
Nhận được hai tập thơ Hoa tặng mình và Sinh nhật gió của Bùi Thị Thu Hằng tặng, tôi đọc ngay tập “Hoa tặng mình”, bài 1, bài 2, bài 3 và cứ thế đọc hết một mạch. Thật mừng tập thơ đã để lại được ấn tượng trong lòng bạn đọc!
Bùi Thị Thu Hằng – người con gái của miền quê biển đầy nắng gió mặn mòi. Dẫu vất vả lo toan với cơm áo, gạo tiền để phát triển kinh tế gia đình, chị vẫn dành cho mình một khoảng trời riêng trong tâm hồn người đàn bà nhỏ bé để từ trong sâu thẳm, âm thầm, lặng lẽ, tích tụ hương sắc tựa như đóa hoa đồng nội, hay như những hạt phù sa đắp bồi năm tháng… làm nên những đứa con tinh thần của riêng mình thông qua cảm xúc thi nhân. Phải chăng với chị, văn chương là hơi thở của cuộc sống, văn chương đi tìm cái Chân-Thiện-Mỹ và giá trị nhân bản, nhân văn của con người!?
Bùi Thị Thu Hằng thuộc cây bút thơ trẻ xuất hiện khá sớm. Chị hăm hở, say mê học hỏi, lao vào con đường văn chương không biết mệt mỏi từ những thập niên đầu thế kỷ 21. Lúc đó, các CLB thơ trong thành phố còn rất ít. Chủ yếu có CLB thơ Cung văn hóa lao động hữu nghị Việt Tiệp, mỗi tháng sinh hoạt một lần vào buổi tối. Thu Hằng ở xa thành phố, từ Kiến Thụy vào mấy chục cây số. Có những đêm mưa rét, chồng chở vợ tới CLB rồi đợi ở ngoài chờ đón về. Thế mới biết văn chương có sức hút kì diệu tới mức nào!
Thơ Bùi Thị Thu Hằng gom những năm tháng cuộc đời trải nghiệm trước những buồn vui, hạnh phúc đời thường, từ tình yêu đôi lứa, bạn bầu, gia đình, quê hương, đất nước… Chị yêu thiên nhiên bốn mùa hoa trái, yêu miền quê nghèo lam lũ, yêu những miền đất đã đi qua… Tất cả lắng lại, dồn nén cảm xúc viết lên những dòng thơ đầy nỗi niềm tâm sự.
Từ cảnh đẹp thiên nhiên, ta hãy đi cùng chị qua những miền đất để được gặp những con người, những cảnh vật… Cảm xúc suy tư, trăn trở, dồn nén từ trái tim rung động chân thành, sâu sắc, tình yêu thiên nhiên hòa đồng giữa con người với vạn vật: “Hương trầm cháy rụng lòng tay/ Kẻ đi người ở ngàn cây nghẹn lời” (Đến Khe Sanh); “Cồn Sa Vĩ gió mệt nhoài/ Sương đừng buốt dấu chân ngoài đại dương” (Hoa sương rồng Sa Vỹ); Hay: “Miền quê dẫn dụ bước chân/ Hoa chen trên đá lá gần mây xanh” (Về Tràng Kênh); Hoặc: “Cha hình núi Đối kiên cường/ Mẹ dòng Đa Độ khiêm nhường bao dung” (Về Dương Kinh) . Một chút buồn man mác, bâng khuâng nuối tiếc tuổi xuân cứ trôi dần vào năm tháng: “Tuổi trời tuột nhói lòng tay/ Xác tờ lịch cuối mỏng bay trắng chiều…” (Tờ lịch cuối) . Và đây, chỉ có tâm hồn thi sỹ mới đổ được rượu vào trăng để say đắm, để uống cạn hết mình: “Bến nghiêng đổ rượu vào trăng/ Ngả tôi lại phía sóng dằng dặc khơi” (Hoa gạo ở vạn chài). Có lúc thả hồn với trăng gió cỏ cây “Gió qua ngọn cỏ gió lành/ Nắng phơi trên cỏ nắng thành dịu êm” (Dỗi hờn với cỏ). Trong thẳm sâu nỗi buồn bâng khuâng da diết, một nỗi nhớ mông nung khát khao chờ đợi: “Nương nhờ cõi tạm bao lâu/ Sao không nỡ sống vì nhau một lần?” (Ru nỗi buồn); “Tang tình chưa kịp trả vay/ Tháng năm khuyết một vòng tay ai chờ” (Bởi yêu ngọn gió đồng trinh). Chỉ có thi sĩ mới có nỗi buồn lãng mạn và sang trọng như thế này: “Giấc mơ khép lại đắng cay/ Phố căng nưng nức tháng ngày thanh tân” (Nhịp cầu bình minh); Hay: “Anh đem cánh hoa trao em? Ủ thành phố vào túi ngực/ Vầng trăng hồng/ Giọt sương hồng/ Hơi thở cũng hồng” (Mùa phượng). Cũng có lúc suy tư trăn trở trước nhân tình thế thái “Thảo dân lá rụng sân đình/ Tuần trăng theo sãi ăn rình vận may…” (Viết ngày tiễn ông Táo về trời). Tình yêu dành cho cha mẹ trong các bài: “Chôn chiếc điếu cày”, “Khóc chiếc điếu cày”, “Ơn mẹ”…
Trong dòng chảy thi ca đương đại, nhiều cây bút trẻ đam mê đổi mới với phong cách thơ cách tân. Riêng Bùi Thị Thu Hằng lại nghiêng nhiều về dòng thơ truyền thống. “Hoa Tặng Mình” có 48 bài thì có 22 bài thơ lục bát. Lục bát trong tập sách này thể hiện cảm xúc tinh tế, giàu sức liên tưởng, nhuần nhuyễn, ngọt đằm, trữ tình, ngôn ngữ tìm tòi, sáng tạo, hay ở ý, ở tứ, cách ví von nhân cách hóa, đạt đến tính nghệ thuật thẩm mĩ.
Tuy nhiên, trong mỗi bài, nhất là thơ lục bát, để tìm ra câu làm xương sống cho bài, câu có thể đứng riêng ra một cặp, ví như thơ hai câu thì còn hiếm. Mặt khác nhà thơ còn ít quan tâm đến đề tài tiếng nói nhà văn. Thiết nghĩ hiện nay, những cây bút trẻ có điều kiện thuận lợi hơn, được tiếp cận với công nghệ hiện đại, học hỏi được nhiều hơn… hãy đề cập đến nội dung về đời sống xã hội… để có tác phẩm tầm cỡ hơn, lớn lao hơn.
Ở tập thơ thiếu nhi “Sinh nhật gió” có 41 bài. Nhà thơ đã hóa thân vào thế giới tuổi thơ, vẽ nên một bức tranh sinh động, hồn nhiên, trong sáng đầy ắp yêu thương. Thế giới của trẻ thơ xoay quanh với những hoạt động, cảnh vật hàng ngày, với hoa lá cỏ cây trăng gió… Sự quan sát tinh tế đưa hình ảnh vào thơ thật sống động qua các bài: “Con tàu”, “Mũ bảo hiểm”, “Xe rác”, “Xe đông lạnh”, “Cảm ơn xe tải”, “Chạy thi”, “Chú heo đất”…. Ngôn ngữ trong sáng thổi vào từng con chữ, ý tưởng ngộ nghĩnh bằng ngôn từ dễ hiểu để trẻ thơ dễ tiếp cận một cách thích thú. Đọc mỗi bài tưởng như ta được trở về với kí ức tuổi thơ trong trẻo, đẹp đẽ một thời.
Với hai tập thơ vừa ra mắt, nhất là tập “Hoa tặng mình” với chủ đề phong phú, Bùi Thị Thu Hằng đã để lại những cảm xúc thăng hoa, ăm ắp nỗi suy tư, vui buồn, hạnh phúc và cả những khát khao chờ đợi, những trăn trở yêu thương… Có thể nói thơ ca đã chắp cánh cho tâm hồn chị, mà ở đó vẻ đẹp riêng luôn mở ra đằm hơn, chín hơn và tinh tế hơn.
Chúc nhà thơ Bùi Thị Thu Hằng tiếp tục gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên chặng đường văn chương.
Tháng 10/2021
N.T.T.N