Phạm Vân Anh – Cánh chim lạ trong khu vườn văn chương


Sớm chọn báo chí, văn chương là sự nghiệp của đời mình; gắn bó với những cung đường biên giới và hải đảo, nhà thơ Phạm Vân Anh đã có nhiều nỗ lực tìm tòi cho ngòi bút của mình. Mới đây, tại vòng chung kết “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” 2015 trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vượt qua hàng trăm bài dự thi, phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” của chị đã xuất sắc trở thành là một trong 4 tác phẩm được vinh danh cho hạng mục Phóng sự truyền hình của năm.
Nhân dịp này Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trung Thành: “Phạm Vân Anh – Cánh chim lạ trong khu vườn văn chương”.

Sớm chọn báo chí, văn chương là sự nghiệp của đời mình; gắn bó với những cung đường biên giới và hải đảo, nhà thơ Phạm Vân Anh đã có nhiều nỗ lực tìm tòi cho ngòi bút của mình. Mới đây, tại vòng chung kết “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” 2015 trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vượt qua hàng trăm bài dự thi, phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” của chị đã xuất sắc trở thành là một trong 4 tác phẩm được vinh danh cho hạng mục Phóng sự truyền hình của năm.
Nhân dịp này Vanhaiphong.com trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trung Thành: “Phạm Vân Anh – Cánh chim lạ trong khu vườn văn chương”.



Nhà thơ Phạm Vân Anh


Sinh ra trong một gia đình không có ai theo nghề chữ nghĩa nhưng nói như nhà báo Phạm Vân Anh – phóng viên Báo Biên phòng thì chị ngay từ khi còn trên ghế nhà trường, chị đã chọn báo chí, văn chương là sự nghiệp của đời mình. Gắn bó nhiều năm với những cung đường biên giới, chị đã đặt chân tới hầu hết các vùng đất địa đầu nơi đồng đội của chị đang làm nhiệm vụ. Đi nhiều, viết nhiều và đặc biệt là bằng trái tim nhạy cảm của người phụ nữ, trong mỗi tác phẩm, mỗi trang viết của chị, người ta đều thấy toát lên tinh thần yêu cuộc sống và hướng thiện…


Đường văn mở lối

Ở đất Cảng, Phạm Vân Anh (SN 1980) làm ở Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hải Phòng cho tới khi lập gia đình với một nhà báo công tác tại báo Nhân dân. Chồng chị cũng là dân văn nghệ, tính cách đậm hơi hướm văn chương chữ nghĩa. Thế nhưng, Hải Phòng – mảnh đất cần lao pha chút chất lãng tử, hào hoa đã làm nên một phần phong cách trong con người Phạm Vân Anh; mảnh đất cửa bể của nữ tướng Lê Chân, của giới thợ thuyền đi về sớm chiều ấy có vẻ bình lặng quá đã không giữ được chân chị với nỗi khát khao được gần các bậc thầy để học hỏi nhiều hơn. Năm 2007, chị  theo chồng lên Hà Nội và về công tác tại Điện ảnh BĐBP.

Dẫu tốt nghiệp đại học ngoại ngữ, song đường văn đã sớm mở lối với cô gái trẻ đất Cảng. Là tác giả của nhiều tác phẩm, như: Tôi chào tôi (tập thơ, NXB Hải Phòng), Mùa tình (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Góc (tập thơ, NXB Hội Nhà văn), Ngón hoa (tập truyện ngắn, NXB Quân đội), Khúc quân hành lặng lẽ (tập truyện kí, NXB Công an nhân dân…) Phạm Vân Anh được giới văn chương đánh giá là một nhà thơ trẻ giàu nội lực và lặng lẽ theo nghiệp viết bằng tấm lòng của mình chứ không “háo danh”, tìm mọi cách để nổi tiếng, PR cho bản thân. Song có lẽ nghề không phụ người, các giải thưởng cũng “tìm” đến chị như một sự khẳng định về thi pháp cũng như tư cách của một nhà thơ biết sống và biết cống hiến. Sở hữu 6 giải thưởng văn chương cả cấp trung ương và địa phương, năm 2009, chị trở thành một trong những hội viên trẻ nhất của Hội nhà văn Việt Nam khi vừa tròn 29 tuổi. Và cho đến nay, chị vẫn là nhà văn trẻ nhất của Quân đội.

Khi mới đọc các tác phẩm của Phạm Vân Anh, nhiều người thường bảo chị viết lạ, viết mới, viết khó hiểu, bí hiểm… Nhưng không, nếu đọc kỹ, văn hay thơ của Phạm Vân Anh đều mang hơi thở cuộc sống đương đại, gần gũi và dung dị. Chữ nghĩa Vân Anh là chữ nghĩa con nhà lao động mà lại lao động rẻo cao nên từng nhát cuốc, đường cày phải tính toán chi li, cẩn thận cho bớt giọt mồ hôi…

Điều dễ nhận thấy qua các tác phẩm của Phạm Vân Anh là những thao thức, trăn trở bật lên từ những số phận con người mà chị đã từng gặp, đã từng gắn níu qua công việc của mình. Từ anh lính biên phòng nơi “cuối trời Tây Bắc có Lai Châu”, đến những đứa trẻ thịt da ngoang nguếch trong cái xóm nghèo nằm tít hút mũi Cà Mau. Mỗi tác phẩm của chị, dù là báo chí, truyện ngắn, hay thơ đều mang tải ít nhiều những thông điệp về con người, về cuộc sống, hướng bạn đọc đến với các giá trị Chân – Thiện – Mỹ. Chị từng chia sẻ: “Không phải chỉ trong chiến tranh mà trong đời sống xã hội, tính cách con người đều bộc lộ. Có thể trong chiến tranh, chất anh hùng ca có thể được bộc lộ nhiều hơn, còn trong đời thường hiện nay, sự ích kỷ, tính vụ lợi có “cơ hội” phát triển. Xét cho cùng, chẳng qua cũng vì lợi ích và mưu sinh mà thôi. Tuy nhiên, có nhiều điểm mà người cầm bút phải suy nghĩ. Nhưng tôi cho rằng, xã hội nào thì văn học ấy. Nhịp sống ngày thường cũng có những điểm rất đáng trân trọng và lưu giữ bởi giữa nhịp sống rất bình lặng, yên ổn ấy thì vẫn có những người lính tạo dấu ấn của mình bằng những khoảnh khắc anh hùng, những hành động anh hùng, thể hiện rõ phẩm chất người lính Cụ Hồ tận tụy phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.”

Nếu coi văn chương là một nghề thì cái nghề ấy đã “đeo gông đóng số” Phạm Vân Anh. Mỗi trang viết của chị đều vọt lên tinh thần khát sống, khát những gì bản năng tươi đẹp nhất và hướng thiện. Chữ nghĩa của Phạm Vân Anh là thứ chữ nghĩa luôn có ý thức hướng người ta trở về với các giá trị muôn một của tổ tiên, của ông cha để lại. Đồng thời, nó cũng gợi tạo cho bạn đọc những góc nhìn đầy mới mẻ, đầy tính nhân văn về những gì đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.


Đam mê xê dịch

Năm 2007, Phạm Vân Anh về công tác tại Điện ảnh BĐBP với vai trò là biên tập viên. Một vùng đất mới với bao trầm tích văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên biên giới và thấm đẫm máu xương của các thế hệ cha anh đã hi sinh để  giữ gìn cương vực lãnh thổ đã mở ra trước mắt chị như mời gọi một người viết trẻ sung sức và ham khám phá. Kể từ đây, có điều kiện đi đến hầu hết các vùng biên giới – biển đảo của Tổ quốc, trải nghiệm và tìm hiểu sâu sắc dư địa chí, phong tục, tập quán của các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc, tài năng của Phạm Vân Anh như được chắp cánh. Năm 2012, chị chuyển về báo Biên phòng và được phân công theo dõi mảng văn hóa – xã hội, thực hiện các chương trình, sự kiện truyền hình trực tiếp và các phim tài liệu, phóng sự của lực lượng. Tính đến giờ, chị đã thực hiện hàng trăm phim tài liệu, phóng sự báo chí và hàng trăm bài báo về lực lượng BĐBP nói riêng và Quân đội nói chung cùng những con người có cống hiến cho dân tộc, cho lực lượng vũ trang cũng như cộng đồng xã hội xung quanh họ.

Không chỉ đam mê xê dịch, Phạm Vân Anh còn là một người say nghề, say đến độ bất chấp hiểm nguy, gian khó chực chờ, một mình leo đèo, lội suối hàng tuần trời, vai lỉnh kỉnh đồ nghề băng qua Thập tầng đại sơn A Pa Chải để lên đến cột mốc ba cạnh, phân giới của ba nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc, chỉ để nhìn, để cảm nhận cái vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của núi non nước Việt. Hay đôi khi, chỉ vì bị tiếng cồng, tiếng chiêng hoan say mời gọi, chị sẵn sàng khoác ba lô lặn lội hàng nghìn cây số để đến với vùng đất đầy nắng gió Tây Nguyên. Rồi “ăn dầm” ở đó hàng tháng trời, chui vào từng góc làng, xó bản, gặp từng lão nghệ nhân để tìm hiểu về các trầm tích văn hóa cổ xưa.

Hoặc như mới đây, để thực hiện loạt phóng sự “Những người anh em trong lòng dân tộc”, loạt phim về đề tài phản ánh đời sống văn hóa xã hội của những dân tộc thiểu số Việt Nam đang đứng trước tình trạng suy thoái giống nòi, Phạm Vân Anh đã cùng với ê – kíp làm phim nhiều tháng ròng lăn lộn khắp đủ những vùng đất xa xôi và cam khó nhất nước ta. Để ghi được những hình ảnh, thước phim sống động, chân thực nhất về cuộc sống của đồng bào, chị và anh em trong đoàn làm phim đã phải đổ không biết bao nhiêu mồ hôi và công sức. Lắm lúc, trên hành trình dặm dài khám phá tổ quốc, Phạm Vân Anh cũng đã từng gặp vô vàn khó khăn, trắc trở, thậm chí là hiểm nguy rình rập. Thế nhưng, mỗi lần như thế, chị lại tìm cách để vượt qua và coi những cam khó ấy là trải nghiệm cho nghề, là cơ hội để nâng cao vốn sống của mình. Cách nhìn đó, cách đối diện với khó khăn ấy, chỉ có thể bật lên từ những người  lạc quan và yêu nghề đến mê mẩn.

Đi nhiều, chủ yếu là những vùng thậm xa xôi, thậm gian khó của Việt Nam, nên Phạm Vân Anh cũng bắt gặp nhiều cảnh đời, nhiều số phận trái ngang, nghèo đói. Mỗi lần như thế, chị lại tất tả vận động các nhà hảo tâm, bạn bè, thậm chí dành tặng hết tiền từ các giải thưởng của mình để giúp đỡ những người có hoàn cảnh éo le, bất hạnh như trẻ em chất độc da cam, tàn tật, con thương binh liệt sỹ, đóng góp vào Quỹ “Nồi cháo tình thương” dành cho bệnh nhân K, thực hiện nhiều chuyến đi tặng quà gồm chăn màn, quần áo và nhu yếu phẩm cho các bản làng nơi biên giới…


Thành công nối tiếp

Mảng công việc mà chị phụ trách là xây dựng các bộ phim tài liệu và phóng sự về Bộ đội Biên phòng cũng như các chương trình giao lưu truyền hình trực tiếp của lực lượng. Những chuyến đi dọc dài đất nước, những góc khuất xã hội ở những nơi xa xôi thuộc vùng dân tộc thiểu số, những sắc màu đa dạng mà khu biệt của cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã đến với bạn đọc qua những bài báo, thước phim của chị. “Văn chương hay báo chí đều phải bắt nguồn từ cuộc sống và phục vụ cuộc sống”, chính nhờ cái quan điểm sáng tạo ấy nên các tác phẩm của Phạm Vân Anh, dù là thơ, truyện ngắn hay báo chí, truyền hình đều được đông đảo công chúng đón nhận và được “dân” trong nghề đánh giá cao.

Tuy bước vào nghề báo chưa lâu, nhưng những giải thưởng mà chị đã nhận không hề ít. Chị hai lần được vinh danh tại Giải báo chí Quốc gia (năm 2009, 2011), một giải B, hai giải C Giải báo chí ‘Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (năm 2010, 2012, 2014); Hai Huy chương Bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc (2009, 2013). Các chương trình giao lưu truyền hình do Phạm Vân Anh viết kịch bản như “Biên cương thắm tình hữu nghị”; “Vì những con tàu xa khơi”; “Những người thắp lửa biên cương” đều có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với khán giả cả nước và tạo được ấn tượng tốt đẹp với bạn bè các quốc gia láng giềng về hình ảnh người chiến sĩ biên phòng nói riêng và Bộ đội cụ Hồ nói chung. Tại Liên hoan truyền hình Việt Nam năm 2014, tác phẩm “Biên cương thắm tình hữu nghị” được Ban tổ chức đánh giá cao và trao tặng Bằng khen. Năm 2014, được sự tín nhiệm của tập thể, Phạm Vân Anh được bầu là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Tự nhận mình là người “tham lam” khi ôm đồm quá nhiều công việc, tham gia vào nhiều lĩnh vực như điện ảnh truyền hình, báo chí, văn học, âm nhạc, văn nghệ dân gian… song với cá nhân tôi thì sự “tham lam” đó của Phạm Vân Anh rất đáng trân trọng. Nó biểu thị cho sự tự tin và tinh thần năng động của người phụ nữ hiện đại. Tôi từng nghe nhạc của chị, cũng đã từng chứng kiến chị làm MC trên truyền hình rất duyên dáng và đặc biệt là lắng lòng theo từng giọt phách ca trù mà chị là một ca nương đằm thắm trong khăn xếp áo the…, tôi hiểu niềm đam mê nghệ thuật đã trở thành một phần máu thịt của chị rồi.

Mới đây nhất, vào ngày 5/3/2015 vừa qua, tại vòng chung kết “Giải thưởng báo chí Trao quyền cho phụ nữ” 2015 trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, vượt qua hàng trăm bài dự thi, phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” của Phạm Vân Anh đã xuất sắc trở thành là một trong 4 tác phẩm được vinh danh cho hạng mục Phóng sự truyền hình của năm. Qua hai lần tổ chức, đây là tác phẩm đầu tiên và duy nhất đại diện cho báo chí Việt Nam được đề cử tại giải thưởng này.

Tác phẩm đề cập đến những nữ ngư phủ đang làm ăn sinh sống tại vùng cửa biển Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau. Với  nghị lực vượt khó để khẳng định bản thân, làm giàu cho gia đình và đất nước cùng với lòng yêu biển, họ đã thành lập đội tàu thu mua hải sản tại vùng biển Tây. Hầu hết những nữ ngư phủ này đều rất giỏi nghề biển, nhiều lần cứu hộ cứu nạn thành công các vụ tai nạn trên biển và đặc biệt là đã phối hợp tốt với đồn biên phòng Sông Đốc trong việc bảo vệ chủ quyền an ninh biển đảo của Tổ quốc. Sau khi chương trình phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía bạn xem truyền hình, đặc biệt là bà con ngư dân vùng biển Tây Nam. Tác phẩm đã góp phần biểu dương một tấm gương sáng về tình yêu với biển đảo của Tổ quốc, về tình yêu lao động và nghị lực của những người phụ nữ Việt.

Tại vòng sơ khảo trong nước, vượt qua gần 100 tác phẩm đến từ các đài truyền hình, các cơ quan báo chí của cả nước như VTV, HTV, báo Lao động, Thanh niên, Tuổi trẻ…, tác phẩm của đã được lựa chọn để đại diện cho Việt Nam tham gia dự giải tại hạng mục “Phóng sự của năm” giải báo chí “Trao quyền cho phụ nữ” khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và được dịch ra tiếng Anh để gửi sang Singapore tiếp tục chấm giải. Ông Phạm Quốc Toàn, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, Trưởng ban giám khảo và bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại quốc hội, Phó trưởng ban giám khảo đã nhận xét: “Phóng sự đã rất thành công trong việc phát hiện đề tài cũng như hình thức thể hiện. Nhân vật của phóng sự, bà Tôn Thị Lan đã cho thấy quyền năng của phụ nữ bằng cách chứng tỏ năng lực của mình và giúp những phụ nữ khác thể hiện tinh thần lao động hăng say trong lĩnh vực mà lâu này chỉ dành cho nam giới – đi biển. Lòng yêu biển, sự can đảm và tinh thông nghề biển của họ khiến chúng ta nể phục”.

Tại vòng chung khảo, tác phẩm “Đội quân tóc dài trên biển Tây” đã vượt qua hàng trăm tác phẩm dự thi từ đến từ các cơ quan truyền thông đại chúng nổi tiếng như South China Morning Post, Telhelka, CNN, NHK, ANTV Channel, AFP, AP, Republica National Daily, Citiscope, Inter Press Service, Thomson Reuters, The Sydney Morning Herald, Vogue India, Daily Express, Al Jazeera, Channel NewsAsia… của 18 nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, bao gồm Úc, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật, Lào, Li-băng, Malaysia, Myanmar, Nepal, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam để trở thành 1 trong 4 tác phẩm xuất sắc nhất hạng mục “Phóng sự của năm”.

Trong đêm Gala trao giải diễn ra tại Hồng Kông, bà Monique Villa, giám đốc Quỹ Thomson Reuters Foundation đã đại diện cho Ban giám khảo vinh danh các tác phẩm được giải và nhận xét: “Phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” đã cho chúng tôi hiểu thêm nhiều điều về đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là những nỗ lực về bình đẳng giới mà chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện hết sức tích cực. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy phụ nữ Việt Nam đi biển để làm giàu cho quê hương, gia đình và tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Qua đó, chúng tôi hiểu rằng, dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, phụ nữ Việt Nam rất nghị lực và kiên cường nên không có gì mà phụ nữ Việt Nam không làm được”.

Ban tổ chức cho biết, cùng với các tác phẩm khác, phóng sự “Đội quân tóc dài trên biển Tây” sẽ được gửi đến Quỹ phát triển phụ nữ Liên hiệp quốc để trình chiếu trong các hoạt động về phụ nữ và trao quyền cho phụ nữ tại các quốc gia trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng như thế giới, nhằm góp thêm một tiếng nói, một minh chứng sinh động về nghị lực cũng như sự phát triển của phụ nữ Việt Nam những năm qua. Đồng thời cũng giới thiệu đến bạn bè quốc tế những hình ảnh đẹp về biển đảo Việt Nam cũng như cuộc sống, nét văn hóa biển của ngư dân, các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên biển của Việt Nam.

Tôi được biết, có nhiều cơ quan báo chí đã từng ngỏ lời mời Phạm Vân Anh sang làm việc, song chị khiêm nhường từ chối và vẫn giữ mối quan hệ cộng tác thân thiết với họ. Chị bảo, Biên phòng là một “mỏ quặng” quý đang chờ chị và đồng nghiệp khai phá. Chị luôn tin rằng,  mảng đề tài biên giới và người chiến sỹ biên phòng – những người đồng đội đang giữ vai trò “khiên thép trấn biên” nơi địa đầu của chị đã và sẽ luôn là những chất liệu đầy nhân văn, hào sảng cho các sáng tác của Phạm Vân Anh từ trước tới nay cũng như sau này.

Trung Thành

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder