố chất cần thiết của một trí thức, một người làm công tác khoa học.
2. Những bất cập trên đây sẽ là căn nguyên của những điều thái quá trong nghiên cứu văn học biểu hiện ở những điểm sau:
2.1. Cố “đẽo chân cho vừa giày”
Mỗi lý thuyết lý luận mới đều mở ra cho người nghiên cứu một chân trời mới đầy hấp dẫn. Khác với các nền văn học lớn trên thế giới như Pháp, Anh, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ…, văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn không mạnh về lý luận, không có hệ thống lý luận của riêng mình. Hơn nữa, những sáng tác của văn học Việt Nam hiện đại, đặc biệt là đương đại đều liên quan mật thiết với lý luận phương Tây. Đó là những lý do khiến giới nghiên cứu trong nước rất háo hức và nồng nhiệt đón nhận các hệ hình lý thuyết phê bình mới của phương Tây. Sự nồng nhiệt đó nhiều lúc được đẩy đến mức sùng bái khiến cho các đề tài nghiên cứu thường phải gắn với một lý thuyết phê bình nào đó, tạo nên sự rập khuôn, mô phỏng một cách máy móc từ dạng thức tên đề tài cho đến cấu trúc của công trình. Ví dụ: Với những khuôn đề tài như Nghệ thuật tự sự trong tác phẩm A/B/C… thì sẽ có các chương về người kể chuyện, điểm nhìn, giọng điệu…; khuôn đề tài Dấu ấn hậu hiện đại trong tác phẩm A/B/C… thì sẽ có giễu nhại, liên văn bản, mảnh vỡ… Vẫn biết các thuật ngữ trên là những vấn đề cốt lõi nhưng cách cấu trúc đề tài như thế là xuất phát từ lý luận (công cụ) chứ không phải từ đối tượng nghiên cứu (tác phẩm). Ngoài ra, các nhà nghiên cứu thường chọn một lý thuyết lý luận mới mẻ (càng mới, càng thời thượng càng tốt) mà mình thích hoặc am hiểu, sau đó áp đặt chứ không phải là ứng dụng vào nghiên cứu tác phẩm văn học mà không hề quan tâm đến sự tương thích của lý thuyết với thực tiễn. Chẳng hạn như lý thuyết “hậu hiện đại”, “hậu thực dân” đang được dùng để soi chiếu vào các tác phẩm văn học Việt Nam một cách đồng đẳng như những tác phẩm văn học nước ngoài mà tác giả các công trình không hề cân nhắc có hay không (và có ở mức độ nào) tâm thức hậu hiện đại, tâm lý hậu thực dân ở một dân tộc vừa “từ trong máu lửa, rũ bùn đứng dậy sáng lòa” từ những cuộc cách mạng dân tộc – dân chủ – nhân dân, cách mạng giải phóng một cách triệt để như Việt Nam. Đây là kiểu nghiên cứu “đẽo chân cho vừa giày”, đi ngược lại logic khoa học bởi không xuất phát từ yêu cầu tự thân của đối tượng nghiên cứu là tác phẩm văn chương.
Trong ngôn ngữ nghiên cứu cũng vậy. Rất nhiều công trình được triển khai như một hành động phô diễn chữ nghĩa lý luận mà tác giả tiếp cận được (chứ chưa hẳn đã tiêu hóa) như một “chiêu” để “lòe” kiến thức lý luận mà quên rằng giá trị của một công trình nghiên cứu là ở năng lực vận dụng phương pháp, cảm thụ, giải thích văn chương. Người đọc chỉ thấy tác phẩm bị mổ xẻ, “phanh thây” bằng cây đao lý luận mà không thấy được cái hay, cái đẹp, thông điệp cuộc sống từ tác phẩm như thế nào. Đây là một kiểu “cưỡng bức” tác phẩm văn học bằng lý luận, biến sự đơn giản thành phức tạp, rõ ràng thành mơ hồ, rạch ròi thành rối rắm; lẽ ra phải giải mã nhưng lại đi mã hóa tác phẩm một cách phi khoa học.
2.2. Lạm dụng tư tưởng “dĩ Âu vi trung”
Văn học phương Tây nói chung và lý luận phương Tây nói riêng có vai trò rất lớn trong quá trình hiện đại hóa văn học các nước phương Đông về mọi phương diện từ sáng tác đến phê bình, nghiên cứu. Trong tâm thức con người phương Đông, những gì gắn với phương Tây đều mang ý nghĩa văn minh, tiến bộ, hiện đại. Vì vậy, hầu như tất cả những gì mới mẻ của phương pháp, của thủ pháp, của lý luận… đều được các nhà nghiên cứu dễ dàng quy về cho phương Tây, lấy phương Tây làm chuẩn, làm tâm điểm, làm giá trị. Đảo thuật, dự thuật được các nhà văn cổ – trung đại phương Đông như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản sử dụng rất nhiều, rất thành thục với các thủ pháp hồi cố, phục bút… trong các tác phẩm sử thi, tiểu thuyết. Vậy mà hiện nay, rất nhiều nhà nghiên cứu mặc nhiên cho rằng đảo thuật, dự thuật là thi pháp tự sự của văn học hiện đại, hậu hiện đại phương Tây.
Tương tự, người ta chỉ thấy “mặc cảm Odipe” qua những mối quan hệ loạn luân trong Kafka bên bờ biển của Murakami, N. P của Banana Yoshimoto… mà không hề thấy “phức cảm Genji” – một yếu tố mẫu gốc của văn học Nhật Bản. Gặp tình yêu đồng tính trong các tác phẩm văn học đương đại phương Đông thì sẽ nghĩ ngay đến sự ảnh hưởng từ văn hóa, văn học phương Tây hiện đại mà không nghĩ đến những mối tình đồng tính đã trở thành điển tích “phân đào”, “đoạn tụ” của vua Vệ và vua Hán ở Trung Quốc với cận thần hoặc của hoàng tử Genji với nhiều chàng trai khác trong tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của Nhật Bản là Truyện Genji. Nói đến “bất tín nhận thức” thì cho rằng đó là vấn đề rất mới mẻ của chủ nghĩa hậu hiện đại phương Tây mà không biết rằng nhà văn Akutagawa của Nhật Bản đã từng đặt ra vấn đề này một cách độc đáo trong truyện ngắn Bồn bề bờ bụi từ năm 1922 và xa hơn nữa là sự mơ hồ, hoài nghi chính sự tồn tại của bản thân mình của Trang Tử và chủ nghĩa hoài nghi tất thảy của Khuất Nguyên ở Trung Quốc trước công nguyên thể hiện trong văn thơ của họ.
Những nhầm lẫn trên một phần xuất phát từ vốn kiến văn không thâm hậu của người nghiên cứu và quan trọng hơn là từ sự lạm dụng tư tưởng “dĩ Âu vi trung”.
2.3. Hiệu ứng “bộ quần áo của hoàng đế”
Tâm lý chuộng ngoại và trọng huy chương của người Việt nói chung đã ảnh hưởng đến lập trường khoa học của giới nghiên cứu rất rõ. Các tác giả, tác phẩm đoạt những giải thưởng cao quý của văn học nước ngoài đều trở thành chọn lựa ưu tiên của nhiều đề tài trong chuyên ngành. Dù được nghiên cứu theo lý thuyết nào thì khuynh hướng chung vẫn là hoàn toàn khen ngợi, đánh giá cao các tác giả, tác phẩm đó. Hầu như không có công trình nào có sự phản biện, chỉ ra những điểm chưa thành công, những nét “bại bút” của tác giả, tác phẩm. Điều đó thể hiện sự non yếu về bản lĩnh khoa học của giới nghiên cứu văn chương. Họ không nuôi ý nghĩ là một viên ngọc bích cũng còn có vết nên đã là tác giả, tác phẩm đoạt giải thì phải khen, nếu cả thế giới đều khen mà mình không khen thì tỏ ra là mình không giỏi, không mới. Tâm lý này đã khiến cho tất cả các tác giả, tác phẩm “nhập khẩu” vào Việt Nam đều trở thành những “bộ quần áo của hoàng đế” cả. Sự vồ vập, khen ngợi thái quá theo kiểu “tát nước theo mưa” này chẳng qua là một hành động chạy theo thời thượng, triệt tiêu tính độc lập, sáng tạo cần có của người làm công việc nghiên cứu.
Những bất cập và thái quá trên đây là hai mặt của một vấn đề đã và đang tồn tại trong nghiên cứu văn học hiện nay. Để khắc phục điều này, cần có một chiến lược thực sự nhằm cải tạo tri thức, tâm lý và bản lĩnh của người nghiên cứu. Trong khuôn khổ của một tham luận, chúng tôi mạo muội “lập bệnh án” về nghiên cứu văn học hiện nay và xem mình cũng là một con bệnh. Việc phòng bệnh, kê đơn, bốc thuốc như thế nào là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta.
N.T.T.T
(SH294/08-13)
…………………………………..
(1) Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Hà Nội.
(2) Phạm Xuân Nguyên, Phê bình văn học hiện nay: cái thiếu và cái yếu, Tham luận tại Toạ đàm “Phê bình văn học – Bản chất và đối tượng” do Viện Văn Học tổ chức tại Hà Nội ngày 27. 5. 2004