Đọc tạp chí Hồn Việt, thấy có người nêu lại ý kiến của một nhà thơ, rằng bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Chuyện rất lạ, tôi nghe mà giật mình: chẳng nhẽ có chuyện người ta đã lấy thơ của một tác giả khác để gán cho Cụ Hồ hay sao?
Đọc tạp chí Hồn Việt, thấy có người nêu lại ý kiến của một nhà thơ, rằng bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Chuyện rất lạ, tôi nghe mà giật mình: chẳng nhẽ có chuyện người ta đã lấy thơ của một tác giả khác để gán cho Cụ Hồ hay sao? Tiếp theo, tạp chí có đăng ý kiến của một bạn đọc nữa, nhưng không thấy bàn gì về ai là tác giả của bài thơ. Câu chuyện đã kích thích tôi tham gia vào cuộc trao đổi, mong muốn góp phần làm rõ ngọn ngành.
Giở lại tập Thơ Hồ Chủ tịch do NXB Văn học in lần đầu, tháng 5-1967, đúng là chưa thấy có bài thơ này. Nhưng trong lần xuất bản thứ hai Hồ Chí Minh: Thơ năm 1970, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa qua đời, bài thơ này đã được bổ sung vào, ở trang 59, cùng với nhiều bài thơ mới được sưu tầm hoặc mới được Bác Hồ viết sau năm 1967. Tái bản có sửa chữa, bổ sung vốn là chuyện bình thường. Điều khó hiểu là do đâu và do ai mà dấy lên dư luận cho rằng “bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải là của Chủ tịch Hồ Chí Minh”?
May mắn là tôi đã tiếp cận được với bài viết của nhà nghiên cứu Trần Đắc Thọ. Ông cho biết, ngày 25-2-1998, được tiếp kiến nhà thơ Tố Hữu, ông có nêu ra một số câu hỏi và đã được nhà thơ trả lời, trong đó câu thứ 9, trực tiếp liên quan đến vấn đề chúng ta đang đề cập, cho biết nhà thơ nói rằng: “Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy không phải của Bác Hồ. Có lẽ bài này là của đồng chí Xuân Thủy. Bác Hồ chưa một lần đi thuyền trên sông Đáy, làm sao lại có thơ được?”(1).
Thì ra ý đó được gán cho là của nhà thơ Tố Hữu. Ý này về sau đã được một vài người khác nhắc lại, song tôi vẫn không thể nào tin! Không tin vào sự việc đã đành mà cũng không tin rằng nhà thơ Tố Hữu đã nói như thế. Theo tôi, phải chăng đã có sự lầm lẫn giữa sông Đáy ở hạ du Bắc Bộ với con sông nhỏ Phó Đáy ở Việt Bắc? Với ai, chứ với nhà thơ Tố Hữu, tôi tin rằng ông không thể nhầm. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, nhà thơ đều sống và làm việc ở ATK, dù đôi lúc có sự di chuyển, thì cũng vẫn trong tam giác Thái Nguyên – Bắc Cạn – Tuyên Quang, nhất là ở Tân Trào – Tuyên Quang, nơi Trung ương và Bác Hồ ở lâu nhất, khoảng trên 5 năm; bản thân nhà thơ cũng có nhiều kỷ niệm gắn bó với con sông Phó Đáy này.
Sông Phó Đáy (là tên trên bản đồ, phó là phụ, là hàng dưới – như sau tiến sĩ là phó bảng – có nghĩa là con sông Đáy nhỏ, còn trong đời thường, người dân ở đây vẫn chỉ quen gọi tắt là sông Đáy) phát nguyên từ vùng núi Bắc Cạn, chảy xuống Tuyên Quang, qua huyện Yên Sơn – Sơn Dương và xã Tân Trào, xuôi Lập Thạch (Vĩnh Phúc) rồi đổ vào sông Lô, cách Ngã ba Bạch Hạc – Việt Trì chừng 10km về phía bắc. Vì vậy, hình ảnh con sông gần gũi, thân thương này không chỉ gắn với thơ Bác Hồ mà cũng đã từng đi vào thơ Tố Hữu: “Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy”, “Ngọn cờ đỏ thắm, gió lồng cửa hang” – đây là hang Bòng thuộc núi đá vôi ở phía tây xã Tân Trào, có trần cao thoáng đãng, cách đường cái chừng 500m, từ cửa hang có thể nhìn ra cánh đồng làng Bòng, thấy dòng sông Phó Đáy, cho tới tận đình Hồng Thái. Các phiên họp Hội đồng Chính phủ thời kháng chiến phần nhiều vẫn diễn ra tại đây.
Giao thông ở miền núi trong kháng chiến thời ấy chủ yếu là đi bộ, cưỡi ngựa là chuyện hiếm, ngoài ra là đi thuyền, nhất là đi đêm lại càng bí mật và an toàn hơn. Con sông Phó Đáy vào mùa mưa lũ cũng khá dữ dội, nhưng vào các mùa xuân – thu thì lại trong xanh, hiền hòa, êm ả, thơ mộng. Những lần phải đi họp, nói chuyện, giảng bài… ở nơi xa, Bác Hồ thường tranh thủ đi thuyền và đi đêm. Bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy, theo Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 4(2), thì tối 18-9-1949, từ Khâu Lấu, Người đáp thuyền xuôi theo sông Đáy về huyện lỵ Sơn Dương để nói chuyện với một lớp học chính trị của cán bộ cao cấp. Trên đường đi và về, trong đêm thu, tức cảnh sinh tình, Người đã ngẫu hứng sáng tác bài thơ này. Bài thơ chữ Hán Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) viết đầu năm 1948, cũng ra đời trong một bối cảnh tương tự, ngay lúc đang đi thuyền trên con sông Phó Đáy này.
Còn sông Đáy chảy qua miền hạ du Bắc Bộ phát nguyên từ vùng núi Lương Sơn – Hòa Bình, chảy qua địa phận Hà Tây cũ (Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức – Ứng Hòa, nay thuộc Hà Nội), chảy sang đất Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định rồi đổ ra biển, là một con sông khác, lớn hơn nhiều. Nên nhớ, vào thời gian bài thơ ra đời, lực lượng kháng chiến của ta vẫn chủ yếu tập trung ở Liên khu Việt Bắc. Tuy ta đã thắng lớn trong chiến dịch thu-đông 1947, nhưng lực lượng của ta cũng sứt mẻ, đang phải ra sức củng cố cả về quân sự và ngoại giao nhằm đề phòng một cuộc tấn công mới của địch, nếu Pháp tranh thủ được sự hợp tác của Tưởng, để dưới đánh lên, trên đánh xuống, thì cuộc kháng chiến của ta có thể lâm nguy!
Có người nói: vào thời gian ấy, đồng chí Xuân Thủy có chuyến công tác tới Khu 3, từng đi thuyền trên sông Đáy và sáng tác ra bài thơ này. Theo tôi, viết như vậy là không có cơ sở. Khu 3 cũng như Khu Tả ngạn khi ấy phần lớn nằm trong vùng địch tạm chiếm, với hệ thống đồn bốt tề ngụy dày đặc, đâu phải vùng tự do để ung dung, thư thái đi thuyền, thưởng trăng và làm thơ? Hãy nhớ lại trường hợp nhà văn Nam Cao, cuối năm 1951, đi thực tế vào hậu địch để sáng tác, một đêm đang ngồi thuyền nan, vượt cánh đồng chiêm để vào vùng căn cứ thì rơi vào ổ phục kích, bị địch bắt, hôm sau bị chúng đem xử bắn ngay tại cánh đồng Miễu Giáp, 4 người cùng chôn trong một hố, trên bến Hoàng Đan, cách không xa con sông Đáy thuộc địa phận Ninh Bình.
Vậy có cơ sở nào để nghĩ rằng bài thơ này có thể là của đồng chí Xuân Thủy hay không? Xuân Thủy vốn dòng dõi Nho gia, là nhà báo lớn đồng thời cũng là nhà thơ có phong cách riêng, từng dịch bài thơ Nguyên tiêu của Bác. Ông làm thơ khá sớm, đã có thơ đăng trên các báo Tin tức, Đời nay, Suối reo, Cứu quốc, nổi tiếng với các bài như Không giam được trí óc, Trong nhà tù, Pháo nổ… phản ánh một tinh thần lạc quan cách mạng hiếm có, một thái độ ngạo nghễ trước kẻ thù, một tâm hồn đa cảm, trung hậu, giàu lòng yêu thương đồng chí, đồng bào…
Giữa thơ Hồ Chí Minh và thơ Xuân Thủy có sự khác biệt rất rõ về phong cách. Thơ Bác mang phong vị Đường, thường cô đọng, súc tích, đa số là tứ tuyệt, có một số bài dù viết theo thể lục bát nhưng đọc lên vẫn thấy âm hưởng thơ Đường, cũng chỉ 8 câu với 56 từ mà đủ cả đề, thực, luận, kết, như bài Đi thuyền trên sông Đáy này, không thể lẫn với ai được. Cũng như các nhà Nho lớp trước, thơ Bác đôi lúc cũng “tập cổ” (mượn ý hay lời của thơ cổ điển đưa vào thơ mình nhưng có đổi mới), như Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền mang hơi hướng Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế (Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền). “Yên ba thâm xứ” vốn là hình ảnh u buồn khá phổ biến trong thơ Đường (“Yên ba thâm xứ độc cô chu”, “Yên ba giang thượng sử nhân sầu”…). Nhưng khi Hồ Chí Minh viết: “Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai, nguyệt mãn thuyền” thì ý thơ đã đổi mới, sáng sủa, tràn đầy tinh thần lạc quan. Khi viết thơ Nôm cũng vậy, Người cũng “tập Kiều”: “Lòng riêng, riêng cũng bàn hoàn” là câu mượn của Nguyễn Du trong Truyện Kiều (“Niềm riêng, riêng cũng bàn hoàn”, câu 711). Hiện tượng này hoàn toàn không có ở các nhà thơ lớp sau, như Xuân Thủy.
Thơ Xuân Thủy là sản phẩm của thời “thơ mới”: tự do, phóng khoáng, tình đậm, ý sâu, không tự khép vào một khuôn khổ chật hẹp nào, ngôn ngữ giản dị, tự nhiên, rất gần gũi với đời thường. Ta hãy thử đọc lại bài Pháo nổ, viết trong nhà tù Sơn La, khi được tin cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra và bị đàn áp:
Pháo đã kêu to một tiếng “đùng”!
Hỡi ôi, xác pháo đã tan không!
Dẫu cho thân pháo không còn nữa,
Nhưng đã tung ra vạn sắc hồng(3).
Cũng là tứ tuyệt, nhưng không còn niêm luật gì của Đường thi nữa.
Nếu như bài Đi thuyền trên sông Đáy đích thực là của Xuân Thủy bị NXB Văn học chọn nhầm, đưa vào Hồ Chí Minh – Thơ, xuất bản lần 2 năm 1970, thì chắc Xuân Thủy trước sau cũng phát hiện ra và sẽ có ý kiến cải chính, vì ông còn sống đến 15 năm sau đó nữa mới qua đời (1985). Có điều, trong bài thơ trên, có một câu mà Xuân Thủy chắc chắn không thể viết, đó là câu:
Lòng riêng, riêng những bàn hoàn,
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Câu thơ đó phản ánh tâm tư của vị lãnh tụ tối cao của cuộc kháng chiến, đang trăn trở suy nghĩ, tìm giải pháp để hoàn thành trách nhiệm được lịch sử và dân tộc giao phó. Năm 1949, Xuân Thủy mới là chủ nhiệm báo Cứu quốc, đến Đại hội II 1951 mới được bầu là ủy viên Trung ương dự khuyết. Nếu còn sống đến năm 1998, biết có người gán ý thơ này cho mình, tôi chắc ông sẽ giãy nảy lên và kiên quyết phản đối, coi đó như là một sự “phạm thượng” đối với Bác Hồ!
Là một bạn đọc của Hồn Việt, thấy vấn đề tạp chí gợi ra đáng được trao đổi, tôi mạo muội nêu ra vài ý kiến nông cạn. Mong muốn của người đọc là mỗi khi các học giả công bố một vấn đề gì mới và quan trọng thì nên luận giải đến nơi, với luận cứ, luận chứng đầy đủ, giúp độc giả nhận thức sáng tỏ, cặn kẽ bản chất của vấn đề, nếu không người đọc có thể được hỏi: xới lên một vấn đề quan trọng như vậy rồi bỏ lửng, liệu có ích gì?
_____
(1) Vào Google, Xem: Trần Đắc Thọ, “Những điều ta chưa biết về Ngục trung nhật ký cũng như về quá trình dịch thơ Ngục trung nhật ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
(2) NXB Chính trị Quốc gia, xuất bản lần 2, tr.348-349.
(3) Bài thơ này, về sau tác giả có sửa lại, nhưng tôi vẫn trích theo trí nhớ như bản in đầu, vì muốn tôn trọng tính lịch sử của bài thơ.
Mấy lời thưa lại GS Song Thành
Hồn Việt (số 73, tháng 9-2013 và số 103, tháng 5-2016) đã có đăng về vấn đề tác giả bài Đi thuyền trên sông Đáy này.
Nay xin tóm lại như sau:
1. Cái thiết chứng mà chúng tôi dựa vào để nói bài thơ ấy không phải của Hồ Chủ tịch là: trong lần in Thơ Hồ Chủ tịch năm 1967 (in 101.200 bản, NXB Văn học) do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn bản thảo, nhờ đồng chí Trường Chinh in hộ, thì không có bài thơ ấy. Vậy là sao? Tức là bài thơ ấy không phải của Hồ Chủ tịch nên Người không đưa vào. (Tư liệu do PGS-TS Đặng Việt Bích, con trai cố Tổng bí thư Trường Chinh, cung cấp).
2. Đây là bài thơ mà Tố Hữu, Khương Hữu Dụng (và cả tôi) đều cho rằng nó không phải của Hồ Chủ tịch. Vì nó dở. Từ ngữ, giọng điệu… đều không phải của Người, “Bỗng nghe cót két tiếng chèo thuyền nan” là một câu thơ… dở. Hồ Chí Minh không làm thế! “Lòng riêng riêng những bàn hoàn/ Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng”, nghe như giọng thơ của một cụ nhà Nho yêu nước nào trước 1945. Còn với Cụ Hồ, năm 1947 đó đã là năm đất nước ta độc lập rồi và đang kháng chiến để bảo vệ nền độc lập ấy, cái năm “Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió – Tiếng kèn kháng chiến vang dội non sông…”. Làm gì còn “bàn hoàn” (một từ cổ có trong Truyện Kiều, có nghĩa là vấn vít), còn lo “khôi phục giang san”! Lo là lo kháng chiến chứ! Lo “Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!”… Khí thế bừng bừng chứ sao lại có vẻ một mình hiu quạnh thế!
Nghệ thuật thơ Cụ Hồ trác tuyệt. Hãy đọc những câu thơ làm những năm đó: “Khán thư sơn điểu thê song hãn/ Phê trát xuân hoa chiếu nghiễn trì” (Xem sách chim rừng vào cửa đậu/ Phê văn hoa núi ghé nghiên soi) hay “Sơn lâu chung hưởng kinh thu mộng/ Chính thị Liên khu báo tiệp thì” (Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu/ Ấy tin thắng trận Liên khu báo về). Đó là những câu thơ hay ngang thơ Đường – Tống. Làm sao Cụ có thể làm một bài thơ xoàng như Đi thuyền trên sông Đáy được?
3. Sau lần in Thơ Hồ Chủ tịch đó, sau khi Cụ mất, một số lần in đưa bài thơ Đi thuyền trên sông Đáy vào, thế là người ta cứ tưởng đó là thơ Hồ Chủ tịch thật, tha hồ bình tán, ra đề thi, giảng ở sách nhà trường phổ thông. Mấy năm gần đây, do sự lên tiếng của chúng tôi, việc này bớt hẳn, thôi hẳn. Khoa học văn bản (textologie) đã có tác dụng.
4. Có một điều GS Song Thành dẫn ra từ Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, thì tư liệu đó không lấy gì làm chắc, vì Biên niên làm sau này, thấy có bài thơ ghi là của Hồ Chủ tịch, thì có tư liệu đó. Chứ bây giờ bài thơ đã không phải của Cụ, thì tư liệu đó đáng ngờ, nên sửa lại.
Mấy lời thưa lại, xin GS Song Thành xét cho.
MAI QUỐC LIÊN