Những thiếu thời lơ lửng về mặt ý nghĩa xã hội và nghệ thuật là không lơ lửng. Tập sách gieo vào người đọc một nỗi suy tư và thức nhận đến mức đau đớn. Vì lẽ, ai cũng đã, đang và rồi sẽ đi qua thời lơ lửng ấy. Ở một phương diện khác, Những thiếu thời lơ lửng thể hiện một lối viết rất hiện đại. Nhưng, đó lại là vấn đề của một tiểu luận khác.
1. Lơ lửng
Lơ lửng chính là trạng thái của không gian nghệ thuật trong tập truyện ngắn Những thiếu thời lơ lửng. Lơ lửng nghĩa là chưa thuộc về, chưa định hình, còn dang dở, đang bắt đầu, chưa kết thúc, chưa thể định vị, định danh, định giá hay định dạng,… Lơ lửng, giống như là: vẫn đi nhưng trong lòng không muốn, rằng chấp nhận mà chẳng thích thú gì, thẳm sâu và loãng nhạt, tĩnh lặng mà cồn cào, ngọt và đắng, gắn bó mà không yêu, yêu mà rời xa, xa mà không mất, ở bên mà diệu vợi, gặp rồi xa, chẳng nhớ nhung hay luyến tiếc gì nhiều, như bên nhau mà chẳng thấm tan vào nhau, như ở xa mà cứ nhớ nhưng gặp lại thấy xa xôi, ao ước gặp rồi lại thấy giá như đừng gặp, muốn ở bên ai đó nhưng lại thấy như tự làm tổn thương chính mình…
Nhưng tại sao lại là “lơ lửng”? Lơ lửng nói lên trạng thái tinh thần của những người trẻ khi họ chưa định hình những khuôn khổ hay giá trị có tính ổn định và bền vững. Ở họ, cuộc sống mới chỉ bắt đầu, mới chớm, không còn ấu thơ nhưng chưa hẳn đã lớn, đã trưởng thành. Bởi vậy, họ cứ lang bang, lơ lửng và kiến tạo nên chân dung của lứa tuổi mình trong chính sự lơ lửng ấy. Tuy nhiên, ngay trong ý niệm của tác giả – chủ thể của thế giới “lơ lửng” này đã hàm ẩn một sự phủ định hay rời bỏ. Bởi lơ lửng là chưa trưởng thành, là cần phải vượt qua, cần phải định hình. Như thế, sẽ đến lúc những người trẻ và những người lớn quanh họ nghĩ về câu hỏi: Bây giờ, họ đã ở đâu rồi? Họ có còn lơ lửng? Nếu không, thì họ ở đâu? Và, nếu còn lơ lửng, vậy thì đến bao giờ? Mỹ Hà – một nhân vật trong truyện ngắn Khi núi đổ đã nói lên trạng thái lơ lửng ấy của tuổi mình: “Không phải là tôi muốn thay đổi một điều gì đó, làm một điều gì đó thực sự mang tính chất nổi loạn như người ta vẫn thường nói khi bước đến ngưỡng tuổi mười tám, đôi mươi. Cũng không phải là tôi thấy mái tóc ấy có vướng víu, bất tiện gì. Tôi không biết nữa. Cảm xúc khi đó của tôi, nếu phải diễn tả thì thực là giống như một bầu trời tháng tám âm u kéo dài từ mờ sáng đến ban trưa vậy. Ra trường, tôi không thi lên đại học mà tiếp tục làm người mẫu ảnh. Bố mẹ tôi từng hỏi tôi rằng, sau này khi bố mẹ chết đi thì tôi, không nghề ngỗng tử tế và không bằng cấp, sống bằng thứ của cải sớm hao mòn và tàn lụi nhất trên thế gian, thì xem xem tôi sẽ định làm gì? Tôi bảo là, con không biết. Tôi chẳng biết gì hết. Suốt cuộc đời mình, tôi không biết bất cứ một điều gì cả. Tôi là loại người như thế” (Khi núi đổ). Đoạn trích này như một tự thuật về tính “lơ lửng” của người trẻ. Họ không biết, không biết thật hay không biết giả? Nhưng không biết dù cố ý hay không vẫn nhận thấy ở đó phẩm tính của điều “lơ lửng” và cả chút gì đó như là một xác tín nữa. Lơ lửng hiện hình trong những cảm giác: “Tôi không bất hạnh, không cô độc, nhưng đồng thời tôi cũng không hạnh phúc”. Lơ lửng là đôi khi, “tôi không thật hiểu thật rõ bản thân đang mong muốn điều gì?”. Vậy đấy, ở tuổi này, cái lơ lửng lại chính là thuộc tính mà nếu không để ý, cảm nhận, người lớn sẽ làm tổn thương những đứa trẻ. Bởi lẽ, lơ lửng về mặt ý thức lại cũng chính là một áp đặt từ phía những người tự cho rằng mình không còn lơ lửng. Ngược lại, với những người trẻ, lơ lửng chính là trạng thái thường trực, vốn có, làm nên một phần cuộc đời và sinh mệnh của họ.
2. Chạm vào thương yêu: mong manh và thoáng chốc
Tôi muốn nói về điều này trước tiên như một chia sẻ rằng những người trẻ trong thế giới của Hạnh Nguyên đã từng biết đến, đã chạm vào, đã nếm trải những rung động của yêu thương, gần gũi trong thời mà họ đã sống và đang sống.
Điều đầu tiên là họ trẻ. Họ là những cô cậu học trò, sinh viên hoặc có người vừa rời ghế nhà trường, bước chân vào công việc. Ở họ, khao khát được gặp gỡ, được gần gũi, được chia sẻ và đồng cảm là điều có thể nhận ra rất rõ. Tôi không liệt kê ra đây những nhân vật hay những câu chuyện (bởi đó không phải là điều mà Hạnh Nguyên chú tâm), nhưng, khi đọc Hạnh Nguyên, ta thấy những người trẻ, ngẫu nhiên đến bên nhau, cùng đi học, đi thư viện, uống cà phê, nghe nhạc, chơi một trò gì đó, ngủ hoặc ăn hoặc chia sẻ một câu chuyện,… Bắt đầu trong họ nhen nhóm những tình cảm, những yêu thương. Giới không phải là vấn đề (trong ý niệm của họ). Ở đây là sự đồng cảm của những con người có cùng tâm trạng, cùng nhịp điệu sống mới là động lực đưa họ đến với nhau, ở lại bên nhau trong những khoảng thời gian nhất định. Chẳng hạn, trong truyện ngắn 1828, những tình tiết được kể không quá ám ảnh. Nhân vật cũng vậy. Tuy nhiên, điều gây ấn tượng lại chính là cảm giác cùng những miên man của nhân vật. Nhân vật ở truyện ngắn này khá nhạy cảm, tinh tế. Câu chuyện gợi nhớ về nhiều nhân vật, nhưng có lẽ “cậu bé – đứa trẻ” là tuyến trọng tâm của cảm xúc và ấn tượng. Không hẳn là công việc, không hẳn là câu chuyện yêu đương hay những tình cảm bạn bè,… 1828 kết thúc như chính quan hệ của nhân vật tôi và cậu bé – đứa trẻ. Chẳng có gì khiến người ta đau đớn hay dằn vặt, khổ sở. Chỉ một chút nhói ngực trước khi chìm vào giấc ngủ. Chẳng thể gọi là yêu? Mà như thế nào là yêu? Họ đến tìm nhau, nói chuyện, nghe nhạc, “ôm nhau một chút” rồi rời xa nhau, theo đúng cách Hạnh Nguyên nói: họ bỏ rơi nhau. Những biểu hiện này cũng có thể gọi là yêu, mà sao thấy ít ỏi những niềm gắn bó. Có đối thoại rằng sẽ chờ nhau, nhưng thấy chẳng có căn cớ gì để tin tưởng. Không có gì ở trước mắt, cũng không có gì ở tương lai. Và, sau đó, tôi – chị của đứa trẻ kia đã thấy rằng mình cần phải rời xa.
Những tình cảm yêu thương, những nhen nhóm gần gũi đến một ngày nào đó, không xa, như qua một mùa hè, một kỳ nghỉ, một đêm, thậm chí là qua một lần gặp bất chợt, bỗng nhiên rời xa, tan biến. Có thể sẽ xuất hiện một người khác để nhen lại những xúc cảm ấy, nhưng phần nhiều trong các tác phẩm của Hạnh Nguyên, câu chuyện kết thúc, nhẽ bẫng, tan loãng, nhạt nhòa, không còn nhiều dấu vết. Hạnh phúc của Những thiếu thời lơ lửng chỉ dừng lại ở đó, không đi xa hơn trong mọi nẻo. Ngay cả nhân vật được phác họa ở ngôi thứ nhất cũng không lấy làm đau buồn hay sụp đổ. Những yêu thương và hạnh phúc cũng lơ lửng như cái tuổi của họ. Lơ lửng là khi người mà họ yêu rời xa họ cũng chẳng thấy buồn bao nhiêu, giống như là người ấy mua vé một chiều mà quầy khứ hồi lại có vấn đề, nhẹ nhàng như là không cần phải bận lòng vậy.
Thời lơ lửng yêu, sống bằng trái tim, bằng những cảm xúc mà rất ít có sự can thiệp hay lên tiếng của lý trí. Lá thư “anh” viết cho Mỹ Hà nói lên điều đó: “Anh không yêu em không phải vì anh không muốn yêu em mà đơn giản là anh không thể. Không hề có rào cản giữa chúng ta, chỉ là anh thậm chí còn chẳng có ý nghĩ nhấc chân lên và chạy để vượt qua cái hàng rào đó. Em thì lúc nào cũng ở ngay đấy. Anh thì luôn ở đây. Ngay từ đầu anh đã ở đây. Anh không rõ suốt quãng thời gian qua chúng ta đã cảm thấy thế nào, hay là khiến đối phương cảm thấy thế nào. Anh chỉ muốn chắc rằng em đã thấy vui vẻ khi ở bên anh. Bởi thực lòng, anh nghĩ anh thấy mình hạnh phúc. Có lẽ là thế. Anh muốn nói như thế đấy, Mỹ Hà” (Khi núi đổ). Không phải không muốn yêu nhưng không thể. Muốn thuộc về lý trí, yêu lại thuộc về trái tim, cảm xúc. Bởi vậy họ ra đi mà không thấy đau đớn hay tiếc nuối điều gì. Với họ, có lẽ yêu và hạnh phúc cũng khác nhau nữa. Có khi yêu nhưng không hạnh phúc, yêu chỉ toàn đớn đau nhưng vẫn yêu. Ngược lại, hạnh phúc có thể có nhưng lại thiếu vắng tình yêu.
Có đôi khi, những hạnh phúc, yêu thương kết thúc bằng cái chết. Một tai nạn, tự sát hoặc “biến mất”. Nhưng, nếu đọc toàn bộ tác phẩm của Hạnh Nguyên, ta thấy cái chết đó không hẳn là một mất mát kinh hoàng, sụp đổ. Bởi lẽ, cái chết ấy cũng chính là một lựa chọn, một ga nào đó đã được lên sẵn, được đặt vé trong hành trình tâm thức của người trẻ (Mọi thứ trôi đi, lơ lửng như bốn mùa – Hạnh Nguyên). Trong lời tựa của cuốn sách, Hạnh Nguyên nói rằng: “Nhân vật của tôi yêu nhau bằng thứ cảm tính của riêng họ. Họ yêu nhau và đôi lúc họ chẳng cần đến nhau hoặc họ yêu nhau nhiều đến mức tôi chẳng viết ra vì không biết làm sao để diễn tả và rồi họ bỏ rơi nhau. Sau khi xong xuôi hết rồi, mãi tận khi kết thúc, tôi mới biết họ đã bỏ rơi nhau”. Những nhân vật yêu nhau và chính cả chủ thể sáng tạo nữa dường như cũng trong trạng thái lửng lơ như vậy.
3. Buồn đau, cô độc là đủ đầy bất tận
Dường như có một sự mâu thuẫn nào đó trong diễn giải của tôi: Rằng họ chẳng đau buồn gì khi những thương yêu, nhen nhóm nào đó vụt tan biến. Nhưng không, ngay ở đây, ta thấy những nỗi đau buồn, sự cô độc, áp lực của họ là đủ đầy bất tận. Bởi lẽ, những thương yêu, gần gụi kia chỉ là một trạng thái có phần dễ chịu của nỗi buồn đau thế hệ, của những căn nguyên sâu xa hơn thuộc về con người bản thể. Con người ấy hiện lên là một thể tính đau buồn, cô độc từ ngay khi bắt đầu sự sống.
3.1.Những áp lực bao trùm thế hệ
Về mặt lịch sử, thời đại, thế hệ nào cũng có những biến cố của riêng nó, vừa là động lực, vừa là áp lực (Thời trung đại – Áp lực của việc lập đức – lập công – lập ngôn/ Thời cận hiện đại – Áp lực của đòi hỏi tự do cá nhân/ Thời chiến tranh: Áp lực của cộng đồng, đoàn thể lên trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân với đất nước/ Thời bây giờ – đương đại: Áp lực là mâu thuẫn giữa một bên Cái phải là, Nên là thuộc về ý chí ngoại thân với một bên là Cái vốn dĩ, Cái cần thuộc về bản thân/ bản thể). Với người trẻ tuổi, ngay từ khi lọt lòng, trong xã hội đương đại đã phải mang theo nhiều kỳ vọng, trông đợi của gia đình, dòng họ,… Những đứa trẻ ấy bị đẩy vào một cuộc chạy đua của chính cha mẹ, gia đình. Họ phải học, phải có nghề nghiệp, có tiền, có cuộc sống đủ đầy, viên mãn,… Như vậy, áp lực phải trở thành cái gì đó trong kỳ vọng của cha mẹ, gia đình, trong tiêu chuẩn xã hội là một gánh nặng đối với đứa trẻ, khiến chúng không sao ngẩng đầu lên được.
Áp lực đến từ việc không được sống với chính bản thân mình. Đứa trẻ phải sống theo một “phác đồ” mà người lớn đặt ra. Sự thực, đó không phải là đời sống của đứa trẻ mà là sự bổ sung vào đời sống của người lớn (vốn dĩ bị thiếu khuyết, sót, lỡ trong cuộc đời người lớn). Đứa trẻ chỉ là một phương tiện để hoàn thành tham vọng của người lớn.
Áp lực của việc không được lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ (Nhân vật Bee trong truyện ngắn Lúc nửa đêm bị mẹ đánh. Mẹ không nói chuyện với Bee nữa, Bee uống thuộc ngủ để thử mẹ. Mẹ cũng không quan tâm và thế là cô dốc nốt số thuốc ngủ còn lại vào miệng, tỉnh dậy trong bênh viện và bị ném vào trường Đại Dương (thực ra là một bệnh viện tâm thần) (tr. 206, 224).
Áp lực không được nói – mất tiếng nói là mất hiện hữu. Những cô cậu học sinh của trường Đại Dương, khi được hỏi tại sao họ vào đây – ngôi trường thực tế là một bệnh viện tâm lý, họ trả lời: không biết, nếu biết họ đã không ở đây. Rồi nhiều lần khác nữa, các nhân vật rất khó khăn để thổ lộ câu chuyện của họ, chỉ khi nào thực sự tin tưởng, được động viên và khích lệ lắm họ mới nức nở, chậm rãi, ngắt quãng kể ra câu chuyện của mình.
Trong thế giới của Những thiếu thời lơ lửng, còn có thể nhận ra những áp lực từ trường học, chương trình giáo dục, mục tiêu giáo dục (tr. 227), áp lực từ những chuyển động của tâm sinh lý, yêu đương và tan vỡ,… Tất cả đang tạo nên một bầu khí quyển nặng nề, u ám bao trùm lên người trẻ, khiến họ rơi vào trạng thái trầm cảm. Cuộc sống không có áp lực, áp lực đến từ con người. Bởi vậy, Những thiếu thời lơ lửng là một thông điệp, lên tiếng về tình trạng áp lực, sự trầm cảm của người trẻ và hy vọng một sự giải tỏa từ phía những người đang tạo nên áp lực cho thế hệ trẻ.
3.2.Cô độc, trống rỗng là trạng thái thường trực
Cô độc là một chủ đề trọng tâm của Những thiếu thời lơ lửng. Trong thế giới của người trẻ, ta nhận ra những con người cô độc, u uất, trống rỗng. Cô độc vì không được sẻ chia, không được thấu hiểu. Trong truyện ngắn Chính hạ, nhân vật nói rằng: “Đơn giản là vì tôi sẽ chẳng có ai để nói chuyện cùng hay bông đùa mấy câu vô hại về những bộ phim chúng tôi đã xem hay ban nhạc mà chúng tôi cùng yêu thích” (tr. 43). Những yêu thích, đam mê, những mối quan tâm của những đứa trẻ bị cha mẹ và những người xung quanh thờ ơ, hoặc xem là hài hước, trò hề, thậm chí là ngốc nghếch và dại dột,… Điều đó lại càng làm cho các nhân vật rút lui vào thế giới của mình, không tham gia giao tiếp với mọi người. Chẳng hạn, khi gia đình bàn về tương lai của các con, thì nhân vật chẳng để ý, mà nghĩ về số muối một người phải dùng, số tóc rụng của đàn ông, đàn bà, trẻ em và người già,… Trong một truyện ngắn khác: “Có những ngày như thế, khi chúng tôi đều dừng lại, nhận ra một điều gì đó không thật rõ ràng. Và chẳng biết để kể cho người khác bằng lời, những cảm xúc của chúng ta” (Gió heo may, tr. 122); “Chỉ có buồn bã, và những chuyện không như ý muốn cùng sự bất lực, nỗi cô đơn của bản thể và chúng mình không biết phải làm sao” (Hạ non, tr. 156). Bởi thế nên họ cứ thấy mình cô độc.
Cô độc vì người trẻ thấy mình không hiểu được người khác. Trong nhiều truyện ngắn của Hạnh Nguyên ta thấy các nhân vật thường nói: tôi không hiểu/ Tôi không biết/ Vì đâu,… Các nhân vật của Hạnh Nguyên thường rơi vào trạng thái cô độc, trống rỗng bởi lẽ dường như tất cả những gì của cuộc sống đang diễn ra không bù đắp nổi một “vết thương lòng” tựa như đại dương. Điều quan trọng có lẽ là nhân vật trong thế giới Những thiếu thời lơ lửng có ấn tượng hay cảm giác rằng họ không đến được với những điều tuyệt đối trong ý niệm hay trong cách tuổi trẻ hình dung. Người trẻ, như đã nói, với sức sống, khao khát và ước mơ về những điều tuyệt đối, như ý,… dễ rơi vào bi kịch thất bại, bất như ý. Và, trống rỗng, cô độc, hờn giận, lảng tránh cuộc đời là điều dường như có thể tiên lượng. Trong nhiều truyện ngắn khác, cô độc đã tạo thành một thứ khí hậu của Những thiếu thời lơ lửng. Cô độc vì không gặp/ Cô độc vì gặp rồi mà mất mát, tan biến/ Trống rỗng vì không có gì lấp đầy những khoảng trống do mất mát để lại/ Trống rỗng vì sự chán chường với cuộc sống xung quanh, môi trường học tập, làm việc,… Cô độc là trạng thái của con người cá nhân bản thể. Dường như đây cũng là một thái độ phản tư với chính con người đoàn thể vốn không biết đến (ko được biết đến) cô độc, cá nhân trong suốt thời gian dài. Và nếu như thế, cô độc còn hàm chứa một năng lực tự do trong việc thực hành sống thuộc về thân phận của con người.
3.3.Điên là sự quy kết mù quáng từ cộng đồng
Chứng điên – sự bất thường của tâm lý hay chính là việc những người được xem là bình thường không thể, không chia sẻ, không lắng nghe, thấu hiểu được những người như nhân vật của Hạnh Nguyên. Họ bị đưa vào trường Đại Dương, Hoa Dẻ, bị xem là không khỏe, không bình thường,… Tôi vẫn thường tự hỏi mỗi lần bắt gặp những người “bị cho là điên”, là có vấn đề về thần kinh, tâm lý,… rằng họ nhìn thế giới, người khác như thế nào? Họ đang cảm thấy điều gì từ cuộc sống của họ và những gì diễn ra xung quanh? Họ cần điều gì? Điên, bất bình thường là một diễn ngôn của người tự cho mình là không điên, là bình thường, tỉnh táo. Trong tác phẩm của Hạnh Nguyên, có lẽ cô đã ngầm thể hiện sự phản kháng đó: “Thực đáy lòng tớ muốn ở đây mãi mãi, làm một kẻ điên, một kẻ tổn thương, những trái tim tớ và tâm hồn tớ thì được nguyên lành. Này, nói cậu hay, địa ngục đang rỗng không, bởi ác quỷ đã ở sẵn đây rồi”.
3.4.Cái chết là phương thức lựa chọn tàn bạo nhất
Cái chết là một thứ tài sản hay một sở hữu của mình, một thứ có thể đem ra để giải quyết mọi mâu thuẫn hay bức xúc, bi kịch của bản thân. Ý thức về quyền được chết có lẽ là ý thức mãnh liệt, sau cùng nhất của cá nhân – bản năng chết. Nhân vật của Hạnh Nguyên theo tôi là khá nhạy cảm. Sự nhạy cảm khiến cho nhân vật luôn thấy mình bị áp lực bởi các vấn đề của đời sống. Đau khổ, bất hạnh, bi kịch đã đành là một áp lực, nhưng hạnh phúc, yêu đương, ấm áp, gần gũi đôi khi cũng là áp lực. Quan trọng hơn nữa, nhân vật trẻ tuổi ấy lại không có/ chưa có cho riêng mình một sự lựa chọn nào khả dĩ có thể làm công cụ, vật quy chiếu hay đánh đổi trước các áp lực. Không có một hạt nhân để cấu thành hay duy trì sự vận động, tồn tại của thế giới, thế nên nhân vật của Hạnh Nguyên cứ thấy trống rỗng, trống rỗng tuyệt đối, nhạt nhòa, lơ lửng. Nhân vật ấy chỉ có một thứ duy nhất thuộc về mình là cái chết. Vì thế, trước bất kỳ một biến cố nào đó, một là nó sẽ thấy quá tải/ hai là nó sẽ nghĩ đến cái chết như một phương cách giải quyết. Chỉ có cái chết mới lấp đầy trống rỗng, bao nhiêu yêu thương cũng không thể lấp đầy. Tại sao? Tôi vô cùng băn khoăn và luôn tự hỏi như thế. Còn Hạnh Nguyên, cô có cách lý giải khá hồn nhiên, như chính trải nghiệm cuộc đời, tháng năm, vui buồn, yêu thương và cả sự trống rỗng nếu có ở tuổi mười tám đôi mươi: “Rốt cuộc sự lẻ loi và một mình của mỗi con người trong thế giới này đều là một khối hình kỳ lạ. Chúng ta sẽ chẳng bao giờ nhìn thấu rõ hết được mọi điều dù chúng ta có lại gần họ đến đâu. Bởi mỗi người đều mang một vết thương lòng. Và nó, cũng giống như đại dương” (tr. 137). Chết có lẽ là một lựa chọn, một ứng xử quyết liệt nhất để chối bỏ, rời đi khỏi không gian sống chất chồng áp lực, cô độc, đau thương này. Truyện của Hạnh Nguyên là những suy tư, trải lòng đến mức nghiệt ngã. Bức thư mang tên: Đây là thời đại của chúng tôi là những trang viết khiến tôi sợ hãi, lo âu. Và, tôi tin rằng, ai đã đọc bức thư ấy đều giật mình và sau đó cần phải soi xét lại những mối quan hệ của mình với những người trẻ xung quanh. Phải chăng, chính người lớn mới cần phải thay đổi? Những bức thư được viết như là lời để lại của những người ra đi, những người đã chết (hiểu như là một sự lựa chọn khốc liệt và tàn bạo cuối cùng): Bức thư của người bạn trai gửi Mỹ Hà (Khi núi đổ); Bức thư của người chị gái gửi Mây (Gió heo may); Bức thư của Jen (Lúc nửa đêm); Bức thư mang tên “Đây là thời đại của chúng tôi” (Mũi tên). Hình thức thư tín tạo nên sự riêng tư, có tính chất tâm sự, có cơ hội để bày tỏ những điều kín đáo, bí mật,… Những bức thư như là những lời tuyệt mệnh, những tín hiệu sau cùng trước khi tất cả rơi vào trạng thái im lặng, cái chết. Những bức thư trả lời câu hỏi: Vì sao họ cô độc, trống rỗng? Vì sao họ bị xem là điên? Vì sao họ rời xa? Vì sao họ lựa chọn cái chết? Tôi cho rằng, đây là những thông điệp đáng sợ. Những bức thư cùng với những sự ra đi đó là một cáo buộc đau đớn, bi thảm và quyết liệt đối với cuộc sống phản nhân văn mà người trẻ đang là nạn nhân. Chủ nhân của những bức thư và người được nhận có mối liên hệ mật thiết hoặc hiểu được những điều trong thư. Điều này nói lên chính sự ngăn cách của con người, những người khác với người viết và người nhận bức thư, thể hiện sự cô độc, thiếu vắng người chia sẻ, đồng cảm. Điều quan trọng nhất của những bức thư trong thế giới Những thiếu thời lơ lửng chính là: Những bức thư là chìa khóa, là mật mã để thâm nhập, lý giải những câu chuyện trong thế giới người trẻ ở Những thiếu thời lơ lửng.
Những thiếu thời lơ lửng về mặt ý nghĩa xã hội và nghệ thuật là không lơ lửng. Tập sách gieo vào người đọc một nỗi suy tư và thức nhận đến mức đau đớn. Vì lẽ, ai cũng đã, đang và rồi sẽ đi qua thời lơ lửng ấy. Ở một phương diện khác, Những thiếu thời lơ lửng thể hiện một lối viết rất hiện đại. Nhưng, đó lại là vấn đề của một tiểu luận khác.
Nguồn Viện Văn học