Sống và chết – Ngọc Châu

Vòng luân hồi thứ ba này nếu có, có khi chúng sẽ chịu nhận một chiếc bớt đánh dấu ở đâu đó để được đầu thai thành con nguời thời thuợng – sống dai, có vị thế đè đầu cuỡi cổ đồng loại, đặc biệt là biết cách bám dai và sẵn sàng tung hê những điều giả dối đã cũ rích để lừa bịp thập vạn chúng sinh. Chúng sẽ chọn cách nào đây? Hỡi đức ngài Mã Minh?

Vòng luân hồi thứ ba này nếu có, có khi chúng sẽ chịu nhận một chiếc bớt đánh dấu ở đâu đó để được đầu thai thành con nguời thời thuợng – sống dai, có vị thế đè đầu cuỡi cổ đồng loại, đặc biệt là biết cách bám dai và sẵn sàng tung hê những điều giả dối đã cũ rích để lừa bịp thập vạn chúng sinh. Chúng sẽ chọn cách nào đây? Hỡi đức ngài Mã Minh?

Một dải sáng nhỏ  bay lên không trung, rời bỏ thân thể bẹp dúm và gẫy nát cạnh một đống gì đấy cũng bẹp dúm nhưng phi nhân thể. Phía dưới kia vẫn hỗn độn, điên loạn nhưng đã mất các đường nét và màu sắc, chỉ còn là một hình khối vô định hình, hối hả di chuyển rồi mờ nhạt  đi rất nhanh. Dải sáng – bay lên từ một kiếp người vừa kết thúc – vặn vẹo, lung linh như đang ngơ ngác. Lờ mờ đâu đó trong tiềm thức, tụ dần thành một quầng sáng màu da cam, rằng có việc gì đó đang lặp lại. Là lần thứ hai. Lần truớc cách đây chừng 30 năm. Còn truớc nữa, truớc nữa là cái gì nhỉ?

Vầng lửa không gợi ra một hình ảnh gì thêm. Chẳng lẽ tất cả mới chỉ bắt đầu từ lần hiện hữu trong thế giới này để kết thúc bằng cái chết ba mươi năm trước đây hay sao? Nhưng vầng sáng màu da cam đã biến hình, nhiều hình ảnh và màu sắc liên tục chuyển hoá, không ấn tuợng, không liên hệ và ghi nhớ dù có vẻ quen quen. Nó cứ bay lên cao, cao mãi thoát khỏi thế giới hỗn loạn, ồn ào, nhưng đã thành xa vời và vô nghĩa với quầng sáng màu da cam, lúc này là tiềm thức duới dạng một linh hồn.

Không còn khái niệm về thời gian. Mông lung, vô định cho đến lúc khối tròn màu da cam thu nhỏ. Nó càng nhỏ lại thì tiềm thức càng trở nên rõ ràng, ý tưởng bắt đầu có hình nét. Dải sáng đâu rồi nhỉ? Có lúc như  ở bên trong cục tròn, lúc ở bên ngoài. Nhưng quá khứ  cứ dần dần tái hiện, càng lúc càng rõ ràng mạch lạc…

Một đứa bé sơ sinh nằm cạnh mẹ nó trong phòng sản. Đôi mắt như hai hạt nhãn non ngơ ngác nhìn cuộc đời lần đầu tiên. Nhưng  những đôi mắt tưởng như vô tri đó, vào hai lần trong cuộc đời một con người – lúc lọt lòng và lúc khép lại giã từ cuộc sống – có thể thấy được điều mà những đôi mắt có hồn không thấy được. Đôi mắt đó đang nhìn thấy người bố cúi xuống nó, con người có cái bớt trên má  quen thuộc, đã gây những ấn tượng mạnh từ  thủa hỗn mang nào đó trong tiềm thức tích tụ từ lúc nó chưa được sinh ra trên cõi đời. Chỉ trong một thoáng thôi, trước khi các bà mụ phủ tấm màn bảo hộ vô hình để nó bắt đầu một cuộc đời như mọi đứa bé sơ sinh khác.

Cuộc đời có khi dài lê thê, có khi rất ngắn ngủi. Có những cuộc đời bình lặng đến mức cả lúc nó tồn tại và không tồn tại chẳng gợi cho các sinh linh khác một ấn tuợng gì, chỉ đơn giản trôi qua như kiếp sống của loài kiến không biết cắn. Nhưng cũng có kiếp sống ngắn ngủi mà hung tợn, gây tổn thất đáng sợ cho những gì  quanh chúng.

Một loạt những hình ảnh không rõ nét chập chờn diễu qua truớc trái cầu màu da cam, quen  nhưng không kịp gợi nhớ, thoáng một cảnh thằng bé đã mười tuổi ngồi sau lưng ông bố to béo, bệ vệ trên chiếc xe máy bóng loáng  vượt qua hàng loạt những đứa bạn, đeo cặp sách chạy bộ chân sáo hoặc ngồi sau xe đạp khung dựng của bố mẹ chúng. Thằng bé chọc ngón cái vào lỗ mũi, vẫy các ngón còn lại nửa trêu chọc, nửa khinh thuờng đám bạn bè đang thèm thuồng ngó theo.

Hình như không có gì đáng gợi nhớ vì mọi hình ảnh đều mờ nhạt, chỉ đôi lần rõ nét hơn với một vài truờng đoạn, lúc ông bố có chiếc má bớt với khá nhiều tuỳ tùng bệ vệ đến nói chuyện ở một nơi rất đông trẻ con, người lớn. Hình nhân đó gân cổ, khoa tay, nói những gì đó để mọi người phía duới vỗ các bàn tay vào nhau. Thằng bé đứng một mình  ở duới cùng, quanh nó có một hình nền mờ- có lẽ tái hiện từ  một vòng luân hồi xa lắc nào đó – cảnh Mã Minh* thuyết giáo và thằng bé trong hình dạng một con ngựa  đang nghểnh cổ nghe, quên ăn cỏ.

Nhưng nó đã trở lại là thằng bé, đang cố nhảy lên xé một dải giấy trên tường để làm diều. Một hình nhân đeo kính chạy đến, trố mắt nhìn dải giấy te túa chỉ còn mấy chữ “HÃY SỐNG VÀ LÀM VIỆC NH ..” trong khi nó đã tót  ra ngoài sân trường. Thêm vài cảnh đứa nhỏ ấy đang lắc trong sàn nhảy. Nó đuợc cưng chiều, sung sướng hơn những đứa cùng tuổi khác và luôn coi đó là việc mà những người đẻ ra nó phải làm. Nhưng không hiểu sao thằng bé thường khinh miệt ông bố, người có chiếc bớt trên má, trong những giấc mơ.

Đáng ghi nhớ nhất có lẽ chỉ ở cảnh dữ dội cuối cùng: nó đang ngồi trong chiếc xe bóng loáng đến chói mắt, dẫn đầu một tập hợp hỗn độn các chiếc xe tương tự, luồn lách  phóng như điên dại giữa phố phường và kết thúc bằng những cú tông liên tiếp cho đến khi tất cả đều trở thành dúm dó.

Trái cầu tiềm thức màu da cam bỗng toé vụn thành những đốm bay tung như đom đóm. Một cuộc đời đã kết thúc sau hai mươi năm. Ngắn ngủi, hoàn toàn vô ích so với cả loài kiến không biết cắn, vì con kiến hèn mọn còn giúp cho việc sử lý những thứ sẽ trở nên thối tha cho môi truờng chung của các sinh linh. Cuộc đời của người trẻ tuổi này sao mà hung tàn, độc hại, đáng sợ hơn một con chó điên nhớt nhãi lòng thòng, lao vào cắn xé nhân quần trong cơn dãy chết?!

Xuất hiện một vầng sáng khác, đậm đặc và thu nhỏ dần thành một khối hồng. Trái cầu mầu hồng càng thu nhỏ thì tiềm thức càng trở nên rõ ràng, ý tưởng lại bắt đầu có hình nét…

Một thằng bé nằm trong rổ tre, phía bên kia là chiếc sảo cũng bằng tre, tùm hum một bó chăn chiên với vải sồi rách. Hai thứ ở hai đầu quang treo, trên vai một người đàn ông vừa chạy vừa vấp, theo sau là một người đàn bà xách chiếc lồng tre có mấy con chó con, quáng quàng chạy theo chồng cùng con chó mẹ đang rít lên ăng ẳng. Xa nữa là những hình nhân cao to, vừa hò hét vừa chĩa súng bắn tung toé khắp nơi.

Người đàn ông chợt vấp mạnh, hất đôi quang gánh có thằng bé đang khóc thất thanh xuống ruộng, ông ta ngã sấp, há mồm, ngọ ngoạy rồi không động cựa nữa. Thằng bé quá sợ, tiếng khóc tắc thành cục trong cổ họng trong khi mấy con ngoáo ộp to lớn xé quần áo người đàn bà, chúng xúm xít làm việc gì đấy trên thân hình trần trụi của bà ta. Đứng lên sau cùng là một thằng người đen thui, hai  đùi như  hai cây chuối hột. Truớc khi chạy theo những đứa kia, thằng người đen còn chĩa một tiếng nổ đoành vào con chó mực. Con Mực văng xuống ruộng lúa nhưng vẫn cố nhỏm lên quào quào hai chân truớc về phía mấy con chó con rít ăng ẳng trong chiếc sọt tre méo mó…

Một loạt những hình ảnh không rõ nét chập chờn diễu qua truớc cục tròn màu hồng nhạt rồi lại thấy một thằng bé rất quen khoảng năm sáu tuổi đang đứng túm chặt váy mẹ giữa một đám đông  đàn ông đàn bà, trẻ con. Có mấy tấm cót quây như những chiếc nơm to, từng người phụ nữ rụt rè tiến lại gần. Mẹ thằng bé kéo nó đi thẳng tới chiếc nơm gần nhất,  nhấc phăng chiếc nơm quây bằng cót, xốc một người lạ chỉ còn một chân một tay đứng lên trong tiếng trống gõ bung bung, tiếng hoan hô kêu gào của mọi người. Về sau thằng bé gọi người thiếu chân tay ấy là bố, rất quý người ấy nhưng lúc đó nó đang mải nhìn người ta xúm vào quanh một chị còn rất trẻ, rất quen với nó. Chị ta vừa rụt rè nhấc chiếc nơm khác để lộ ra  một anh bộ đội không còn chân nào, mắt cũng không nhìn thấy gì. Có những tiếng ồ, à xen trong tiếng vỗ tay hoan hô. Chị rất quen này sững người trong giây lát rồi đột ngột mím môi, gạt mọi người ra. Chị  cúi xuống xốc anh thương binh đó lên lưng, cõng anh ta đi thẳng một mạch vào chiếc ngõ nhỏ giữa hai bờ tre và mây gai góc. Có vài ba người đàn ông, đàn bà ôm mấy cái xoong nồi  từ trên chiếc bàn phủ giấy đỏ tất tả chạy theo sau. Hình ảnh lại mờ đi, chỉ còn lắt lẻo một dải giấy trắng có hàng chữ đỏ tuệch toạc “Nhiệt liệt hoan nghênh CHỊ EM PHỤ NỮ LÀNG TA TÌNH NGUYỆN NHẬN THƯƠNG BINH LÀM CHỒNG

Hình ảnh nhận thức được tiếp theo là một anh bộ đội trẻ, quen đến mức như hoá thành bản thân khối cầu màu hồng. Anh ta cùng một đồng đội nhảy lên khỏi chiến hào xả đạn từ các khẩu liên thanh vào lưng những hình nhân chạy ở phía truớc, trong khi người thứ ba trong tổ tam tam- có chiếc bớt trên má- vẫn ôm đầu nằm nép ở bên dưới. Bọn hình nhân này cũng to cao như ở hình ảnh lũ ngoáo ộp đã bắn vào người đàn ông và con Mực, nhưng lúc này chúng đang chạy trốn và người bắn xả vào lưng chúng chính là thằng bé- cao lớn trong bộ quân phục với chiếc mũ tai bèo vắt vẻo.

Cục lửa màu hồng rung rung khiến các hình ảnh loãng ra, diễn ra nhanh hơn, vẫn có vẻ quen thuộc nhưng khó gợi nhớ tới điều gì. Rồi thấy hàng loạt hình nhân bắn nhau xối xả truớc một khu building lớn. Thằng bé-bộ đội  hiện ra rất rõ, nó phụt một loạt lửa đạn vào các khối thép chạy trên bánh xe và các hình nhân mặt mày méo mó đang  quăng súng bỏ chạy, rồi cầm cây cờ đỏ leo lên đỉnh qua các bậc thang sắt quanh một tháp nước… Một khối lửa như trái đạn súng cối bùng lên khiến thằng bé loạng choạng rơi xuống, bay bay như một chiếc diều giấy. Thấy rất rõ người có chiếc bớt trên má đang run rẩy nép ở dưới chân tháp, chính là người ôm đầu nằm dưới hào khi thằng bé bắn xả vào lưng những hình nhân to cao chạy trốn..

Sau đấy còn thoáng qua một cảnh đông người trong không gian lớn đỏ vàng màu cờ, hoa. Quen quen như một hội nghị tuyên dương công trạng anh hùng, dũng sỹ… rồi như một đoạn phim quay chậm thấy hiện ra con người lùn, hơi mập, có chiếc bớt trên má đang buớc lên bục để người ta cài vào ngực những thứ gì đó với bộ mặt phèn phẹt, hớn hở.

Quả cầu hồng  lại vỡ vụn thành những tia lửa nhỏ. Con người tiền kiếp cũng đã kết thúc cuộc đời ở tuổi hai muơi. Anh hùng, hy sinh và rồi lặng im nằm mãi trong đất lạnh.

Trong hư  vô cả hai trái cầu chợt cùng chập chờn hiện ra, chúng hoà vào nhau thành khối mới, không định đựơc sắc màu vì luôn đổi thay. Chúng sẽ vẩn vơ trong thinh không để rồi chịu cảnh hồn phi phách tán, hay một ý chí tối cao nào đó muốn chúng tiếp tục xoay vòng theo những qui luật luân hồi và nhân quả?

Vòng luân hồi thứ ba này nếu có, có khi chúng sẽ chịu nhận một chiếc bớt đánh dấu ở đâu đó để được đầu thai thành con nguời thời thuợng – sống dai, có vị thế đè đầu cuỡi cổ đồng loại, đặc biệt là biết cách bám dai và sẵn sàng tung hê những điều giả dối đã cũ rích để lừa bịp thập vạn chúng sinh. Chúng sẽ chọn cách nào đây? Hỡi đức ngài Mã Minh?

2005

N C

 

  • Mã Minh ( Asvaghosa) là ông tổ thứ 12 của Phật giáo Ấn Độ. Lần ông thuyết pháp  cho quí tộc Bắc Ấn, lôi cuốn đến mức có 7 con ngựa bị bỏ đói năm ngày cũng không ngó đến cỏ mà ngẩng đầu lắng nghe (loài vật cũng là chúng sinh trong vòng luân hồi theo Phật lý).

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder