
VHP: Tác giả Lê Gái (Thanh Hóa) là một cựu quân nhân, một người viết tự do. Chị làm thơ và viết được nhiều bài hay, có một lượng độc giả và bạn bè FB đông đảo. Đây có thể coi là truyện ngắn đầu tay – một tự truyện của chị – Xin giới thiệu cùng bạn đọc…
Nữ tù nhân mang mã số 22
VHP: Tác giả Lê Gái (Thanh Hóa) là một cựu quân nhân, một người viết tự do. Chị làm thơ và viết được nhiều bài hay, có một lượng độc giả và bạn bè FB đông đảo. Đây có thể coi là truyện ngắn đầu tay – một tự truyện của chị – Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Nữ tù nhân mang mã số 22
1.
Đó là một buổi chiều cuối năm ảm đạm, phùn mưa lất phất bay bay. Cái rét tê người phủ loang lên chiếc áo mỏng tang khiến cơ thể chị không ngừng run lên bần bật. Người phụ nữ khốn khổ lê từng bước khó nhọc, vẻ như đang cố gắng kéo dài thời gian để cảm nhận chút không khí của tự do lần cuối. Dù thực chất cái cánh cửa vô hình ấy đã đóng sập lại, ngay khi chị bị người ta cố tình gán cho cái tội danh mà ngay cả nằm mơ chị cũng chưa bao giờ có thể mường tượng ra nó lại nghiệt ngã đến vậy. Và chỉ có một niềm tin sắt đá, kiên định đến cùng cực “chị bị oan” mới khiến người phụ nữ đó kiên cường trong suốt những chuỗi ngày sau đó.
Họ đẩy chị vào một cái nơi hoàn toàn xa lạ, xung quanh được bao bọc bởi bốn bức tường kiên cố, trơ trơ lạnh lẽo. Nơi chỉ có những ánh mắt hằn học và đầy thái độ thù địch ném về phía chị, cứ như thể chị là kẻ tội đồ ghê tởm nhất thế gian vậy. Rốt cuộc thì cái điều không mong chờ nhất cũng đã đến, chị bị những con người khốn khổ nhưng vô cùng độc ác ở đó ném xuống vị trí cuối cùng trong căn phòng, ngay bên cạnh bức ngăn giữa khu vệ sinh với nơi sinh hoạt. Một mùi hôi thối bốc lên nồng nặc khiến chị phải cố bụm miệng lại tránh không bị nôn khan. Cảm giác ghê tởm xộc thẳng lên tới tận óc.
Lần đầu tiên trong đời chị mới được nếm trải thứ luật lệ quái đản mà chỉ có ở nơi đây mới tồn tại. Bọn họ gọi đó là “luật nhập buồng.” Mười chín người đàn bà đầu tóc rũ rượi, áo quần nhàu nhĩ và hôi hám. Tất cả đó dưới sự sai khiến của hai ả đàn bà đang ngồi trên bục cao nhất, ngay sát cửa ra vào, nơi vẫn được coi như sạch sẽ nhất và khô ráo nhất chỉ dành cho kẻ nào có uy quyền thực sự trong phòng giam. Một ả có đôi mắt lạnh lẽo và đục ngàu nom như mắt cá chết, gắn hờ trên khuôn mặt trâng tráo luôn lộ vẻ thách thức. Sau này chị mới biết, ả ta bị đưa vào đây với tội danh cầm đầu đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Ả bên cạnh vẻ như bận rộn hơn, mụ ta không để cho cái miệng xám xịt với đôi môi dày bịch như hai miếng bít tết trâu quá lửa được phép trễ nải tới quá năm giây. Mụ không ngừng la hét chỉ đạo đám ở dưới thi hành luật buồng, mỗi lần như thế lại khiến cho đôi mắt ti hí long lên sòng sọc.
Mười chín nữ tù nhân phía dưới đa số đều tỏ ra bất nhẫn, vẻ e dè phơi bày ra cả khuôn mặt nhàu nhĩ xem chừng đã trải qua không ít hiểm nguy và đau khổ. Song không một ai dám kháng cự, họ chia thành từng cặp luân phiên, lầm lũi tiến về phía chị. Họ giật tóc, họ đấm đá, dùng đủ thứ tra hình để trút lên người đàn bà khốn khổ ấy.
Thật lạ, chị không hề phản kháng, chỉ gồng mình lên hứng chịu những trận đòn vô duyên, vô cớ đó. Chính sự lì lợm ấy phải khiến cho bọn người kia phải chùn tay, từ ngạc nhiên sau dần chuyển sang dè chừng. Tuy nhiên sự ngần ngại của quá nửa trong số bọn họ lại khiến hai ả ngồi trên tức điên. Ả có cái miệng luôn bận rộn điên cuồng gào thét. Giống như một kẻ hung hăng và táo tợn nhất trong bọn, ả nhảy huỵch từ trên bệ xây bằng xi măng xuống đất ép đám tù nhân phải thi hành luật lại từ đầu, theo ý của mụ. Tiếc thay cả đám lại chần chừ, nghi ngại đùn đẩy nhau nhưng tuyệt không một ai tiếp tục thi hành mệnh lệnh quái đản kia. Cực chẳng đã, đúng vào lúc ấy ả có đôi mắt cá chết từ trên hung hăng lao xuống hối thúc mụ lắm mồm đồng loạt lao vào.
Kinh ngạc! Dường như tất cả đám người còn lại không kìm nén được sự ngạc nhiên đến tột độ khi thấy người đàn bà nãy giờ vẫn ngồi đó đột ngột đứng phắt dậy. Đợi cho kẻ thù lao vào đúng tầm khống chế, chị vươn hai cánh tay túm lấy tóc hai kẻ khốn nạn, đập đầu chúng vào nhau khiến chúng ngã chúi mặt xuống đất. Bị một cú choáng váng đó nhưng hai ả đàn bà vẫn không hề tỏ ra sợ hãi. Thậm chí điều đó càng làm cho hai ả trở lên hung hãn. Giống như một con dã thú bị người ta chích huyết, ả lắm mồm chồm dậy, sống chết lao về phía chị. Chỉ thấy chị khẽ nghiêng người né tránh, chân trái lùi lại phía sau một bước, chân thuận tung một cú đá chính xác, ả lắm mồm cắm đầu vào tường, máu me chảy loang đỏ ối trên khuôn mặt vẫn chưa tỏ ra hết bàng hoàng và kinh hãi.
Thấy đồng bọn thê thảm nằm đó, ả có đôi mắt cá chết vẻ như tỏ ra thận trọng hơn. Ả lầm lũi từ từ tiến lại, vừa đến nơi thình lình vươn cả hai bàn tay hòng chộp cổ đối phương. Thoáng thấy ả chộp tới, chị hụp người xuống tránh được cú ác hiểm đó, hai tay chống xuống đất làm điểm tựa, đồng thời chân thuận tung một cú đá quét ngang. Ả bị trúng đòn, toàn thân không tự chủ được ngã cắm mặt vào bức tường ngăn cách với khu vệ sinh, gào thét ầm ĩ. Tất cả được nhanh gọn, chính xác đến độ khiến bọn chung quanh chỉ còn biết trố mắt đứng xem, tuyệt không dám động thủ. Những tưởng mọi chuyện đã tới hồi kết thúc, ngờ đâu hai ả nhìn về phía nhau cùng gật gù ra ám hiệu, sau đó đồng loạt giãy đành đạch trên mặt đất ăn vạ, gào khóc vô cùng thảm thiết. Chỉ e những diễn viên gạo cội cũng có thể nhập vai chuyển từ trạng thái từ thủ ác thành nạn nhân tài tình đến thế là cùng.
Đúng lúc ấy cánh cửa xà lim nặng nề, ken két bởi tiếng hoen gỉ bật tung. Hai viên quản giáo sẵn sàng vũ khí trên tay sầm sập lao vào khống chế chị, để chuyển sang một khu cách ly đặc biệt. Đó là cái nơi mà bất cứ ai một lần được “thưởng thức” cũng tự hứa với lòng mình để không phải quay trở lại thêm một lần nữa. Nơi khiến sắt đá cũng phải mềm, nơi biến những cái đầu nóng bỏng trở lên nguội lạnh, những cơ thể dù kiên cường bao nhiên cũng phải nhũn mềm.
* * *
Người phụ nữ ngồi trước mặt tôi đây dường như đã không thể kiềm chế được cảm xúc khi kể đến đó. Trên gương mặt phúc hậu được tôn thêm vẻ quý phái bất giác một giọt nước mắt lăn dài. Tôi chợt có cảm giác rùng mình khi mường tượng ra cái quá khứ tăm tối mà chị đã trải qua. Đợi chị trấn tĩnh lại, tôi hỏi.
“Câu chuyện đó xảy ra cách đây đã lâu chưa, thưa chị?!”
Chấm chấm chiếc khăn mùi xoa lên trên đôi mắt đượm buồn, chị bùi ngùi chia sẻ.
“Đó là vào khoảng cuối năm 1989 em ạ! Đến giờ, tất cả những hình ảnh đó trong quá khứ chị vẫn không thể nào quên.”
Lúc ấy, tự nhiên trong tôi nhen lên một thứ xúc cảm rất lạ! Vừa cảm thông, vừa chua xót cho số phận nghiệt ngã của người đàn bà này. Cứ nhìn những nét quý phái trên gương mặt người đàn bà này, tôi đoán hẳn chị đã có một thời thanh xuân tuổi trẻ được một số đàn ông ngưỡng mộ và tôn sùng bởi nét đẹp chưa hề có dấu hiệu phai mờ của vết tích thời gian.
Trong câu chuyện còn dang dở của mình, rốt cuộc thì điều gì đã khiến chị xúc động mạnh đến vậy? Phải chăng những người phụ nữ hồng nhan thường bạc phận ? Tôi vẫn nhẫn nại ngồi đó để tiếp tục lắng nghe một thời vàng son chị đã đi qua không ít thăng trầm và cũng nhiều nước mắt.
Tấm bi kịch về một người đàn bà đẹp bị hàm oan bởi chính nhan sắc của mình đã để lại không ít bồi hồi, cảm xúc trong tôi.
2.
Hai viên quản giáo dẫn giải chị đến một nơi mà họ gọi đó là nhà, nhưng thực chất đó là một khu biệt lập được phân chia thành từng ô, chiều cao và bề ngang chỉ vẻn vẹn vừa bằng một người trong tư thế đứng thẳng với đôi chân bị cùm kẹp. Ở ngang ngực được thiết kế một chiếc “bàn” đặt vừa đúng một chiếc bát nhỏ để đựng cơm. Nói chính xác, đó là một nơi biệt giam chỉ dành cho tử tù phạm nhân vi phạm kỷ luật nặng hay có hành vi chống đối. Hung hãn
Trở thành phạm nhân đặc biệt một cách bất đắc dĩ, đối với chị mà nói, ngày đầu tiên đã chẳng khác nào địa ngục trần gian. Phải một mình chống chọi một bên là cái đói, cái rét, sự khắc nghiệt của mùa đông. Một bên là nỗi cô đơn khủng khiếp đáng nguyền rủa của bóng đêm, trước viễn cảnh tương lai tăm tối chưa biết khi nào mới tìm cách thoát ra. Tất cả đó chẳng khác nào bị hành xác. Lần đầu tiên trong đời, chị mới trải qua cảm giác sợ hãi đến vậy. Chính nỗi sợ hãi đó giống như lũ giòi bọ nhung nhúc, quằn quại bên trong cơ thể đang từng chặp run lên bần bật. Chị căm hờn lũ người độc ác ngoài kia đã rắp tâm phá hoại cuộc sống thiện lương, yên ổn của gia đình chị. Rồi chị nghĩ đến con, đứa con bé bỏng, ngây thơ, tội nghiệp chắc giờ này cũng đang sợ hãi vì phải tận mắt chứng kiến cảnh mẹ nó bị người ta bắt đi.
Ngay khoảnh khắc đó, bất giác một giọt nước mắt nóng hổi, vô thức lăn dài trên gương mặt người phụ nữ ấy. Chị đã khóc, khóc trong niềm xót xa, tủi hận. Khóc cho sự nghiệt ngã của số phận và khóc vì nỗi thương con, nhớ nhà.
Việc phải đứng quá lâu trong cái nơi gọi là “nhà” chật hẹp khiến cơ thể chị dần trở lên rệu rã, khắp người ê ẩm, đau nhức đến kinh khủng. Ở cái nơi tàn tệ này thì một ngày chẳng khác ba Thu. Nó khủng khiếp tới mức bất kỳ ai trải qua cảm giác đó cũng phải rùng mình. Đúng lúc ấy, có tiếng ken két mở cửa. Bên ngoài xuất hiện gương mặt một người đàn bà. Hay nói đúng hơn là mụ quản giáo độc ác, bà ta có thể coi như “đại ân nhân” nhưng cũng là người khiến cho những chuỗi ngày bị cầm hãm của chị trở thành nơi trần gian địa ngục.
Trên khuôn mặt thâm đành đạch được gắn hờ bởi đôi mắt ti hí trắng dã.lại kèm nhèm Nom mụ ta có cái vẻ sỗ sàng của một người luôn thường trực phải đối diện với những tình huống hiểm ác nhất và mụ sẵn sàng chủ động đối phó bất cứ lúc nào. Mỗi ngày mụ đều đến đây mở cửa hai lần sáng, chiều để dẫn giải phạm đi vệ sinh và cũng là người trực tiếp quan sát nhất cử, nhất động của chị. Ngay cả một nắm cơm nhỏ xíu cũng bị mụ xới tung, đào bới hết sức ngặt nghèo. Quả nhiên, bằng với sự tận tụy của một viên chức mẫn cán, trong một buổi chiều tà sục sôi mụ đã phát hiện ra một tờ giấy bé tí, được cuộn tròn lại giấu bên trong cuộng rau muống luộc.
Còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra, đã thấy mụ phác lên một cử chỉ ghê gớm, rít lên qua kẽ răng.
“A, chúng mày dám thông cung hả?!”
Dứt lời mụ lao về phía chị vừa giật tóc vừa tát vào mặt chị những cú nảy lửa. chị trơ lỳ chịu trận mụ vẫn quyết không từ nương. Càng lúc càng gào thét, đấm đá một cách dữ dội! Chỉ đến khi thấm mệt mụ mới ngừng tay, đứng đó hồng hộc thở dốc. Hẳn nhiên đối với mụ mà nói, đạo đức là thứ mơ hồ nhất trong các thứ mơ hồ còn lương tâm phải chăng đã bị chó tha lúc nào chẳng rõ.chị thầm nghĩ chẳng sai
” mắt mụ ta kèm nhèm thì tâm hồn mụ ta cũng kèm nhèm “chị thầm nghĩ vậy
Cơn cuồng nộ đỉnh điểm đi qua, rốt cuộc thì mụ cũng ném cho chị mảnh giấy. Thì ra thứ mà mụ gọi thông cung chỉ là mấy dòng chữ vẻn vẹn tin tức của chồng “gia đình ở nhà vẫn tốt, mong em hãy vững vàng!”
Bên ngoài chồng chị , vẫn gửi cơm đều đặn qua người quản giáo để tiếp tế cơm vào cho chị. Ngờ đâu điều đó lại khiến cho chị phải hứng chịu một trận đòn thừa sống, thiếu chết từ phía mụ quản giáo độc ác. Đợi cho mụ nguôi ngoai, chị nén đau thưa.
“Xin cán bộ bớt giận, nếu tôi có làm gì sai mong cán bộ chỉ giáo và lượng tình tha thứ và giúp đỡ. Ngày nào chồng tôi cũng đến gửi cơm thường mặc áo bay, quần bò nhắn hộ là tôi vẫn bình thường “
Có lẽ mụ ta cũng chỉ chờ đợi câu nói đó, mụ xuống giọng tỏ vẻ ân cần, nhưng giống như cái cách của kẻ bề trên ban ơn hơn là quan tâm thực sự. Mụ khóa cửa lại đi đâu đó chừng hơn chục phút, lúc quay vào ném cho chị mảnh giấy và cây bút, nói như ra lệnh.
“Mày cần gì thì viết vào đấy! Mày phải biết trong này vô cùng nghiêm ngặt và khó khăn nhưng tao sẽ cố gắng tìm cách.”
Bản thân chị thừa hiểu thế nào là nặng, nhẹ trong câu nói đầy hàm ý kia. Chị thông báo cho anh mấy câu vắn tắt đại loại như trong này em vẫn khỏe, nhờ có ân nhân tận tình giúp đỡ nên anh hãy cứ yên tâm. Không quên nhắn dùm anh xát cho “đại ân nhân” mấy chục cân gạo ngon và gửi cho các cháu đồng quà, tấm bánh dù chị thừa biết Trung Thu đã qua lâu lắm rồi… mụ đọc tờ giấy xong vẻ mặt lập tức giãn ra đến tám, chín phần so với lúc bước chân vào đây. Cũng chính tại nơi đây chị mới thấu hiểu được thế nào là thói đời, chỉ cần có tiền thì có thể sai khiến được cả ma quỷ.
Ba ngày trôi qua chị lên cơn sốt hầm hập, toàn thân bỏng rát như rang. Phần vì di chứng của trận đòn oan nghiệt, phần vì đôi chân cùm kẹp lại phải chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể khiến máu dồn xuống dẫn đến phù nề, tím ngắt. Cảm giác đau buốt chỉ muốn ngay lập tức được khuỵu xuống nhưng ngay cả cái việc đơn giản nhất là đứng lên, ngồi xuống cũng bất khả thi. Phải nói, khi mà trong đầu con người ta luôn tâm niệm hay thèm khát một điều gì đó, khát khao đến cháy bỏng xâm chiếm toàn bộ tâm trí thì không thể nghĩ đến việc gì khác. Và chị cứ như thế, phải một mình chống chọi với nỗi sợ hãi, sự cô đơn, và cảm giác thèm thuồng… được ngồi xuống hoặc ngã lăn ra đất bất cứ lúc nào có thể.
Chị đã từng tuyệt vọng, đã có lúc muốn buông xuôi tất cả. Nhưng mỗi lần như thế chị lại nghĩ về gia đình, nghĩ về đứa con thơ bé bỏng đang khát khao vòng tay ấm của mẹ. Chính điều đó đã cứu rỗi linh hồn chị ở lại…
***
Rốt cuộc thì bẩy ngày kỷ luật khắc nghiệt đã trôi qua, và chị vẫn sống sót. Khi mà người ta phải nếm trải và vượt qua những khoảnh khắc khó khăn, cùng cực nhất của đời người thì cả tinh thần lẫn thể trí đều trở lên gan lì và gai góc đến lạ! Thay vì nỗi sợ hãi, chị bình thản đón nhận những gì phải đến, trong đầu luôn nung nấu một ngày nào đó được gột rửa nỗi oan khiên dù chị biết đó sẽ là một chuỗi hành trình gian khó.
Lần về này chị được mụ quản giáo ưu ái cho nằm ngay bệ xi măng đầu buồng. Chính mụ đã trực tiếp cử chị làm buồng trưởng chứ không phải ai khác. Tuy nhiên chị đã từ chối trong ánh mắt ngỡ ngàng và sự ngạc nhiên của đám bạn tù. Đối với bọn họ mà nói, ngoài sự quan tâm của mụ quản giáo thì cái thứ bản lĩnh bên trong con người chị mà họ từng tận mắt chứng kiến đủ để cho thấy cái vị trí ấy quá xứng đáng. Vậy nên có thể nói, lần đầu tiên trong một buồng phạm nhân xảy ra trường hợp hy hữu, đó là một buồng “vô chủ”.
Ngay ngày đầu tiên trở lại buồng giam số 2, nơi giam giữ cũ, chị đã làm một cái điều khiến cả bọn phải ngạc nhiên và tâm phục, khẩu phục. Buổi tối, chị tập hợp tất cả chị em lại. Chính chị là người trực tiếp đưa ra đề xuất. Việc đầu tiên chị đề nghị phá bỏ luật nhập buồng. Trước đó, mỗi lần đến giờ cơm mọi người đều phải đổ ra trên bệ xi măng để cúng oan hồn những phạm nhân từng bỏ mạng ở lại nơi đây,sợ họ báo oán , rồi trưởng buồng mới vun đống cơm lại đắp lên bát mình trước , đắp thật đầy, sau mới đến mọi người, thì nay tất cả đều ăn chia bằng nhau , chị là người được tiếp tế thức ăn từ ngoài vào. Phần cơm của chị cho ai thì người ấy được nhận Chị yêu cầu phá bỏ luật nô lệ, biến những người khác phải làm phục dịch bắt giặt quần áo, đấm bóp hay thức cả đêm quạt muỗi , hay rửa chân
Bằng những lời lẽ cứng cỏi, sau chị chuyển sang thuyết phục và tâm sự với bọn họ khiến cho họ hiểu ra nỗi khổ sở mà tất cả cùng phải gánh chịu khi bị tống vào đây. Ngay cả hai ả trưởng phòng trước đó cũng dần dần được chị cảm hóa. Và ngay trong giờ phút thư giãn nhất ở cái nơi giam giữ khốn khổ, khốn nạn ấy, khi bóng đêm qua đi, mặt trời le lói xuất hiện chị đã viết lên những câu thơ và những đoạn văn ngắn ngủi mà sau này chị vẫn còn nhớ mãi.
Đám phạm nhân cùng buồng đặc biệt tỏ ra thích thú với món ăn mang giá trị tinh thần ấy. Bọn họ ngỏ ý xem, liệu chị có thể viết tặng mỗi người một bài? Vẻ như suy nghĩ hồi lâu, chị đồng ý viết về cuộc đời bọn họ nhưng với một điều kiện trao đổi mà chị đã có chủ ý và chị cảm thấy điều đó hoàn toàn xứng đáng.
3.
Từ trong buồng giam số 2, cái nơi tưởng chừng như chỉ có những sự tàn tệ, bất công và tuyệt vọng bỗng dưng lại trở lên đầy thi vị kể từ ngày chị quay trở lại buồng giam
Theo lời kể của người phụ nữ có nụ cười rạng rỡ, nhưng dù ở bất kỳ sắc thái nào cũng tỏ ra vô cùng ấm áp và đôn hậu ngồi trước mặt tôi đây thì người đàn bà đầu tiên trong phòng được chị làm thơ tặng lại có một cuộc đời bi kịch đến nỗi, dường như định mệnh đã rắp tâm sắp đặt bà ta sinh ra là để sống trong đau khổ và thù hận.
Bà ta vừa đáng thương, vừa đáng trách! Bị người chồng khốn nạn ruồng rẫy và phụ bạc đánh đập hết sức dã man. Chính gã đã đang tâm vứt bỏ đứa con thơ đỏ hỏn của mình để chạy theo một ả đàn bà khác trong lúc vợ mình phải chống chọi với cơn bạo bệnh thập tử, nhất sinh. Bi kịch của người đàn bà ấy bị đẩy lên đỉnh điểm, sau những chuỗi ngày chìm trong tuyệt vọng. Chính bà ta đã tự tay đầu độc cả gia đình bằng một liều thuốc chuột hòng được giải thoát. Trớ trêu thay, cuộc đời đã cướp đi hai sinh mệnh nhưng lại giữ bà ta ở lại để phải đối diện với án tử lơ lửng trên đầu
và một bản án lương tâm cắn rứt, ăn mòn đến tận xương tủy.
Bà ta đã bưng mặt khóc tu tu ngay khi đọc lên những câu thơ đầu tiên về cuộc đời mình. Và cũng chính bà ta là người duy nhất có ngoại lệ khi không phải “trả phí” bằng hai gói mỳ tôm giống như những chị em khác.
Số chiến lợi phẩm ít ỏi đó chị đã giữ lại để chia cho chị em không có người nhà vào tiếp tế. Một việc làm chưa từng có tiền lệ xảy ra.
Trở lại phòng giam chừng hai mươi ngày thì chị bị người ta đưa đi hỏi cung. Bên trong căn phòng thẩm vấn được bố trí bởi một bộ bàn ghế cũ kỹ để thẩm sát viên ngồi viết lách. Ở góc phòng còn đặt một chiếc ghế dành cho phạm nhân. Tay cán bộ điều tra viên chị tiếp xúc có vóc người nom chỉ thấy chiều cao mà không thấy bề ngang. Cái mặt xương xương quắt quéo cằm nhọn , hai mắt như hai nút áo màu vàng ệch lúc nào cũng toát ra ánh nhìn soi mói và đầy ngờ vực. Vừa đặt đít xuống ghế, ông ta đã sừng sộ, quắc mắt lên quát.
“Sao, mày khai đi! Mày đã biết tội gì chưa?”
“Thưa cán bộ, tôi không biết mình bị bắt vào đây vì tội gì!” Chị nhìn trực diện về phía viên cán bộ điều tra, điềm tĩnh trả lời.
“Ngoan cố!” Sau tiếng thét, viên cán bộ điều tra đập bàn đánh bốp. Ông ta rít lên qua kẽ răng hở hoang hoác giữa hai hàm.
“Tội đáng chết còn cứng đầu, buôn thuốc cấm, chiếu phim đen, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy. Mày còn định chối cãi nữa hay sao?”
Chị hơi ngỡ ngàng trước luận cứ buộc tội mà ông ta đang cố lèo lái. Tuy nhiên vẫn bằng một thái độ thành khẩn nhưng trước sau như một. Chị bình tĩnh nói.
“Thưa cán bộ, tôi bị oan và không hề làm những việc ấy. Nếu quả thực có chứng cớ, tôi xin chịu tất cả những hình phạt trước pháp luật.”
“Mày… Mày được lắm!” Viên cán bộ điều tra nhếch mép cười nhạt. Thình lình thấy ông ta đứng phắt dậy, đặng tiến lại phía chị yêu cầu chị đứng lên, sau đó bắt đưa một chân ra phía trước. Bất ngờ, ông ta lựa chiếc chân ghế đè lên đầu ngón chân cái của chị một cách đầy chủ ý xong ngồi vắt vẻo lên đó rung đùi, hầm hầm nạt nộ.
“Thế nào, mày đã chịu khai rồi chứ?”
Quá kinh ngạc trước thứ tra hình quái đản khiến chị có cảm giác đau đớn thấu tận tâm can nhưng chị vẫn kiên cường chịu đựng trong từng lời khai rành mạch của mình. Vẻ như ông ta vẫn chưa chịu buông tha,ông ta đứng lên ngồi xuống dằn mạnh xuống ghế hành động đó lặp đi, lặp lại dập nát ngón chân chị, cho tới khi chị xanh tái mặt mày ngã lăn xuống đất, màn ép cung quái đản mới chịu chấm dứt.
Rõ ràng viên cán bộ điều tra hắc ám chẳng mấy bận tâm trước người đàn bà đau khổ đang nằm dưới đất, ông ta lạnh lùng bước ra khỏi cửa để cho người quản giáo dìu chị lê lết trở lại buồng giam trong sự đau đớn và ê chề ứa nước mắt, cho tới độ mười ngày sau đó…
Vào một buổi sáng cuối năm ấm áp và tràn đầy hy vọng. Khi những tia nắng đầu tiên nhảy nhót, soi rọi từng ngóc ngách trong cái khu trại giam chỉ tồn tại sự đau khổ và đầy man trá thì chị nhận được một bức thư từ tay của bà quản giáo. Rất đỗi ngạc nhiên, chị mở nó ra xem. Từng từ, từng chữ trong bức thư nặc danh đã phần nào hé lộ những thắc mắc mà bấy lâu chị vẫn luôn đau đáu trong lòng.
“Chị à! Tôi là một trong những người tham gia bắt chị đêm hôm ấy, cũng là người đã luôn sát sao theo dõi chị những ngày vừa qua ở cái trại tạm giam này.
Trước tới giờ tôi đi làm nhiệm vụ tôi chưa từng gặp phải hoàn cảnh nào đặc biệt giống như chị. Một người phụ nữ đã dám xé lệnh bắt chồng để đề nghị được đi thay khiến tôi cảm phục.
Còn chuyện người ta cho người đến đóng giả mua phim video sau đó tráo băng đen vào chỉ là cái cớ. Tôi nghi ngờ rằng, phải chăng chị đang có mâu thuẫn với một người nào đó có chức quyền
đứng đằng sau vụ này, bởi để dựng lên cả một âm mưu này phải là người có tầm ảnh hưởng trong xã hội? Vậy nên, mong chị lần sau đi cung cứ thành khẩn khai báo, ở ngoài chúng tôi sẽ tìm cách giúp đỡ chị hết mức có thể. Chào chị!”
Những ngày sau đó, trong đầu óc chị cứ diễn đi, diễn lại cái đêm định mệnh bị người ta bắt đi (sau này chị mới biết, một trong hai gã giả dạng làm khách tới mua đầu máy chiếu nhà chị đêm hôm ấy có tên là A T.M Kẻ bất chấp tất cả , AT M Là giới giang hồ Chính tay gã là kẻ đã tráo cuốn băng thủ sẵn trong người cho vào đầu máy, để rồi công an đã ập vào ngay sau đó.
Trước màn kịch diễn biến quá nhanh và bằng chứng không thể chối cãi đã đưa chị tới cái nơi khốn khổ, khốn nạn này. Lá thư ấy đã phần nào hé lộ bí mật động trời khiến cho chị tỉnh ngộ và càng quyết tâm hơn trong một ngày có cơ hội được gột rửa thanh danh bị người ta cố ý khép vào vòng tội lỗi.
Độ mười ngày tiếp theo chị lại bị đưa đi thẩm vấn lần thứ hai. Một cảm giác hơi e dè trong suy nghĩ của chị khi phải đối diện với viên cán bộ điều tra có cái mặt quắt quéo như mặt khỉ đó. Tuy nhiên chị không hề tỏ ra sợ hãi, bởi giờ đây chị đã có niềm tin mãnh liệt vào công lý, thứ đã từng là nỗi mơ hồ đáng sợ trong những phút giây tuyệt vọng nhất của cuộc đời mình.
Ngay khi được dẫn giải vào phòng chị đã hơi ngạc nhiên khi bắt gặp ánh nhìn của viên cán bộ điều tra. Anh ta có cái vẻ ngoài bảnh bao, nét mặt thư sinh, sáng sủa. Cái cách mà anh ta mở đầu câu chuyện cũng khiến cho áp lực bên trong căn phòng trở lên nhẹ nhõm đi nhiều. Bằng một giọng nói truyền cảm, viên cán bộ điều tra hỏi.
“Chị vẫn khỏe chứ?”
Chị nhìn trực diện về phía anh ta, anh ta cũng nhìn về phía chị bằng cái nhìn ủy thác sự tin tưởng và không hề tỏ ra phân biệt địa vị lúc đó.
“Tôi vẫn ổn, thưa cán bộ!” Chị trả lời.
“Trong phòng chị có bị ai đánh đập không?”
“Thưa không!”
“Tôi thấy sắc diện chi không được khoẻ “
” dạ tôi không sao “
“Vậy chị có nghe ai thông tin gì về sức khỏe cũng như học hành của con chị không?”
“Thưa không!”
Với vẻ mặt khá hài lòng, viên cán bộ điều tra nói tiếp.
“Thế này nhé! Tôi sẽ tạo cho chị một cuộc trò chuyện thoải mái nhất trong phạm vi có thể. Đổi lại chị hãy thành khẩn khai báo để tránh những diễn biến phức tạp và bất lợi cho chị sau này. Chị đồng ý chứ?”
Rõ ràng với cái kiểu hỏi cung, đánh đòn tâm lý đầy sức nặng này trước giờ vốn chết dí trong lòng chị đầy sự hoài nghi về thái độ cũng như cách hành xử của những người thừa hành công lý, nay bỗng dưng được nhen nhóm niềm tin trở lại. Chị không ngần ngại trả lời.
“Vâng tôi sẽ trung thực đúng như những gì mình được biết, thưa cán bộ!”
“Tốt lắm! Vậy chị hãy nghe tôi hỏi đây.” Viên cán bộ vào đề bằng thái độ hài lòng.
“Hàng ngày chị đi chiếu phim thế nào?”
“Thưa cán bộ! Tôi có mua hai đầu máy chiếu, hàng ngày nhờ người đi đến những nơi vùng sâu, vùng xa để chiếu phục vụ bà con theo hợp đồng.”
“Nội dung phim là gì?” Viên cán bộ hỏi tiếp.
“Chỉ có phim kiếm hiệp và phim tâm lý xã hội. Thưa cán bộ!”
Trầm ngâm trong giây lát, viên cán bộ đột ngột chuyển sang chủ đề khác.
“Trước khi bị đưa vào đây, người ta nghi ngờ chị buôn bán móc phin. Điều đó đúng hay sai?”
Chẳng chút đắn đo, chị trả lời ngay.
“Thưa cán bộ, đó là người ta vu oan cho tôi!”
Đáng lẽ ra viên cán bộ điều tra đã nhận được sự thỏa mãn từ những câu hỏi đã đưa ra. Tuy nhiên, vẻ như anh ta còn đang trông đợi vào một điều gì đó khác hơn nữa thì phải. Bởi ngay lúc đó chị thấy anh ta chậm rãi đứng dậy, kéo ghế tiến về phía chị. Vừa ngồi xuống đã nhỏ giọng ôn tồn hỏi.
“Thế này nhé, trong câu chuyện của chị tôi thấy còn có nhiều điều uẩn khúc. Chị thử cố nhớ lại xem, khi ở ngoài có mâu thuẫn với ai không? Bởi vì trước khi vào đây, tôi đã nắm được chút ít thông tin gây bất lợi cho chị. Chị hãy bình tâm suy nghĩ và thành thực trả lời!”
Nghe tới đó bất giác chị cảm giác khẽ giật mình nhớ lại lá thư bà quản đã đưa, giống như vén bức mây mù để tìm ra nguồn sáng bấy lâu đã cương tỏa những điều còn chưa được lý giải. Lát sau, chị bình tĩnh thuật lại câu chuyện đã xảy ra trước đó ít lâu.
Chẳng là gia đình chị có đấu thầu một mảnh đất thuộc vị trí đắc địa trên mặt đường quốc lộ. Mặc dù có rất nhiều đơn xin đấu thầu mảnh đất đó, nhưng nhờ có một viên cán bộ có địa vị cao cấp nhất trong huyện đã ưu ái phê duyệt bản hợp đồng cho thuê dài hạn của gia đình chị. “Ông đã tạo điều kiện” , cho đến một hôm, ông nói với chị đến phòng riêng ông cho mấy can xăng (phải biết, xăng dầu thời đó là thứ không phải cứ có tiền là dễ dàng mua được).
Miệng không quên dặn dò chỉ nên đến vào buổi trưa, sau giờ làm việc hành chính. Không thì cán bộ họ thấy thì phiền lúc ấy nhà chị đang có 2 xe Minsk chuyên chở máy đi chiếu phim , không chút nghi ngờ, chị đã gật đầu đồng ý.
Trong căn phòng vắng vẻ, đồ đạc bài trí sơ sài. Ngồi trên chiếc ghế duy nhất, ông ta chủ động chỉ chị ngồi xuống chiếc giường phía bên cạnh. Sau những lời lẽ tán tụng đầy vẻ ngưỡng mộ về con người chị mà chẳng chút đề cập đến nội dung cuộc gặp, bất ngờ ông ta lấy ra từ ngăn bàn làm việc của mình đưa cho chị một bộ bài. Thật không ngờ trên đó lại toàn những hình ảnh đồi trụy với đầy đủ các hình thù, tư thế nom cực kỳ nóng bỏng. Lờ mờ hiểu ra ý đồ của ông ta, chị cương quyết đứng dậy đòi ra về. Thình lình, ông ta sấn về phía chị, xô mạnh xuống giường định giở trò đồi bại ngay ban ngày, ban mặt.
Ngờ đâu, đó là người phụ nữ không phải ai cũng dễ dàng ức hiếp. Ông ta còn chưa kịp đè sấn cái khổ người mảnh khảnh xuống đã lĩnh trọn một cú đạp bắn về phía góc tường, nằm xụi lơ ở đó mãi không sao đứng dậy được và chỉ còn biết nhìn chị tức tưởi ra về trong con mắt đầy sự thèm khát và bất lực.
Một tuần sau đó ông ta trơ trẽn đến tìm chị, thản nhiên trò chuyện như chưa từng có việc gì xảy ra. Song lúc ra về lại rỉ tai bằng một câu đầy hàm ý.
“Người như em có phước mà không được hưởng, thật đáng tiếc! Hãy cứ chờ đấy!”
Viên cán bộ điều tra ngồi nghe chị thuật lại đầu đuôi câu chuyện mà gương mặt đã trải qua biết bao cung bậc cảm xúc. Chừng nghe suy nghĩ hồi lâu, rốt cuộc anh ta ngao ngán thở dài.
“Việc này can hệ trực tiếp đến những người có thế lực ngoài kia. Vả lại vẫn chưa có chứng cớ rõ ràng để buộc tội họ, tuy nhiên chúng tôi sẽ cố gắng hết sức giúp đỡ chị trong chừng mực khả năng có thể. Bây giờ, chị hãy cứ về đi!”
***
Trở lại buồng giam những ngày sau đó, nhờ vào “mối quan hệ thân tình” với bà quản giáo, như chính miệng bà ta vẫn nói, cộng với sự giúp đỡ của viên cảnh sát đã bí mật gửi thư cho chị, nên chị vẫn thông cung ra bên ngoài. Những khúc mắc xung quanh vụ bắt giam nghiệt ngã cũng dần được làm sáng tỏ. Tuy nhiên, danh tính của kẻ mà ai cũng biết là ai kia đã không đủ bằng chứng thuyết phục để khép ông ta vào tội “cố tình hủy hoại cuộc sống của người khác”.
Vào ngay lúc ấy, dường như không thể kìm nén được cảm xúc của mình lâu hơn nữa trước những bất công mà chị đã trải qua, tôi buột miệng hỏi.
“Vậy chẳng lẽ ông ta cứ thế mà nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật để rồi lại đi làm hại đời người khác hay sao?”
Chị ngước lên, mắt dõi về phía xa xa, lát sau mới chậm rãi trả lời.
“Ông ta còn phải đối diện với hai bản án dành cho mình nữa em ạ! Đó là bản án lương tâm và bản án của cuộc đời.”
Trả lời xong chị lại hơi cúi đầu xuống như thể đang suy nghĩ hay còn ẩn chứa nhiều điều muốn nói từ trong sâu thẳm ký ức của mình.
Hẳn nhiên trong câu trả lời của chị vẫn chưa khiến tôi thỏa đáng bởi lương tâm là thứ có thể hiểu được.
“Nhân chi sơ, tính bản thiện.” Con người ta dù lương tâm bị thối rữa đến đâu nhưng khi phải đối mặt với thời khắc sinh tử ắt lại trở về với bản ngã của chính mình. Và ai đó đã từng nói “từ nay ráng làm người tử tế” đã là minh chứng cho những vị công bộc quyền cao, chức trọng từng một thời sa vào vũng bùn tăm tối còn biết quay đầu phục thiện. Tuy nhiên, thứ khiến tôi tò mò hơn cả chính là bản án cuộc đời của nhân vật thủ vai phản diện trong câu chuyện này luôn thôi thúc thứ bản năng cần được thỏa mãn điều gì đó, sau tất cả những bất công mà chị phải gánh chịu. Cầm lấy bàn tay mềm mại của chị, tôi mạo muội hỏi.
“Xin phép hỏi chị, rốt cuộc thì bây giờ cuộc đời ông ta ra sao?”
“Ông ta bị vướng vào căn bệnh thế kỷ nên khó tránh khỏi một cái chết bi thảm em ạ!” Tránh cái nhìn trực diện từ phía tôi, chị nói giọng như nhỏ lại.
“Khối tài sản kếch xù bao năm ông ta gây dựng cuối cùng cũng tiêu tán vì bị con cái nợ nần, cờ bạc cá độ mà thiêu rụi hiện đang chốn chui lủi
. Ngay cả A T M , quãng đời còn lại của y cũng đang phải trả giá bên trong song sắt nhà tù, chưa biết bao giờ mới được trở về với cuộc sống của một công dân đúng nghĩa.”
Nghe xong tôi chợt thở phào nhẹ nhõm, ngay cả gương mặt chị cũng trở lên thanh tú hơn bao giờ hết. Qua giọng nói ấm áp trong câu chuyện của chị, cuối cùng vào ngày 27 tết cuối năm 1989 chị vĩnh viễn được trả tự do và hoàn toàn trong sạch để không phải trở lại cái nơi địa ngục trần gian ấy thêm một lần nào nữa.
Câu chuyện của chị vẫn chưa có hồi kết vì ngay sau khi ra tù toàn bộ gia sản đầu tư vào khu đất trúng thầu bị ông ra lệnh cưỡng chế phá hợp đồng. Phải nhờ đến sự can thiệp quyết liệt của phòng lao động, thương binh xã hội can thiệp vì vợ chồng chị đều là quân nhân thương binh đã được xếp hạng , và một tấm lòng quả cảm, kiên quyết đấu tranh mới được cấp trả một mảnh đất cắm dùi… Ngay trên mảnh ruộng chiêm trũng quê hương.
Không chịu bó tay trước hoàn cảnh nghiệt ngã, chị bắt đầu làm lại từ đầu, đi lên từ hai bàn tay trắng. Để rồi người phụ nữ ngồi trước mặt tôi đây, nụ cười lại rạng ngời và bao dung hơn hết thảy. Chị đang có cuộc sống viên mãn , một gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành ăn học đỗ đạt có vị trí đứng trong xã hội trong ngôi nhà luôn đong đầy tình cảm yêu thương.
Bằng tấm lòng hảo tâm của mình, hàng ngày chị vẫn đi tìm những mảnh đời éo le, bất hạnh ngoài kia để giúp đỡ họ, nguyện cống hiến cho đời bằng tất cả những gì mình có thể, bởi chị luôn kiên định với đức tin mãnh liệt.
“Cho đi là còn mãi. Tất cả rồi cũng trở về với cát bụi, phàm là con người chỉ có đạo đức mới tạo lên được sự khác biệt.”
LG