Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại – thơ, Đinh Thị Thu Vân

Không có vòm trời nào trên thế gian này hay vòm trời trong tâm trí con người có thể giúp tác giả trốn được “Con ma” – Nỗi nhớ! Bởi nữ thi sĩ này, bằng tập thơ “Một ngày ta ngoái lại” đầy xúc cảm chân tình, đầy bỏng cháy đớn đau… đã đi “gieo nỗi nhớ”, gieo niềm cô đơn, gieo tình ái… như gieo mạ vào lòng người đọc,

Rồi sẽ có một ngày ta ngoái lại
Bạn bè ơi, khi ấy có còn nhau?
Cơn lốc đời đưa đẩy bạn về đâu
Ta ngoái lại tìm nhau, e mất dấu!

Ta ngoái lại tìm nhau, mong ẩn náu
Góc bạn bè yên ấm, cảm thông ơi!
Ta ngoái lại rụng rời đôi cánh mỏi
Góc bạn bè tin cậy, bớt chơi vơi…

Ta ngoái lại tìm nhau, đừng sỏi đá
Đừng dập dìu chi nữa trái tim hoang
Thôi đừng nhớ đừng quên đừng xa vắng
Xin một lần tha thứ thuở lang thang!

Tha thứ nhé, bạn ơi, ngày cay đắng
Ta quẩn quanh nuôi giữ xót xa mình
Tha thứ nhé những niềm vui không vóc dáng
Thủa yêu mê bè bạn khuất xa dần…

Rồi sẽ có một ngày, sau tháng ngày dâu bể
Chúng mình cùng ngoái lại tìm nhau
Ta nói yêu thương khi mắt đổi thay màu
Bàn tay héo cầm lâu cho ấm mãi

Trái tim héo, nụ cười xưa dẫu héo
Chỉ xin đừng tàn lụi chút niềm tin
Dẫu mong manh vụn vỡ chẳng nguyên lành
Xin hãy có một ngày nhen nhóm lại…

Chúng tôi xin mượn câu thơ: “Những câu thơ em viết mất linh hồn” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, trong tập thơ “Một ngày ta ngoái lại” của chị, do NXB Long An ấn hành năm 2005 làm tiêu đề cho bài viết này. Xin quý độc giả đọc nơi xuất thân của câu thơ trên, vì câu thơ cũng như người, nhiều khi nó cũng cần phải có đôi có cặp, nó cũng có gia đình, chòm xóm của nó, đất nước của nó là khổ thơ, bài thơ, tập thơ:

“Câu thơ nào em viết cho anh
xin vĩnh viễn đi vào kỷ niệm
dẫu mai này lòng không còn nguyên vẹn
những câu thơ em viết mất linh hồn!”

(Ru…)

Người viết bài này bị ám ảnh suốt hơn một tháng nay câu thơ thiệt hay trên của Đinh Thị Thu Vân: “Những câu thơ em viết mất linh hồn”. Đại từ Em trong câu thơ này có thể vừa là Đinh Thị Thu Vân, lại cũng có thể không phải là Đinh Thị Thu Vân. Cho nên, khi chúng tôi bàn về cái sự Em này trong bài viết là bàn về em cụ thể đã được khái niệm hoá, như một cái “Em – kép”: vừa là chủ thể – tác giả, vừa là chủ thể – tác phẩm: một “cái Em” đã được thi ca hoá, lãng mạn hoá, vu vơ hoá, ai muốn hiểu là Đinh Thị Thu Vân cũng được mà hiểu là Thu Vân mây bay gió thổi trên mùa thu trang giấy thi ca tuỳ thích. “Em” trong câu thơ trên có thể vừa là ngôi thứ nhất, vừa là ngôi thứ hai; những câu thơ em viết làm mất linh hồn em để làm mất linh hồn kẻ khác; cũng có thể là những câu thơ hồi xưa em viết cho anh nay đã mất linh hồn? Hoặc cũng có thể linh hồn của câu thơ đã mất vì anh không còn xứng đáng với thơ em nữa! Thơ hay là thơ đa nghĩa, ai muốn hiểu sao tuỳ!

Riêng người viết bài này đọc xong tập thơ của Đinh Thị Thu Vân, thấy chừng như linh hồn mình không còn nguyên vẹn, đã bị mất đi phần nào chăng? Bởi, cái giống linh hồn này lạ lắm; có khi MẤT là CÒN, mà có khi CÒN lại MẤT! Con người thân xác chúng ta thì có giới hạn, nhưng tâm hồn chúng ta thì có khi vô tận như đất trời, lại có khi ngoảnh vào nội tâm mình thấy linh hồn ta đã chỉ còn bằng giọt sương rưng rưng ngấn lệ sắp rơi. Một ngày, ta có thể bị mất linh hồn nhiều lần: đọc một câu thơ hay, thấy một bông hoa đẹp, gặp một dáng liêu trai, nhớ về một gương mặt xa xưa trong kỷ niệm, hưởng ân sủng của gió trăng… đều có thể mất linh hồn.

Đọc “Một ngày ta ngoái lại” của Đinh Thị Thu Vân, để thấy ta còn có dịp được sung sướng mà “mất linh hồn” vì hồn thơ người khác. Hạnh phúc thay, khi hồn ta có cơ duyên được trộn vào hồn người. Ngoài tình yêu nam nữ ra, chỉ nghệ thuật mới giúp chúng ta có khả năng nhỏ MỘT GIỌT LINH HỒN MÌNH như giọt sương rơi vào bông hoa linh hồn tha nhân. Xin quý vị đọc bài thơ mở đầu của tập thơ này, bài “Một nửa dường đang khuất”:

“không ai đợi tôi về sau cánh cửa
không nồng nàn không ấm áp bao dung
tôi như sống nửa đời đêm giấu lửa
một nửa dường đang khuất phía mông lung…”

Hãy đọc to lên bài thơ này, sẽ thấy nó hay hơn là đọc chỉ bằng mắt. Đọc to lên để mình được nghe âm vang bài thơ, để tai mình cùng mắt mình và mọi giác quan cùng tham dự vào hồn thơ, mới thấy nỗi cô đơn – hay là tâm hồn thi sĩ như lửa tự giấu mình trong đêm đang đòi bùng cháy cùng hồn tri âm tri kỷ. Tôi khuyên quý vị nam giới nào thấy tâm hồn mình nhiều rơm, chớ nên đọc thơ Đinh Thị Thu Vân, coi chừng lửa ở trong tro sẽ bùng lên thiêu rụi “cây rơm anh” bất cứ lúc nào! Thơ, nhìn chung phải đọc to lên mới thấm được cái hay cả hồn lẫn xác; nên người ta nói ĐỌC THƠ chứ ít ai nói XEM THƠ. Nhưng cũng có thứ THƠ dùng chỉ để xem cho biết, ĐỌC lên là giết chết ngay thơ, vì thơ này trúc trắc, không dùng hiểu mà tới được. Thơ Đinh Thị Thu Vân mỗi khi vào bài, vào câu hay, cũng là loại thơ phải đọc to lên mới thấm. Xin quý vị cùng đọc mấy câu thơ cuối bài thơ “Ngày anh trở lại”, để thấy hồn thơ trong nồng nàn cay đắng vẫn còn làm mất ngủ cả tàn tro:

“…em quỳ xuống. Ôi ước gì tất cả
chỉ là mơ, chưa trần trụi bao giờ
em chưa khóc. Anh chưa hề bạc bẽo
ôi ước gì chưa có những bài thơ…

chưa nhân chứng, em lừa em lần nữa
mang dại khờ quỳ xuống nhuốm tàn tro…”

Niềm thơ trong tập thơ này hầu như là một tình yêu ngoái lại, một đuôi mắt chiêm bao ngoái lại, ngoái lại mắt môi xưa, thân xác tâm hồn xưa để quằn quại dây dưa trong tiếc nuối, sững sờ. Với Đinh Thị Thu Vân, nỗi cô đơn là bông hoa nở trong bóng tối, là ngọn đèn thắp bằng đôi mắt biếc cuối trời, là sự chờ đợi cái không đâu, là trái tim ở ẩn trong ngôi nhà đam mê thao thức đốm sao xanh, là nhớ thương xõa ra muôn nghìn sợi tóc đêm, là im lặng của bờ môi trước bão:

“…tôi vẫn đứng một mình trong bóng tối
buồn vui ơi xa hút tận phương nào
không tất cả không cả lời gian dối
không nụ cười hờ hững cuối vành môi…

(Trong góc tối)

Thơ Đinh Thị Thu Vân mê man với sao trời vì nhà thơ thích chưng cất bóng tối thành rượu, để mời chiếc chai cô đơn uống mãi mà không chịu say. Đoá bóng tối có khi mười tám tuổi, đột nhiên nở thành hoa cúc ngày xưa, giày cao gót ngày xưa, một đoá cúc vàng biết khóc:

“…mười tám tuổi của áo vàng hoa cúc
của nắng màu nón trắng của giày cao
mười tám tuổi ai làm em lặng khóc
nước mắt này gieo mãi giọt bông cau…”

(Em mười tám tuổi)

“Một ngày ta ngoái lại” thấy ta thành cây cau thiếu nữ, giọt lệ ấy vẫn còn rớt xuống những hạt bông cau như hạt gạo trời gieo, những mùa xuân cau nở bông hay là cây cau rớt lệ, cây cau nở hết đoá dậy thì, ta vẫn còn chúm chím đoá cô đơn?

Có thể nói, thơ Đinh Thị Thu Vân trong “Một ngày ta ngoái lại” được viết với bút pháp của cơn mưa, như câu thơ rất hay này của chị: “Mưa lặng lẽ nói lời riêng lất phất” (Giữa ngày mưa). Một trời mưa ngoái lại, thấy tình yêu đã bị cái vô cùng che khuất, mưa ăn hết một trời thơ nữ sĩ, không có mưa mà trang giấy ướt mưa; mưa đi tìm ai để ướt, để tác giả tặng người đọc “Chút lạnh đầu xuân” ấm một niềm se sắt, một chút vui trong tập thơ này sao cũng chỉ là nỗi vui ngậm ngùi, hoang vắng, ngõ hầu như tình yêu sinh ra trong môi mắt vu vơ:

“…cái lạnh đầu xuân, lạnh ước ao
em chờ lâu lắm – cuối xuân nào
giữa bao tháng nắng bao ngày nắng
lạnh có khi về trong chiêm bao

se se chút lạnh vờn quanh bước
đủ để vu vơ suốt dọc đường
chao ôi nếu lạnh không về được
chắc cánh mai vàng bớt dễ thương…”

Những nhịp thất ngôn thoảng hoặc thi sĩ vân vi này chừng như là vạt sương buông tác giả choàng lên trang giấy thời ra mắt, như cô dâu mới của làng thơ Việt Nam cách đây hơn 20 năm trước? Những bài thơ đầu của Đinh Thị Thu Vân in trên tạp chí Văn nghệ Quân đội làm mê mẩn người đọc vì vẻ hồn nhiên dịu nhẹ hoa mai chúm chím dễ thương, vì nét duyên dáng, đằm sâu chân thành của nắng gió phương Nam, như thể tâm hồn sông Vàm Cỏ vừa cất tiếng tỏ tình. Người viết bài này nhớ lại chuyện nhà thơ Vương Trọng, người biên tập thơ sành điệu của tạp chí Văn nghệ Quân đội đã thuộc nhiều bài thơ Đinh Thị Thu Vân và thi thoảng còn đọc cho các bạn thơ nghe.Vạt sương khói “thuở ban đầu” này của thơ Đinh Thị Thu Vân sau hơn 20 năm, chừng như đã phôi pha trong cảm thức ngoái lại hôm nay?

Có phải “ thuở ban đầu” thơ, “thuở ban đầu” đôi lứa đã theo sông Vàm Cỏ về cuối trời, để Đinh Thị Thu Vân trồng đôi chân chim sẻ mình lên trang giấy nỗi nhớ mà khao khát điều đơn giản nhất của kiếp người, trong bài “Nhớ” hôm nay?

“…vai anh rộng để em thèm bé nhỏ
mơ một ngày yên ngủ giữa vòng tay
một ngày thôi lơi lỏng áo quên cài…”

“…em nhớ lắm những lời anh chẳng nói
em nhớ lắm bàn chân anh bối rối
những ngón buồn không nỡ bước xa thêm
anh đừng đi, em không cách chi tìm

em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ …”

Những dòng thơ chân tình, yêu thương đến đắng đót nhớ nhung này không phải dễ viết. Cái cảm thức “em thèm bé nhỏ”, thèm: “một ngày thôi lơi lỏng áo quên cài”… những thèm muốn tí con con này, tưởng chim trời cá nước cũng đạt được, cớ gì nỗi cô đơn lại làm mất linh hồn tình yêu và hạnh phúc của con người – nhà thơ trong vai trò “tôi” – “em” nơi chân trời góc biển thi ca? Trời ơi, một người đàn bà có trái tim hoa hậu, hoàng hậu thế này, thơ ca ngọt hơn nước dừa thế này, yêu đến quên mình cao cả dễ thương thế này:

“…em là tiếng thở dài những lần anh lạc bước
là nhịp tim xa xót buổi anh buồn
là ngụm nước một đêm nào say khướt
là tơ trời mong chắn hạt sương buông…”

(Sau cánh cửa)

…tưởng sinh ra để yêu và được yêu thế này, sao số phận lại đoạn đành cô lẻ như cơn mưa đi một mình qua phố?

“Một ngày ta ngoái lại” là tập thơ tình nồng cháy, một tình yêu bị thương, như vết thương góc trời mà người ta gọi là sao Mai, sao Hôm; chỉ một ngôi sao mà phải chia mình ra thành hai đốm sáng để ngắm nhau cho trời đêm bớt phần đơn độc. Cái “tôi” chủ thể – nàng thơ trong tập thơ này có thể là chính tác giả mà cũng có thể chỉ là một biểu tượng, một hoài niệm, một ban mai còn giấu trong chăn nệm chiêm bao, nơi chỉ có hoa mai và người đàn bà đối diện trong đêm giao thừa. Xin đọc 2 khổ của bài thơ “Tự chúc”:

“…thiệp này tôi viết cho tôi
khoảnh khắc mùa xuân hé cửa
tôi chúc tôi tròn giấc ngủ
đêm này, đêm nữa, đêm mai

ở một góc buồn quanh quẩn
mùa xuân lơ đãng quên về
tôi cắm một một cành mai mảnh
ước gì năm cánh đừng rơi…

Người đàn bà yêu cái tình yêu cô độc này tự xẻ hồn mình ra thành hoa mai để tự chúc mình, hay hoa mai vừa hoá thân thành “chiếc linh hồn nhỏ” (H.C.) mà rơi từ vòm trời cô đơn thi ca xuống tấm lòng tri âm của người đọc? Tập thơ này của Đinh Thị Thu Vân có phải chính là cành mai đêm giao thừa, tác giả vừa cắm lên trang sách để đón hy vọng tình yêu, cũng chính là khát vọng ĐẸP mà hồn thơ tìm thấy trong nỗi buồn sương khói? Trong đoạn thơ vừa trích, Đinh Thị Thu Vân hay là cái “EM” nhân vật, Em – thi ca, Em – lấp lửng nửa ta nửa mình đã hỏi “Anh” – người yêu, hay chàng tri âm, có thể là chàng đọc thơ, chàng hư thực biểu trưng biểu cảm biểu tình:

“Em biết trốn vào đâu cho bớt nhớ?”

Không có vòm trời nào trên thế gian này hay vòm trời trong tâm trí con người có thể giúp tác giả trốn được “Con ma” – Nỗi nhớ! Bởi nữ thi sĩ này, bằng tập thơ “Một ngày ta ngoái lại” đầy xúc cảm chân tình, đầy bỏng cháy đớn đau… đã đi “gieo nỗi nhớ”, gieo niềm cô đơn, gieo tình ái… như gieo mạ vào lòng người đọc, thì ông trời ban quả báo đó thôi: gieo gì gặt nấy! Có thể, nhà thơ đã biết cách trốn vào hồn người đọc từ lúc nào, đặng nhờ nguời đọc nhớ giúp mình bao nỗi nhớ không đâu?

Sài Gòn 2005

Theo eVan

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder