“Phùng Văn Ong tuyển tập” – Những trang văn cuộc đời – Phạm Thùy Linh

Những người có duyên với văn chương thường ví công việc sáng tác của mình là “cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa”. Và nhà văn Phùng Văn Ong (Hội Nhà văn Hải Phòng) cũng luôn cần mẫn “gieo những hạt mầm chữ” vào “thửa ruộng văn chương” của mình. Để kết tinh thành hoa thơm, trái ngọt gửi đến công chúng yêu văn chương những sáng tác chắt lọc niềm đam mê của ông. Tuyển tập dày hơn 1000 trang được xuất bản khi ông bước sang tuổi 90 hội tụ những trang văn cuộc đời của nhà văn luôn tràn đầy tâm huyết với chữ nghĩa này.

Những người có duyên với văn chương thường ví công việc sáng tác của mình là “cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa”. Và nhà văn Phùng Văn Ong (Hội Nhà văn Hải Phòng) cũng luôn cần mẫn “gieo những hạt mầm chữ” vào “thửa ruộng văn chương” của mình. Để kết tinh thành hoa thơm, trái ngọt gửi đến công chúng yêu văn chương những sáng tác chắt lọc niềm đam mê của ông. Tuyển tập dày hơn 1000 trang được xuất bản khi ông bước sang tuổi 90 hội tụ những trang văn cuộc đời của nhà văn luôn tràn đầy tâm huyết với chữ nghĩa này.

Món quà đặc biệt

Món quà đặc biệt mà nhà văn Phùng Văn Ong dành tặng công chúng yêu văn đất Cảng là tập sách “Phùng Văn Ong tuyển tập” vừa được NXB Văn học ấn hành tháng 7-2015. Tập sách dầy hơn 1000 trang không kể mục lục là công trình tập hợp những truyện ngắn trong gần như suốt chặng đường dài mấy chục năm bén duyên văn chương của nhà văn 90 tuổi. Trong tuyển tập để đời này, công chúng yêu văn chương có thể bao quát toàn bộ những sáng tác thuộc các loại hình văn xuôi mà ông từng viết. Trong đó có 62 truyện ngắn, 4 truyện dài và tiểu thuyết cùng 4 bài viết về những tác phẩm từng xuất bản của ông.

Truyện của nhà văn Phùng Văn Ong xuất hiện trên nhiều ấn phẩm báo chí, tạp chí chuyên ngành văn học nghệ thuật. Năm 1962, ông được tặng giải nhì truyện ngắn (không có giải nhất) trên Báo Hải Phòng kiến thiết và được nhận tặng phẩm của Thành ủy Hải Phòng với truyện ngắn “Em gái tôi”. Sau đó, năm 1989, ông tiếp tục khẳng định vị trí của mình trong làng văn nghệ đất Cảng với giải ba Giải thưởng Văn học nghệ thuật thành phố Hoa Phượng đỏ với truyện ngắn “Người cùng họ”. Ông còn được tặng thưởng một số giải thưởng văn nghệ khác dành cho Bộ môn Văn học vào năm 1998, 2004. Và giải nhất truyện ngắn trong cuộc thi thơ và truyện ngắn của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng năm 2005.

Có thể nói, món quà đặc biệt mà nhà văn Phùng Văn Ong dành tặng công chúng yêu văn trong năm 2015 là sự kết tinh của chặng đường dài ông gắn bó với văn chương. Từ khi ông trở thành hội viên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hải Phòng giai đoạn đầu (1964) đến nay, chưa lúc nào ông ngừng viết. Viết như lẽ sống, như trách nhiệm với công chúng. Ông viết cần mẫn, say mê, cặm cụi và bình dị, không ồn ào như nhiều người mà công chúng thường biết. Niềm đam mê của ông thể hiện bằng thành quả, bằng tác phẩm. Theo đó, chỉ riêng năm 2015, ông xuất bản 3 ấn phẩm đều có mặt trong tuyển tập này. Đó là truyện dài “Chiến hào” (NXB Văn học), tiểu thuyết “Giữa lòng thành phố (NXB Văn học) và tiểu thuyết “Chuyện ở xã” (NXB Văn học). Ở tuổi 90, với sáng tác của mình, ông cho bạn đọc thấy tâm huyết và niềm đam mê với văn chương bằng sức sáng tạo không giới hạn.

Những trang văn cuộc đời

Những ai chưa biết Phùng Văn Ong, khi đến với tuyển tập này sẽ hiểu được chặng đường sáng tác của ông. Và đặc biệt hơn, qua những truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện dài mà ông dành nhiều thời gian, tâm huyết để sáng tác, người đọc nhìn thấy được những trang cuộc đời, những đổi thay, xoay vần của xã hội từ trước đến nay. Nhân vật, cốt truyện mà Phùng Văn Ong khai thác đều bước ra từ cuộc đời, gần gũi và giản dị như chính ông vậy. Giản dị như tự thân cuộc sống bước vào văn ông. Nhà văn Nguyễn Quang Thân (Hội Nhà văn Việt Nam) nhận xét: “Anh không làm văn, không tìm những câu văn bay bướm, hoa lá cành hay những tình huống giật gân, gây sốc. Truyện của anh được viết bởi một tâm hồn nhạy cảm, luôn coi sự giản dị, chân thành là mực thước của văn chương”.

Giản dị nhưng văn của Phùng Văn Ong khiến nhiều người phải kính nể. Bởi ở nhà văn cần mẫn lao động sáng tác này là một nội lực và tâm hồn bền bỉ. Nhìn vào những giải thưởng ông gặt được trong cuộc đời sáng tác của mình sẽ thấy, những trang văn giản đơn mà không đơn giản. Bởi văn ông chính là đời. Văn ông ghi lại cuộc đời. Thật và gần gũi. Cũng chính thế, từ năm 1962, khi rất ít nhà văn Hải Phòng có sách xuất bản, thì Phùng Văn Ong ra mắt tập truyện ngắn được đánh giá xuất sắc in ở NXB Lao Động (Hà Nội). Tập truyện có tựa đề “Cha và con”. Sau đó, ông tiếp tục thuyết phục công chúng yêu văn chương bằng thửa ruộng màu mỡ của mình với những tập truyện khác như “Chuyện gia đình”, “Nỗi ám ảnh khôn nguôi”, “Chị gái tôi”…

Hơn 1000 trang sách của “Phùng Văn Ong” tuyển tập được nhà văn trực tiếp lựa chọn, rà soát cẩn thận với sự hỗ trợ của người thân trong gia đình. Điều này càng cho thấy một đam mê đáng quý trọng ở nhà văn có tuổi xưa nay hiếm. Cũng như Nguyễn Quang Thân không ngoa khi nói rằng, “Với mọi người, anh vẫn là nhà văn trẻ”. Bởi tuổi văn chương không như tuổi đời. Tuổi trẻ ấy được đo bằng đam mê sáng tác không ngừng nghỉ, bút lực dồi dào và trách nhiệm với bạn đọc trên từng trang viết mà nhà văn Phùng Văn Ong thể hiện qua những đầu sách của mình. Trong đó, “Phùng Văn Ong tuyển tập” là một kết tinh.

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder