Những trang văn vừa đậm chất tự sự vừa giàu chất thơ – Nguyễn Hữu Kiên


Mới đây, nhà thơ Tuấn Anh (Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng cho ra mắt bạn đọc tập tản văn “Ly cà phê tháng mười hai” – NXB Hội Nhà văn 2014. Tập tản văn này có gì mới?

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu tập tản văn này qua góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Hữu Kiên.

Mới đây, nhà thơ Tuấn Anh (Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng cho ra mắt bạn đọc tập tản văn “Ly cà phê tháng mười hai” – NXB Hội Nhà văn 2014. Tập tản văn này có gì mới?

Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu tập tản văn này qua góc nhìn của nhà thơ Nguyễn Hữu Kiên.

Sau hai tập thơ: “Ô cửa tháng giêng” (2005), “Giấc mơ không nơi cư trú” (2010), mới đây Tuấn Anh (Hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng) tiếp tục cho ra mắt bạn đọc tập tản văn “Ly cà phê tháng mười hai” (2014). Đây là khám phá thành công mới trong lĩnh vực văn xuôi của anh.

Lênh đênh trên con tàu Long Châu của Công ty nạo vét đường biển I lại là điều kiện để anh được trải nghiệm, dừng chân trên khắp chiều dài của đất nước. 27 tản văn là những ghi chép sự việc, những cảm xúc thường nhật của anh trên từng chuyến đi. Điều đặc biệt là những sự việc, những cảm xúc ấy đến với anh và được anh biểu đạt như là những thi tứ của những bài thơ giầu chất suy tư. Tôi đã đọc những tản văn trữ tình của Tuấn Anh và cảm nghĩ:

Dòng chảy không phải của sông mà là dòng chảy của biển hòa vào dòng chảy tâm trạng của Tuấn Anh hay là dòng chảy tâm trạng của Tuấn Anh đang hòa vào dòng chảy của biển mênh mang và thẳm sâu. Tôi đặt tay lên trái tim mình định vị bớt đi một ít chênh chao. Tuấn Anh đã làm tôi say, không phải chỉ là say sóng, những con sóng miên man làm cho trái tim tôi ngọt buốt mà còn làm cho tôi say đẹp trong một giấc mơ.

Mỗi bài trong tập là một khúc nhật kí hành trình của anh. Những sự việc được anh ghi lại trong tản văn được liên tưởng, tiếp nhận bằng sự rung cảm của một tâm hồn giàu chất thơ. Có những nỗi nhớ của người đi biển: “Ở trên tàu tự nhiên lại thèm nghe tiếng tu hú, mặc dù trời đã sang quá thu. Lấy đâu ra lũ chúng bạn để vui vầy, tuổi ấu thơ cứ tăm tắp trở về…? Sau cabin, một khoảng sân nho nhỏ, ánh trăng thu bảng lảng… Đêm ở biển, lặng lẽ không ồn ào, khi tàu buông neo. Nhìn xuống mặt nước, vẫn những con sóng ì ầm không ngơi nghỉ, một sự tuần hoàn lớp lớp, mà cũng chẳng biết về đâu…”.

Chính những hồi ức đẹp như trong mơ ấy đã khơi gợi tình yêu với mảnh đất ta đang sống bình thường bình dị nhất: “Đất liền ơi đất liền! Đất liền đối với mình, giờ không còn là đất liền, mà là những cánh chim, đang lưu giữ những mảng kí ức khổng lồ của cuộc đời, có nguy cơ sẽ vuột bay mất….”. Lại có những hình ảnh, anh nhìn nó trong sự phân thân chiêm nghiệm để tỉnh táo quy nạp triết lí: “Trong cái hữu hạn của đời người, đều có hữu hạn của sắc đẹp làm người ta càng yêu quý càng mến mộ. Khoảng khắc tuyệt vời ấy, như một ngọn lửa, thổi bùng lên sự đam mê, như que diêm cháy lên một lần, rồi vĩnh viễn… nằm trong tro bụi. Những vẻ đẹp ấy ở đời không phải lúc nào cũng sẵn có, nó bay là là trong không gian bất định, thi thoảng lại rộ lên, rồi mất hút, như lộc trời ban phát cho mọi người chút hi vọng để lấy lại lòng từ bi của cõi phúc và có thể nhìn sâu hơn về cõi đời”.

Cảm hứng với những người viết thường đến từ những gì xung quanh họ, gần gũi với họ. Đôi khi, đó là trải nghiệm của bản thân, có lúc nó lại là câu chuyện mà mình vô tình ghi chép được. Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng nói đến sự sáng tạo trong thơ:

“Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi

Còn một nửa cho mùa thu làm lấy

Cái xào xạc hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh nhưng nó là mùa”.

Tôi còn nhớ hồi 15, 16 tuổi, sau thời Trần Đăng Khoa, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Tuấn Anh đã có những câu thơ rất mới. Khi anh viết “Một đêm ở xóm chài”:

“Một khúc ca vá lưới ở đâu bỗng ngân nga

Vang vào trong tiếng trầm của sóng

Một tiếng chim trời khẽ động

Nghe trong đêm như vỡ một chân trời”.

Đó là hồn thơ bắt thật chặt với “mùa thu” của sự sống, của cuộc đời và Tuấn Anh đã ghi lại bằng sự lay động “xào xạc” và bùng nổ thăng hoa của tâm hồn mình. Rồi đến cuộc sống lận đận mưu sinh khi còn ở bên nước Nga, đến khi về nước cần mẫn chăm chút cho từng nhánh cây, nhành hoa trong vườn hoa thực của cuộc đời, cho đến những ngày tháng lênh đênh trên biển xô dạt đến mọi bến bờ, những lúc một mình bơ vơ… chính là những trải nghiệm để anh có nhiều vốn sống, biết thêm những cảnh ngộ, những câu chuyện, những mảnh ghép của số phận… và để anh có điều kiện được trải lòng, khám phá tâm hồn của chính mình. Trên con tàu đầy nắng và gió giữa bao la của trời biển, anh đắm chìm vào “khoảng lặng” mênh mông ấy để cảm nhận được màu xanh của biển và cả tiếng gọi mơ hồ thao thức của cuộc đời: “màu xanh có thể là hi vọng, nhưng có thể là thất vọng, khi nỗi buồn vương vất mỗi khi chợt nhớ tới. Đến và đi chỉ là bước dạo đầu chấm phá trong cuộc mưu sinh. Ngả lưng vào thành tàu, nhìn ra xa muôn vàn là gió, là sóng chênh chao”…

Có thể nói, thành công trong tập tản văn này đã phát lộ thêm một tâm hồn nhạy cảm phong phú của nhà thơ Tuấn Anh trong những trang văn vừa đậm chất tự sự lại vừa giàu chất thơ man mác nỗi buồn cô đơn và vẻ đẹp của vũ trụ. Trong đó có cả những thầm thì suy tư và khát vọng.

Tôi tin ở những khát vọng, tôi nghĩ những khát vọng đang đốt lên, đang cháy lên mãnh liệt từ những dòng văn của Tuấn Anh như biển lớn đang trào dâng.

Cầm tập tản văn “Ly cà phê tháng mười hai” của anh gửi tặng, tôi càng vui khi có thêm những bức họa của mình cùng xuất hiện trong đó.

N.H.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder