Quản lý chặt chẽ công tác xuất bản

Từ những sai phạm đáng tiếc của hoạt động xuất bản trong nước thời gian gần đây, vấn đề quản lý, chấn chỉnh ngành xuất bản lại được đặt ra một cách bức thiết đối với các cơ quan chức năng và toàn ngành. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa (trong ảnh) chung quanh vấn đề này.(Hữu Việt và Phương Liên thực hiện)…

Từ những sai phạm đáng tiếc của hoạt động xuất bản trong nước thời gian gần đây, vấn đề quản lý, chấn chỉnh ngành xuất bản lại được đặt ra một cách bức thiết đối với các cơ quan chức năng và toàn ngành. Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trò chuyện với Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) Chu Văn Hòa (trong ảnh) chung quanh vấn đề này.

Ð/c Chu Văn Hòa: Hiện cả nước có tổng số 63 NXB, trong đó chỉ một vài NXB hoạt động tốt, còn lại một số vừa vừa, đa số yếu kém. Năm 2013 có NXB phải nợ cả lương nhân viên như NXB Văn hóa – Thông tin. Những NXB được độc quyền như NXB Giáo dục; hoặc được quan tâm, sống bằng ngân sách nhà nước như NXB Chính trị quốc gia – Sự thật chẳng bao giờ cần phải liên doanh, liên kết. Còn các NXB Trẻ, Kim Ðồng sống được nhờ thực lực giỏi, năng động sáng tạo, có cơ sở vật chất, đội ngũ mạnh, có mảng sách cụ thể và bạn đọc truyền thống, đồng thời được quan tâm hỗ trợ vốn.

Trước khi phê bình, chúng ta cũng cần phải xem xét lại về tổng thể chính sách của Nhà nước đã tương ứng với nhiệm vụ mà các NXB được giao chưa?

Trong các Nghị quyết Ðại hội Ðảng, các văn bản của Chính phủ, trong đó có Chỉ thị 42 của Ban Bí thư T.Ư Ðảng đã xác định xuất bản là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Nhưng khi triển khai lại chưa thể hiện được tầm vóc, vị trí, vai trò của ngành đặc thù. Thực tế có lúc các cơ quan chủ quản không quan tâm mà khoán trắng cho các NXB. Trong khi đó Luật Xuất bản 2012 và Nghị định 159 hướng dẫn thi hành luật quy định các cơ quan chủ quản phải bảo đảm cho NXB về mặt bằng, cơ sở vật chất, nhân sự, vốn… Con số năm tỷ đồng/năm/NXB tương đương với 30 đầu sách dù rất khiêm tốn nhưng cho đến nay vẫn còn rất khó khăn để thực hiện. Ở đây, thực ra không phải các NXB không được đầu tư, nhưng đa số là đầu tư nhỏ giọt, phân tán, chưa hợp lý. Chẳng hạn như nguồn vốn cho các ban Ðảng, Ủy ban Dân tộc để đáp ứng sách cho vùng sâu, vùng xa, các loại tủ sách xã, phường, chi bộ… Rồi vốn đầu tư cho các NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, NXB Giáo dục, cho chương trình riêng của các bộ, ngành… là rất lớn. Trong khi đó nguồn vốn qua Bộ Thông tin và Truyền thông là nơi quản lý thống nhất, có thể qua các cơ quan chức năng điều tiết nguồn vốn cho các NXB lại rất nhỏ, chỉ 15 tỷ đồng/năm. Do đó nhiều khi Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) không kiểm soát, đánh giá được chất lượng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách.

Như vậy, cần phải nhấn mạnh, để xảy ra tình trạng yếu kém trong hoạt động của các NXB, trách nhiệm lớn nhất thuộc về cơ quan chủ quản. Việc chấn chỉnh hoạt động của các NXB không chỉ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông mà còn là nhiệm vụ của cơ quan chủ quản.

PV: Thời gian qua, các giải pháp, hướng đi để khắc phục những bất cập của ngành xuất bản vẫn luôn được đặt ra trong các chương trình nghị sự. Song dường như việc thực hiện còn quá khó khăn hoặc chưa phù hợp thực tiễn nên chưa đạt hiệu quả. Theo đồng chí, phải làm gì để gỡ khó cho các NXB?

Ð/c Chu Văn Hòa: Vừa qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tham mưu cho Chính phủ và Quốc hội thông qua một số vấn đề nhằm kiện toàn lại các NXB. Cụ thể như, quy định mỗi tỉnh có không quá một NXB, trừ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Các NXB tự điều tiết hoạt động theo cơ chế thị trường, mỗi NXB chỉ bảo đảm một nhiệm vụ cụ thể… Với các đơn vị chỉ thành lập NXB cho có, nhằm liên kết bán giấy phép hoặc không đủ điều kiện sẽ phải đóng cửa. Sắp tới Cục sẽ họp, xác định lại chức năng, nhiệm vụ của các NXB trước khi đổi giấy phép theo Luật mới; xem xét lại điều kiện, tiêu chuẩn các NXB về mặt bằng, cơ sở vật chất, vốn, đội ngũ biên tập viên, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ; thông qua chương trình đặt hàng của Nhà nước (15 tỷ đồng/NXB/năm); xây dựng Quỹ hỗ trợ xuất bản…

Về con người và chính sách đào tạo, sẽ thực hiện chuẩn hóa đội ngũ biên tập viên, bắt buộc số lượng biên tập viên cơ hữu của mỗi NXB có đủ năm người, phải qua lớp đào tạo và được cấp Chứng chỉ của Bộ Thông tin và Truyền thông, nắm chắc về Luật Xuất bản, tình hình chính trị thời sự, định hướng xuất bản… Từ tháng 7-2014 tới nay, đã mở được ba lớp, mỗi lớp khoảng 100 người. Mục tiêu đặt ra đến hết tháng 6-2015 sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu biên tập viên toàn ngành. Luật mới quy định các đối tác liên kết được biên tập sơ bộ bản thảo trước khi chuyển lại cho NXB, vì vậy đội ngũ biên tập viên của các cơ sở liên kết cũng đòi hỏi phải có chứng chỉ như của NXB. Do đó vừa rồi khi mở ra, không chỉ các NXB, mà có cả các đối tác liên kết đến xin tham gia khóa học biên tập viên. Ðây là tín hiệu tốt.

PV: Từ sự việc của NXB Thời Ðại, và thực tế hầu hết các sai phạm thời gian qua trong hoạt động xuất bản là do lỗ hổng liên kết, khi NXB phó mặc cho đối tác toàn quyền “định đoạt” xuất bản phẩm từ khâu biên tập, in, phát hành…, xin đồng chí cho biết trách nhiệm thuộc về ai và có biện pháp nào để khắc phục?

Ð/c Chu Văn Hòa: Tuy chưa thống kê cụ thể, nhưng thực tế lâu nay tư nhân chiếm một tỷ lệ lớn trong hoạt động xuất bản nước nhà. Nhà nước không thể bao cấp ngành xuất bản mãi được. Luật Xuất bản cho phép các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và nguồn lực tham gia liên kết xuất bản. Ðiều quan trọng là phải quản lý, định hướng hoạt động như thế nào cho ổn định, trật tự, hiệu quả.

Không phải đến bây giờ mà hơn chục năm qua đã tồn tại hoạt động liên kết xuất bản. Phải khẳng định đóng góp của các thành phần liên kết là rất lớn, tạo ra bức tranh phong phú cho ngành. Trong khi nếu chỉ trông chờ vào đầu tư của Nhà nước không quá 100 tỷ đồng/năm, làm sao chúng ta có được 300 triệu bản sách? Cần phải nhìn nhận một điều là cũng do kinh tế khó khăn, các NXB không tự đứng vững trên đôi chân của mình dẫn đến phải làm “dịch vụ” cho tư nhân. Thậm chí giấy phép xuất bản sách có giai đoạn phải chào hàng, hạ giá xuống chỉ còn… 200.000 đồng/cuốn. Phải liên kết để có tiền, và người nào cầm tiền thì sẽ có thực quyền. Do đó sự chi phối của đối tác trong hoạt động liên kết là điều tất yếu.

Như vậy, vấn đề ở đây là ý thức, trách nhiệm của các NXB trong quá trình thực hiện, cụ thể là của giám đốc, tổng biên tập, những người ra quyết định xuất bản và phát hành, họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung sách, về thời điểm và số lượng phát hành.

Trước kia thường là đối tác “ăn quả”, NXB “đổ vỏ”, Cục Xuất bản, In và Phát hành được ít quyền hoặc xử lý còn giơ cao đánh khẽ. Từ nay chúng tôi sẽ làm mạnh. Vụ NXB Thời Ðại, chúng tôi đang thanh tra toàn diện hoạt động xuất bản, sẽ công bố kết quả trong thời gian tới. Mới đây, ngày 17-10, Cục ra quyết định thu hồi, tiêu hủy các bản sách Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh của tác giả Vũ Chất do nội dung không chính xác… Luật mới quy định khi xử lý sai phạm của NXB sẽ đồng thời xử phạt cả đối tác liên kết với mức phạt như nhau; với những đơn vị sai phạm không khắc phục sẽ kiên quyết tạm dừng hoạt động, không cho liên kết. Cục được quyền xử phạt cao nhất lên đến 200 triệu đồng. Từ năm 2014, Cục đã được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành xuất bản; thanh tra liên ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chuyển về thường trực tại Cục. Nói vui, như vậy là “xe tăng, đại bác” đầy đủ, có thể tiến công vào các “pháo đài” “cộm cán” lâu nay trong thị trường xuất bản. Ðiều quan trọng là phải giải quyết tận gốc. Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan quản lý sẽ quyết tâm thực hiện bước chuyển đổi mạnh mẽ cho ngành xuất bản trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

H.V & P. L

(Nguồn:Nhân dân)

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder