“Câu chuyện văn chương” và tương lai Văn nghệ Trẻ

Sáng 9/1 tại trụ sở báo Văn nghệ đã diễn ra buổi giới thiệu tuyển tập “Câu chuyện văn chương” và chia sẻ một phần thông tin phụ trương Văn nghệ sẽ trở thành báo điện tử.

 

Sáng 9/1 tại trụ sở báo Văn nghệ đã diễn ra buổi giới thiệu tuyển tập “Câu chuyện văn chương” và chia sẻ một phần thông tin phụ trương Văn nghệ sẽ trở thành báo điện tử.

Câu chuyện văn chương là tuyển tập 53 chân dung nhà văn được chọn lọc từ hơn một trăm bài viết trong ba năm 2011 – 2013 từ báo Văn nghệ ở các chuyên mục Trò chuyện văn chương, Mỗi tuần gặp một nhà văn, Chuyện văn chuyện đời.

Tuyển tập dày gần 600 trang chứa đựng nhiều câu chuyện, chi tiết vừa đời thường, gần gũi, vừa mang màu sắc huyền bí. Theo nhà văn Khuất Quang Thuỵ thì việc đi tìm chân dung các nhà văn, nhà thơ thì hình như “người ta càng cố gắng tìm cách lý giải thì nó lại càng mù mờ khó hiểu. Thí dụ, theo quy luật thông thường thì nhà văn càng có nhiều năm sáng tác, càng giỏi nghề, càng từng trải thì càng phải viết hay hơn. Nhưng oái oăm là không ít nhà văn cho đến khi về già, gối mỏi chân chồn rồi, đành buông ra một lời thú nhận: cuối cùng thì phải thừa nhận tác phẩm hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình lại là… những tác phẩm đầu tay! Một nghịch lý khác, cũng khá phổ biến, ấy là tác phẩm hay nhất của một nhà văn, nhà thơ nhiều khi lại không phải là tác phẩm dụng công nhất, lao tâm khổ tứ nhất mà lại là sản phẩm sinh ra trong một phút ngẫu hứng, thậm chí sinh sau một giấc mơ và hoàn thành rất nhanh chứ không phải kỳ khu mài từng chữ như người đọc sau này hình dung”.

Tuyển tập Câu chuyện văn chương sẽ cho thấy một phần nào bức chân dung lặng lẽ của nhà văn luôn đứng sau trang viết và không mấy khi xuất hiện trước độc giả.

Cũng tại buổi giới thiệu tuyển tập Câu chuyện văn chương, nhà văn Khuất Quang Thuỵ – Tổng biên tập báo Văn nghệ đã chia sẻ thông tin, tới đây, phụ trương Văn nghệ trẻ sẽ chuyển thành báo điện tử, không phát hành báo giấy như hiện nay nữa.

Trao đổi thêm về việc phụ trương Văn nghệ trẻ trở thành báo điện tử với nhà văn Phong Điệp thì được biết, có nhiều lý do để Văn nghệ trẻ quyết định trở thành báo điện tử, nhưng trong đó lý do quan trọng nhất là tờ báo bắt kịp với xu thế chung của văn chương trẻ hiện nay. Theo đó, Văn nghệ trẻ điện tử sẽ có một lộ trình để làm sao vừa là tờ báo thân thiết, thiết thực đúng như tiêu chí và tên gọi ban đầu của tờ báo – dành cho những người cầm bút trẻ lại vừa đảm đương được việc giới thiệu các tác phẩm văn chương từ tờ báo Văn nghệ lên internet.

Dự kiến, báo Văn nghệ trẻ bản giấy sẽ kết thúc vào tháng 3 năm 2014 và Văn nghệ trẻ điện tử sẽ đi vào hoạt động từ tháng 4 năm 2014.

Văn nghệ trẻ dù chỉ là phụ trương của tuần báo Văn nghệ trực thuộc Hội Nhà văn Việt Nam nhưng cho đến nay gần như là tờ báo duy nhất dành cho các cây bút trẻ. Có thể trong vài năm trở lại đây, có ý kiến này ý kiến nọ về việc thay đổi hay “làm lại” Văn nghệ trẻ nhưng rõ ràng tờ báo vẫn đóng vai trò khá quan trọng đối với người cầm bút trẻ. Việc Văn nghệ trẻ chấm dứt hình thức xuất bản truyền thống mà quyết định bước đi trên một con đường mới chưa biết có hay hơn, thành công hơn hay không, đã được nghe nói đến cách đây vài tháng nhưng thông tin này chính thức được công bố với báo giới ít nhiều khiến cho những người cầm bút trẻ, những người quan tâm đến văn chương không tránh khỏi cảm giác buồn buồn, nuối tiếc.

Theo “Tổ quốc”

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder