Từ bốn tác phẩm dày dặn, thật sự tâm huyết, công phu của Phùng Văn Khai cho ta bài học gì về cách viết và tiếp nhận tiểu thuyết lịch sử? Dĩ nhiên chỉ nhìn từ những trận chiến cũng thấy tác giả phải thật sự am hiểu lịch sử, nhất là cái lõi văn hóa thời đại…
Một số tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai
Chúng tôi đã thống kê có khoảng 35 trận chiến lớn nhỏ trong bốn bộ tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (Ngô Vương; Phùng Vương; Nam Đế Vạn Xuân; Triệu Vương phục quốc). Lịch sử nước Đại Việt xưa là lịch sử giữ nước luôn phải chống lại bọn xâm lược phương Bắc nên hiển nhiên phải gắn liền với những cuộc chiến tranh giải phóng, do vậy những trận chiến luôn là hạt nhân, là cái lõi của các tác phẩm văn học hay nghiên cứu lịch sử khi viết về đề tài này. Đặc điểm tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai là tái hiện công việc giữ nước của những triều đại sớm nhất trong lịch sử gắn liền với tên tuổi các anh hùng kiệt xuất như Lý Bí, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Ngô Quyền… Những trận chiến như những vòng hào quang tôn vinh các thần tượng này thêm rõ ràng, lung linh, kỳ vĩ hơn, và cũng chân thực, sinh động hơn.
Đây là một trận thư hùng so tài “quyền cước” giữa hai nhân vật Từ sư phụ và lão hòa thượng (tướng giặc Lương giả danh): “Vừa hò hét, lão tăng vừa vùn vụt tung quyền cước ào ạt nhằm Từ sư phụ đánh xuống không thương tiếc… Đại tăng sau hồi loạn đả tay đấm chân đá bạt mạng không hạ được địch thủ thở hồng hộc càng điên tiết rút soạt thanh chủy thủ giắt sẵn bên hông xông vào quyết sát hại kẻ ngáng đường… Từ su phụ đảo bộ nghiêng sang một bên đồng thời quét ngang ngọn cước thần tốc sát sạt mặt đất khiến lão tăng to lớn đổ oạch xuống như một cây thịt…” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 97). Miêu tả cảnh tung “chưởng” kiểu này đã có rất nhiều trong truyện Kim Dung, nhưng với bối cảnh, không khí của một tiểu thuyết nói về sự xâm lăng của “xứ sở những võ lâm cao thủ” (quân xâm lược nhà Lương) thì không thể không có. Cái chính là bật ra cái ý: võ lâm cao thủ gì đánh nhau mà phải “hò hét”, vội vàng “tung quyền cước ào ạt”, chẳng có miếng nào ra hồn “loạn đả tay đấm chân đá”, nhất là tiểu nhân “rút soạt thanh chủy thủ”… Khác hẳn với Từ sư phụ không hề muốn gây sự, điềm đạm, ôn tồn, đã ra đòn là quyết định. Chi tiết này lại được đặt ngay đầu tác phẩm như ngầm một ý “giới thiệu” “Đại Lương” (tức quân nhà Lương) cũng chỉ “tài võ” như thế mà thôi, nhất là rất vô văn hóa!
Đây là đoạn giao tranh giữa hai tướng, Lưu Long – tướng giặc Lương và lão tướng Phạm Tu sinh động không kém các cảnh tương tự trong Tam quốc diễn nghĩa: “Lão tướng quất ngựa sầm sập lao đến giơ cao ngọn trường thương nhằm thẳng ngực Lưu Long đâm bổ tới. Họ Lưu thất kinh trước thần lực của lão tướng vội đưa đại đao chém bừa về phía trước bất chấp tính mạng. Nhanh như chớp, lão tướng rạp người xuống sát lưng ngựa hất chuôi ngọn trường thương đánh văng đại đao của tướng giặc đồng thời vòng ngựa lại rút phắt cung tên gài sẵn sau lưng. Chỉ thấy xoẹt một tiếng, mũi tên đã cắm phập vào cổ họng viên bại tướng” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 338).
Xét về loại hình, có thể nói Phùng Văn Khai vận dụng hầu hết các hình thức chiến tranh của cha ông thời giữ nước. Không chỉ là sự công phu tìm hiểu nghiên cứu sử học, cái chính là phục vụ cho mục đích nghệ thuật: sự sinh động hóa lịch sử. Bởi xét đến cùng, tiểu thuyết, dù là tiểu thuyết lịch sử cũng phải tái hiện lại lịch sử bằng hư cấu nghệ thuật. Nhưng hư cấu này phải dựa trên nền tảng sự thật, làm rõ hơn sự thật. Viết tiểu thuyết lịch sử là một cách đưa lịch sử hôm qua về với hôm nay bằng con đường sáng tạo nghệ thuật.
Như là lẽ đương nhiên, nhiều nhất là thủy chiến (12 trận) vì địa hình nước ta thời đó sông ngòi chằng chịt. Ví như một trận theo mưu kế thủy quân của quân Triệu Quang Phục: “Đặng Nhượng đang cười lên sằng sặc bỗng khựng lại thất kinh khi thấy ba mươi chiến thuyền rúc mũi sát bờ đầm từ từ chuyển động… Từ dưới lòng đầm um tùm lau sậy, bóng những dũng sĩ Vạn Xuân búng mình khỏi nước nhảy lên chiến thuyền dùng sào đẩy ra xa. Tiếng búa gỗ vang lên bôm bốp. Ba mươi chiến thuyền nửa khắc trước còn hung hăng quăng câu liêm móc sắt ào ạt lên gò đất hò hét đánh giết cứ thế từng chiếc bị đục thủng đáy, nước ào vào từ từ chìm xuống. Khi thuyền chìm dần còn độ gang tay cũng là lúc hai mươi chiếc thuyền độc mộc sáu mái chèo của Vạn Xuân như từ trên trời rơi xuống, lướt nhanh…” (Triệu Vương phục quốc, tr 319). Tác giả vận dụng tốt phương pháp phân cảnh đối lập của điện ảnh, câu văn giàu tính tạo hình, sinh động đã gây được hiệu ứng hồi hộp, hưng phấn ở độc giả.
Mảnh đoạn sau là mưu kế nghi binh lừa giặc độc đáo. Triệu Vương cho lấy thân cây chuối ghép thành thuyền rồi tạo hình giống người lính đánh trận lừa cho Dương Sằn bắn hết cơ số đạn đá. “Đúng lúc còn đang giận sôi người bỗng tiếng pháo lệnh ầm ầm rộ lên. Gần trăm chiếc thuyền độc mộc từ bốn phía lao thẳng vào đội Hoàng kỳ… Từ các chiến thuyền độc mộc, những mũi lao to bằng bắp tay dài non nửa trượng đặt trên giàn phóng ở mũi thuyền nhất tề phóng tới… Binh lính Hoàng Phẩm sa vào trận mưa lao sợ hãi tranh nhau trốn xuống lòng thuyền…” (Triệu Vương phục quốc, tr 325).
Theo chính sử, thời Bắc thuộc ông cha ta đánh giặc bằng voi rất thiện chiến. Phùng Văn Khai sinh động hóa những trận “tượng chiến” của thời Lý: “Lời Lý Giám quân vừa dứt, bốn bề tiếng hô ào lên như sóng. Tám thớt voi uy dũng cặp ngà sáng quắc huơ cao vòi gầm lên những tiếng lớn khiến kinh động cả một vùng… Đám ngựa Bắc thấy tám thớt voi chiến huơ vòi rống lên xông thẳng về phía trước vội chạy dạt ra bốn phía. Binh lính của Lưu Long như ong vỡ tổ quẳng gươm giáo xô nhau chạy…” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 335, 337).
Trong Phùng Vương, đội quân “tượng binh” này góp công lớn vào việc thắng quân xâm lược nhà Đường. Cái lạ mà đặc sắc trong binh pháp Phùng Vương là “Ngưu binh”: “Giặc Đường còn chưa hết kinh tâm bỗng một loạt pháo lệnh nổ xé trời ngay trên ải lũy. Thiên binh thiên tướng cờ quạt dựng lên san sát. Tiếng động ầm ầm nổi lên, hàng trăm con trâu đực đen trũi cặp sừng buộc giáo sắc, kéo những thân gỗ lớn chặn bịt đường lui của lũ ngựa Bắc. Trên lưng trâu, các cung thủ tay cầm nỏ, ná, lưng đeo ống tên trăm mũi, hông dắt lao đồng ba cạnh giăng kín cả một vạt rừng… Quân Đường còn chưa biết tiến thoái ra sao thì một trận mưa tên ba bề bốn bên sầm sập đổ xuống” (Phùng Vương, tr 422). Với cảm hứng chiến thắng phơi phới, tiểu thuyết cho ta bài học cha ông ta đã đánh giặc và thắng giặc bằng cuộc chiến tranh nhân dân, huy động và tổng hợp mọi sức mạnh có thể.
Hỏa công là binh pháp phương Đông quen thuộc, vấn đề là thời điểm và thời tiết. Trận đánh hỏa công của Phùng Hưng là tiêu biểu cho lối đánh, cách đánh từ chuẩn bị vật liệu, tiếp cận mục tiêu, lợi dụng địa hình địa vật: “…mấy trăm chiếc thuyền nhỏ chất đầy cỏ khô, diêm sinh bốc lửa ào ào lao vào vây lấy đội chiến thuyền của Dương Tuyền.Trời còn nhọ nhẹ mặt người, quân tướng Lữ Phương hỗn loạn mạnh ai nấy chèo tản ra bốn phía không thuyền nào chịu nhường thuyền nào. Lửa mỗi lúc một dữ dội. Những thuyền nhỏ của thủy quân Đường Lâm chủ động áp sát các chiến thuyền quân Lữ Phương mà đốt. Thuyền gỗ lớn gặp gió to bắt lửa rất nhanh. Kẻ không kịp mặc áo quần, người không kịp cầm binh khí, không chịu được hơi lửa táp nóng nhảy lõm bõm xuống nước. Vòng ngoài, hơn nghìn cung thủ bắn như châu chấu sang thuyền giặc… Thương thay Lữ Phương cùng đám tướng quân Dương Tuyền sau bao năm chuẩn bị đạo thủy quân, chưa kịp giao phong đã bị chết cháy nơi cửa sông ráo cả” (Phùng Vương, tr 275).
Về phương tiện chiến tranh, trong các tiểu thuyết lịch sử trước đó ít thấy tác giả nói đên “Máy bắn đá”. Phùng Văn Khai “có công” tái hiện lại cách đánh giặc này:
“Chín hồi kèn đồng nhất tề vang lên.
Thang mây, chão lớn, câu liêm, cọc nhọn quăng xuống ầm ầm cũng là lúc loạt cần máy bắn đá vung lên hạ xuống nhịp nhàng…
Cả một vùng rộng lớn, rậm rạp bến Giang Biên rung lên bần bật. Trận mưa đạn đá cày xới, hất tung từng bụi chuối gốc cây. Có viên bắn trúng mặt lũy ken dày, tre gỗ hất tung lên. Nhiều viên quật trúng hầm hào binh lính Tống Bình khiến lớp chết tan xác, lớp gãy chân cẳng, mẻ đầu sứt trán kêu khóc thảm thiết”. (Phùng Vương, tr 369).
Cái đáng ghi nhận là cách miêu tả sống động, đầy cảm hứng chiến thắng tạo ra một sự vang vọng của âm hưởng sử thi. Nhưng có lẽ vì quá tay mà tác giả miêu tả “đạn đá” có tác dụng như đạn… đại bác vậy!
Các trận đánh trong tiểu thuyết Phùng Văn Khai đều có mục đích đuổi giặc, do vậy phải tận dụng địa hình địa vật, nhất là lối đánh du kích được phát huy triệt để. Những trận tập kích, mai phục vừa làm đối phương hoảng loạn, mất phương hướng, vừa tạo ra thế trận bất ngờ, có lợi, chủ động của quân ta: “Lời Mã Phương còn chưa dứt, bỗng chốc bốn phía chiêng trống nổi lên ầm ầm, tiếng pháo lệnh đồng loạt rộ lên cũng là lúc khói lửa bốc lên mù mịt. Bốn phía toàn là rừng cây đầm nước không biết bọn giặc cỏ mai phục ở đâu?” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 329).
Mai phục, tập kích bằng vũ khí tên nỏ sở trường rất lợi hại. Thậm chí có cả “máy phóng tên”: “Các dũng sĩ phá xong cầu mau chóng sang bờ phía bên kia đóng hàng loạt cọc tre đực dựng đứng phía đầu cầu tua tủa cũng là lúc các vị đô tướng cho lắp đặt hai mươi bảy dàn máy phóng tên trên các ụ đất cao phía cổng thành hướng về phía đầu cầu bên trong” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 328). Vũ khí ấy, tinh thần ấy, cách đánh ấy, tất yếu tạo nên chiến thắng với khúc khải hoàn đầy hùng ca, hoan ca:
“Vang lên tiếng pháo lệnh, tiếng chiêng trống ầm ầm cũng là lúc loạt mưa tên từ các ụ đất cao trên cổng thành nhất tề nhằm thẳng vào đầu đám kỵ binh trút xuống. Những mũi tên bằng thân tre đực vót nhọn dài đến nửa trượng từ các cần máy phóng tên rít gió cắm phầm phập vào đám người ngựa trúng tên đổ vật xuống gào rống thảm thiết” (Nam Đế Vạn Xuân, tr 330).
Người đọc thỏa thuê, hả dạ bao nhiêu trước thảm bại đau đớn của quân kẻ cướp lại tự hào, hả hê bấy nhiêu trước tinh thần Đại Việt yêu nước đến tận cùng, mưu trí, gan dạ, dũng cảm vô song.
Từ bốn tác phẩm dày dặn, thật sự tâm huyết, công phu của Phùng Văn Khai cho ta bài học gì về cách viết và tiếp nhận tiểu thuyết lịch sử? Dĩ nhiên chỉ nhìn từ những trận chiến cũng thấy tác giả phải thật sự am hiểu lịch sử, nhất là cái lõi văn hóa thời đại. Vì câu chuyện đuổi giặc là văn hóa giữ nước sinh động, cụ thể nhất. Nhà văn lúc này phải là nhà nghiên cứu lịch sử, nhà quân sự am tường các binh pháp cổ cũng như hiểu cặn kẽ đến từng chi tiết giặc đi đường nào, phương tiện gì… Phùng Văn Khai đã thỏa mãn những điều ấy nên đọc tiểu thuyết của anh ta thích thú với sự cuốn hút của cốt truyện, sự khoan khoái hả hê với những chiến thắng đích đáng. Gấp lại mỗi cuốn sách ta thêm tự hào về cha ông mình, đất nước mình và cứ nghe đâu đây văng vẳng lời cổ nhân: Hãy giữ gìn trọn vẹn non nước anh hùng và tươi đẹp này!
N.T.T