Nỗi nhớ thầm thì níu gọi vầng trăng: Hoài Khánh – Đọc tập thơ “Trăng và nỗi nhớ” của Hoàng Duy Bình

Ẩn trong nét mượt mà, dung dị của câu chữ, những suy cảm tưởng như có chút vô lý lại toát lên được niềm yêu say thiên nhiên, con người, quê hương của một nhà thơ trầm lặng mà khắc khoải khôn nguôi với cuộc đời đầy nhân ái. Đó là thông điệp mà Hoàng Duy Bình nhắn gửi bạn đọc qua tập thơ “Trăng và nỗi nhớ” (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn – 2022).

Là một bác sĩ của quê lúa Thái Bình, gần 20 năm qua chuyển về ở hẳn xã Tân Tiến, huyện An Dương – Hải Phòng, Hoàng Duy Bình đam mê sáng tác thơ và đã có 6 tập thơ. Với tập thơ này, anh bứt phá thể hiện bút pháp trữ tình,vừa hiện thực vừa lãng mạn, thậm chí có phần phóng khoáng hơn khi tiếp cận về đề tài tình yêu.Tác giả dành một loạt bài, chủ yếu là thơ lục bát, để tả trăng và mang đến nhiều câu thơ ấn tượng, như:

“Nét mày đẹp tựa trăng non

Vào vườn hái tiếng véo von chim về”.

(Đẹp tựa trăng non)

Những năm gần đây, nhiều tác giả thơ Hải Phòng, như Chu Long, Bùi Nguyên Tâm, Bùi Quang Lục, thường viết về trăng, với mỗi người mỗi vẻ.Hành tinh quay quanh Trái đất hiện ra một cách trực diện trong thơ Hoàng Duy Bình trước hết là thực thể sáng đẹp trong trời đêm. Thế nhưng, bóng dáng thiếu nữ với những nét đẹp tạo hóa vẫn hiển hiện lấp ló trong lớp từ gợi tả trăng, vừa huyền bí vừa rạng rỡ. Anh mượn vầng trăng để yêu và để nhớ. Anh nhớ người yêu, nhớ người thân trong gia đình và nhớ quê hương. Nỗi nhớ uốn cong cả bầu trời quê:

“Bầu trời ai đã uốn cong

Hồn quê vi vút bên sông cánh diều

Lòng tôi xe sợi chỉ điều

Nhờ ai vá mảnh trăng chiều cô đơn”.

(Trăng chiều cô đơn)

Ngay nơi làng quê yên ả, Hoàng Duy Bình nâng chén rượu đầy trăng, ngỡ dốc cạn niềm yêu day dứt:

“Tình ai trong chén rượu này

Mơ màng tôi uống cạn đầy bóng trăng”.

(Uống đầy bóng trăng)

Siêu biểu tượng “Trăng” Hầu như đã khởi nguồn nội cảm chủ đạo của Hoàng Duy Bình để từ đóhình thành nên mạch cảm thức sáng tạo ở tập thơ 79 bài này. “Trăng xuất hiện ở đây như một người tình, lúc dịu dàng e ấp, khi toả sáng bao la, để người thơ thả hồn mình vào câu chữ đầy ánh sáng:

“Nắng chiều tô đỏ vành môi

Trăng lên, trăng xuống trong tôi diệu kỳ”.

(Xanh rì ước mơ)

Ánh trăng đã tràn lên từng trang thơ với bao hồi ức đẹp về dáng hình người con gái xinh tươi, thánh thiện, gắn với bao kỷ niệm yêu đương đầy lãng mạn.

Thơ Hoàng Duy Bình thường gợn nét buồn xa xăm. Trong bài “Trăng” hình bóng “người tình” của tác giả thật buồn:

“Trăng buồn hay trăng ốm

Lâu rồi trăng ở đâu?

Trời buông sầu xám ngắt

Nhớ trăng núi bạc đầu”.

Núi cũng “bạc đầu” vì nhung nhớ. Ánh trăng chiều tắt nắng vỡ ra:

“Trăng buồn vỡ mảnh sầu rơi

Tiếng đàn héo rụng đầy trời tuyết bay”.

(Chiều buồn)

“Mảnh trăng buồn vỡ” cũng là những hình tượng thơ siêu thực nảy ra từ một hồn thơ có xu hướng siêu thực. Anh làm ảo những hình ảnh thực, chỉ ra cái vô lý trong cái có lý:

“Trời buồn nên để nhiều mây

Sầu đong biển lệ, trăng gầy héo hon

Lòng ai nước chảy đá mòn

Liệu ngàn năm nữa trăng còn sáng không?”.

(Hỏi trăng)

Lý giải trong bài “Nẻo đời”, Hoàng Duy Bình cho rằng, mình tận tụy với thơ bởi:

Sóng đời vỗ lòng ta không ngơi nghỉ

Nỗi nhớ thầm thì níu gọi vầng trăng.

Đến với tập thơ “Trăng và nỗi nhớ”,hẳn bạn đọc dễ có chung cảm nhận cùng nhà thơ Trần Đức Trí, sẽ thấy “những vần thơ lục bát ngọt ngào và thơ bốn chữ, ngũ ngôn, thất ngôn chậm rãi, chắc chắn. Cảm giác êm trôi và sâu lắng như bóng mây trắng đơn côi trên nền trời xanh thẳm lại ảo mờ như bóng trăng xa, và đôi khi bừng lên ánh nắng mai buổi xuân về”.Đó là nét riêng và cũng là thế mạnh của thơ Hoàng Duy Bình.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder