Từ một thủ lĩnh phong trào “Nước xu” chống Pháp, được giác ngộ cách mạng, ông đã trở thành một chiến sĩ Cách mạng dạn dày.
Bạn đọc hẳn biết nhân vật “cụ Mết” trong tác phẩm “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyên Ngọc vốn được xây dựng từ một nguyên mẫu có thật- đó là cụ A Mét. A Mét tên thật là Đinh Môn, quê ở làng Xốp Nghét, xã Đak Choong (bây giờ là xã Xốp) huyện Đak Glei- tỉnh Kon Tum. Từ một thủ lĩnh phong trào “Nước xu” chống Pháp, được giác ngộ cách mạng, ông đã trở thành một chiến sĩ Cách mạng dạn dày.
Năm 1984, tôi đã có dịp gặp ông, được ông kể cho nghe cuộc đời huyền thoại của mình. Những ngày cuối tháng 9 vừa rồi, tôi mới gặp lại Đinh Rươl- con trai ông. Anh cho biết những chuyện cụ kể, anh đã ghi lại tóm tắt, nhờ vậy đã góp một phần vào việc bổ sung hồ sơ đề nghị Nhà nước phong Anh hùng cho cụ. Trên nền “dàn bài” ấy, chúng tôi chỉ việc gia cố lại chi tiết trong câu chuyện của người xưa…
Làng Xốp Nghét bấy giờ nhỏ lắm. Vài chục hộ người T’Rẻ (một nhánh của dân tộc Xê Đăng) lọt thỏm giữa bốn bề ngăn ngắt rừng già. A Brôm- Y Lữ chỉ có 2 con, một gái, một trai. Cô con gái lớn lên da trắng như bẹ chuối bóc, hát hay múa dẻo. Tiếng vang đến tận Lào, một Tù trưởng nghe tiếng đến đòi bắt làm vợ với món sính lễ lên tới… 500 con trâu. A Brôm phải đem chia bớt cho dân làng giết thịt. Trâu thì đã nhận mà cô dâu vẫn không chịu về nhà chồng, Tù trưởng tức giận đem lính tới đánh làng Xốp rồi đốt rừng. Người chết, rừng cháy 7 ngày 7 đêm mới tắt, cô dâu đành phải gạt nước mắt về nhà chồng…
Biến cố gia đình xảy ra, lúc bấy giờ cậu bé Đinh Môn mới khoảng 10 mùa rẫy. Cũng như bao người Tây Nguyên lúc ấy, hiểu biết của Môn chỉ đến vài làng xung quanh… Cho đến khoảng năm 15 tuổi, lần đầu tiên tầm mắt của Môn mới vượt khỏi những điều đã biết- ấy là một lần được cha cho theo xuống đồng bằng đổi muối. Bấy giờ Pháp đang bắt phu mở con đường 14B. Từng tốp người áo quần rách như lá chuối, gầy như khúc le hì hụi chặt cây đào đá. Trông họ cũng giống người Xê Đăng, người Dẻ. Khác lạ là giống người gì da trắng, mắt xanh, bụng to như đàn bà chửa, chỉ đứng ngó rồi lâu lâu lại lấy roi quất lên lưng người làm. Hỏi, cha nói đó là người Kinh làm ra muối, bị người Pháp bắt đi làm xâu. Muốn hỏi người Pháp ở đâu nhưng cha cũng không biết. “Cái giống người gì, bụng chắc đầy cái ác nên mới to thế. Thật thương cho người Kinh. Không biết mai mốt nó có vào làng bắt người Xê Đăng làm xâu không”.
Chẳng phải lo xa, chuyện hóa gần hơn là nghĩ…
Trời xưa nay yên lặng, một buổi bỗng nghe tiếng gì rất lạ. Nhìn lên thì thấy một con gì lạ lùng: Nó có hai cánh, cả người sáng chói, tiếng kêu vang tận rừng sâu. Nó bay đi bay lại sát ngọn cây mấy cái chớp mắt rồi mất hút…
Cả đời đã ai thấy con gì lạ thế? Người người bàn tán rồi đồng ý với nhau: Đó là con diều của Pháp đi kiếm ăn. Môn nghĩ ngay đến người Pháp mình thấy: Bụng nó to thế thì phải ăn hết con bò mới no. Chắc không đủ bò nên mới cho con diều đi kiếm. Không bắt được con diều này thì bao nhiêu trâu bò của làng, có ngày nó ăn hết(!).
Môn đứng ra tập hợp thanh niên làng để bàn cách. Người nói: Nó bay thấp thế, mình lấy cái nỏ lớn bắn thì trúng thôi. Người nói: Mình lấy dây mây đan thành cái lưới mắc lên ngọn cây cao, nó bay cánh vướng vào thì bắt được… Bàn vậy rồi bắt tay làm. Người chuẩn bị nỏ to, người bện dây mây làm lưới. Ai cũng nóng bụng chờ con diều Pháp đến…
Chẳng phải chờ lâu, chưa hết con trăng nó đã trở lại. Lần này nó bay còn chậm hơn, cái cánh cứ đảo qua đảo lại nghiêng ngó. Chờ nó đến giữa đầu, Môn hô bắn… Sao chẳng mũi tên nào găm được vào nó, lại rơi xuống cả đầu mình? Cái lưới đơm trên ngọn cây kia, sao cũng không mắc được vào cánh nó? Trèo lên ngọn cây coi thử thì Yàng ơi, hóa ra nó còn cách xa cả tiếng hú!
Sau cái đợt cho diều bay ít lâu thì Pháp vào đóng đồn ở Đak Choong. Nó vào các làng bắt người đi làm đường, trồng cây cà phê, trồng chè. Pháp lại làm một cái nhà (tù) bằng đá. Ai chống đi làm xâu thì bắt nhốt vào đó. Ông A Brôm chống đi xâu cũng bị Pháp bắt nhốt, đánh gần chết mới thả cho về… Bây giờ thì Đinh Môn hiểu Pháp rồi: Nó đến đây không chỉ để bắt con bò con heo. Nó đến để chiếm đất mình, bắt người mình làm “đăm” (nô lệ). Phải nghĩ cách đánh lại Pháp thôi.
Nhưng đánh lại Pháp bằng cách nào? Nghe nói Pháp là người Yàng. Yàng cho Pháp biết cách làm súng bắn dưới đất, làm ra con diều sắt bay trên trời dòm. Nghe nói ở làng K’Lúi dưới Cheo Reo có ông Săm B’Răm, bên Đak Lak có N’Trang Lơng được Yàng cho nước thần. Có được nước ấy xoa lên người thì súng Pháp bắn không trúng, đau bệnh gì cũng hết. Hăm hở, Đinh Môn lên đường quyết xin cho được nước thần…
Nhưng lang thang hết cả một con trăng mà không gặp được N’Trang Lơng. Hỏi dò thì được biết: Pháp thành được người Yàng, làm được súng, được con diều là nhờ phép lạ Yàng cho trong đồng xu của nó (đồng France đúc bằng kẽm). Lấy cái đồng xu nó bỏ vào nước, làm lễ cúng Yàng thì thành nước thần thôi.
Đinh Môn nghĩ cách đi làm xâu cho Pháp. Kiếm được đồng xu rồi, làng giết một con gà trắng, một con trâu trắng để làm “nước thần”. Lễ khấn Yàng xong, Môn trịnh trọng bỏ đồng xu vào chiếc nồi đồng lớn. Già làng rót từng bầu nước được lấy trên núi cao rồi lần lượt xoa lên đầu, lên lưng cho mọi người. Đến lượt mình, nước xoa đến đâu Môn có cảm giác da mình thành sắt đến đó…
Môn chọn trong số bà con mình những người khỏe nhất, gan dạ nhất rình Pháp vào làng thì đánh. Mấy con trăng sau Pháp lại vào làng bắt xâu. Chờ nó đến thật gần, Môn hô mọi người nhất loạt bắn ra… Lạ quá, tên trúng người mà sao không thấy Pháp chảy máu? (Sau này mới biết là Pháp mang áo giáp, tên găm không thủng). Pháp hơi hoảng nhưng chỉ mấy cái chớp mắt, nó bắn lại. Đạn nổ như sấm chớp. Một người bị thương. Những người còn lại phải chạy lui. Pháp vào nổi lửa đốt nhà, may dân làng chạy kịp lên núi cao.
“Đã có nước thần, sao vẫn bị đạn Pháp bắn trúng? Ờ, nếu nước thần mà tránh được đạn Pháp thì cụ N’Trang Lơng đã đuổi được Pháp về đất nó rồi. Pháp chắc không phải người Yàng thật đâu. Nó cũng giống con heo rừng thôi. Bắn vào người không chết thì bắn vào mắt coi thử?”. Nghĩ vậy rồi Môn chọn người bắn giỏi nhất cùng mình ra đồn Pháp phục. Chờ đến buổi trưa, một thằng không mang súng đi ra. Môn nín thở. Một cái chớp mắt, không tin được là mũi tên đã găm trúng mắt nó. Thằng Pháp chỉ kịp đưa hai tay ôm mặt kêu rống lên. Máu tuôn đỏ cánh tay, chảy thành dòng xuống đất. Môn suýt hét lên, may kịp nhớ mình đang ở cạnh đồn.
Vậy là Pháp không phải người Yàng. Không có nước thần nào che được đạn Pháp, chỉ trí khôn mới tránh được thôi!
Môn chỉ huy làm bẫy đá, mang cung giữ các lối vào làng. Pháp đã không bắt xâu mà đồn điền của nó cũng không được yên. Cứ mọc lên cái nhà nào là bị Môn rình đốt hết. Pháp điên cả đầu mà không biết làm sao.
Nhưng làng Xốp Nghét cũng không lớn nổi. Con nít đẻ ra chết nhiều quá. Hột muối ăn lại mỗi ngày mỗi đói. Đang lúc nguy bỗng có tin bay đến làng: Pháp đã bỏ đồn chạy vì sợ Việt Minh.
Việt Minh là ai mà giỏi thế? Đang nghĩ phải đi tìm cho biết thì một chiều có mấy người đến làng tìm Môn. Họ nói mình là cán bộ Việt Minh. Việt Minh hóa ra chỉ là người Kinh, người Xê Đăng thường thôi, chỉ vì có bụng thương đồng bào mà Pháp phải chạy…
NT