“Mẹ của anh” – thơ Xuân Quỳnh: Tấm lòng thơm thảo của nàng dâu

Mẹ của anh và cũng là mẹ của chúng mình, mẹ của tình yêu, và cao hơn nữa là mẹ của hồn thơ. Tấm lòng hiếu thảo, dịu hiền, chân tình và biết ơn của một nàng dâu như Xuân Quỳnh giành cho mẹ chồng như thế thật đẹp và quý hiếm, ít thấy trong thơ ca Việt Nam

 

Xuân Quỳnh

MẸ CỦA ANH

 

Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đây thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời, chưa xong
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Ðể cho mái tóc trên đầu anh đen
Ðâu còn dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng mẹ lên mấy lần
Thương anh thương cả bước chân
Giống bàn chân mẹ tảo tần năm nao
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh:
Nào là hoa bưởi hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Xin đừng bắt chước câu ca
Ði về dối mẹ để mà yêu nhau
Mẹ không ghét bỏ em đâu
Yêu anh em đã là dâu trong nhà
Em xin hát tiếp lời ca
Ru anh sau mỗi âu lo nhọc nhằn
Hát tình yêu của chúng mình
Nhỏ nhoi giữa một trời xanh khôn cùng
Giữa ngàn hoa cỏ núi sông
Giữa lòng thương mẹ mênh mông không bờ
Chắt chiu từng những ngày xưa
Mẹ sinh anh để bây giờ cho em.

Lời bình của Lê Xuân (Hội Nhà văn TP Hồ  Chí Minh)

Tấm lòng thơm thảo của nàng dâu

Từ xưa, ca dao đã có câu: Thật thà cũng thể lái trâu/ Thương nhau cũng thể nàng dâu mẹ chồng để ám  chỉ những mâu thuẫn không thể điều hoà nổi giữa mẹ chồng và nàng dâu trong xã hội cũ. Không ít những mối tình đẹp đã đổ vỡ chỉ vì mẹ chồng quá khắt khe, cổ hũ, hoặc tại nàng dâu đanh đá, quá trớn. Thơ văn ca ngợi tấm lòng mênh mông của người mẹ không phải là hiếm. Song rất ít những vần thơ do chính nàng dâu viết về mẹ chồng mình lại hay như bài Mẹ của anh của Xuân Quỳnh. Bài thơ đã làm rơi nước mắt và làm vui lòng bao bà mẹ chồng Việt Nam này được sáng tác trước khi Xuân Quỳnh về làm dâu bà Vũ Thị Khánh (mẹ của cố nhà thơ Lưu Quang Vũ) năm 1973.
Có thể nói Xuân Quỳnh đã chinh phục được hoàn toàn trái tim của mẹ chồng bằng tất cả những suy nghĩ và việc làm chân tình của mình, mặc dù ban đầu mẹ Vũ không bằng lòng cuộc hôn nhân này. Cả bài thơ là một lời thủ thỉ tâm tình như lời ru. Trong đó vút lên một giai điệu chủ đạo ngợi ca, tự hào và biết ơn mẹ:
Phải đâu mẹ của riêng anh
Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi
Mẹ tuy không đẻ không nuôi
Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.
Người mẹ nào mà chẳng cảm thấy mát lòng hả dạ khi nghe những lời nói ngọt ngào của nàng dâu với con trai mình như thế Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi. Chúng ta có sống trong cảnh các cụ bà ngày xưa phải làm dâu trăm họ với biết bao quy định khắt khe của lễ giáo phong kiến, chịu bao đắng cay tủi nhục của chế độ cũ, mới thấu hiểu nỗi lòng các bà, các mẹ. Xuân Quỳnh- hơn một lần đã lỡ chuyến đò tình- tự đáy lòng sâu xa, chị linh cảm hơn ai hết những âu lo, ước mong của mẹ chồng. Và bằng sự nhạy cảm của trái tim nữ sĩ, chị đã tái hiện một thời tần tảo của mẹ, làm sáng lên công “dưỡng dục sinh thành” ra anh:
Ngày xưa má mẹ cũng hồng
Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau
Bây giờ tóc mẹ trắng phau
Để cho mái tóc trên đầu anh đen
Đâu con dốc nắng đường quen
Chợ xa gánh nặng, mẹ lên mấy lần.
Chân dung người mẹ chỉ phác thảo bằng vài nét đơn sơ mà thật đẹp. Mạch trữ tình xen lẫn giọng tự sự cứ như một lời thỏ thẻ bên tai mẹ. Nào là Ngày xưa má mẹ cũng hồng/ Bên anh mẹ thức lo từng cơn đau, nào là dốc nắng đường quen/ chợ xa gánh nặng… Xuân Quỳnh đã tạc được một “ngọn núi” cao bạc đầu mây phủ với mái tóc trắng phau như sương tuyết của mẹ và một ngọn núi trẻ trung là anh– người chồng lý tưởng của em, với mái tóc đen, đứng cạnh nhau bất tử cùng năm tháng: Bây giờ tóc mẹ trắng phau/ Để cho mái tóc trên đầu anh đen. Câu thơ là một thần cú toả sáng sự hy sinh âm thầm của mẹ. Mẹ mỗi ngày thêm già vì bao vất vả lo toan, má chẳng còn hồng nữa, tóc chẳng còn xanh đen của một thời thiếu nữ. Nhưng cái màu hồng của đôi má và màu đen của mái tóc mẹ chẳng mất đi mà nó đã chuyển hoá sang hình hài người con Đểcho mái tóc trên đầu anh đen. Câu thơ có sự đối lập giữa gìa và trẻ, giữa trắng và đen, giữa quá khứ và hiện tại, giữa nguyên nhân và kết quả làm ánh lên vẻ đẹp của tình mẫu tử.
Mẹ không những cho anh hình hài dáng vóc mà còn cho anh cả một hồn thơ dạt dào. Anh lớn lên trong vòng tay êm ái của mẹ với bao chuyện kể và lời ru ngọt ngào từ thuở trong nôi. Nó là nguồn sữa quý hiếm, là ngọn gió mát lành góp phần tạo nên sự thành công cho những sáng tác của Lưu Quang Vũ sau này:
Lời ru mẹ hát thuở nào
Chuyện xưa mẹ kể lẫn vào thơ anh
Nào là hoa bưởi, hoa chanh
Nào câu quan họ mái đình cây đa
Phía sau những lời ru ấy, Xuân Quỳnh còn ngầm thổi vào đấy một lời nhắn nhủ nhẹ nhàng tới các nhà thơ: Thơ cần phải chân thành, giản dị, phải uống nguồn nước từ quê hương ruộng vườn, từ ca dao dân ca, cổ tích đến tấm lòng của mẹ. Thơ cũng như tình yêu không chịu sự dối lừa: Xin đừng bắt chước câu ca/ Đi về dối mẹ để mà yêu nhau. Chính tấm lòng bao dung độ lượng của mẹ, và tình yêu của anh, đã cho em hơn hai lần tình yêu, và em đã tự nguyện là dâu trong nhà, tuy chúng mình chưa làm lễ cưới: Mẹ không ghét bỏ em đâu/  Yêu anh em đã là dâu trong nhà. Câu thơ là lời của nhân vật trữ tình, và cũng là lời đồng ca, lời tự bạch của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ về tình yêu của chúng mình.
Thấu hiểu, kính phục và biết ơn mẹ chồng, chị hát tiếp lời ca Ru anh sau những âu lo nhọc nhằn, làm vơi đi những khó nhọc đời thường. Chị luôn khát khao một tình yêu rộng lớn chân thành và mãnh liệt đến mức Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa/ Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi (Tự hát). Bởi chị đã hơn một lần run rẫy trước tình duyên tan vỡ. Nên giờ đây cái tình yêu mà theo chị nó rất nhỏ nhoi giữa một trời xanh không cùng này, rất cần sự giữ gìn, nâng niu. Thì đây, chính người mẹ chồng sẽ cho chị thêm một điểm tựa để tin yêu. Từ lòng biết ơn mẹ và tình yêu của anh, Xuân Quỳnh đã có một liên tưởng độc đáo: Chắt chiu từ những ngày xưa/ Mẹ sinh anh để bây giờ cho em. Ba nhân vật mẹ, anh, và em như ba ngọn núi tựa vào nhau vững bền. Câu thơ nhỏ nhẹ đầy nữ tính. Có mẹ mới có anh. Và có anh, em mới có được một tình yêu như thế. Chính mẹ đã cho em hai lần tình yêu.
Mẹ của anh và cũng là mẹ của chúng mình, mẹ của tình yêu, và cao hơn nữa là mẹ của hồn thơ. Tấm lòng hiếu thảo, dịu hiền, chân tình và biết ơn của một nàng dâu như Xuân Quỳnh giành cho mẹ chồng như thế thật đẹp và quý hiếm, ít thấy trong thơ ca Việt Nam. Tiếc thay! chị đã vội ra đi quá sớm khi chưa kịp làm một người mẹ chồng thơm thảo.

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder