Nhà thơ Kim Chuông là người viết khỏe, viết nhiều thể loại; mươi năm lại đây dường như năm nào anh cũng ra sách, khi thì thơ, khi là văn xuôi, khi tiểu luận – phê bình. Kim Chuông thuộc loại đa tài, và cũng khá… đa tình.
Nhà thơ Kim Chuông là người viết khỏe, viết nhiều thể loại; mươi năm lại đây dường như năm nào anh cũng ra sách, khi thì thơ, khi là văn xuôi, khi tiểu luận – phê bình.
Kim Chuông thuộc loại đa tài, và cũng khá… đa tình. Nên trong khi không ít người in sách ra chỉ “đắp chiếu” nằm đấy để dần tặng bạn bè, thì dường như tập sách nào của Kim Chuông in ra cũng bán được, có tập như “Nửa khuất mặt người” sau khi tiểu thuyết ra mắt được 5 tháng, liền được một nhà xuất bản in lại. Bởi cái làm nên sự cuốn hút ở mỗi tập sách của anh không chỉ ở giọng nói mền mại, có duyên, nhiều khi là duyên dáng đến hớp hồn, mà còn ở cái tình ấm áp, sẻ chia, đồng cảm, và đôi khi cũng không kém phần quyết liệt, góc cạnh trong cảnh đời, tính cách và thân phận con người, với mong muốn chuyển tải sự đời của một người đến nhiều người. Nên trang viết của anh dù là thơ, truyện ngắn hay tiểu thuyết cũng đầy ắp tình người, đến cả góc khuất của nó, với lòng vị tha, nhân ái lắng đọng trong mỗi dòng thơ, trang sách.
Thành công ở nhiều thể loại, nhưng lâu nay người đọc biết đến Kim Chuông trước hết là một nhà thơ, mà nổi nhất có lẽ là thơ lục bát. Không ít người đã kết Kim Chuông với thể loại này: Lục bát Kim Chuông. Không phải vì anh có tới hàng trăm bài thơ lục bát, đã ra hẳn một tập “Thơ lục bát” (1996), mà vì lục bát Kim Chuông một mình một “chiếu”, giữa “đình làng” không “chung chạ” với ai. Thế nên lần này, khi đã ngoại “lục tuần” và có tới 25 tập sách, trong đó có 16 tập thơ, Kim Chuông vẫn làm cuộc “tổng duyệt” thơ khi cho ra tập “Và bắt đầu từ tôi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn quý 3/2014) được chọn trong số hàng trăm bài in rải rác do anh viết những năm khác áo lính, làm phóng viên mặt trận ở báo “Quân khu Ba”.
Tập thơ gồm 95 bài, trong đó quá nửa là thơ lục bát, được cấu trúc làm hai phần; phần 1 có tiêu đề “Thơ ngày lính trận” với 37 bài thơ tự do, hầu hết được viết trong những năm nhà thơ mặc áo lính; phần 2 gồm 58 bài, đứng dưới tên chung “Thơ lục bát”, có lẽ phần nhiều được viết sau khi anh rời quân ngũ, những năm thập niên 80 thế kỷ 20 đến này. Dẫu anh không ghi trên bìa hai chữ “tuyển chọn” hoặc “tinh tuyển” như nhiều người làm, nhưng với cách cấu trúc tập thơ như thế, người đọc vẫn hiểu đây là tập thơ chọn, hay thơ tuyển do chính tác giả làm. Điều đó càng được củng cố, khi tiếp tục cuộc tảo thanh trong vườn thơ Kim Chuông, với những nẻo đường khi thì êm đềm cát mịn, khi thì gập ghềnh đất gan gà, khi lại rợp bóng cây xanh, nhưng cũng có khi cỏ non rậm rạp níu kéo bước chân ai. Nhưng dù là đường đi muôn nẻo đến thế, chứ nữa, vẫn làm người đọc hào hứng đến với vườn thơ Kim Chuông. Đây là bài thơ mà nếu chỉ đọc thơ thôi, không đọc dòng tiêu đề “thơ ngày lính trận” thì có lẽ khó có thể tin thơ được viết từ ngày nhà thơ “đầu xanh, tuổi trẻ” từ giã xóm làng lên đường đánh giặc:
Gửi lại xóm làng đêm tiễn đưa
sóng quẫy vầng trăng loang bụi đỏ
nghe gió phương xa thổi dài nỗi nhớ
thoáng đọc thấy buồn vui mắt mẹ
chuyến phà dào dạt sang ngang.
Thì không phải ngày ấy, mà bây giờ ai có dịp đi xa, hẳn mỗi lần nhớ về quê hương trong lòng cũng cồn nên nỗi nhớ quê đến thế là cùng. Thơ vượt qua thời gian để đồng hành cùng người đọc .
Thơ Kim Chuông phần nhiều là thế, bất chấp thời gian, mỗi lần có dịp đọc thơ là một lần như sống lại tâm trạng, nỗi niềm không chỉ hôm qua, mà cả hôm nay. Đây là bài thơ mà nếu không có dòng ghi bên dưới “Ất Tỵ-1965”, thì người đọc dẫu tài suy đoán cũng không thể bảo bài thơ viết cách đây ngót nửa thế kỷ:
Như lật lại lòng ta những im ắng năm nào
Những gì bình thường sao hôm nay cũng nhớ
Cối gạo, vườn cau, cầu ao, gốc khế
Người ta đang yêu nghe cũng diết da hơn.
Đấy là tâm trạng anh chàng Kim Chuông ngày đầu nhập ngũ năm 1965, mà ngày nay đọc lại vẫn thấy mới, thấy gần với đời thường khi bắt gặp những “Cối gạo, vườn cau, cầu ao, gốc khế” bình dị mà như bỗng lật lại trong lòng nỗi da diết nhớ. Bởi vì thơ Kim Chuông ngay từ những ngày đánh giặc, làm thơ chỉ để “trút nỗi nhớ nhà”, thì thơ đã như cắm rễ vào cuộc sống, lấy thực tế của mình và đồng đội để tạo lập tứ thơ. Thơ nặng trĩu nỗi niềm và tâm trạng, nên từ bấy giờ, thơ anh đã mênh mang, chới với mà rất đỗi chân thực, chân tình, bình thường mà giản dị, đến không còn cách gì giản dị hơn, nhưng vẫn đằm sâu mê đắm. Đây là thơ tả một đêm yên tĩnh hiếm có trên chiến trường, anh chính trị viên ngồi làm thơ về chiến sĩ của mình:
Chính trị viên bồi hồi
mắt nhìn rất xa
đang viết dở bài thơ chiến sĩ
chưa viết được lòng nặng đầy suy nghĩ
đêm trở trăn sao chấm đỏ trời hoa
nghe đêm thở
trăng nhòa trên ngọn bút.
37 bài trong phần “Thơ ngày lính trận” được viết chân thực, mang đậm hơi thở cuộc sống người lính, tuy sống gian khổ nhưng vẫn lạc quan yêu đời, tràn đầy niềm tin và hy vọng. Tuy có 37 bài, nhưng người đọc có thể thấy ở Kim Chuông ngay từ những năm tháng chồng chất khó khăn ấy, thơ đã không như một thứ “giải khuây”, lại càng không phải để “tiêu sầu” như ở một số người, mà thực sự đã như một yêu cầu nội tại muốn được chia sẻ, được tái tạo, làm cho cuộc sống lung linh hơn. Thế nên tuy viết về thời trận mạc nhưng thơ không đi vào cái gì to tát, ồn ào đạn bom khói lửa mà cứ lặng lẽ khắc họa những nét đời thường, nếu người vô tình có khi không để ý, nhưng với nhà thơ thì lại nhìn ra vẻ lấp lánh của đời sống bình dị ấy. Đây là hình ảnh chính ủy đón khách là một “nữ thi sĩ” ngay tại chiến hào:
Hòm đạn kê làm bàn uống trà
Câu chuyện chợt ngừng vì bên ngoài súng nổ.
Còn đoạn đặc tả này thì chỉ có người trong cuộc mới vẽ được lung linh đến thế:
Trận địa chớp dồn
Quả đạn ta bay lên
Màu quả đạn màu vàng của lúa
Màu sẫm đặc của đất đồng cày vỡ
Sắc xanh lam của lũy tre làng.
Thơ Kim Chuông viết trong thời chiến hay thời bình cũng đều toát lên vẻ dung dị, dễ đọc, dễ hiểu nhưng vẫn sâu đằm và lấp lánh ánh màu chữ nghĩa.
Nếu ở phần “Thơ ngày lính trận” nhà thơ như “chớp nhanh” những gì chợt thấy, chợt đến trong cảm xúc, suy ngẫm, thì ở phần 2 với tiêu đề “Thơ lục bát” gồm 58 bài, nhà thơ đã nhào luyện đến thành tinh giữa cái chân chất của đời sống với cảm thức nội tâm một cách hết sức bình dị, đôi khi cảm giác như với lục bát, Kim Chuông động vào bất cứ cái gì cũng nảy ra thơ. Chỉ một nỗi niềm, tâm trạng tác giả thôi, anh đã có không ít hơn “nửa tá” thơ với những tiêu đề khác nhau nhưng cũng chỉ nói về mỗi cái “tôi”, như: Tôi và em, Tôi và em (2), Lại viết về tôi, Lại viết về tôi nữa, Và lại viết về tôi nữa, Tôi còn chút ấy… Và điều thú vị là ở chỗ “nửa tá” ấy đều là thơ lục bát, nhưng không bài nào giống bài nào, từ cái tứ đến kết chữ, gieo vần. Chẳng hạn hai đoạn thơ này ở hai bài kề nhau:
Em như ráng đỏ chân trời
Tôi con sóng khát tan nơi gọi tìm
Tay em phủi hạt bụi chìm
Tôi rơi xuống đất cháy lên lốc mờ
Em như tăm cá lững lờ
Tôi quăng lưới vớt dọc bờ sông trôi
(Tôi và em)
Và:
Tôi như một sợi đàn căng
em như âm hưởng đang nằm lắng im
em như một mảnh trăng chìm
cầm lên thì mất, đứng nhìn thì đau.
(Tôi và em – 2)
Thơ không chỉ dãi bày tâm trạng, mà với Kim Chuông thơ là tiếng tơ lòng mà ở đó dồn nén, chất chứa sự cảm thông, chia sẻ với những suy tư thầm kín của con người không thể gào thét giữa thanh thiên, thì chỉ nhẹ nhàng rỉ tai nhau những lời êm ái nghĩa tình. Thế nên thơ không chỉ nói một lần, trút vào một bài là hết tứ, mà đôi khi tưởng chỉ một việc ấy thôi, Kim Chuông viết tái viết hồi mà tứ thơ vẫn tuôn trào.
Có thể thấy điều ấy ở nhiều trường hợp, nhà thơ trở đi trở lại với đề tài nhưng vẫn cảm giác như anh càng viết càng hay, càng nói càng mê. Bởi thơ Kim Chuông không đi vào cái gì to tát, lý sự với đời, mà thường chỉ là những cái rất bình dị, rất đời thường, nhưng lại được diễn tả với những cung bậc tình cảm khác nhau, khi thì rỉ rả, nỉ non, khi thì thật thà như đếm, khi thì õng ẹo, thẫn thờ, lại được phết lên đó những gam màu khi đậm, khi nhạt hiện rõ nét chấm phá của đời sống, của phận người, đôi khi rất giản đơn; nhưng từ trong cái nho nhỏ, giản đơn ấy lóe sáng tình người, sự bao dung, chở che, kiểu như gạt lớp bụi mới thấy ra tấm gương trong suốt đến ảo huyền. Trong rất nhiều trường hợp như thế, tôi muốn dẫn ra những bài thơ anh viết về Thị Màu (trong tích chèo Quan âm thị Kính). Đã có tới hàng chục tác giả làm thơ về người đàn bà đa tình này, vậy mà Kim Chuông vẫn “to gan” làm tới 4 bài thơ lục bát in liền nhau trong một tập mà không sợ ai chê “nhàm”. Có lẽ với thơ lục bát, anh “canh điền” Kim Chuông không ngại đưa lưỡi cày trên thửa ruộng đã quá nhiều người cày, vì tin đường cày của mình luôn đặt đúng thớ đất trên xứ đồng màu mỡ quen thuộc của mình. Thế nên khi đọc những đoạn thơ trích ở mấy bài liền cùng viết về Thị Màu, tôi tin bạn đọc vẫn thấy cái hay, cái độc đáo trong lục bát Kim Chuông ở từng bài, chứ không hề có gì “nhàm chán”. Đây là khổ giữa trong bài “Thị Màu”:
Màu lườm, Màu nguýt nữa đi
Bão giông cấp chín chắc gì đã hơn
Bao người thèm trận, thèm cơn
Thèm danh vọng, thèm tháp son, bạc vàng
Màu thèm chút “tỉnh tình tang…
Thèm “cơn điên” cả thế gian vẫn thèm
Vị chua táo rụng bên thềm
Màu coi còn sướng hơn nghìn ngai vua.
Còn đây ở bài “Giải oan Thị Màu”:
Người đời miệng lưỡi cay chua
Tội Màu ư, cái tội thừa lửa tim
Người ta biết giấu cái nhìn
Biết đem mình tự nhấn chìm mình đi
Màu không, chả sợ qué gì
Yếm thì cứ tốc, oản thì cứ phơi
Sướng lên, bé cả ông giời
Tội thì Màu chịu! Hơn ngồi nhịn suông.
Và đây nữa, những dòng khắc họa trong bài “Anh Nô”:
Quanh năm lưng cõng nắng trời
Mặt Nô úp xuống mặt ngòi, mặt sông
Bóp đùi cho vợ Phú Ông
Sợ bàn tay bóp. Sợ lòng rối tinh
Thị Màu em mới thật tình
Màu đem lửa đốt Nô thành tro than
Ơn Màu. Ơn đến chan chan
Nhờ Màu Nô biết “thiên đàng” là chi.
Thơ hòa quyện cả cái ngậm ngùi, bi thương, hài hước nhưng lại vẫn man mác nỗi niềm, tâm trạng sẻ chia và đậm màu triết lý. Thơ Kim Chuông là thế, không đi vào cái gì to tát mà chỉ nhẹ nhàng, rỉ rả như con nhện dăng mùng bằng những đường tơ bình thường, giản dị, không có sự lắt léo, ỡm ờ, bóng loáng ngôn từ với những câu chữ lạ nhiều khi đến khó hiểu, nhưng đằng sau sự giản dị đến giản đơn lại là vẻ lóng lánh của ý tứ, câu chữ mà vừa đọc lên đã tức thì bật dậy như ánh chớp vừa lóe sáng.
Thế nhưng không phải lúc nào và ở đâu anh cũng có được điều đó, mà đôi khi do sự buông thả trong cảm xúc, vội vàng trong dãi bày, nhà thơ đã để cái tình chợt hiện át đi cái tình sâu xa, say đắm, làm cho thơ rơi vào nhiều lời mà ý tứ lại không có bao nhiêu, như ở khổ thơ này:
Ta dường như cũng si mê
Hoa xuân vây ngợp bốn bề nét trông
Ta say như kẻ “nhập đồng”
Sóng hoa, sóng lá, sóng lòng miên man
Kìa, bao “cô Tấm hội làng”
Bên hoa bỗng hóa thành “nàng Tiên hoa”
Ta làm “hoàng tử” du ca
Mải vui không muốn về nhà nữa đây.
(Đi chợ hoa xuân)
Âu đó cũng là điều khó tránh khi nhiệt tình sáng tạo và cảm xúc luôn đầy ắp trong tâm hồn nhà thơ dẫu tuổi ngoại “lục tuần” vẫn ham viết, ham chơi, và … ham tình.
C.N