Rác – Luis Fernando Willy Zlata (Brazil)

P.T.Cải

VHP giới thiệu một truyện rất ngắn của  Luis Fernando Willy Zlata (Brazil) do Phạm Thanh Cải dịch qua bản Trung Văn của Fan Weixin (Indonexia)…

VHP giới thiệu một truyện rất ngắn của  Luis Fernando Willy Zlata (Brazil) do Phạm Thanh Cải dịch qua bản Trung Văn của Fan Weixin (Indonexia)…

Dịch giả Phạm Thanh Cải

Hai người chạm mặt nhau trong một hành lang công cộng, mỗi người đều xách một giỏ rác trong tay. Đây là lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau.

“Chào bà …”

“Chào ông …”

“Có phải bà đang ở phòng 610, phải không?”

“Còn ông thì đang ở phòng 612, phải không?”

“Đúng rồi!.”

“Tôi thực không biết ông chính là …”

“Chẳng phải là …”

“Xin lỗi, tôi đã mạo muội liếc qua giỏ rác của ông …”

“Cái gì của tôi?”

“Giỏ rác của ông ấy mà.”

“Ồ, …”

“Tôi thấy giỏ rác mỗi lần ông đi đổ đều không có nhiều rác lắm. Nhà ông chắc là chỉ có ít người?.”

“Thực tình tôi ở chỉ có một mình.”

“À ra thế! … Tôi thấy ông thường mua đồ hộp về dùng.”

“Đúng vậy, tôi phải tự mình vào bếp, mà tôi lại không biết nấu nướng …”

“Tôi hiểu rồi.”

“Thưa phu nhân, bà cũng là …”

“Xin ông vui lòng dùng chữ “em” để xưng hô cho nó thân mật!”

“Xin em tha thứ cho sự mạo muội của tôi, tôi cũng nhìn thấy rằng trong giỏ rác của em thường có thức ăn thừa, chẳng hạn như món nấm hoặc một món gì đó.”

“Em rất thích nấu ăn, thường làm nhiều loại món ăn khác nhau, nhưng vì em cũng đang sống một mình, cho nên thường ăn không hết …”

“Thưa phu nhân … À quên, em!  Em có gia đình không?”

“Có, nhưng gia đình em không ở đây.”

“Ở Aixibilito  Santo phải không?”

“Sao anh lại biết?”

“Giỏ rác của em có những chiếc phong bì gửi từ Aixibilito  Santo tới.”

“Vâng, mẹ em tuần nào cũng gửi cho em một lá thư.”

“Bà ấy là một cô giáo phải không.”

“Không thể tưởng tượng nổi! Làm sao mà anh lại  nghĩ thế?”

“À, tôi nhìn dòng chữ viết tay trên phong bì, tôi thấy giống nét chữ của một cô giáo.”

“Anh chỉ nhìn thấy một vài phong bì trong giỏ rác mà có thể đoán ra điều đó ư?”

“Đúng như thế!”

“Có một ngày, anh đã ném đi một bức điện đã nhàu nát phải không?.”

“Đúng thế.”

“Chắc là anh có tin gì không hay phải không?”

“Cha tôi đã qua đời.”

“Em xin chia buồn cùng anh.”

“Ông ấy đã rất già, sống ở miền Nam, đã lâu lắm rồi tôi không được gặp ông ấy.”

“Vì thế cho nên sau đó anh đã bắt đầu hút thuốc phải không?”

“Làm sao mà em biết được?”

“Gần đây giỏ rác của anh thường có các vỏ bao thuốc lá đã vò nát .”

“Đúng như vậy đấy! Nhưng tôi đã bỏ thuốc lá rồi.”

“Cảm ơn Chúa, em không bao giờ hút thuốc lá cả.”

“Điều này tôi đã hiểu, nhưng tôi lại thấy một vài vỏ lọ thuốc trong giỏ rác của em …”

“Thuốc an thần đấy. Em có uống thuốc an thần một thời gian, bây giờ thì đã ổn rồi.”

“Em và bạn trai đã chia tay nhau rồi, đúng không?”

“Chẳng lẽ điều này cũng phát hiện ra từ giỏ rác ư?”

“Trước tiên, em vứt một bó hoa và một danh thiếp, sau đó còn có vài khăn giấy nữa.”

“Đúng thế, sau đó em đã khóc rất đau khổ, và bây giờ thì mọi chuyện đã qua rồi.”

“Nhưng hôm nay lại có một vài khăn giấy nữa.”

“Em bị cảm lạnh đấy mà.”

“Ồ! Thì ra là như thế!”

“Trong giỏ rác của anh thường có tạp chí Du lịch phải không?.”

“Đúng thế, không sai tí nào. Tôi chỉ thích ở nhà, không thích đi ra ngoài, em có biết là tại sao không?”

“Ở nhà cùng bạn gái chăng?”

“Không phải đâu!”

“Tuy nhiên, một vài ngày trước, trong giỏ rác của anh, có ảnh một người phụ nữ, chị ta trông khá đẹp đấy chứ!”

“Ấy là lúc tôi dọn dẹp đồ đạc trong  tủ, tôi liền đem quẳng nó đi, chuyện đã cho vào dĩ vãng ấy mà.”

“Anh không xé cái ảnh đi, chắc là trái tim của anh vẫn có chút hy vọng cô ấy trở lại phải không?”

“Em đã phân tích giỏ rác một cách toàn diện đối với tôi.”

“Giỏ rác của anh thực sự đã làm em muốn quan tâm, em không phủ nhận điều đó.”

“Thật thú vị, có một lần nhìn giỏ rác của em, tôi nghĩ rằng tôi thực sự mong muốn hiểu về em. Có lẽ là sau khi thấy em làm thơ.”

“Cái gì cơ? Anh đã đọc thơ của em?”

“Không chỉ đọc thôi mà còn thích nữa là đằng khác.”

“Em làm thơ chả ra gì đâu!”

“Nếu em thực sự nghĩ rằng em viết những vần thơ không hay lắm thì xé bỏ nó đi. Nhưng trên thực tế, em lại xếp rất ngay ngắn.”

“Nếu em mà biết anh sẽ đọc những vần thơ ấy …”

“Tôi không nhớ những bài thơ của em, bởi vì tôi nghĩ rằng hành vi ấy gần như là trộm cắp, mặc dù ngay cả bản thân tôi cũng không rõ lắm, rác của người khác dù thế nào vẫn là sở hữu riêng.”

“Theo quan điểm của em thì không coi là như thế. Đã là rác thì là sở hữu công cộng rồi.”

“Đúng thế! Rác có thể tiết lộ cuộc sống riêng tư của của một người, có thể kết hợp các phần còn lại trong cuộc sống riêng tư của một người khác với phần còn lại trong cuộc sống riêng tư của chúng ta với nhau. Nó là chiếc cầu nối liền tình cảm, làm cho người với người hiểu nhau hơn, nó là một phần có tính xã hội trong cuộc sống chúng ta, có phải không em? “

“Đúng thế anh ạ, anh đã phân tích quá sâu về giỏ rác, em nhận thấy rằng …”

“Hôm qua, trong giỏ rác của em …”

“Cái gì cơ?”

“Nếu tôi nói không nhầm, thì trong giỏ rác của em có tôm khô.”

“Anh nói đúng đấy, em đã mua một ít tôm khô bóc vỏ rồi.”

“Tôi rất thích ăn thứ này.”

“Em đã mua về, nhưng lại không ăn …Hay là chúng mình….”

“Cùng ăn bữa tối phải không?”

“Hoàn toàn đúng như vậy!”

“Việc này sẽ làm cho em thêm rắc rối đấy.”

“Chẳng có  bất kỳ rắc rối nào đâu.”

“Sẽ làm cho phòng bếp của em lộn xộn ra đấy.”

“Không sao đâu, chỉ một lát là thu dọn gọn gàng ngay ấy mà, sau đó bỏ vào  giỏ rác mang đi đổ đi xong.”

“Lúc ấy, chẳng biết sẽ coi là rác của tôi hay rác của em?”

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder