Nỗi oan của “chiếc vành” trong đoạn Trao duyên -Nguyễn Thị Bích Hồng

Như vậy, với sự đối chiếu từ Kim Vân Kiều truyện, cộng với việc đặt câu chữ trong mối quan hệ với các thành  phần ngôn ngữ khác của tác phẩm, chúng tôi thấy rằng dùng chữ vành trong câu thơ 735 của Truyện Kiều là đúng. Có lẽ nên đưa chữ vành về đúng vị trí vốn có của nó, để những người yêu Truyện Kiều không cần  phải băn khoăn thêm nữa về ý nghĩa của một chữ này

1. Trao duyên là một trong những đoạn hay nhất của Truyện Kiều. Nhiều năm nó đã được đưa vào chương trình môn Ngữ Văn ở trường phổ thông. Trong những bài nghiên cứu, bình giảng đoạn này, câu 735 thường được ghi là: “Chiếc thoa với bức tờ mây”. Các sách giáo khoa soạn từ các năm 1990, 1999, 2000 đến năm 2004 cũng đều ghi như vậy. Riêng sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam – Thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX do Huỳnh Lý chủ biên, NXB Văn học, 1978 thì lại chép: “Chiếc vành với bức tờ mây” với chú thích: “Chiếc vành: Có bản chép là chiếc thoa. Chúng tôi theo bản nôm “Quan Văn Đường” chép là chiếc vành đúng hơn. Chiếc vành là của Kim Trọng tặng Thuý Kiều”.

Vậy “chiếc thoa”- “chiếc vành”, chữ nào đúng?

Về điều này, trong Vương Thuý Kiều chú giải tân truyện (1941), Tản Đà nói: “Chữ thoa đây, tức là chữ thoa trong câu Giở kim thoa với khăn hồng trao tay. Có nhiều bản đổi làm chữ vòng hay vành, thêm việc mà mất cả âm hưởng”. Sách giáo khoa thí điểm Ngữ Văn 11, Tập 1, Bộ 1, năm 2004, cũng cho đó phải là chiếc thoa. Sách ấy viết: “Điều cần lưu ý là từ “chiếc thoa” trong câu “Chiếc thoa với bức tờ mây”. Có dị bản chép là “chiếc vành”, suy luận rằng “vành” đây là “xuyến vàng đôi chiếc” của Kim Trọng tặng. Chiếc thoa mà Kim Trọng bắt được rồi trao lại cho Kiều cùng với khăn hồng trong câu 654: “Giở kim thoa với khăn hồng trao tay”. Đồng thời Thuý Kiều trao tặng Kim Trọng  khăn gấm, quạt quì và nhận lại chiếc thoa ấy:

Sẵn tay bả quạt hoa quì,

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao

(Câu 357-358 )

Thuý Kiều đã xem chiếc thoa mai mối ấy là kỷ vật của tình duyên”.

2. Để nhận biết điều này, chúng tôi đã xem trong những bản Kiều Nôm xưa nhất, hiện được công bố rộng rãi, câu 735 được ghi thế nào. Kết quả cho thấy:

Khắc in là “Chiếc thoa với bức tờ mây”: bản Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn Đường, 1871.

Khắc in là “Chiếc vành với bức tờ mây” có các bản:

Kim Vân Kiều tân truyện, Liễu Văn Đường, 1866.

Kim Vân Kiều tân truyện, Duy Minh Thị, in ba lần: 1872, 1879, 1891 cùng một bản chép tay: – Đoạn trường tân thanh, Tiểu Tô Lâm Noạ Phu, 1870.

Trong 6 bản Kiều xưa nhất hiện còn giữ được, đã có 5 bản ghi là “chiếc vành”. Như vậy, ghi “chiếc vành” không phải là “thêm việc” như Tản Đà nói năm 1941. Tuy đa số các bản Kiều xưa ghi “chiếc vành”, nhưng từ đó cũng chưa thể nói chắc chắn ghi “chiếc thoa” là nhầm. Hơn nữa, ngay trong 5 bản Kiều xưa ghi “chiếc vành” ở câu 735 thì có một bản, đến câu 766 lại ghi là “chiếc thoa”. Đó là bản Tiểu Tô Lâm Nọa Phu chép tay năm 1870 (1). Chúng tôi chỉ coi vấn đề văn bản là một căn cứ.

3. Để rõ hơn, “chiếc vành”, “chiếc thoa” trong đoạn Trao duyên chữ nào đúng, chúng tôi thấy cần trở lại đoạn Kim Trọng- Thuý Kiều trao “của tin” cho nhau:

Được lời như cởi tấm lòng,

Giở kim hoàn (2) với khăn hồng trao tay.

Rằng: “Trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi.”

(Câu 353-356)

Của tin là vật để làm tin. Vật ấy phải là của bản thân người trao. Của tin mà Kim Trọng trao cho Thuý Kiều là những vật trước đó Kim Trọng đã:

Vội về thêm lấy của nhà,

Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông

(Câu 317- 318)

Kiều nhận và cũng trao vật làm tin của mình cho Kim Trọng:

Sẵn tay bả quạt hoa quỳ,

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.

Của tin đó gồm chiếc quạt Kiều đang cầm trong tay cùng với cành thoa nàng vừa nhận lại từ Kim Trọng. Hai chữ với trong câu nói về Kim Trọng và câu nói về Kiều được dùng theo nghĩa thế nào? Trong bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp của Nguyễn Văn Vĩnh xuất bản năm 1951, chữ với ở câu 354 được dịch là “và” (et):

Câu thơ tiếng Việt:

Giở kim thoa với khăn hồng trao tay

Câu dịch:

Sortant alors l’épingle en or et le foulard en soie rose qu’il tenait cachés, il les remit entre les mains de Kieu.

Đến câu 358, chữ với lại được dịch là “đổi lấy” (contre). Câu thơ tiếng Việt:

Sẵn tay khăn gấm quạt quì,

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.

Câu dịch:

Kieu avait dans la main un mouchoir en soie brodeé et un éventail sur lequel était peint un tournesol.

Elle échangea immédiatemant les objets contre l’épingle rendue(3).

Dịch như vậy thì người đọc có thể băn khoăn: Thuý Kiều trao cho Kim Trọng khăn và quạt chỉ để đổi lấy chiếc thoa được nhận lại? Thế còn đôi chiếc xuyến vàng và khăn hồng là vật để làm tin của Kim Trọng thì sao? Thuý Kiều có nhận không?

Cũng chuyển những câu thơ Kiều nói trên ra tiếng Pháp, bản dịch của René Crayssac năm 1926, chữ với trong câu 354 và chữ với ở câu 358 được dịch với nghĩa tương đồng.

Câu 354, với được dịch là “và” (et):

Câu thơ tiếng Việt:

Giở kim châu với khăn hồng trao tay

Câu dịch:

Il mit les bijoux d’or et le rouge mouchoir.

Đến câu 358, với được dịch là “cộng với” (plus):

Câu thơ tiếng Việt:

Sẵn tay khăn gấm quạt quỳ,

Với cành thoa ấy tức thì đổi trao.

Câu dịch:

Elle avait à la main un mouchoir magnifique,

Ainsi qu’un éventail aux tournesols féeriques…

En échange du don, elle remit alors

À Kim ces beaux objets, plus son épingle d’or…(4)

Như vậy, theo cách dịch của R.Crayssac, Thuý Kiều trao vật để làm tin cho Kim Trọng gồm khăn, quạt cầm sẵn trong tay và chiếc kim thoa vừa nhận được từ tay Kim Trọng, đổi với vật để làm tin do Kim Trọng trao, chứ không phải đổi lấy chiếc kim thoa.

4. Trong đoạn Trao duyên có câu: “Duyên này thì giữ vật này của chung” (Câu 736). Duyên chỉ sự kết duyên, chuyện hôn nhân, ứng với câu 735 là “bức tờ mây”, còn vật này chỉ “chiếc thoa” hay “chiếc vành” ? Kiều nhờ em thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Để hôn nhân Kim Trọng- Thuý Vân sau này thực hiện được thì rất cần có bằng chứng về chuyện Thuý Kiều đã trao duyên cho Thuý Vân. Ngoài “bức tờ mây” tức là bức tiên thề Kim Trọng- Thuý Kiều trước đây cùng thảo, còn phải có vật mà Kim Trọng đã trao cho Thuý Kiều làm “của tin”. Vật đó có thể nào lại là “chiếc thoa mai mối”, “kỷ vật của tình duyên”, mà phải là vật nói lên được ước nguyện của Kim Trọng trong chuyện thành gia thất với Kiều. Đó là chiếc vành!

Trong hai bản dịch ra tiếng Pháp đã dẫn ở trên, không chỉ Crayssac mà cả Nguyễn Văn Vĩnh đều hiểu đó là chiếc vành. Về câu 735, Nguyễn Văn Vĩnh còn chú thích: “Vành còn gọi là xuyến. Ta còn nhớ Kim Trọng đã trao cho Kiều một chiếc khăn và một đôi xuyến vàng. Một số bản in chiếc thoa, tức cái trâm cài tóc là nhầm” (5).

5. Một căn cứ nữa để chữ vành thuyết phục người đọc, chính là Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Đối chiếu với Kim Vân Kiều truyện, ở đoạn Trao duyên, Kiều có nói với em rằng: “Chị với chàng Kim có một tờ minh ước, một đôi vòng bạc, xin đưa cả cho em, mong em khéo giữ gìn, để làm mối ăn ở lâu dài về sau(6) (Nguyên văn: “Kim lang dữ ngã hữu minh nhất đạo, ngân xuyến nhất song, tận phó hiền muội, hiền muội thiện sự chi, vĩnh dĩ vi hảo dã”). Chữ tận phó có nghĩa là giao hết, giao tất cả. Kiều giao hết cho Vân của tin Kim Trọng đã trao cho Kiều. Chút của tin ấy, Kim Vân Kiều truyện cũng ghi rõ là hữu minh nhất đạo, ngân xuyến nhất song (một tờ minh ước, một đôi vòng bạc). Nguyên tác đã cung cấp thêm một căn cứ ủng hộ cho chữ vành.

Như vậy, với sự đối chiếu từ Kim Vân Kiều truyện, cộng với việc đặt câu chữ trong mối quan hệ với các thành  phần ngôn ngữ khác của tác phẩm, chúng tôi thấy rằng dùng chữ vành trong câu thơ 735 của Truyện Kiều là đúng. Có lẽ nên đưa chữ vành về đúng vị trí vốn có của nó, để những người yêu Truyện Kiều không cần  phải băn khoăn thêm nữa về ý nghĩa của một chữ này1

______________

(1) Nguyễn Du: Đoạn trường tân thanh, bản chép tay năm 1870 của Tiểu Tô Lâm Nọa Phu, tr.158 do Nguyễn Quảng Tuân giới thiệu.

(2) chữ này, các bản Liễu Văn Đường 1866, 1871, bản Duy Minh Thị 1872, 1879, 1891, bản Quan Văn Đường 1906 ghi là kim châu; bản Kiều Oánh Mậu 1902 ghi là kim thoa; bản Trương Vĩnh Ký xuất bản ở Sài Gòn năm 1875 là bản Quốc ngữ đầu tiên ghi là kim hoàn. Chúng tôi chép theo bản Trương Vĩnh Ký.

(3) Nguyễn Văn Vĩnh: Kieu de Nguyen Du, Nxb. Vĩnh Bảo – Hoành Sơn, Sài Gòn, 1941, tr.70.

(4) René Crayssac: Kim – Van – Kieu, Trung tâm học liệu, Bộ Văn hóa-Giáo dục, H, 1968, tr.39.

(5) Nguyễn Văn Vĩnh, Sđd, tr.129.

(6) Thanh Tâm Tài Nhân: Kim Vân Kiều truyện. (Nguyễn Khắc Hanh – Nguyễn Đức Vân dịch). Tài liệu in Roneo của Viện Văn học, H, 1962.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 7/2005

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder