Trong bài viết Về một bài thơ của Phùng Quán” đăng ở tạp chí Thơ số 3 (2008) và đăng lại trong tạp chí Nhật Lệ số 160 (tháng 7 – 2008) Hoàng Thái Sơn cho rằng khi sáng tác bài thơ Hoa sen, Phùng Quán đã có “sự nhầm lẫn rất hồn nhiên”. Vì thế nhà văn Hoàng Thái Sơn phải đưa hết tài cán của mình để “minh oan cho hoa sen và trả bài ca dao của hàng triệu người về chủ nhân của nó”. Tôi đã đọc đi, đọc lại bài viết của Hoàng Thái Sơn mà lòng cứ băn khoăn: không biết anh Phùng Quán nhầm lẫn hay chính nhà văn Hoàng Thái Sơn nhầm lẫn?
Mấy năm gần đây Phùng Quán trở thành một hiện tượng văn học thu hút sự chú ý của đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Chính Hoàng Thái Sơn cũng thừa nhận Phùng Quán có “giọng thơ cuốn hút… với những câu thơ tài hoa”. Cũng chính Hoàng Thái Sơn trong bài viết của mình khẳng định nhà thơ Phùng Quán “một đời gắn bó với nhân dân”, “anh luôn bênh vực những kẻ bần cùng”. Một người như thế sao lại có thể “một mình một ngựa quay lưng ngược đường với triệu triệu đồng bào”? Sở dĩ Hoàng Thái Sơn nặng lời với Phùng Quán như vậy theo tôi chính vì anh đã có những nhầm lẫn vừa “hồn nhiên” vừa “chết người” đối với bài Hoa sen của nhà thơ Phùng Quán.
Thứ nhất: Hoàng Thái Sơn đã vô tình nhầm lẫn giữa sáng tác và phê bình. Anh nói về bài thơ Hoa sen của Phùng Quán mà như nói về bài phê bình thơ. Vì vậy, Hoàng Thái Sơn cứ “hồn nhiên”, giảng cho nhà thơ như giảng cho cậu học trò mới tập viết phê bình. Nào là: “Bình giá văn chương phải nhất nhất căn cứ vào văn bản, vào sự hiện diện của chữ nghĩa chứ không nên suy diễn, sẽ rơi vào tư biện”; nào là: “Sở dĩ cá biệt có sự nhầm lẫn là do suy diễn chủ quan, thiếu khách thể, không bám vào đặc trưng văn chương để phân tích”… Nếu sống lại, đọc những lời giảng giải này chắc nhà văn Phùng Quán sẽ vuốt râu, tủm tỉm cười và nhắc khẽ Hoàng Thái Sơn: “Chú mày nhầm rồi, anh làm thơ chứ anh đâu có viết phê bình. Mà có viết phê bình đi nữa thì anh đâu đến nỗi không biết những điều sơ đẳng ấy”. Phùng Quán chỉ mượn bài ca dao ”Trong đầm gì đẹp bằng sen” để viết nên một bài thơ theo cảm xúc chủ quan của mình. Phải nói là anh đã tìm được một tứ thơ mạnh, gây ấn tượng, rất phù hợp với phong cách “thơ quảng trường” của anh. Phát hiện của anh về bài ca dao trên cũng khá bất ngờ và độc đáo. Từ trước đến nay, duy nhất chỉ có Phùng Quán, bằng ngôn ngữ thi ca, đã mạnh dạn đặt lại vấn đề gốc gác bài ca dao một cách thuyết phục và truyền cảm. Phát hiện của nhà thơ đã làm không ít người phải giật mình. Tôi vào mạng và đọc được rất nhiều ý kiến đồng cảm với bài thơ Hoa sen của anh.
Thứ hai: Hoàng Thái Sơn hơi nhầm lẫn giữa văn chương và cuộc sống. Tôi không hiểu vì sao anh lại nhầm lẫn một cách “hồn nhiên” như vậy. Trong bài viết của mình, anh dành một đoạn khá dài để ca ngợi bùn. Nào là “nếu không có bùn thì hơn chín chục phần trăm dân cư ăn gì mà sống? Bùn còn có công đánh giặc nữa”… Nào là bùn khoáng, gặp ánh sáng mặt trời sẽ biến thành rau tảo… Từ rau tảo có thể sẽ chế biến ra dược liệu, mỹ phẩm cao cấp… Anh cảm thấy làm tiếc cho bùn: “Công của bùn lớn lắm, ấy vậy mà chẳng ai khen, lạ thật, lại còn kể rất nhiều tội; nào bùn nhơ, bùn lầy nước đọng, người ta còn đòi ném bùn vào mặt nhau… Thơ văn hiện đại cũng thế, cũng coi bùn là nơi ô uế”… Rồi anh trích dẫn thơ Tố Hữu: Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu / Lũ chúa đất xuống bùn đen vạn kiếp, thơ Nguyễn Đình Thi: Rũ bùn đứng dậy sáng loà và thơ Phùng Quán: Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn nhơ lăng nhục. Ai cũng biết “bùn” trong các câu thơ trên đâu phải là bùn thật. Đó đều là những cách nói ẩn dụ. Hoàng Thái Sơn còn “hồn nhiên” khi viết rằng “bùn sẽ thành vàng, hẳn lúc đó người ta sẽ đổ xô ca hát về bùn”. Cứ ca ngợi bùn theo kiểu như Hoàng Thái Sơn thì cần gì đến thơ. Và từ nay bùn chẳng có gì phải tủi thân nữa. Thương hiệu bùn đã được nhà văn Hoàng Thái Sơn quảng cáo khá hấp dẫn rồi. Vì coi bài thơ Hoa sen như một bài phê bình nên Hoàng Thái Sơn không để ý, chính Phùng Quán là người hết lời ca ngợi bùn đấy chứ: Nhị vàng, bông trắng, lá xanh…/ Tất cả, tất cả, tất cả… Là do bùn hôi nuôi dưỡng/ Ngay cả hương thanh khiết ta đặt lên bàn thờ cúng/ Cũng là xương thịt của bùn tanh! Nhưng nếu những câu thơ ấy chỉ nói về bùn thì chẳng có mấy giá trị. Cái chủ yếu là nhà thơ của chúng ta mượn bùn để nói đến Nhân dân! Tôi hơi ngạc nhiên khi anh Hoàng Thái Sơn so sánh: “Hoa sen là loại hoa mọc nơi đầm lầy, vắng lặng toả hương, khoe sắc không ồn ào chen chân vào chốn đô hội như mai, đào, cúc, hồng…”. Thực ra, theo chỗ tôi biết hầu hết các loại hoa đều được sinh ra những nơi hoang dã. Nhưng những loài hoa đẹp được con người mang về trồng ở sân, vườn, ao, hồ… rồi dần dần đem vào chốn phồn hoa đô thị, trong số đó có cả hoa sen. Bằng chứng là ở cố đô Huế có rất nhiều hồ sen. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi đọc đến đoạn: “Bọn hợm hĩnh học đòi giống quân tử, vốn nuôi chí làm quan, chúng thường ví mình với cây tùng cây bách và hoa thì phải là những loại hoa cao quý, nhất bảng là hoa mai…”. Nguyễn Trãi có bài thơ vịnh cây tùng: Thu đến cây nào chẳng lạ lùng? Một mình lạt thuở ba đông… Nguyễn Du mượn hoa mai để nói chị em Kiều: Mai cốt cách, tuyết tinh thần… Thì đâu phải là những kẻ “hợm hĩnh”! Rõ ràng ở đây Hoàng Thái Sơn có một sự nhầm lẫn hết sức đáng tiếc.
Thứ ba: Nhà văn Hoàng Thái Sơn có sự nhầm lẫn về đối tượng bị phê phán trong bài Hoa sen. Đọc bài thơ Hoa sen của Phùng Quán ai cũng biết tác giả nhằm vào “phường bội nghĩa vong ân”. Bọn chúng, theo nhà thơ: “vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan giấu che từ bỏ/ Nói gần xa chúng mượn chuyện sen”. Phùng Quán căm ghét là căm ghét cái bọn phản trắc đó. Phùng Quán vạch mặt chỉ tên là vạch mặt chỉ tên lũ vong ân bội nghĩa đó, chứ đâu phải là hoa sen. Thế mà nhà văn Hoàng Thái Sơn cứ nhắc đi, nhắc lại “Phải coi lại cách nhìn, cách cảm của anh Phùng Quán chứ không có khi oan cho hoa sen”; “phải minh oan cho hoa sen…”. Đây là một nhầm lẫn “chết người”. Phải chăng do sự nhầm lẫn này mà Hoàng Thái Sơn đã có một số lời lẽ khá nặng nề đối với người đã từng “ăn cùng mâm, ngủ cùng giường”. Nghe Phùng Quán đọc bài Hoa sen “vừa tức tối vừa nghẹn ngào với đôi mắt trừng trừng” Hoàng Thái Sơn so sánh “như không khí đấu tố một thời” một sự so sánh quá ư khập khiễng mà nếu nhà thơ sống lại, đọc những dòng ấy chắc nhà thơ buồn lắm lắm. Hoàng Thái Sơn còn “cao giọng” chê Phùng Quán “nhìn vấn đề với con mắt sinh học” và đặc biệt anh quy kết Phùng Quán “một mình một ngựa quay lưng, ngược đường với triệu triệu đồng bào”. Ở bài Hoa sen, nhà thơ hết lời ca ngợi nhân dân. Họ là những con người: Gian truân, thầm lặng, vô danh/ Đã sinh ra vĩ nhân, anh hùng, nghệ sĩ. Ấy vậy mà vẫn bị Hoàng Thái Sơn cho là “một mình một ngựa quay lưng với triệu triệu đồng bào” thì thật tình tôi không sao hiểu nổi.
Thứ tư: Hoàng Thái Sơn đã có những nhầm lẫn đáng tiếc khi đi sâu phân tích bài ca dao. Theo nhà văn thì “Cần thấy ở đây tác giả dân gian đã sử dụng phép so sánh… để làm nổi bật vẻ đẹp của hoa sen khi đem đặt cạnh bùn”. Không biết Hoàng Thái Sơn nói phép so sánh theo nghĩa nào, còn nếu dùng theo nghĩa là một biện pháp tu từ thì không đúng. Các sự vật, hiện tượng… được mang ra so sánh thường phải có một điểm giống nhau nào đó. Chẳng hạn như: Áo chàng đỏ tựa ráng pha… Theo tôi biện pháp tu từ chủ yếu được sử dụng trong bài ca dao này là biện pháp ẩn dụ. Ngoài việc ca ngợi vẻ đẹp của lá sen, bông sen, nhị sen, hương sen, bài ca dao còn ca ngợi bản lĩnh của những con người ở gần cái xấu mà vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp. Thói thường “gần mực thì đen”, nhưng với những người bản lĩnh thì gần mực mà vẫn không đen. Hoa sen là một trường hợp như thế. Thậm chí có những người sinh trưởng trong gia đình xấu vẫn tự mình tu dưỡng, trở thành con người tốt. Cho nên những ai ở vào hoàn cảnh như hoa sen đều có quyền so sánh mình với hoa sen chứ không chỉ là người dân lao động. Thời nhà Đường bên Trung Quốc có một kỹ nữ, trước khi cắt tóc đi tu cũng tự ví mình với hoa sen: Tiện thị liên hoa bất nhiễm thân. Có nghĩa là: Thân giống hoa sen không hề vây bẩn (Kỹ nhân xuất gia – Dương Tuân Bá). Phát hiện của Phùng Quán xuất phát từ chữ “gần”. Hoàng Thái Sơn một mực cho rằng quan hệ giữa sen và bùn là quan hệ “đồng đẳng”. Thực tế quan hệ giữa bùn với sen là quan hệ phụ thuộc. Sen không thể sống tách khỏi bùn. Nói như nhà thơ: Bùn với sen đâu phải chuyện gần? Chính là sen mọc lên từ trong đó/ Gốc của sen là thăm thẳm bùn đen. Từ phát hiện này mà Phùng Quán đặt lại vấn đề gốc gác của bài ca dao. Trong bài thơ của mình, Phùng Quán so sánh bùn với nhân dân. Bọn bội nghĩa vong ân mượn sen để chê bai nhân dân. Vì thế nhà thơ mới: Nhân danh bùn/ Nhân danh sen/ Tôi đề nghị: Đuổi câu phản trắc này ra khỏi kho báu dân gian! Phùng Quán đâu có nhầm lẫn. Tuy diễn tả bằng thơ nhưng lập luận của anh khá chặt chẽ, khá lôgíc và rất thuyết phục. Phùng Quán đứng về phía nhân dân để vạch trần bản chất phản trắc của bọn người vong ân bội nghĩa chứ đâu có quay lưng lại với triệu triệu đồng bào!. Cha ông nhắc nhở “lời nói, đọi máu”. Hoàng Thái Sơn có thể không đồng tình với bài thơ Hoa sen của Phùng Quán nhưng không thể chỉ vì Phùng Quán nghi ngờ gốc gác bài Hoa sen đã vội quy cho anh “một mình một ngựa quay lưng, ngược đường với triệu triệu đồng bào”. Phùng Quán mới “nhân danh bùn, nhân danh sen” đưa ra lời “đề nghị” như thế thôi. Có gì mà nhà văn Hoàng Thái Sơn phải “đao to, búa lớn” đến như vậy?
(Nguồn: Tạp chí Thơ)