Nhưng cái đáng lo ngại là, quan niệm văn chương phục vụ chính trị hiểu theo nghĩa đơn sơ giản lược ngấm thấm vào mọi tầng vỉa trong xã hội…chúng ta chưa kịp có cái nhìn khách quan để xem xét, còn tỏ ra thỏa mãn, hài lòng
Tham luận đọc tại hội nghị lý luận phê bình Đà lạt, 12, 13 – 7- 2010
Lâu nay vẫn xuất hiện đâu đó cụm từ : Văn học chưa có các tác phẩm ngang tầm với thời đại. Tác phẩm văn học ngang tầm thời đại là một khái niệm hết sức mù mờ. Thời đại ở đây là cái gì và có chiều cao cỡ bao nhiêu, mét mốt hay mét hai để văn học cố viết tới tầm kích đó? Tôi thiển nghĩ nên hiểu cách diễn đạt ấy một cách đơn giản nôm na hơn, ấy là, những thập niên qua chúng ta chưa mấy nhiều tác phẩm hay, thể hiện một cách xứng đáng sự vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Tại sao? Có rất nhiều nguyên do, ở đây, tôi xin được nêu mấy ý kiến nhỏ.
Trước hết tôi xin nói lại một thông tin mà chắc rằng thông tin đó nhiều anh chị đã từng biết. Năm 2003, 100 nhà văn nổi tiếng nhất thế giới đã làm một công việc hết sức thú vị, đó là tổ chức cuộc bình chọn để cùng tìm ra tác phẩm văn chương hay nhất của nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử. Quả là một công việc không hề dễ! Nhân loại đã sản sinh ra nhiều nhà văn tài danh đáng kính trọng, và họ đã để lại cho thế giới này những tác phẩm văn chương tuyệt vời. Trong số rất nhiều, rất nhiều những giá trị tinh thần ấy, tác phẩm nào là tuyệt hảo, đáng được tôn vinh để đời? Cân nhắc, bàn cãi, so sánh. Và cuối cùng người ta cũng thống nhất được, không tác phẩm nào khác, mà chính là Đôn Kihôtê của Xecvantéc là cuốn sách văn chương bậc nhất, tác phẩm văn chương của mọi thời.
Thông tin thứ hai, trong hàng chục vạn cuốn sách được in ra tại Hoa Kỳ năm 2003, tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng được một tờ báo ở Mỹ bình chọn là một trong 50 cuốn hay nhất xuất bản năm đó. Tôi tin trong việc xét chọn này những người nổi tiếng thực dụng bên kia bán cầu không có nhã ý ưu ái người Việt.
Chọn tác phẩm để trao giải, để xếp thứ bậc là con người, bằng hình thức tôn vinh đó, bộc lộ quan điểm của mình đối với văn chương. Chọn Đôn Kihôtê là tác phẩm hay nhất trong đồ sộ các tuyệt tác, nhân loại đã bầy tỏ quan niệm, thái độ đối với văn chương, thông qua đó, gián tiếp gọi ra văn chương là gì, và định dạng thế nào là một tác phẩm văn học.
Trong tác phẩm của mình, Xécvantéc không mô tả một giai đoạn lịch sử cụ thể nào. Không nói về một cuộc chiến tranh nào, lại càng không minh họa một cải cách, một phong trào nào. Ông bịa hoàn toàn, hay chính xác hơn, ông tưởng tượng hoàn toàn. Bịa từ ý tưởng, cốt truyện đến nhân vật. Nhưng những hành động điên rồ và đáng yêu để bảo vệ lẽ phải của Đôn Kihôtê mang triết lý cuộc sống sâu sắc. Tình yêu say đắm của chàng và nàng Đixuynê, người do chàng, hay đúng hơn do Xécvantéc tưởng tượng ra thật tuyệt vời, khiến bao con tim phải theo dõi, rung động, cảm kích… Thực ra không có Đôn Kihôtê nào ở đời này cả. Chàng là sản phẩm hư cấu của trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời nơi nhà văn. Nhưng từ khi ra đời, năm 1605 đến nay, hơn 4 thế kỷ đã qua, triệu triệu người ở hành tinh này đều yêu mến Đôn Kihôtê, coi chàng là bạn, là kẻ đồng hành. Tại sao vậy? Bởi mỗi người chúng ta dù ít dù nhiều đều có một chàng hiệp sỹ, hoặc chí ít cũng muốn có một hiệp sỹ trong mình biết còng lưng chiến đấu không mệt mỏi cho công lý, và sự công bằng. Đôn Kihôtê, bằng những nguyên tắc hiệp sỹ cổ lỗ đã tả xung hữu đột để bảo vệ tình yêu, bảo vệ cái chàng quan niệm là đúng trong một thế giới nhiều tội lỗi, là một hình tượng văn học điển hình. Về hình tượng hiệp sỹ nơi chàng, một nhà văn đã nói, đó là nghệ thuật đem lại cho cuộc sống cái mà lịch sử đã giết chết.
Văn chương bởi vậy phải chăng chính là tài năng tưởng tượng, tài năng sáng tạo của nhà văn. Danh họa Picát xô nói rằng tôi không vẽ cái tôi nhìn thấy mà vẽ cái tôi cảm thấy. Viết văn chắc cũng phải vậy. Thông qua sự nhìn thấy để viết cái cảm thấy.
Nhân loại chọn Xécvantéc tức mặc nhiên loại bỏ lối viết chỉ lẽo đẽo bám vào các sự kiên để minh họa, ít chủ tâm huy động đến tận cùng trí tưởng tượng phong phú và vô tận nơi người cầm bút. Nói cách khác, tác phẩm hay là tác phẩm không sa vào sự viết cái thật thô thiển mà hướng tới sự bịa, sự tưởng tượng, sự sáng tạo. Đâu phải ngẫu nhiên văn học hiện thực huyền ảo Mỹ La tinh khiến chúng ta giật mình, và hiện thời đâu phải ngẫu nhiên hàng triệu trẻ thơ và cả người lớn trên hành tinh háo hức đón đợi và thèm muốn được đọc Harri potter và coi Harri potter là một hiện tượng văn học. Vậy Mác- két là gì? Harri poter là gì? Và xa hơn nữa Giăng pôn sác, KápKa là hiện tượng gi? Không gì khác hơn là hệ quả của sự thăng hao tuyệt diệu nơi trí tưởng tượng của nhà văn khi được tự do bay bổng …
Quay lại với Số đỏ của Vũ Trọng Phụng. Ông không chỉ bịa ra nhân vật, bịa tình huống mà còn bịa cả chi tiết lịch sử. Nhưng không ai bảo Vũ Trọng Phụng viết không thật.
Văn chương muốn sống lâu phải văng nhanh ra khỏi vòng quay minh họa các sự kiện. Văn chương đích thực không chỉ tồn tại ở ý thức công dân, mà chủ yếu tồn tại trong sự thăng hoa của ý thức nghệ sĩ. Chẳng có tác phẩm nào không mang tính nghệ thuật lại hy vọng phục vụ con người. Biết vị nghệ thuật khắc tác phẩm đó sẽ vị nhân sinh. Viết đã không hay chẳng thể vị một cái gì cả.
Văn chương Việt Nam những thập niên qua đang nằm ở cung bậc nào? Trước khi có vài ba nhận xét chủ quan về điều ấy, xin được điểm một vài đặc thù của văn học trước đó. Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Phần lớn anh chị em nhà văn vào rừng theo cách mạng. Với quan điểm văn nghệ phục vụ công nông binh, phục vụ kháng chiến, văn chương nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung lấy nhiệm vụ phục vụ chính trị làm mục tiêu hàng đầu nên phần lớn khó tránh khỏi chính trị hóa, báo chí hóa, đơn giản hóa, quần chúng hóa. Kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, chúng ta chưa có điều kiện định lại những giá trị đích thực của văn chương, đã phải bước vào cuộc kháng chiến mới, trong đó văn học có nhiệm vụ phục vụ lợi ích dân tộc, cụ thể là phục vụ lợi ích cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Văn chương những năm tham gia hai cuộc kháng chiến không có lỗi, và những người chủ trương một thứ văn chương công nông binh cũng không có lỗi. Tình thế buộc phải vậy. Vì lợi ích cao cả, chúng ta đã viết những tác phẩm trước hết phục vụ lợi ích đó. Điều ấy đáng nể, đáng trân trọng, đáng tôn vinh. Và đã có không ít tác phẩm thật sự mang tính giáo dục nhưng vẫn hay, (cũng lại chủ yếu nhờ vào tài văn của người viết). Đội ngũ văn nghệ sỹ thời chống Mỹ cứu nước đáng được phong tặng danh hiệu anh hùng. Không một ai phủ nhận giá trị phục vụ những lợi ích sống còn trước mắt của dân tộc nơi văn chương thủa đó… Nhưng cái đáng lo ngại là, quan niệm văn chương phục vụ chính trị hiểu theo nghĩa đơn sơ giản lược ngấm thấm vào mọi tầng vỉa trong xã hội, ngấm thấm vào các văn sỹ rất lâu, rất sâu và nghiễm nhiên đã trở thành một nếp sáng tác, một thói quen, một tiềm thức khó bỏ, khó dứt, thậm chí chúng ta chưa kịp có cái nhìn khách quan để xem xét, còn tỏ ra thỏa mãn, hài lòng; còn khuyến khích lối viết mòn cũ ấy như một phương pháp sáng tác duy nhất đúng. Chúng ta đã vô thức, mặc nhiên biến các nhà văn thành một dạng nhà báo. Thế mạnh của báo chí là tính tức thì, là sự phản ánh kịp thời. Còn văn chường lại khác, đó là những giá trị trong quyền năng nuôi dưỡng tâm hồn con người ở tác phẩm của người nghệ sỹ, là hoa kia thường héo cỏ thời tươi, là ngàn dâu gió cuốn chim bay mỏi, là trống tràng đình rung rinh bóng nguyệt.
Với quan niệm như vừa nói trên đối với văn chương, điều đương nhiên khó tránh là tất yếu sẽ xuất hiện những cuốn sách rất dày, ngoài bìa đựơc phô danh các thể loại văn chương nhưng thực chất là viết duới dạng thức một bài báo kéo dài. Xã hội thay đổi, nhận thức con người đã thay đổi, quan niệm thẩm mỹ đã khác nhưng quan điểm đối với văn chương gần như không có gì thay đổi, sự sáng tạo chỉ được bảo hộ hình thức mà không được khuyến khích một cách thực chất mang tính khoa học, trên cơ sở lý luận của nhận thức mới…
May thay, vào những năm giữa của thập niên 80 thế kỷ trước, sau đại hội VI của Đảng, đất nước bước vào giai đoạn, vẫn gọi là thời kỳ đổi mới. Cùng với sự đổi mới tư duy chính trị, tư duy kinh tế, quan niệm văn chương cũng đã có khác ít nhiều. Thời tiết chính trị là tiền đề cho sự xuất hiện một loạt tác phẩm viết theo phương cách “cởi trói”. Không đơn điệu, một chiều; dám đối mặt với thực tế đời sống. Hay nói cách khác, đã viết như đời sống vốn thế, tức là văn chương thật sự đã phản ánh đúng thực trạng tâm lý phức tạp của con ngưòi, qua đó can dự trực tiếp vào đời sống xã hội…
Tôi xin phép bàn vài ba điều về thể loại truyện ngắn trong thời kỳ đổi mới. Tôi cho rằng truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp là một hiện tượng của văn đàn. Giá trị của truyện ngắn này, ngoài nôi dung câu chuyện muốn đề cập, còn có giá trị khác, ấy là, Nguyễn Huy Thiệp đã gợi mở, thức tỉnh để bắt đầu có một tư duy mới trong sáng tác, khác lối viết truyền thống, lấy anh hùng ca, lấy lãng mạn cách mạng làm tư tưởng chủ đạo. Bởi vậy nói đến văn học đổi mới, không thể không nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp. Ông là người khơi mào cho một giai đoạn truyện ngắn mới.
Truyện ngắn hơn hai ba chục năm gân đây mặc nhiên đảm nhận vai trò là niềm tự hào của Văn xuôi ở thời kỳ đổi mới. Rất khiêm tốn vẫn có thể nói rằng truyện ngắn Việt Nam không thua kém truyện ngắn thế giới, càng không thua kém truyện ngắn khu vực.
Sau Nguyễn Huy Thiệp, hoàn toàn không khiên cưỡng để nói rằng, một diện mạo mới của truyện ngắn Việt Nam đã hình thành. Diện mạo này trước hết là sự phong phú, đa chiều trong phương cách thể hiện, không mòn cũ, công thức ở lối viết; không nhẵn lỳ trong cảm xúc; không dập khuôn lối viết đã định sẵn; không quá lệ thuộc vào những điều mà trước đó thế hệ đi trước, bằng nhiều nguyên do, phải tránh; đã thấy được sự bứt phá khỏi những ràng níu, là quan niệm của một thời, thậm chí mượn sự không có thật, phi lý như phương tiện dẫn giải để đạt được điều muốn nói nhằm tỏ thái độ với cái xấu, cổ xuý cho cái tốt, qua đó gợi mở, đánh thức tư duy người đọc. Cấu trúc truyện ngắn không chỉ là mặt phẳng, mà đã có cái gì như thể không gian đa chiều. Bởi vậy truyện ngắn đã khoáng đạt, hồn nhiên, cởi mở và trí tuệ… Điều này không mới, song so với những gì đã có trước đây, trong xu hướng thiên về sự phẳng lặng, rành mạch, có hậu thì có thể coi lối thể hiện này như một đột phá.
Trân trọng những thành tựu trước đó, song không thoả mãn, luôn tìm tòi, luôn đổi mới trong cách cảm, cách nghĩ, cách viết là đặc trưng nhân cách nhà văn.
Cùng với những tác giả đã có sự đằm lắng trong tư duy, và trong phong cách thể hiện, đã làm nên nền truyện ngắn sáng giá Việt Nam một thời như Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Kiên, Bùi Hiển, Vũ Tú Nam, Nguyễn Thành Long, Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Nguyễn Khải, gân chút nữa là Ma Văn Kháng, Chu Lai, Lê Lưu, Đỗ Chu, Nguyễn Quang Thân, Lý Biên Cương, Nguyễn Bản, Bùi Ngọc Tấn, Lê Minh Khuê…và trong số họ nhiều người vừa tiếp tục dòng chảy đã định hình vừa cố gắng đổi mới để viết hay hơn, là một thế hệ mới hết sức đa dạng và hùng hậu, đó là Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Võ Thị Xuân Hà, Bão Vũ, Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thị Phước, Lý Lan, Phạm Ngọc Tiến, Trần Đức Tiến, v.v.. và gân đây là Nguyễn Ngọc Tư. Thế hệ này đã thổi vào truyện ngắn một luồng gió mới, trần trụi hơn, thật hơn, đời hơn. Bởi vậy truyện ngắn của họ đã bắt được nhịp, theo kịp và cùng song hành với cuộc sống…. Đã có những xoay trở nhằm kéo truyện ngắn về gần hơn với đời thường, trong ý thức rạch ròi, gọi đúng tên các hiện tượng của đời sống, chỉ đích danh sự vật… Nếu Nguyễn Huy Thiệp mở đầu cho truyện ngắn đổi mới bằng ngòi bút lạnh lùng, sắc sảo, thiên về hướng nội, mang tính tự vấn, trong xu hướng tự nhận thức, đông thời phời bày nhiều hiện tượng vốn ẩn đâu đó trong cuộc sống thì văn Nguyễn Ngọc Tư dung dị, chân chất mà đẹp; thuần Nam Bộ lại cũng rất đại chúng. Mạch lạc và sâu sắc… Mỗi người tạo nên một phong cách làm cho truyện ngắn giống một nguồn mạch có nhiều dòng chảy, bởi vậy đa dạng và phong phú, không đơn điệu tẻ nhạt.
Nền kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến việc hình thành lối sống đa chiều, nó không còn thuần khiết, giản đơn, trong trẻo, vô tư như thời kỳ trước đây. Nó phức tạp, nhiêu khê và rối rắm. Phản ánh hiện thực ấy đòi hỏi truyện ngắn cũng như các thể loại văn học khác phải gồ ghề, góc cạnh, phải bung mở, đa phương. Truyện ngắn giai đoạn đổi mới đã làm được điều hợp lý ấy.
Đọc truyện ngắn thời đổi mới không khó khăn để nhận ra một điều: các tác giả đã phần nào trung thực và được trung thực với nhận thức của mình nên thể loại này biết thâm sâu, lúc tế nhị, lúc sỗ sàng vào các mối quan hệ cá nhân với mọi ngóc ngách đời sống nội tâm của đủ loại nhân vật, một nội tâm tinh thần không đơn giản, chịu nhiều sức ép và chi phối bởi bao mối quan hệ nhằng nhịt phức tạp, đan xen thiện ác, tốt xấu với những quan niệm sống mới, điều mà trước đây, do nhiều nguyên cớ chưa phản ánh được, hay đúng hơn chưa có điều kiện suy ngẫm. Bởi vậy truyện ngắn thời kỳ này mạnh bạo, nói thật; ý thức cảnh báo, dự báo rõ ràng. Đây không gì khác hơn, chính là y thức phản kháng, một thuộc tính của văn chương. Ý thức phản kháng hay tính phản kháng của văn chương được hiểu như một thuật ngữ học thuật… Ý thức phản kháng trong tác phẩm văn học làm nên tính nhân bản của nó. Tính phản kháng trong văn học là yếu tố cần thiết, và nhất thiết phải có, là nguyên cớ để văn học tồn tại, có chỗ đứng, có vị thế và như vậy con người mới cần đến. Tính phản kháng trong tác phẩm văn học không gì khác hơn là sự không hài lòng với thực tại, là ý thức vươn tới cái đẹp cái cao cả, bởi vậy nó góp phần thúc đẩy tiến trình lành mạnh xã hội, giúp con người ngày mỗi hoàn thiện nhân cách, sống nhân văn hơn, biết yêu quý nhau hơn, từ đó góp sức đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái thấp hèn, hướng con người vào sự nhân hậu, sự trong sáng…
Xã hội chưa hoàn chỉnh. Bằng pháp thuật cao siêu và tinh vi, cái ác có vô số hoá thân mang danh và không mang danh, đồng thời khôn khéo biến hoá thành nhiều dạng kiểu lúc vô hình, lúc hữu hình; thậm chí có lúc nó đội lốt một Đường Tăng, một Đức Phật từ bi khiến người trần mắt thịt quỳ mọp, ngưỡng vọng, hàm ơn. Trong trường hợp này pháp luật có văn minh và công minh tới mấy cũng không có phương cách gì lần ra, đành bó tay chào thua. Nhưng với văn chương lại khác, bằng đặc thù của mình, văn chương có cái khả năng tuyệt chiêu, tựa kính chiếu yêu, là soi thấu mọi lẽ. Cái ác dù nấp ở xó xỉnh nào cũng bị lôi ra. Dủ ẩn dưới dạng hình nào cũng bị gọi đúng tên, điểm đúng huyệt. Sự huyền diệu của văn chương và thế mạnh của văn chương là chỗ ấy. Khi cái xấu vẫn còn chốn dung thân, thậm chí vẫn chễm chệ ngồi chiếu trên, thì văn chương thật cần thiết cho con người. Mất đi tính phản kháng, nghĩa là văn học đã tự loại bỏ thiên chức của mình và tự đào thải khỏi vị trí xã hội.
Truyện ngắn thời kỳ đổi mới được lên ngôi, được đón đoc bởi trước hết nó có thái độ sòng phẳng, quyết liệt, rõ ràng với cái ác. Thiên hướng vuốt ve, lấy lòng, cầm chừng, nửa vời với cái ác đang dần dà mất chỗ đứng ở truyện ngắn. Đây là điều đáng mừng, không nên cản trở. Và cũng không thể cản trở, vì đó là xu thế tất yếu trong quá trình nhận thức. Hãy để truyện ngắn phát triển tự nhiên. Không nên rào chắn cản trở. Càng không nên có vùng cấm. Chủ trương khuyến khích mọi tìm tòi sáng tạo phải được thể hiện bằng hành động trong những trường hợp cụ thể, và phải được kiểm chứng. Không ai khác mà thời gian sẽ là người làm vườn mẫn cán và sòng phẳng biết đốn tỉa, chặt bỏ những gì không cần thiết và giữ lại những gì hữu ích. Đó là quy luật tự nhiên.
Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, có thể là quán tính khó bỏ, không ít truyện ngắn vẫn đậm chất báo chí, vẫn “thời sự” hoá. Và nữa, có thể do xốc nổi, nôn nóng, suy ngẫm chưa thật thấu đáo, bột phát nên thỉnh thoảng đâu đó vẫn xuất hiện hiện tượng “tả thực” qúa ngưỡng, thậm chí có cái gì đó như thể nhẫn tâm trong thể hiện nhân danh đổi mới. Tôi vẫn quan niệm rằng điều đầu tiên tác phẩm văn học hướng tới là tính văn hoá. Lấy người lùn ( một di dạng bất thường) để làm hề gây cười trên sân khấu xiếc (một hoạt động văn hoá) là thiếu yếu tố đẹp, yếu tố văn hoá. Chỉ có thể đạt được hiệu quả thẩm mỹ cao khi trên sàn diễn, bất luận biểu diễn tiết mục gì, phải là những diễn viên có hình thể cân đối, có khuôn mặt đẹp. Trong văn chương cũng vậy. Sự lịch lãm là yếu tố cần ở người viết. Đây chính là học vấn, bản lĩnh và sự trải nghiệm. Dừng lại ở bản năng và một chút khả năng trời phú rồi huyênh hoang không thèm đọc của ai hoặc coi Văn học Việt Nam không có gì đáng để đọc là đã tự nhổ mình ra khỏi nơi gieo trồng, và khó đi xa. Thậm chí không tỉnh táo dễ bị lừa. Hư danh là cái bẫy mị không ít người… Và điều này nữa, không ít truyện ngắn chưa vượt qua được sự hằn học, bực dọc mang tính cá nhân để nỗi đau riêng trở thành mối quan tâm chung.
Các nhà văn Việt Nam lúc này đang viết trong xu hướng dân chủ thẩm mỹ. Chưa bao giờ như giai đoạn hiện nay là, chúng ta có cả một siêu thị bày ê hề các quan niệm văn chương, hàng nội không ít mà hàng ngoại nhập cũng nhiều. Quan niệm về cái đẹp không tuyệt đối, bất biến. Nó luôn thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh. Tuy nhiên văn chương có một mẫu số chung, đó là tính nhân bản. Lấy phục vụ con người và vì con người làm mục đích.
Đổi mới như một nhu cầu tất yếu của văn chương để phù hợp với đời sống xã hội, với nhận thức. Tuy nhiên, viết cho mới không là mục đích… Viết cho hay mới là mục đích. Đổi mới được coi như phương tiện, bút pháp để làm hay văn chương.
Tài năng của nhà văn là yếu tố đầu tiên để có tác phẩm hay. Không có tài thì không thể viết ra tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao. Tài năng khó tự sinh ra. Tài năng là thứ trời cho. Người trời cho ít. Kẻ trời ưu ái cho nhiều. Người cầm bút tự trọng và có nhân cách là gắng lao động hết mình, vét đến cùng kiệt, vét tới tận đáy thứ mà trời đã cho ấy. Làm được vậy tức là vừa biểu thị sự tôn trọng những trang viết của mình, tôn trọng văn chương; vừa tôn trọng người đọc. Đó là cách để không tự xấu hổ. Và tôi tin người đọc không chỉ quý trọng tài năng của nhà văn, đương nhiên, tôi nghĩ họ còn quý trọng một thái độ lao động nghiêm túc nơi người cầm bút…
Để kết thúc bài viết này tôi xin nêu một đề nghị, nên chăng các nhà văn Việt Nam cũng tổ chức một cuộc bỏ phiếu để tìm ra một tác phẩm hay nhất, qua đó khẳng định quan niệm văn chương của chúng ta?
ĐK