Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp những sai phạm trong lĩnh vực xuất bản, cũng như những cuốn sách kém chất lượng, phản cảm, hoặc sai phạm nghiêm trọng về tư liệu lịch sử bị đưa ra trước công luận: cuốn từ điển Vũ Chất (Nhà xuất bản (NXB) Trẻ xuất bản năm 2001, Thành Nghĩa liên kết với NXB Thanh Niên xuất bản năm 2006…,NXB Hồng Đức liên kết với Công ty Minh Lâm phát hành năm 2013; Đại quang Việt sử, Danh nhân và thời đại (do doanh nghiệp sách Thành Nghĩa – NXB Đồng Nai liên kết xuất bản 2014), Búp sen xanh (NXB Thời Đại liên kết Công ty cổ phần Sách Nhân dân xuất bản 2014); Văn hóa tộc người Việt Nam và Văn hóa Việt Nam (NXB và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Nhà sách Thăng Long liên kết phát hành 2013)…
Đây chỉ là những trường hợp điển hình được báo chí và dư luận quan tâm. Chỉ tính riêng chín tháng đầu năm nay, Cục Xuất bản đã xử lý gần 79 trường hợp vi phạm. Đáng lưu tâm là những cuốn sách sai phạm bị phát hiện và xử lý thời gian qua phần lớn đều là sản phẩm liên kết giữa NXB với một đơn vị tư nhân. Điều đó dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng, chính mối liên kết hợp tác hiện nay đang bộc lộ nhiều điều bất cập, một số NXB đang mất vai trò kiểm soát, điều tiết thị trường sách. Thực chất nhiệm vụ của họ trong việc liên kết xuất bản các ấn bản phẩm chỉ đơn thuần là việc bán giấy phép. Các đơn vị làm sách tư nhân, sau khi có giấy phép thì chủ động in ấn và phát hành. Chính sự phó mặc của NXB sau khi cấp phép đã dẫn đến những sai phạm nghiêm trọng như vậy. Vì thế, để chấm dứt tình trạng nhiễu nhương trong công tác xuất bản như hiện nay, chỉ cần cấm việc liên doanh liên kết, giải tán các đơn vị làm sách tư nhân.
Tuy nhiên, việc cấm này liệu có thỏa đáng?
Tính đến ngày 11-2-2014 cả nước có 65 NXB trong đó có 53 NXB Trung ương và 12 NXB địa phương. Trên thực tế, năm 2013 chỉ có bốn NXB làm ăn có lãi và thực hiện nghĩa vụ thuế, một số ít nhà xuất bản tự “ổn định”, còn phần lớn số còn lại sống lay lắt hoặc đứng trước nguy cơ “phá sản” do không có khả năng chi trả lương cũng như thanh toán các khoản nợ cho nhà in. Song, chính sự xuất hiện của các công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và xuất bản đã góp phần làm ấm lại thị trường sách. Những đầu sách có giá trị của thế giới hoặc những tác phẩm vừa đoạt những giải thưởng danh giá của các nước được kịp thời ra mắt độc giả Việt Nam. Lượng sách xuất bản trên thị trường vẫn đạt mức cao. Doanh thu từ các kỳ hội sách tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội không ngừng gia tăng. Sự năng động của các đơn vị làm sách tư nhân trong việc tìm kiếm thị trường và bản thảo, cùng bộ máy gọn nhẹ, làm việc hiệu quả, cho ra mắt những ấn phẩm chất lượng là các yếu tố quan trọng giúp cho một số công ty sách tư nhân từng bước khẳng định được tên tuổi và vị thế của mình trong thị trường xuất bản.
Do đó, không thể vì những sai phạm ở một số cuốn sách mà cấm hoạt động liên doanh – liên kết giữa các NXB và các đơn vị tư nhân. Tuy nhiên, chúng ta cần có những biện pháp quản lý và kiểm soát chặt chẽ hơn nữa. Đầu tiên, quan trọng nhất vẫn chính là các NXB trong việc chọn đối tác để liên kết và làm tốt công tác hậu kiểm. Bởi chính họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có sai phạm xảy ra. Thiệt hại về kinh tế có thể bù đắp được, nhưng thiệt hại về uy tín thì không dễ gì lấy lại. Thứ nữa, chính là vai trò của các cơ quan chức năng có liên quan, như Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Được biết, sắp tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ ra thông tư xử lý cụ thể với từng mức độ sai phạm, trong đó, đối tác liên kết xuất bản cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thiết nghĩ, các hình thức xử phạt cũng cần phải nghiêm khắc hơn nữa, đủ sức cảnh tỉnh, răn đe những đơn vị hoạt động yếu kém về chuyên môn, nghiệp vụ xuất bản; thậm chí cần dừng hoạt động vĩnh viễn với những đơn vị mắc sai lầm nghiêm trọng. Như vậy mới giúp làm lành mạnh hóa thị trường xuất bản, lấy lại lòng tin ở bạn đọc.
P. Đ