Tây Tiến – Miền cảm xúc xanh xưa – Lê Va

Không phải người làm nghiên cứu phê bình văn học, chỉ bằng với tâm thức người làm thơ, lại đang được sống trong không gian Tây Tiến và nhiều lần được chạm tới vùng cảm xúc Tây Tiến, xin chia sẻ đôi điều qua bài viết mang tiêu đề “Tây Tiến – Miền cảm xúc xanh xưa”.

 

Không phải người làm nghiên cứu phê bình văn học, chỉ bằng với tâm thức người làm thơ, lại đang được sống trong không gian Tây Tiến và nhiều lần được chạm tới vùng cảm xúc Tây Tiến, xin chia sẻ đôi điều qua bài viết mang tiêu đề “Tây Tiến – Miền cảm xúc xanh xưa”.

1.Thơ Quang Dũng

Thưởng thức, nghiền ngẫm thơ Quang Dũng mà đỉnh cao là tác phẩm “Tây Tiến” là việc thường xuyên của những nhà nghiên cứu văn học, người làm thơ, người yêu thơ và bạn đọc cả nước chúng ta. Việc tổ chức gặp mặt tọa đàm để tưởng nhớ Quang Dũng – một nhà thơ tài hoa đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng cho đời nhân kỷ niệm 65 năm bài thơ Tây tiến ra đời, 25 năm ngày mất của Nhà thơ, theo chúng tôi, trước hết là một hoạt động tri ân. Song song với nó, tôi coi đây là một sinh hoạt nghiệp vụ quan trọng, quý báu của người cầm bút. Đặc biệt, chúng tôi – những người đang sống tại Hòa Bình, tại không gian Tây Tiến lại thêm một lần hạnh phúc vì may mắn được có mặt trong cuộc gặp ân tình và ý nghĩa này. Và chính thế, cảm xúc của chúng tôi một lần nữa lại trào dâng.

Ra đời trong kháng chiến 9 năm chống Pháp, Tây Tiến lúc đầu mang tên một đoàn quân tức “Trung đoàn Tây Tiến”. Trung đoàn ấy tiến về Miền Tây Bắc tiêu diệt quân địch. Rồi Tây Tiến mang tên địa danh với một không gian rộng lớn. Đó là vùng bộ đội Tây Tiến hành quân, đồn trú và chiến đấu oai hùng. Trong không gian Tây Tiến ấy lại có các địa danh cụ thể: Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát, Mường Hịch, Mai Châu, Châu Mộc…và không gian Tây Tiến vượt cả ra ngoài lãnh thổ Việt Nam đó là Pha Luông, là Sầm Nứa…mà trong bài thơ Tây Tiến, Quang Dũng đã đề cập.

Hôm nay, khi chúng ta tụ hội bên con đường mang tên Tây Tiến để cùng nhau nhớ Quang Dũng, nhớ về Tây Tiến. Nói đến Tây Tiến là nói đến Quang Dũng và nhớ đến Quang Dũng là nhớ đến Tây Tiến. Đặc biệt thi phẩm Tây Tiến ra đời cách đây tròn 65 năm. Và sau 65 năm, những địa danh mang tên Tây Tiến đã được nhân lên rất nhiều kể từ ngày Quang Dũng đưa vào bài thơ Tây Tiến của ông. Đó là con đường Tây Tiến, những tượng đài Tây Tiến, Bảo tàng Tây Tiến, cánh đồng Tây Tiến… Nhưng cao hơn cả, gần hơn cả, đi xa hơn cả, lâu bền hơn cả là Miền Cảm xúc Tây Tiến trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam, mà trước hết là đối với các văn nghệ sỹ. Miền Cảm xúc đặc diệu ấy vượt không gian, thời gian, vượt địa danh, vượt tên gọi một trung đoàn để mang tên một bài thơ – bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng. Quang Dũng đã góp phần quan trọng làm cho nội hàm Tây Tiến mở rộng hơn, thăm thẳm hơn, xanh xưa hơn bằng cả những giá trị vật thể và giá trị phi vật thể. Một cách rõ ràng nhất, Tây Tiến giữ tên tuổi Quang Dũng sống mãi với thời gian. Đến đây, chúng ta hẳn không khỏi không liên hệ tới câu nói của hiền triết: “Các vương triều thì bể dâu, còn thi cảo mãi mãi trường tồn”.

 

2. Bài thơ và người yêu thơ

Thực tế cho chúng ta thấy mỗi ngày có cả hàng trăm tập thơ được in ấn bắt mắt. Thế nhưng liệu có mấy bài thơ được người đọc nhớ hết một ngày. Nhưng, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng đã vượt qua “bão tố” và xanh tươi đến nay là 65 năm với 23.725 ngày. Trong một chốc, chúng ta khó có thể thống kê cho rành rọt những bài viết về thi phẩm này. Nhưng mỗi người, trong tâm cảm của mình lại có cách tiếp nhận riêng. Với tôi, mỗi lần nghe, mỗi lần đọc lại thấy thêm những phát hiện về Tây Tiến về thơ Quang Dũng. Lưu bám, đọng lại trong tôi bền lâu nhất là rung cảm về một “Mùa em” được gọi ra. Mùa Em ở đây là mùa xuân, Mùa Em là mùa gặt. Mùa Em là mùa lễ hội. Mùa Em là mùa tình yêu. Mùa Em là mùa cảm xúc.

Đọc Tây Tiến đến thuộc làu vẫn không hết sửng sốt khi nhận ra Quang Dũng phát hiện và gọi ra tên “Mùa Em” ngay trong những ngày gian khổ đến ác liệt của chiến tranh. Một chiến binh trong “Đoàn binh không mọc tóc” do sốt rừng chứ chưa nói đến cái chết rình rập của đạn bom quân thù mà yêu cuộc sống, yêu con người đến vậy. Bao hiểm nguy đến rợn người không ám ảnh bộ đội Tây Tiến. Nỗi nhớ Tây Tiến đến nao lòng, đến phải thốt ra lời là sự thanh bình là cuộc sống bình dị thường ngày của người miền núi: “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Hỏi có lạc quan nào bằng, tình yêu nào bằng. Đó chính là sức mạnh làm nên chiến thắng của quân đội ta, nhân dân ta. Một sức mạnh siêu việt. Và đó, chính là cái hay, cái đẹp trường tồn của thi ca.

Trong bài “Tiếng vọng của tâm thế thời đại” in trên Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam số 38 ra ngày 21-9-2013, Văn Chinh có viết “Thêm một minh chứng cho luận điểm của Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Câu thơ hay luôn có xu hướng tự bật khỏi bài. Khi đó, câu thơ có số phận riêng trong đời sống ngôn ngữ, tự sinh nở rồi tạo lập một không gian thẩm mỹ cho riêng mình.”. Mang điều này soi vào bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng thì thấy nhiều câu thơ hay tới mức tự “bật ra” khỏi bài thơ như thế. Đó là: Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa; Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc; Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm; Sông Mã gầm lên khúc độc hành; Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói… và theo tôi, tuyệt vời nhất cho cái sự hay đến tự bật ra ấy chính là câu thơ: “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”.

Có người đánh giá câu thơ hay nhất trong bài Tây tiến là “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Theo tôi, người Hà Nội, người hiểu văn hóa thanh lịch tràng an cảm nhận câu thơ “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” hay bao nhiêu thì người miền núi, người hiểu sâu sắc văn hóa miền núi cảm nhận “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” hay bấy nhiêu. Tại sao lại như vậy?

Câu thơ này không chỉ tự nó có khả năng bật ra khỏi bài mà những cụm từ trong câu thơ này cũng tự bật ra khỏi câu thơ, bài thơ “để tự sinh nở và tạo lập không gian thẩm mỹ thẩm mỹ cho riêng mình”. Đó chính là “Mùa Em”“Mùa em thơm nếp xôi”. Chắc chắn đã bao người nhắc tới “Mùa em’, tới “thơm nếp xôi”, tới “Mùa em thơm nếp xôi” khi đặt chân lên Mai Châu, lên Tây Bắc và mỗi khi nhớ về Tây Tiến hay ai đó nhắc đến Mai Châu, nhắc đến Tây Tiến. Bởi Mai Châu có “mùa em”, một mùa hư ảo. Và Quang Dũng nhận ra Mùa Em hư ảo ấy lại rất cụ thể bằng hương vị “thơm nếp xôi” thật gần gũi, thật bản sắc, thật hấp dẫn. Phải là người tinh tế và được sống, được thưởng thức nếp xôi của đồng bào miền núi Tây Bắc thì mới càng thấm thía bằng cả trực giác câu thơ này.

Trước hết, nếp mà Quang Dũng nhắc đến là nếp trồng trên nương. Sau khi dọn, đốt nương xong, bà con người miền núi, một người đàn ông đi giật lùi ngược lên đồi, dùng cây gậy dài, đầu đẽo nhọn chọc từng lỗ. Người phụ nữ đeo ớp đựng thóc giống trèo theo, tay thoăn thoắt tra hạt vào từng lỗ, chân nhịp nhàng trong tư thế hết sức chênh vênh, gạt đất lấp hạt giống vừa giữ độ ẩm cho hạt nảy mầm, vừa giữ chim, chuột khỏi ăn hạt giống. Đến mùa thu hoạch, bà con lại dùng lưỡi hái nhỏ kẹp vào lòng bàn tay để hái từng bông lúa. Vài lần lúa đã chặt tay thì buộc lại từng cum vàng mẩy. Những cum lúa được mang về chất ngất thành cây trên sàn nhà hay trên gác. Mỗi khi dùng, những cum lúa ấy được vò bằng tay rồi cho vào cối gỗ giã tay bằng chày gỗ. Một người, hai người, có khi ba, bốn người chủ yếu đàn bà, con gái cùng giã mà không chày nào nhỡ với chày nào. Tất cả theo nhịp tạo nên bản giao hưởng cụp cum hòa với tiếng vòng bạc trên tay, xà tích bên hông rung reng rộn rã núi rừng. Gạo nếp óng như bầy trứng ong được đồ bằng linh đồng, cốp gỗ trên bếp củi rực hồng. Đồ như thế mới thành xôi nếp. Còn cho vào nồi đun như nhiều nơi miền xuôi thì chỉ là cơm nếp chứ không phải xôi nếp. Khi đã chín lục bằng hơi, xôi được đổ ra mẹt đan bằng cật nứa già. Các mẹ, các em lại một tay thoăn thoắt đảo xôi cho tơi, một tay ra sức quạt cho xôi se lại. Nếp xôi vừa dẻo vừa thơm đến ngất ngây. Khi ăn, xôi nếp  người ta từ tốn dùng tay nắm từng nắm nhỏ mà tận hưởng vị ngọt ngào trong âm ỉ dẻo thơm. “Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói” là Quang Dũng nhớ thứ nếp xôi vừa đổ ở cốp ra và đang được quạt bốc hơi nghi ngút lừng thơm khắp bản, khắp mường ấy.

Địa danh Mai Châu hẳn có trước khi Quang Dũng viết bài thơ Tây Tiến rất nhiều. Nhưng rõ ràng từ khi bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng ra đời cho đến nay, cái tên Mai Châu sang hơn, đẹp hơn, thơ mộng hơn rất nhiều. Nếu nói tên địa danh là một tử ngữ đối với thơ ca thì dòng thơ trên khẳng định điều ngược lại.

3. Cảm xúc từ lời thơ tới đời thực

Là người làm thơ, tôi đã không ít lần được chạm vùng cảm xúc Tây Tiến. Lần đầu tiên được đến xã Mai Hạ của Mai Châu. Được bà con giới thiệu nơi đây bộ đội Tây Tiến đã đóng quân. Kia là cánh đồng bộ đội Tây Tiến giúp dân gặt lúa…rồi trong ngất ngây chén rượu men rừng, cảm xúc trào dâng, tôi viết bài “Thăm miền Tây Tiến”: Rượu Mai Hạ kéo tôi ngược dốc/ Toát mồ hôi Mường Lát nở hoa/ Người Mai Châu dắt tôi đi nghiêng suối Xia/ Sang gặt nếp bên đồng Tây Tiến/ Hồn Quang Dũng thơm hương/ Đêm Mai Châu/ Dưới đệm nắng/ Trên chăn mây/ Và hơi ấm tỏa ra/Từ những trận sốt rừng của “Đoàn bình không mọc tóc”. Một lần khác, trong một đêm trăng thanh như lọc, cùng gái bản, trai mường mở vòng xòe giữa núi rừng Mai Châu, cảm xúc Tây Tiến lại tràn về.

Đêm trăng ấy, tôi lại viết được một bài thơ. “Núi nâng núi/Bão lòng phiêu bạt gió thung/Nhịp thở dập dồn dỏng tai trời đất/Anh nhẹ tay nặng một cõi trăng/ Mắt em xắt núi rừng ra từng khúc/Dưới chân/Hoa cỏ may ký họa/Ta hóa trầm/Trong trăng quánh/ Mùa em”. Và bài này tôi xin từ “Mùa Em” của nhà thơ Quang Dũng làm tiêu đề. Hay nói cách khác từ “mùa em” đã bật ra khỏi câu thơ “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi” của nhà thơ Quang Dũng đến giúp tôi tạo lập một không gian thẩm mỹ mới.

Thưa bạn đọc! Và còn nhiều thu hái khác mà tôi có được được từ miền cảm xúc Tây Tiến đặc diệu, xanh xưa. Đó, theo tôi chính là sự tri ân của tôi, kẻ hậu sinh đối với Nhà thơ nổi tiếng Quang Dũng.

Hôm nay, trong không gian Tây Tiến ấm áp nghĩa tình và dạt dào cảm xúc, xin được mượn ngôn từ vụng về, thắp nén tâm nhang, gửi tới hồn thơ Quang Dũng lời tri ân chân thành nhất!

LV

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder