Những điều H. không ghi – Truyện ngắn của Đình Kính

Vănhaiphong.com- Truyện ngắn này nhà văn Đình Kính viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, để tưởng nhớ bạn, Nhà báo liệt sỹ Vũ Hiến. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, xin mời bạn bè cùng đọc..

.Vănhaiphong.com- Truyện ngắn này nhà văn Đình Kính viết từ những năm 1980 thế kỷ trước, để tưởng nhớ bạn, Nhà báo liệt sỹ Vũ Hiến. Nhân kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sỹ, xin mời bạn bè cùng đọc.

Nhớ Vũ Hiến

H. ơi, tao đang trở lại trung đoàn hải quân đánh bộ, đơn vị mà mày vò đầu bứt tai nằn nèo xin được theo trong chiến dịch Tây Nam đây. Những người H. chắt chiu thời gian, tranh thủ khoảng hở ít ỏi giữa hai đợt pháo, trân trọng ghi vào sổ tay, còn cả: Tham mưu trưởng Thạc hiện là Trung đoàn trưởng, so với những điều H. viết thì giờ anh có già hơn, khuôn mặt héo đi bởi lo âu và có lẽ anh không có nhiều thời gian để , “Tối tối lần xuống hầm các tiểu đội, sà xuống hút chung với anh em điếu thuốc lào, khoan khoái rít đến lõm nõ điếu rồi ngồi lì tham gia một cách hào hứng những câu chuyện tếu không bao giờ cạn của lính” nữa. Công việc không cho anh ” bén rễ” chỗ nào. Phó chính ủy Ẩm thì vẫn sởi lởi và bộc trực. Hôm gặp, anh ôm lấy tao và bùi ngùi gọi tên mày, mắt chớp ướt. Lạ vậy, con người trông bề ngòai khô khan thế mà dễ xúc động, rồi anh kéo tao vào nhà, ấn ngồi xuống giường, bảo:

– Có nhà khách, nhưng tôi biết cánh làm văn, làm báo các ông nào có chịu nằm rệp ở đó. Trước đây H. cũng vậy, cứ một hai xin xuống đơn vị. Để tôi bố trí ông xuống đại đội H. đã tham gia chiến đấu. Ở đó anh em sẽ kể cho ông nghe nhiều chuyện. Hoặc muốn ở “E bộ” vài hôm thì anh em mình nằm chung.

Những cậu Hân, cậu Hanh, trung đội trưởng Khiết, đại đội phó Khang, anh nuôi Tòng…. vẫn còn lại cả ở trung đoàn. Duy chỉ có một người, người mà H. ghi khá rõ trong sổ tay, tao không gặp, ấy là vị cán bộ chỉ huy có tên là Hòa.. ” Khuôn mặt sáng sủa dễ ưa, nhưng không hiểu sao cái cười trên miệng anh ta, đáng ra mang lại cho người khác sự chân tình cởi mở, trái lại mình có cảm giác rằng cứ giả giả thế nào. Hình như nụ cười đó là của một anh “Hòa phẩy” nào đó đặt lên môi anh ta. Sự khô khan thực lòng còn dễ chịu gấp trăm ngàn lần nụ cười thiếu trung thực. Cái đáng quý ở mỗi con người là gì, nếu không phải ở chỗ sống đúng mình?Tại sao phương án tác chiến của anh ta bị ban chỉ huy trung đoàn bác bỏ mà anh ta không một biểu hiện khó chịu, bực bõ, hoặc chí ít cũng tỏ thái độ bảo vệ. Anh ta hơn hớn như không có điều gì xảy ra, nhoe môi cười dễ dãi mà rằng: “Các đồng chí nói đúng, có lẽ..”. Đã thực chưa?Liệu lời nói có đúng như nghĩ không?Phương án của anh ta vừa trình bày có đích thực là đứa con anh ta rứt ruột đẻ ra? Rồi còn điều gì nữa khiến anh ta đổ bệnh đúng hôm chiến dịch bắt đầu? Sợ chết chăng? Có những người đã đi trọn cả cuộc kháng chiến chống Mỹ nhưng trước kẻ thù mới lại kém vững vàng…”

Ở trung đoàn tao đã gặp những người, không hề có tên trong cuốn sổ của H.,có lẽ do tình hình chiến đấu khẩn trương mà mày chưa kịp ghi? Nhưng những người này lại biết rất rõ về H.. Hôm lân la xuống trung đội Ba tao đã gặp những  người ấy. Khi biết tao là bạn của mày thì lập tức họ đối xử thân tình như người quen biết cũ và họ đã dành trọn buổi để kể về H. Anh trung đội trưởng có cái tên khô không khốc: Công, nhưng khi nhắc đến H. lại hết sức trân trọng:

…Hôm bọn tôi chuẩn bị xuống tàu hành quân thì anh ấy đến, ba lô níu vai, người lấm bụi đường, khuôn mặt quắt lại. Trông anh không được khỏe, nước da mai mái, người mảnh mai, bộ quần áo sĩ quan hơi rộng so với khổ người, nhưng ở anh có cái gì đấy gây cảm giác dễ gần, đễ mến. Đôi mắt hay cười cười, ánh nhìn thẳng thắn trung thực.

Ban đầu bọn tôi ngỡ anh là trợ lí mới về, được cử xuống đơn vị, nhưng anh bẽn lẽn lắc đầu.

Cậu Tình chợt phát hiện ra, reo lên:

À phải rồi anh là nhà báo của quân chủng!

Hai chữ ” nhà báo” khiến vành tai anh ửng đỏ. Anh nhỏ nhẻ:

-Nhưng trung đoàn đã đồng ý tính mình vào con số của tiểu đội, cho mình bình đẳng như các ông nhé!

Sau này tôi biết thêm rằng để được đi với tiểu đội mũi nhọn chúng tôi, đánh chiếm đầu cầu dọn bãi, anh đã phải “đấu tranh” rất căng với ban chỉ huy trung đoàn. Phó chính ủy Ẩm quý khách nhưng cũng là một  người cẩn thận và hết sức đắn đo trước đề nghị của anh. Ông lo cho anh. Nhưng còn một điều tế nhị nữa, ấy là, liệu thêm anh, tiểu đội mũi nhọn có bị vướng, khó hoàn thành nhiệm vụ. Trong chiến đấu, ai chẳng muốn tinh, gọn. Nhưng cuối cùng anh đã thắng, bởi anh có cái lý của mình:

– Tôi đề nghị Trung đoàn coi tôi như một chiến sỹ, đừng canh cánh rằng tôi là nhà báo. Tôi xin đi theo tiểu đội mũi nhọn trước hết với tư cách là một người lính chứ không hẳn chỉ là người ngoài cuộc đi lấy tư liệu và tôi chịu trách nhiệm trước tiên với tư cách đó…

Trung đoàn chẳng có lý do gì để từ chối, và thế là anh ấy trở thành một đội viên trong đội hình chiến đấu của chúng tôi.

Xông xáo, hết mình, sống như một người lính thực sự mỗi lần xuống đơn vị vốn là đặc tính của mày. Nhớ lần hai đứa chúng mình cùng đi Trường Sa, dịp đó là tháng giêng, đang mùa gió, biển cộn lên, tàu lắc ngang lắc dọc, chực ụp xuống. Mày say lử khử, rũ xuống như tàu lá héo. Hai ngày không một hạt cơm vào bụng, nôn ra mật xanh mật vàng, nôn đến mỏng người. Nhưng khi con tàu cập đảo, mày lại nhanh như sóc, xắn tay bốc hàng cùng anh em. Cùng vật lộn với từng đợt sóng để giành cho được cân gạo, thùng dầu lên bờ. Cũng tái mặt, lo lắng, hét lạc giọng khi sóng gồ lên chực nuốt chửng chiếc xuồng nhỏ nhoi cập mạn tàu lấy hàng. Và tối đến bên ngọn đèn dầu lù mù lại cùng anh em cười ha hả khi cùng đọc chung với nhau lá thư nhà… Rồi nửa đêm, khi trời bất thần trút mưa, mày là người đầu tiên tất tưởi chạy ra kéo bạt che cho từng khẩu pháo. Người ướt mềm, run như lên cơn sốt, vẫn hô anh em căng ni lon hứng nước mưa, vẫn biết rằng giọt nước ngọt ở đảo rất quý… Những ngày ở đảo thật thú vị: khi mặt trời mang nỗi nhớ ở đó vào đất liền ( anh em vẫn nói thế) chúng mình, mỗi thằng đánh độc một chiếc quần cộc cùng lính đảo xăm xăm đi bắt mực. Quanh đảo, biển thở hi hóp, mệt mỏi, gió lùa từng cơn trống vắng. Đá san hô cứa nát gan bàn chân, vẫn vui. Trăng lên, đảo sáng bàng bạc, bồng bềnh trôi. Bên mép hầm, chúng mình xúm lại luộc mực. Mực luộc nước mặn, ăn vẫn ngon. Rồi khui chuyện đảo. Lính ta thuận mồm kể đến khuya. Chuyện đông, chuyện tây, chuyện chung, chuyện riêng. Chưa bao giờ tao bắt gặp H. mở sổ ghi chép trước mặt mọi người, nhưng sau mỗi chuyến đi, cuốn sổ của mày lại đặc chữ. Mày biết lẩn mình, nhưng ý thức về nghề rõ thế, H. ơi!

Hôm chúng mình rời đảo là ngày cuối tháng, trời mưa lay phay, cả một vùng mờ đục hơi nước. Biển đã ngậm đảo trong lòng vẫn tham lam tung sóng cố nuốt phần còn lại. Chào nhau phải hét lên vậy mà vẫn bị gió bạt đi. Tao thấy mày loanh quanh khắp lượt, bịn rịn nắm tay từng người, dùng dằng chẳng muốn xa. Điều gì khiến mày đi không dứt thế? Và khi đã bước xuống tàu, còn bứt lên bờ, tháo đôi giày vải đang đi ấn vào tay cậu Trinh: ” Cầm lấy, mình có những hai đôi cơ” . Tao biết, mày thương Trinh giày rách, mấy tháng nay mài chân trên san hô, nên đã nói dối. Nhưng sau đó, bàn chân không dày của mày đã phồng rộp…

Quà cho người thân ở đảo xa về chỉ là những con ốc biển. Những con ốc ấy, đến bây giờ Y., vợ của H. vẫn nâng niu, trân trọng cất giữ như kỉ niệm. Y. bảo rằng những con ốc đó cũng giống như những hạt cườm trong truyền thuyết về các hòn đảo mà H. vẫn kể cho Y. nghe…Ngày xửa ngày xưa, có một chàng trai… Còn cháu P., mỗi lần khách đến nhà lại mang ra khoe:

– Ốc của bố cháu đấy. Bác ghé tai vào đây, bác có nghe tiếng sóng biển của bố cháu gọi không? Bố cháu bảo bao giờ nhớ bố thì ghé tai vào đấy…

…Anh ấy không chịu được sóng và tôi cứ ân hận mãi về sự vô tâm của mình. Khi tôi sực nhớ ra thì đã muộn. Anh đứng quay mặt vào một chỗ khuất, đôi vai rung lên, còn gì trong bụng nữa để nôn? Nhìn anh, tôi áy náy quá: giờ G tới gần rồi, không đầy nửa tiếng nữa đơn vị sẽ nổ súng lấy lại bán đảo, mở đường cho tiểu đoàn đổ bộ lên bờ, sau đó còn phải mang vũ khí vượt  núi truy kích địch, liệu anh có chịu thấu? Có lẽ hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, anh quay lại:

– Đi biển không say sóng mới đáng ngạc nhiên! Chuẩn bị đến giờ rồi phải không tiểu đội trưởng?

Anh thoăn thoắt bước ra boong, mặc gió lùa hun hút. Tàu chòng chành. Không tinh thì ngỡ anh là người cứng sóng

Trận tập kích chiếm lại bán đảo S. bị bọn Pôn Pốt lấn chiếm ngày hôm đó gay go hơn chúng tôi dự kiến. Từ hai ngọn đồi sát mép biển, với hỏa lực tăng cường, địch lợi dụng địa thế có lợi, lì lợm xả đạn chéo cánh sẻ xuống đội hình đổ bộ của ta. Tàu chúng tôi loay hoay hết tiến lại lùi, vẫn không cập được bờ. Người tôi nóng ran, mồ hôi vã như tắm. Biết rằng chờn vờn kiểu này là hết sức nguy hiểm, nhưng chưa nghĩ ra cách ứng pho.  Cho tầu lui, phát huy hỏa lực của pháo, nhưng đến bao giờ mới đổ được quân. Nếu cho tàu vào bờ thì với sườn núi dốc ngược thế, có áp đảo được địch không? Đầu tôi quay cuồng như sóng nước. Từ phía sau, điện của tham mưu trưởng Thạc thúc lên: “Bằng mọi gíá , phải nhanh chóng chiếm đầu cầu để đơn vị đổ quân!”. Nhận lệnh mà  tôi rối bời như canh hẹ. Đang giữa lúc bấn bí ấy, lúc mọi tính toán phải gấp gáp và chính xác thì từ phía sau đài chỉ huy, anh xách súng khom người nhảy thốc lên, vừa thở vừa quát vào tai tôi:

– Tôi đề nghị cho tầu vào bờ, kê DKZ lên vai mà bắn!

-Hả?

– ChoDKZ lên vai…

Tôi ngơ ngác chững lại chừng nửa giây rồi nhận ra, sung sướng hét đến vỡ giọng:

– Đúng! Kê DKZ lên vai mà bắn!

Trời ơi, sao cái điều đơn giản ấy tôi không nghĩ ra chứ! Đợi gì nữa, nghếch nòng súng lên, bắt những cái ổ hỏa lực ấy của định phải câm họng hoặc ít ra cũng vít cổ chúng xuống để đơn vị tràn lên! Tôi luýnh quýnh phát lệnh và  cho con tầu dũi vào. Từ phía sau có tiếng DKZ bắn lên, tôi quay lại . Và, cho tới bây giờ tôi vẫn không quên được hình ảnh đó: Anh H. đứng thẳng người, hai chân mở rộng bằng vai, dính chặt trên boong, vẫn dáng người gầy gầy, đôi mắt nhìn thẳng trung thực, nước da tai tái trong bộ quân phục sĩ quan hơi rộng; trên vai anh nòng DKZ đang hướng vào địch và phía sau anh, cậu Tân, pháo thủ DKZ người hơi thấp đang chuẩn bị bắn viên đạn thứ hai. Tôi sững người, toàn thân nổi gai: Một luồng lửa tuôn về phía sau, viên đạn vút đi . Anh H. lạng người, gắng lấy lại thăng bằng, một dòng máu tươi rỉ ra ở tai. Tôi run lên, muốn gọi tên anh thật to… Con người ấy cách đây không lâu còn phải vất vả khổ sở vì sóng đó, anh!”

– Đi chuyến này về, mình tin là sẽ viết được một cái gì đó, chưa dám nói là hay, nhưng thật.

Hôm tiễn H. xuống tàu, mày đã nói với tao như thế và tao cũng tin thế. Chiều ấy chúng mình sánh vai đi loanh quanh bên bờ quân cảng. Bịn rịn nhưng  hai đưa đều ít nói.

Dưới chân, biển thở hổn hển. Nắng chang chói đổ tràn trên cát. Phía sau vách núi, gió lùa từng cơn. Và xa nữa, những ngọn núi đá nhấp nhô, khắc một đường viền nơi chân trời. Nơi đó, thấp thoáng bóng chim bay, trông hệt  nốt nhạc thả lửng lên trời. Vòm trời trong, cao và vang quá!

Tao rõ rằng lần này H. sẽ đi lâu hơn mọi chuyến.

Mấy hôm trước chúng mình còn giành nhau để được tham gia chiến dịch. Trong cuộc họp H. cứ nằng nặc xin được ưu tiên với lý do nghe cũng hợp lý: Chuyện về những người đổ bộ H. đang viết thiếu mảng chiến đấu. Mọi người nhìn H.. Không phải anh em thiếu tin nhưng họ có lý để ngạc nhiên vì năm qua H. đã đi quá nhiều. Sau chuyến ra Trường Sa, mày thức đến trõm mắt để viết bài, lại vội vội đeo ba lô theo bộ đội ra chốt ở Phú Quốc, quay về chưa kịp thở đã xin đi Bạch Long Vĩ vì biết tình hình ở đó đang căng, rồi  xuống các hải đội, theo tàu đi biển… Thế mà vẫn chưa đủ để viết “một cái gì” sao? Riêng tao thì tao hiểu. Nhớ một đêm đã khuya, H. đập cửa vào phòng:

– Lại tắc, không viết được nữa?- Tao ngước lên hỏi.

H. ngồi thừ ra, cắn môi. Dịp ấy trông mày gầy quá! Điều gì khiến mày sống không yên thế? Cái sự viết lách cũng khiến người ta dằn vặt, trăn trở vậy sao?

– Ừ, vẫn không ra!

– Tại sao?

Mày lại hỏi tao:

– Những ngày qua mình sống hời hợt quá chăng? Mình vẫn cảm thấy đang thiếu một cái gì đấy. Những điều cóp nhặt được trong những chuyến đi mới là những thanh củi khô, vẫn thiếu một tia lửa để cho củi cháy rực lên. Cái mình biết, khi viết ra là để nói một điều gì chứ! Có lẽ mình vẫn phải xuống đơn vị một thời gian nữa, lần này xuống làm lính thật sự để thấm tất cả nối buồn, niềm vui và những suy nghĩ của họ. Có sống hết mình mới mong có tác phẩm được người đọc chấp nhận…

Tao hiểu mày, có phải chuyến đi ấy là để tìm ra tia lửa đó không, H. ơi?

… Anh ấy chết thanh thản quá! Tối hôm đó bọn tôi quây lại để nghe anh  đọc cho nghe truyện ngắn vừa tranh thủ viết xong:” Truyền thuyết về những người giữ chốt”. Khá lý thú và cảm động. Đọc xong, anh hỏi:

– Nhân vật người chiến sỹ đã đúng như tâm trạng của các ông chưa? Mình chỉ lo viết sáo, phản ánh không thực.

Mỗi người góp một ý, anh rất thích và nói rằng nhất định sẽ sửa lại. Giữa lúc ấy thì có lệnh đại đôi truyền xuống: Cử một tổ ba người lên tăng cường cho chốt! Nghe tin, anh xách AK đứng dậy đề nghị được đi, lại xin lãnh trách nhiệm làm tổ trưởng luôn.  Anh nói vui:

– May qúa, mình đang cần tài liệu về chốt để bổ sung cho truyện…

Sau lần chảy máu tai vì đạn DKZ, rồi lại hành quân liên miên, đuổi địch, cuộc sống thì kham khổ, người anh ấy xọp, nhưng nhìn vào đôi mắt như có lửa, thật tình tôi không sao từ chối được, chỉ biết dặn riêng cậu Thiềng và cậu Tình hãy cẩn thận và nhớ chú ý đến anh hơn, dù muốn hay không anh ấy cũng là một nhà báo…

Trước khi ra khỏi cửa hầm, anh còn ngoái lại, nửa đùa nửa thật dặn với:

– Sáng về, mình sửa lại truyện rồi sẽ đọc tiếp, chắc chắn phải khá hơn, nhưng các ông nhớ bung gia gia bo bo vào nhé, ở chốt về cánh này ăn khỏe lắm đấy!

Mấy ngày qua, bọn lính chiến chúng tôi ăn độc mạch hột. Cái giống này nóng, bụng cậu nào yếu, ăn vào “chạy” đến khổ, người sút đi rất nhanh. Tôi biết anh cũng thế, nhưng đến bữa, anh gắng nuốt hết tiêu chuẩn. Còn nói vui:

– Cái bụng mình là chúa rắc rối, phải giềng cho cu cậu quen thôi. Cứ ăn nhiều vào, nay không chịu thì mai, ăn mãi ắt phải chịu. Con nhà nghèo mà cứ muốn sống theo lối nhà giầu thì thật vô lý.

… Nửa tiếng sau có tiếng AK rộ lên ở lưng chừng đồi. Tôi giật mình bật dậy, như có linh tính báo trước, hô hai đồng chí nữa, xách vội súng nhảy ra khỏi hầm. Tiếng AK vẫn điểm từng chặp đều đặn, tự tin. Tôi bổ về phía đó…

Thì ra bọn lính Pôn Pốt biết rằng không thể đánh trực tiếp vào chốt của ta được nên đã lẻn ra phía sau, nghi binh đánh úp. Nhưng hành động đó đã không qua được mắt anh H..Vừa chủ động nổ súng, vừa giục Thiềng và Tình nhanh chóng vượt lên chốt để tăng cường cho đông đội trên đó. Tôi chạy gằn, nghe tiếng AK đuối dần đã lo; chợt nó nấc một tràng rồi tắt lịm. Khi tôi đạp gai, quơ tay bươn tới thì thấy anh ấy đứng kia, vai tựa vào gốc cây, vẫn là dáng đứng của người làm giá súng hôm nào trên boong tầu. Mắt nhìn về phía trước và khẩu tiểu liên kẹp chặt trên tay. Tôi cứ mong anh sẽ quay lại và hỏi: “ổn cả chứ?”

Chúng tôi chạy lại đỡ anh, nhưng trời ơi, đấy là sự thật ư? Phía ngực bên trái nơi anh thường để quyển sổ ghi chép, một viên đạn xuyên trổ ra sau lưng. Chúng tôi bàng hoàng, chẳng lẽ anh ấy đã ra đi! Không thể tin được! Anh hứa sáng mai ở chốt về sẽ sửa và đọc truyện cho chúng tôi nghe cơ mà…

“Truyền thuyết về những người giữ chốt”… Đừng bắt chúng tôi chấp nhận điều này, anh H. ơi. Dậy đi anh! Rồi chúng mình còn ăn chung với nhau nồi mạch bung, còn cùng nhau vác súng, chân đất đạp gai vượt núi truy kích địch cơ mà. Không tin đâu, chúng tôi không tin đâu!

Bọn chúng tôi lẳng lặng đưa anh về hầm. Đứa nào cũng cắn chặt môi để khỏi bật ra tiếng nấc mà nước mắt tràn ra. Căn hầm vẫn văng vẳng tiếng cười, giọng nói của anh. Chúng tôi vẫn nghe tiếng anh đọc rành rọt :” Rồi chàng trai chia tay cô gái để lên chốt…”

… Có ai ngờ buổi chiều mùa hè trên bến cảng ấy lại là buổi chiều cuối cùng chúng mình được đi bên nhau! Khi xuống tàu, tao nhớ mày còn hơ tay lên mà hét to:” Nhất định lúc về mình sẽ có bài đọc để cậu nghe. Năng đến thăm Y. và cháu nhé” cơ mà!

Hôm nhận được tin mày hi sinh, tao choáng người. Dẫu là thật vẫn khó tin. Sao lại vô lý như thế! Nhìn cuốn sổ với những hàng chữ thân quen nhòen vết máu, tao lặng đi, sững sờ. Song tao không khóc đâu, vẫn biết mày không thích sự ủy mỵ. Nhưng tối đến, tới nhà thăm Y. và cháu P., tao biết nói thế nào với Yến đây, H. ơi. Hai mẹ con có ngày nào không nhắc đến mày! Hôm qua Yến còn hỏi:” Nhà em dặn đi hai tháng rồi về, sao lâu quá, em nóng ruột lạ…”. Còn cháu P. thì bá lấy cổ tao, thì thầm:” Đừng mách mẹ cháu nhé, bố cháu bảo bao giờ về, sẽ cho cháu một khẩu súng. Thật đấy! Con trai phải có súng để đánh giặc chứ !”

Những hôm rỗi, tao vẫn ra thăm Y. và cháu. Câu chuyện dù loanh quanh thế nào, cuối cùng rồi cũng nhắc đến mày. Y. kể: ” Tối trước hôm đi, anh ấy còn lần mua cho mẹ con em chiếc quạt điện, lo mùa hè mẹ con ở nhà nóng không ngủ được. Và cứ dặn mãi rằng, dù có thiếu thốn, cũng gắng sống cho trong sạch. Em  vờ ướm hỏi: ” Người ta cũng làm báo, nhưng chỉ ngồi ở nhà vẫn có bài, họ đâu phải sống xa vợ, xa con”.  Không ngờ anh ấy nổi giận: ” Em dở lắm! Chỉ nhúng gậy xuống nước mà kêu lạnh, thương người thợ cấy quá là vô lương tâm. Anh không muốn phải xấu hổ với những trang viết của mình. Hơn nữa, trước hết anh còn là người lính…”

…Hôm ra đây, tao có lại thăm Y. và cháu P. . Cả buổi tối cũng lại chỉ nói  chuyện H.. Đã hai năm rồi đó…Tao hứa khi nào về sẽ kể thêm để Y. và cháu nghe nhiều chuyện.

Bây giờ thì tao đang ở trung đoàn hải quân đánh bộ, đơn vị mà mày nằn nèo mãi để được đi theo trong chiến dịch Tây Nam đấy. Những người mà H. chắt chiu thời gian, tranh thủ khoảng hở giữa hai đợt pháo trân trọng ghi vào sổ tay, còn cả. Trung đoàn đã chuyển ra phía Bắc, vẫn là để đương đầu với kẻ thù ấy thôi…

Dịp này biển đang vào xuân, tím xanh, phẳng lặng. Những ngọn núi đá ven bờ phủ kín lá non mơn mởn. Ở đó vào buổi sớm mai có những con chim thức dậy gọi nhau chí chới rồi cùng giang rộng cánh hớn hở bay vọt lên, lượn tít ra xa; sương tan dần, cả một vùng xanh ngắt hiện ra mênh mông.

Biển ấm rồi !

Qua mùa xuân sẽ là hè. Chúng mình xa nhau gần hai năm đó, H.

Đông Bắc, xuân 1980

Đ.K

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder