Sức sống kịch Lưu Quang Vũ sau 30 năm – Hiền Đỗ

Những tràng pháo tay, giọt nước mắt, thậm chí là cảm giác “phẫn nộ” của khán giả khi xem các vở diễn chính là sự khẳng định sức sống vượt thời gian ở kịch Lưu Quang Vũ…

Những tràng pháo tay, giọt nước mắt, thậm chí là cảm giác “phẫn nộ” của khán giả khi xem các vở diễn chính là sự khẳng định sức sống vượt thời gian ở kịch Lưu Quang Vũ.

Tác giả Lưu Quang Vũ xuất hiện trên sân khấu Việt những năm 1970 – 80 của thế kỷ trước như một hiện tượng, với 50 kịch bản viết trong vòng vài năm, được các đoàn dàn dựng và giành được nhiều huy chương, hội diễn. Diễn viên – NSND Hoàng Dũng nhớ lại: “Hồi đó Lưu Quang Vũ đã cứu rất nhiều đoàn kịch, chính những kịch bản hay của anh đã kéo khán giả đến với các đoàn đang lao đao và đứng trước khả năng giải thể”. Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, được Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức trong tuần qua, đã làm sống lại không khí sôi nổi của sân khấu một thuở.

Trong kho 50 kịch bản ấy, liên hoan lần này đã dựng lại 12 vở từ chín kịch bản của Lưu Quang Vũ, trong đó có bảy tác phẩm kịch nói, một kịch hình thể, hai vở chèo, một vở cải lương và một vở dân ca kịch Huế. Tuy chưa phải là những vở xuất sắc của kịch Lưu Quang Vũ, song các vở diễn đã truyền đi những thông điệp mà kịch tác gia này gửi gắm. Sau gần 30 năm, cuộc sống đã thay đổi, song những thông điệp, những lời cảnh tỉnh trong kịch Lưu Quang Vũ vẫn rất mới.

Ông cảnh báo thói làm việc quan liêu, vô cảm của những người có quyền sinh quyền sát có thể ảnh hưởng lớn tới số phận của người dân vô tội trong “2000 ngày oan trái”. Đó là quan điểm nhìn nhận về kẻ sĩ và việc sử dụng hiền tài đất nước trong vở “Ngọc Hân công chúa”. Đó còn là thói quan liêu, đùn đẩy trách nhiệm, móc ngoặc, lãnh cảm của những người được gọi là “công bộc của dân” trong “Lời thề thứ chín”. Lưu Quang Vũ cũng đưa ra vấn đề về sự hư hỏng của giới trẻ từ 30 năm trước, và dường như ông cũng lường trước được sự suy thoái đạo đức trong quan hệ gia đình, nên đã viết “Ông không phải bố tôi” với những tiếng cười chua chát.

Nhà hát kịch Việt Nam đã thể hiện trọn vẹn những thông điệp sâu sắc, đa nghĩa trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt. Tuy nhiên, do trung thành và quá bám sát với kịch bản nên vở diễn ít có những đoạn cao trào hay những phút thăng hoa xuất thần cho diễn viên. Riêng về vai diễn anh hàng thịt, dù có nhiều cố gắng, song Quốc Khánh vẫn không thể vượt qua được cái bóng của cố nghệ sĩ Trọng Khôi khi vào vai này. Cùng dựng kịch bản “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” nhưng Nhà hát Tuổi Trẻ lại chọn kịch hình thể để thể hiện.

NSND Lan Hương là người gắn bó và có nhiều tìm tòi với loại hình sân khấu thể nghiệm này, và cho tới Hồn Trương Ba, da hàng thịt, chị đã mang tới một vở dễ hiểu, gần gũi với công chúng thông qua ngôn ngữ hình thể. Bằng sự kết hợp nghệ thuật hình thể với nghệ thuật tuồng, NSND Lan Hương có một thể nghiệm táo bạo, tạo được nhiều lớp diễn đặc sắc, như cuộc đấu tranh nội tâm của cái bản thể “hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Cũng nhờ ngôn ngữ hình thể và tính đương đại mà những thông điệp vở diễn đưa ra mang tính đa chiều, đa nghĩa hơn. Tuy nhiên, vở kịch của NSND Lan Hương vẫn nhận được những ý kiến khen chê trái chiều, đó cũng là phản ứng dè chừng thường thấy cho những thể nghiệm mới mẻ.

Nhà hát Kịch Hà Nội mang tới vở “Ông không phải bố tôi” tạo nhiều suy ngẫm về thế thái nhân tình, về sự suy thoái đạo đức, tình cảm trong gia đình. Nhưng với vở Trái tim trong trắng, Kịch Hà Nội tuy có các diễn viên tốt với thế mạnh về kịch chính luận, song do đạo cụ, sân khấu quá sơ sài nên chưa tạo được nhiều hiệu quả thẩm mỹ.

Dựng lại vở Mùa hạ cuối cùng, đoàn kịch II Nhà hát Tuổi Trẻ đã thổi hơi thở cuộc sống đương đại vào một kịch bản được viết từ gần 30 năm trước. Việc sử dụng điện ảnh như một chất liệu cho sân khấu đã tạo ra những hình ảnh đẹp cho vở diễn. Những lớp diễn với chiều sâu tâm lý nhân vật được khắc họa, các thông điệp sâu sắc được truyền tải nhẹ nhàng chứ không lên gân hay giáo điều. Chính vì thế, NSƯT Chí Trung đã nhận được giải thưởng danh giá nhất của Liên hoan– giải vàng cho đạo diễn.

Sân khấu Hà Nội lâu nay vẫn luôn trong tình trạng buồn bã, ít vở diễn, nhà hát ít sáng đèn, khán giả hiếm khi bỏ tiền ra mua vé để đến với sân khấu, mà thường chọn những hình thức giải trí khác. Tại Liên hoan các vở diễn của tác giả Lưu Quang Vũ, tất cả vở diễn đều không bán vé mà chỉ phát vé mời. Nhưng dù là phát vé mời thì trước đây cũng ít thấy các ghế trong rạp kín chỗ. Tuy vậy khi biết tin có vở diễn Lưu Quang Vũ, khán giả, kể cả người không có vé mời cũng tới mong may mắn được vào rạp. Suất diễn nào cũng đông chật cứng, khán giả ngồi đầy các hàng ghế, kín lối đi. Khi đoàn Chèo Hà Nội diễn vở Nàng Sita tưởng chừng như vỡ rạp vì quá đông khán giả, các vở Lời thề thứ chín, Ông không phải bố tôi khiến nhiều khán giả khóc òa không chút ngượng ngùng trong rạp.

Sự nhiệt tình, háo hức đó trong Liên hoan này đã cho thấy, cho dù xã hội ngày nay có quá nhiều phương tiện giải trí thì công chúng vẫn không bỏ sân khấu. Có chăng, là do không có kịch bản hay, vở diễn tốt đủ gây tiếng vang, tạo hiện tượng thu hút khán giả mà thôi.

H. Đ.

(Nguồn VnExpres)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder