Hiện nay, chất lượng đào tạo sinh viên ngành Ngữ văn và việc dạy học môn văn ở các trường đại học có các khoa sư phạm và ở phổ thông, (cũng như nhiều ngành khoa học xã hội – nhân văn khác), đang có chiều hướng giảm sút.
Mục tiêu đào tạo người giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở trường trung học phổ thông (THPT) đối với các khoa sư phạm ở trường đại học không chỉ là trau dồi những kiến thức khoa học cơ bản của chuyên ngành, mà đặc biệt còn phải rất coi trọng việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao tay nghề dạy học cho sinh viên. Khác với nhiều môn học, môn Văn trong nhà trường vừa là một môn học có tính khoa học, vừa là một môn học thuộc phạm trù môn nghệ thuật. Do vậy, việc dạy học bộ môn văn đối với sinh viên học ngành sư phạm Ngữ văn cũng cần có những phương pháp, biện pháp và những kỹ năng sư phạm đặc thù của chuyên ngành, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo phương hướng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở nước ta, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám BCH TƯ Đảng khóa XI đã đề ra, trong đó quan điểm “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn”(1) là một trong những mục tiêu cơ bản. Có nhiều khâu trong quá trình hình thành phương pháp và kỹ năng dạy học môn văn cho sinh viên sư phạm ngữ văn, song với bài viết này, chúng tôi chỉ giới hạn trong việc vận dụng phương pháp đọc văn và rèn kỹ năng đọc văn đối với sinh viên ngành đại học sư phạm Ngữ văn, để từ đó họ có thể thực hiện tốt việc giảng dạy bài đọc-hiểu văn bản văn học ở trường THPT.
*
Thực trạng chất lượng dạy học môn văn ở THPT và đại học hiện nay
Hiện nay, chất lượng đào tạo sinh viên ngành Ngữ văn và việc dạy học môn văn ở các trường đại học có các khoa sư phạm và ở phổ thông, (cũng như nhiều ngành khoa học xã hội – nhân văn khác), đang có chiều hướng giảm sút. Tất nhiên cần có sự khảo sát, thống kê và phân tích một cách khoa học, cụ thể. Nhưng từ thực tiễn đào tạo và có quan tâm theo dõi chất lượng dạy học bộ môn ngữ văn ở đại học cũng như ở THPT những năm qua, chúng tôi thực sự lo ngại. Một tinh thần dũng cảm nhìn nhận những tồn tại và hạn chế, bất cập trên tinh thần khoa học và cầu thị, để từ đó có giải pháp tốt hơn trong quá trình đào tạo những năm sau, thiết nghĩ cũng là điều cần thiết!
Có một thực tế là mấy năm gần đây, trong điều kiện kinh tế – xã hội chuyển biến theo xu hướng thị trường, những ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học xã hội – nhân văn ngày càng bị co hẹp về số lượng và chất lượng đầu vào tuyển sinh cũng không được như mong muốn. Những học sinh có năng lực học tập ở THPT phần nhiều đi vào các ngành thuộc khối kinh tế – kỹ thuật. Trừ một số ít học sinh khá về môn văn, còn hầu hết học sinh không có khả năng về khoa học tự nhiên mới thi vào các ngành thuộc khoa học xã hội – nhân văn, trong đó có ngành học ngữ văn! Rất ít học sinh có năng lực học văn theo ngành sư phạm ngữ văn. Nhiều học sinh không có hứng thú và yêu thích môn văn như trước đây. Học văn chỉ để “đối phó” với kỳ thi tốt nghiệp đang là một thực tế có thật ở THPT. Do đó, vốn kiến thức về văn chương của các tân sinh viên nhập trường theo học ngành ngữ văn là rất hạn chế. Trong thực tế đào tạo, nhiều giảng viên rất ngỡ ngàng khi hầu hết sinh viên ngữ văn cho đến năm thứ 3, thứ 4 vẫn không thuộc trọn vẹn nổi một bài thơ phổ biến, hay không thể tóm tắt hết một tác phẩm truyện ngắn của văn học Việt Nam hiện đại đã từng được học ở THPT. Việc dạy học văn ở phổ thông hiện nay tuy có nhiều đổi mới, nhưng thực trạng hiện tượng lạm dụng trình chiếu, cho học sinh “xem tranh ảnh” thay vì những lời giảng bình từ tâm hồn nhạy cảm và tinh tế với văn chương của giáo viên như trước đây đang diễn ra phổ biến, và được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại giờ dạy! Văn minh màn hình điện tử là không thể phủ nhận trong xã hội hiện đại. Song, trong khoa học giáo dục cần xem xét tính hiệu quả của nó đối với từng môn học cụ thể. Chúng tôi cho rằng, sử dụng phương tiện trình chiếu chỉ phù hợp với nhiều bài thuộc bộ môn tiếng Việt, và rất hạn chế đối với những bài thuộc môn đọc – hiểu văn học. Khuyến khích thái quá sử dụng trình chiếu trong dạy học văn sẽ dẫn đến thủ tiêu “chất văn” trong giờ dạy học văn. Đó là điều cần được nhận thức lại!
Bên cạnh những nguyên nhân dẫn đến việc dạy học văn chất lượng sa sút kể trên còn có sự chi phối đáng kể của các phương tiện điện tử khác (nghe – nhìn, máy foto coppy,…). Học sinh, sinh viên “ngại” đọc tác phẩm, nhất là tác phẩm dài, nhiều trang nhưng hiện nay lại rất hứng thú với các chương trình nghệ thuật “hot” màn hình tivi, game… Cũng không còn sự thích chép tay trong sổ tay văn học những bài thơ, những nhận định khoa học về tác phẩm văn chương như trước, mà thay vào đó là họ tìm đến máy foto coppy. Dù trong tay có nhiều cuốn sách hay tài liệu foto coppy thì đó vẫn chỉ là những chữ và những kiến thức “chết” trong sách, không trở thành tri thức hiện hữu trong đầu người học. Hiện tượng sinh viên chỉ học để nắm kiến thức khái quát mà “bỏ rơi” kiến thức cụ thể đang là rất là phổ biến đối với sinh viên ngành sư phạm ngữ văn. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc dạy và học của giảng viên và sinh viên. Do khung chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ số lượng mỗi học phần và số tín chỉ co lại, với mục đích nhằm tăng cường thời lượng tự học cho sinh viên, nên nhiều giảng viên ở khoa Ngữ văn đại học sư phạm vẫn có xu hướng dạy lý thuyết nhiều, mà ít quan tâm đến yêu cầu sinh viên đọc tác phẩm, nhất là yêu cầu đọc thuộc lòng, đọc diễn cảm tác phẩm văn chương có trong chương trình. Còn sinh viên ngành sư phạm ngữ văn hiện nay, một mặt như thực trạng về vốn kiến thức văn chương quá ít ỏi trước khi vào học đại học như đã nêu trên, còn có nguyên nhân sinh viên không hứng thú, say mê đọc tác phẩm văn chương. Trong bài thi viết của sinh viên, những dẫn chứng thơ văn phần nhiều sai lệch so với văn bản tác phẩm. Mặt khác, việc đọc văn của sinh viên sư phạm ngữ văn cũng còn rất nhiều bất cập, nếu chưa nói là yếu kém. Đó là những sự thật!
Giải pháp
Trong một bài báo khoa học đăng trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam năm 2013, trước thực trạng vốn kiến thức văn chương quá ít ỏi, nghèo nàn của học sinh phổ thông và sinh viên ngành sư phạm ngữ văn như hiện nay, chúng tôi đã có đề xuất, cần “tăng cường học thuộc lòng và đọc diễn cảm văn thơ”(2) trong các giờ văn của học sinh THPT và giờ thực hành rèn nghiệp vụ sư phạm của sinh viên ngành ngữ văn ở đại học. Học thuộc lòng tác phẩm thơ, thậm chí một số đoạn trong những bài văn biền ngẫu (như hịch, cáo, văn tế…) có trong chương trình học tập ở THPT và đào tạo ở đại học là một biện pháp rất hữu ích, có tác dụng tăng cường vốn kiến thức văn chương cụ thể, đồng thời nâng cao khả năng cảm thụ văn học và tư duy hình tượng cho học sinh và sinh viên ngành sư phạm ngữ văn. Không thể bằng lòng với “hành trang” ra trường của sinh viên ngành đại học sư phạm ngữ văn nếu không có một lượng kiến thức cần và đủ, trong đó có cả những kiến thức cụ thể về tác phẩm văn chương đã được “nhập tâm”, thuộc lòng trong trí nhớ! Đổi mới phương pháp dạy học không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn cái cũ bằng cái mới, mà có thể là kế thừa, kết hợp cái cũ để tạo dựng cái mới có hiệu quả hơn. Con đường hình thành phương pháp dạy học tiên tiến, hiện đại của chúng ta phải trên tinh thần là vừa tiếp thu tinh hoa phương pháp dạy học hiện đại trên thế giới, vừa biết phát huy những giá trị của phương pháp dạy học truyền thống của cha ông, trong đó có biện pháp học thuộc lòng tác phẩm văn chương trong chương trình đào tạo, học tập. Xưa, cha ông ta trước khi đến trường thi ứng thí cũng đã phải khổ công “sôi kinh nấu sử”, học thuộc lòng “thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” (thơ thuộc nghìn bài, phú thuộc trăm bài, văn sách kinh điển đọc hiểu năm chục bài) đó sao?
Trong cuốn sách Phương pháp luận dạy văn học của Z. Ia. Rez (chủ biên), phần Hệ thống các phương pháp và biện pháp dạy học văn, tác giả đã nhấn mạnh đến vai trò của phương pháp đọc văn trong dạy học văn. Dạy học văn là một hoạt động sáng tạo. Lý luận dạy học hiện đại của Z. Ia. Rez đã rất coi trọng Phương pháp tập đọc sáng tạo, trong đó tác giả nhận định: “Phương pháp tập đọc sáng tạo là đặc biệt nhất đối với văn học, với tư cách là một môn học”. Tác giả sách cho rằng: “Đọc tác phẩm nghệ thuật khác về chất so với đọc một văn bản khoa học, chính luận. Nó đặc biệt chú ý đến từ, câu, nhịp điệu, kích thích tưởng tượng hoạt động, gây xúc động tình cảm”(3). Văn chương xưa nay vẫn là câu chuyện của tâm hồn, tình cảm. Dạy học tác phẩm văn chương với mục đích nhằm phát triển trí tưởng tượng và thế giới tâm hồn, tình cảm cho người học, đồng thời biết đánh giá, thưởng thức, biết tự mình nói, viết một cách có cảm xúc. Trong Phương pháp tập đọc sáng tạo, Z. Ia. Rez có nêu một số biện pháp có tính phương pháp đặc biệt như sau: Đọc diễn cảm (lý tưởng của nó là đọc một cách nghệ thuật); đọc có bình luận; học thuộc lòng; kể sát văn bản, xem và phân tích các hình vẽ minh họa văn bản…
Như vậy là, trong lý luận dạy học văn hiện đại trên thế giới, các biện pháp: đọc diễn cảm, học thuộc lòng cũng được đặc biệt coi trọng! Giáo sư Phan Trọng Luận đã khẳng định:“Đọc diễn cảm đã trở thành phương pháp truyền thống trong các nhà trường phương Đông và phương Tây, ở Pháp cũng như ở Nga, ngày xưa cũng như ngày nay. Hiệu lực của phương pháp này không có gì đáng nghi ngờ”(4). Phải trực tiếp đọc, ghi chép tác phẩm văn học mới làm cho hình tượng ngôn từ trong tác phẩm văn học sống dậy trong tâm hồn người đọc! Sự tương đồng giữa truyền thống và hiện đại đối với phương pháp dạy học văn đã nêu trên chính là việc đọc văn để học văn. Đọc văn để tiếp thu tác phẩm văn chương từ nhiều phía: nghe, hiểu, cảm thụ, tiếp nhận và thể hiện. Các biện pháp đọc diễn cảm, học thuộc lòng tác phẩm văn chương có hiệu quả vô cùng to lớn trong quá trình dạy học văn không chỉ ở phổ thông mà còn ở cả bậc đại học. Từ đọc đúng đến đọc hay, có nghệ thuật là một quá trình rèn luyện của sinh viên ngữ văn. Đọc đúng là đọc trung thành với văn bản (không lệch chuẩn các phụ âm n/l, x/s, d/r/g, ch/tr…), không thừa, thiếu từ, ngắt nghỉ đúng nhịp và đúng dấu câu trong văn bản. Đọc hay là đọc đúng và có sắc thái biểu cảm, âm độ cao thấp phù hợp với phong cách văn bản, truyền được cảm xúc của người đọc đến người nghe. Muốn đọc diễn cảm tốt, người đọc cần học thuộc lòng văn bản. Người giáo viên văn học ở đại học hay ở THPT đều cần có một vốn kiến thức văn chương cụ thể. Học thuộc lòng và đọc diễn cảm tốt là một trong những yếu tố để dạy học văn tốt. Trong dạy học văn, nếu giảng bình là hình thức phân tích tác phẩm văn học bằng lời, thì đọc diễn cảm tốt chính là biện pháp phân tích tác phẩm qua giọng đọc! Vì thế, bên cạnh những phương pháp được xem là chủ đạo như phương pháp diễn giảng, phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp nghiên cứu,…người giáo viên văn học cần quan tâm và vận dụng nhiều hơn các biện pháp đọc diễn cảm, học thuộc lòng trong quá trình dạy học văn ở đại học. Tất cả giảng viên bộ môn phương pháp dạy học văn và bộ môn văn học cần thường xuyên yêu cầu sinh viên ngành sư phạm ngữ văn đọc diễn cảm, học thuộc lòng những tác phẩm thơ văn đặc sắc đã trở nên phổ biến trong chương trình đào tạo của chuyên ngành. Đồng thời, sau đó cần có kiểm tra kết quả cụ thể trong những khoảng thời gian cho phép của quá trình dạy học bộ môn. Trong Hội nghiệp vụ sư phạm hàng năm, các biện pháp đọc diễn cảm, học thuộc lòng sẽ trở thành một trong những môn thi có thời lượng và số người tham gia nhiều hơn. Yêu cầu nêu ra tưởng rất “xưa cũ”, song tác giả bài viết này tin rằng, nếu vận dụng tốt các biện pháp này, tính hiệu quả của nó sẽ rất cao trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học văn! Xét đến cùng, với các biện pháp đọc diễn cảm, học thuộc lòng những tác phẩm thơ văn, mục tiêu là để “lượng hóa” những đơn vị kiến thức cần và đủ đồng thời rèn luyện một trong những kỹ năng chủ yếu cho sinh viên sư phạm ngữ văn trước khi ra trường. Học văn và sau này là giáo viên dạy văn, điều đầu tiên người sinh viên sư phạm Ngữ văn, theo tôi, rất cần học đọc diễn cảm và học thuộc lòng các tác phẩm văn chương.
*
Sinh thời, giáo sư Lê Trí Viễn và giáo sư Phan Trọng Luận rất coi trọng hai biện pháp này, tự rèn luyện mình đọc diễn cảm và đã rèn luyện các thế hệ sinh viên chúng tôi cũng làm theo như thế. Đó là những biện pháp đúng mà chúng tôi, sau gần 40 năm thực tiễn giảng dạy văn chương cũng nhận thức và khẳng định được những giá trị đó của chúng!
Tìm tính hiệu quả, rèn kỹ năng và phương pháp đọc văn trong hệ thống các phương pháp dạy học văn truyền thống, đồng thời với việc tiếp thu những lý thuyết phương pháp dạy học văn hiện đại, cũng là một con đường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao chất lượng dạy học môn văn, nâng cao năng lực nghiệp vụ đối với sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn. Học thuộc lòng và đọc diễn cảm tốt tác phẩm văn chương là những biện pháp mà chúng tôi khuyến khích trong thực trạng và bối cảnh của công việc dạy học văn ở THPT cũng như ở chuyên ngành sư phạm Ngữ văn hiện nay.
Hải Phòng, tháng 4 năm 2015
N.Đ.T
TÀI LIỆU THAM KHẢO VÀ CHÚ THÍCH
1. Ban Tuyên giáo Trung ương, 2013, Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCH TƯ Đảng CS VN khóa XI, Nxb Chính trị Quốc gia, tr 28.
2.Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2013, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia về dạy học ngữ văn ở trường phổ thông Việt Nam, Nxb ĐHSP, HN, tr. 1164.
3.Z. Ia. Rez (chủ biên), 1983, Phương pháp luận dạy văn học, Nxb GD, HN, tr 53, và 4) tr 54.
4.Phan Trọng Luận (chủ biên), 2001, Phương pháp dạy học văn, tập 1, Nxb GD, HN, tr 192-193.
Địa chỉ: PGS.TS Nguyễn Đức Thuận, Giảng viên cao cấp,
Nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Hải Phòng.