“Nỗi buồn pha lê” – Bước tiến mới trong thơ Trương Nam Chi

Cổ nhân có câu: “Thơ chính là viết về cái đau, cái thốn, cái cảm của con người trước hoàn cảnh”. Hoặc: “Ý hết., lời dứt đã là hay. Nhưng lời hết mà ý chưa dứt mới hay hơn.” Lại nói: “Nhân tình luyện đạt, ấy văn chương”. Điều đó có nghĩa văn chương chính là nghệ thuật diễn đạt nhân tình. Đọc tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của Trương Nam Chi, tôi thấy le lói đâu đó cái luận của người xưa. Tôi cũng bắt gặp ở đâu đó trong thơ của chị những cảm nhận sắc lẻm về cuộc sống, cảm nhận về cái đau, cái thốn và cả những được, mất của thân phận con người.

Cổ nhân có câu: “Thơ chính là viết về cái đau, cái thốn, cái cảm của con người trước hoàn cảnh”. Hoặc: “Ý hết., lời dứt đã là hay. Nhưng lời hết mà ý chưa dứt mới hay hơn.” Lại nói: “Nhân tình luyện đạt, ấy văn chương”. Điều đó có nghĩa văn chương chính là nghệ thuật diễn đạt nhân tình. Đọc tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của Trương Nam Chi, tôi thấy le lói đâu đó cái luận của người xưa. Tôi cũng bắt gặp ở đâu đó trong thơ của chị những cảm nhận sắc lẻm về cuộc sống, cảm nhận về cái đau, cái thốn và cả những được, mất của thân phận con người.


C
hị viết:

Con đường đất tiễn người đi

Ruộng mương nứt nẻ mấy khi nhớ về

Phố đông lẫn khuất câu thề

Tiếng quê thảng thốt vỉa hè phồn hoa.

(Tiếng quê)

Tôi quý trọng Trương Nam Chi ở điểm này: Thơ chị nói toàn những điều bâng quơ, đôi khi chẳng ăn nhập đâu vào đâu, nhưng nó cứ cứa vào lòng người ta, xới tung những thứ tưởng như đã lặn chìm trong lòng, buộc người ta cứ phải dằn vặt, nghĩ ngợi, đồng cảm với chị. Thơ của chị đôi khi cũng tung tẩy, làm mình làm mẩy theo cách của con gái, nhưng trong sâu thẳm của từng con chữ lại lóe lên những ánh lửa nồng nàn. Trong tập thơ, chị viết nhiều về nỗi buồn. Nhưng tuyệt nhiên chị không trách ai, ghét ai, mà tự mình an ủi lấy mình. Chị chỉ mong có được sự cảm thông của mọi người để sống.

Nếp nương cất bước theo chồng

Cheo leo dò bậc thang lòng tìm quên

Xa rồi còn một cái tên

Khi buồn mình tự hát lên ru mình.

(Tự ru…)

Trương Nam Chi có một tâm hồn quá ư nhạy cảm, đồng thời là một người làm kinh tế. Người ta nói làm thơ mà lại làm kinh tế thì chỉ có “ăn chữ”. Nhưng hình như sự nhạy cảm của người làm thơ cũng rất cần cho việc kinh doanh. Chí ít là người làm thơ không thể kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Đó cũng là lý do vì sao nhiều nhà thơ chuyển sang kinh doanh bị đổ nợ. Nhưng Nam Chi vẫn trụ được, ít nhất là vào thời điểm này. Đây cũng là môi trường giúp cho chị cảm nhận được cái xô bồ, hỗn độn, tráo trở của xã hội. Công việc đã đưa chị đến nhiều nơi mà chị cần phải đến. Có thể do vậy mà chị được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh, nhiều nỗi éo le của người đời. Đó cũng là lúc mà lòng trắc ẩn con gái trỗi dậy trong lòng chị. Để rồi chị nghĩ, chiêm nghiệm và viết về những điều mà chị cảm nhận. Đơn giản lắm, bình thường lắm, nhưng lại tràn đầy những nỗi niềm khắc khoải.

Nụ cười duyên dáng yêu kiều

Mà sao ánh mắt giấu nhiều ưu tư

Mà sao nước mắt hình như…

Hình như máu đỏ loang từ trong tim.

(Hình như máu đỏ)

Trương Nam Chi là phụ nữ. Do vậy mà chị hiểu về sự phức tạp trong tình cảm của giới nữ. Họ vui đấy. Buồn đấy. Cười đấy. Rồi khóc đấy. Với Nam Chi, chị không chối bỏ nỗi buồn trong lòng, mà trân trọng giữ gìn nó. Dẫu sao, nỗi buồn cũng là một phần của cuộc sống con người. Người mà không có nỗi buồn thì thành người thế nào được!?

Nỗi buồn mình chị nhen lên

Một mình canh lửa bốn bên ba bề

Một mình đốt đến si mê

Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à…

(Nỗi buồn pha lê)

Dù là viết về mình, viết về nỗi đau thầm kín cùng với những khát vọng của riêng mình, thì thơ của Trương Nam Chi vẫn nói về cái chung, cái đạo làm người. Chị vun vén cho bản thân, dĩ nhiên, nhưng chưa đủ. Chị vẫn đa đoan, vẫn mua nhọc vào mình, như người ta thường nói. Chị vẫn thường sẻ chia, vun đắp cho những mảnh đời bấp bênh, cô quạnh. Dường như cái số kiếp bắt chị phải thế, bắt người thơ phải thế. Nếu không như thế đã chẳng phải là chị. Chị vui với nỗi vui của người đời, buồn với nỗi buồn của người đời, để rồi trải lòng ra với họ. Theo chị, chỉ có tình người mới có thể hàn gắn, làm vợi đi nỗi đau, niềm cô quạnh của chính con người.

Quê nhà trở lại mấy khi

Mùa đông bóng nước phẳng lì mặt sông

Thương em có sợi nắng hồng

Đêm về ủ ấm nỗi lòng tha hương.

(Lạnh!)

Trương Nam Chi viết nhiều về tình yêu. Điều này chứng tỏ tình yêu rất quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất đối với chị. Chị trân trọng tình yêu cao đẹp bao nhiêu, thì lại càng tiếc thương cho những mối tình vội vàng, lầm lỡ bấy nhiêu, để rồi phải ăn năn, tự vấn. Nhưng dẫu sao thì đó cũng là tình yêu. Có như thế tình yêu chân thành mới có chỗ đứng, mới xứng đáng được tôn thờ:

Em về anh lén nhìn sang

Nụ cười cắn chỉ vắt ngang cõi lòng

Thì thôi, thôi nhé là xong

Anh còn lại mối tình không là tình.

(Thôi nhé người dưng)

Trương Nam Chi chọn thể thơ “lục bát” làm nguồn cảm hứng sáng tác. Đối với chị, thơ lục bát không chỉ là phương tiện để cứu rỗi cảm xúc mà còn là số phận nữa. Chị chung thủy với thơ lục bát không chỉ là để tôn vinh sự sáng tạo của dân tộc, mà còn ở sự tương hợp với tình cảm của mình. Thơ lục bát dễ làm, nhưng khó hay. Thơ lục bát biến hóa như rồng. Cái quan trọng là người viết phải cao tay, sử dụng chữ nghĩa một cách đồng bóng, tài tình giống như phù thủy điều khiển âm binh vậy. Làm được như thế mới là bậc thượng thừa. Trương Nam Chi đã chọn cái khó nhất ấy để thể hiện mình. Tập thơ “Nỗi buồn pha lê” của chị đã đem đến cho người đọc một cảm xúc mới lạ, ray rứt, chân thành. Về mặt này, tôi nghĩ chị đã thành công. Xin chia vui với chị.

Nhà thơ VĂN LÊ

 

 

Tự ru…

Mình trao nhau một chút buồn

Chút thương và chút dỗi hờn nắng mưa

Chợ tình thiêm thiếp giấc trưa

Gọi hồn lạc lối nay chưa kịp về

Chiêm bao xâu chuỗi bộn bề

Rừng thiêng trong vắt lời thề suối sông

Nếp nương cất bước theo chồng

Cheo leo dò bậc thang lòng tìm quên

Xa rồi còn một cái tên

Khi buồn mình tự hát lên ru mình.

Họa mi vẫn hót


Nhủ lòng hãy đứng dậy thôi

Chút buồn cô đặc lại tôi luyện dần

Đứng lên, dẫu có ngại ngần

Vịn vào mây gió mà lần bước đi

Ngẩng đầu chạm ngưỡng sân si

Họa mi vẫn hót những bi thương lòng

Vịn vào có, vịn vào không

Thỉnh kinh Bát Nhã tụng trong tim mình

Nhủ lòng thôi cũng thường tình

Đời như giọt nước thình lình bốc hơi.

Nỗi buồn pha lê


Em đừng lo chị kém duyên

Nên quăng quật những ưu phiền vào thơ

Em đừng vội đỡ gánh cho

Chị ngần ngại lắm bến đò hư không

Ừ, thì buồn buốt mùa đông

Ừ, thì buồn thấu cánh đồng cô đơn

Ừ, thì nắng quái chập chờn

Ừ, thì giông tố vuốt vờn bao phen

Nỗi buồn mình chị nhen lên

Một mình canh lửa bốn bên ba bề

Một mình đốt đến si mê

Nỗi buồn hóa sắc pha lê em à…


TRƯƠNG NAM CHI

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder