Xuất phát từ việc đọc lại tập thơ Lối nhỏ của nhà thơ Dư Thị Hoàn xuất bản năm 1988 – thời điểm Đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ nhất, bài viết trước hết thâm nhập vào văn bản, tìm kiếm những thực tại khác được bộc lộ hoặc che giấu, lý giải căn nguyên của những hiện diện ấy. Từ trường hợp Lối nhỏ, tiểu luận đặt ra giả thuyết về bản sắc nữ tính của thơ nữ Việt Nam sau Đổi mới với ý nghĩa như là một bước ngoặt của lịch sử thơ nữ Việt Nam.
Bản sắc nữ tính phải chăng là một “lời nói dối to lớn”?1 Trật tự của xã hội, sự an toàn của cá nhân dựa trên việc tuân thủ các chuẩn mực, các tiêu chí hợp thức phải chăng được tạo nên bởi hiệu lực của những viên thuốc an thần? Có hay không một kẻ vắng mặt đang thao túng trật tự quyền lực, tri thức quy ước bản sắc nữ tính? Sống quá lâu trong thực tại tiên nghiệm, đôi khi con người nghĩ rằng họ đang chủ động, đích thân thực hiện “phác đồ người” của mình. Kỳ thực, nỗi băn khoăn của Betty Friedan khiến câu chuyện không hẳn như chúng ta thấy: Có thật như vậy không? Có vậy thôi sao? Còn gì nữa không?2. Và chắc hẳn, đó là nỗi bận tâm của tất cả chúng ta về đời sống đang diễn ra của mình, quanh mình. Xuất phát từ việc đọc lại tập thơ Lối nhỏ của nhà thơ Dư Thị Hoàn do Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng xuất bản năm 1988 – thời điểm Đổi mới đang diễn ra mạnh mẽ nhất, bài viết trước hết thâm nhập vào văn bản, tìm kiếm những thực tại khác được bộc lộ hoặc che giấu, lý giải căn nguyên của những hiện diện ấy. Từ trường hợp Lối nhỏ, tiểu luận đặt ra giả thuyết về bản sắc nữ tính của thơ nữ Việt Nam sau Đổi mới với ý nghĩa như là một bước ngoặt của lịch sử thơ nữ Việt Nam.
1. Ký ức Hoàng Thổ
Dư Thị Hoàn là một cá nhân điển hình cho thân phận bên lề, đứng ngoài đám đông (bị đuổi ra khỏi đám đông – “Viết tặng một nhà thơ già”). Dư Thị Hoàn là ai ? Câu hỏi giúp xác lập một căn tính chủ thể nhưng lại buộc đối diện với việc phải khai quật một con người đã chết như lời Vương Oanh Nhi (tên khai sinh) thú nhận. “Hoàn” thực ra là cách đảo tự của “Oanh”. Dư là thừa, Thị là cái, Dư Thị Hoàn là cái Oanh thừa. Tại sao lại là cái Oanh thừa ? Phải chăng đó là mặc cảm tự ti về thân phận thấp kém, bị gạt ra khỏi đám đông. Cái Oanh thừa còn phản ánh tình trạng bị mất tên, sự vô nghĩa của đời sống. Sự vô nghĩa đến từ tâm trạng thất vọng trước thực tại bị phản bội: “Họ cảm thấy bị giảm giá trị và tự trách mình về mọi chuyện. Nhưng những sự buộc tội đó thực sự nhắm vào một người khác”3. Hiển nhiên, tâm lý này đồng thời ngầm chứa một tình yêu đối với chính bản thân họ lý giải cho những u buồn, tuyệt vọng, chán chường, giận dữ, lo âu,… đang âm ỉ trong sâu thẳm của vô thức. Tuy vậy, ít người biết từ câu chuyện của Vương Oanh Nhi, Dư Thị Hoàn còn có nghĩa là có đủ (dư) sức để hoàn thành. Thế nên, ngay trong cái tên ấy đã diễn ra sự giao tranh giữa mặc cảm vô nghĩa, thân phận bị gạt bỏ và ý chí khẳng định năng lực sống và vươn lên của người phụ nữ trong chính hoàn cảnh sống ngặt nghèo mà chị phải nếm trải. Sinh năm 1947, trong gia đình họ Vương4, gốc Hoa, Vương Oanh Nhi đã có tuổi thơ trong nhung lụa của một gia đình quý tộc, trí thức. Cha của Vương Oanh Nhi là chủ bút phần tin Việt ngữ của tờ nhật báo Cương Phong – cơ quan ngôn luận duy nhất của Trung Hoa Quốc Dân Đảng ở Đông Nam Á đóng trên địa bàn Hải Phòng (nay là phố Hoàng Ngân). Trong ký ức của Vương Oanh Nhi, người Tàu và người Tây ở Hải Phòng trước 1955 là những cộng đồng sống sang trọng và đủ đầy hơn người bản xứ rất nhiều5. Gia đình sống trong khu xưởng in, tòa soạn của nhật báo Cương Phong, Nhi là đứa bé đầu tiên sinh hạ trong khu toà soạn đó, được chăm bẵm và cưng chiều. Ký ức xưa cũ của người đàn bà quý phái vẫn không phai mờ, hình ảnh đứa trẻ nhà họ Vương luôn được nâng niu chuyền từ tay người này sang tay người khác. Lên 7 tuổi (1955), Hải Phòng được tiếp quản. Chính sách đối với Hoa Kiều của nhà nước đã loại bỏ những đặc ân của họ. Gia đình họ Vương dần sa sút. Cuộc sống nhung lụa chỉ còn là những tiếc nuối xa xôi. Người mẹ quý tộc của Nhi phải bươn chải bằng nghề đan len để kiếm sống. Gia sản thất tán, Vương Oanh Nhi đến trường bằng đôi chân trần, lấm láp và nứt nẻ6. Trường Kiều Trung chứng kiến những năm tháng học hành vừa vất vả, vừa đầy cố gắng của Nhi. Ở đó, có một cô gái nhỏ bị kì thị như chính số phận Hoa Kiều và cũng ở đó chứng kiến sự nỗ lực để vươn lên của Nhi. Học hết trung học hệ 10 năm, Vương Oanh Nhi tốt nghiệp trung học đạt điểm cao nhất (18 điểm – gồm 4 môn), trong hội đồng thi cấp III các trường Hoa Hán khoá 1965 toàn miền Bắc nhưng lí lịch người Hoa đã cản trở Nhi lên thẳng Đại học (Năm đó không phải thi Đại học) dù Nhi đã âm thầm chuẩn bị hành trang cho những tháng năm ở giảng đường. Không nhận được giấy báo đi đại học, Nhi xin làm công nhân – một hành động chủ động cải tạo mình để trở thành giai cấp vô sản mong sẽ được chiếu cố theo chế độ hàm thụ. Ngay cả hành động này, Vương Oanh Nhi cũng rất nhiệt thành với niềm tin xây dựng Việt Nam như là quê hương, tổ quốc của mình. Trở thành công nhân xưởng đóng tàu, đứng máy tiện, Vương Oanh Nhi là một người thợ lành nghề, được tuyên dương, sản phẩm được triển lãm. Nhi được làm đơn xin nhà máy cho đi học hàm thụ. Không ngờ một tại nạn ập đến, cô thợ tiện Nhi bị gẫy xương do máy tiện đè ngang người trên đường sơ tán nhà máy ra khỏi toạ độ bom B52 tháng 4 năm1972. Nhi mang thương tật 31% và về nghỉ theo chế độ mất sức. Sau sự kiện chiến tranh biên giới Việt – Trung (1979), làn sóng bài Hoa đã đẩy Vương Oanh Nhi và gia đình vào cảnh sống ngặt nghèo, gieo neo. Người đàn bà Hoa thôi không được làm công nhân nữa, chị chuyển sang buôn thúng, bán mẹt, chạy chợ, dệt len, may vá, cọ rửa nhà vệ sinh, thông cống, làm đủ nghề để nuôi con, nuôi gia đình trong hoàn cảnh người chồng – nhà thơ Trịnh Hoài Giang, bị ảnh hưởng tâm lý bài Hoa cũng xa lánh vợ. Những ngày tháng khó khăn đó, Vương Oanh Nhi bị Stress nặng, đến mức phải đưa vào nhà thương điên và liên tục phải dùng thuốc ngủ, thuốc an thần. Những viên thuốc nhằm kiềm chế cơn điên của Vương Oanh Nhi. Chị đập phá, la hét, diễu phố để tố cáo (chồng),… Cái tên Dư Thị Hoàn có lẽ ra đời trong bối cảnh ấy. Dù ám ảnh về hoàn cảnh thấp kém, đầu đường xó chợ của mình, nhưng vẫn thôi thúc không nguôi trong chị ý chí vượt lên để hoàn thành tất cả những công việc mà một người phụ nữ, người vợ, người mẹ thấy cần phải làm. Hơn hết, nhiệm vụ làm một con người đúng như mình mong muốn đã giúp Vương Oanh Nhi đứng vững, thành đạt, đến mức ở đất Cảng lúc ấy người ta truyền tai nhau về địa vị của chị: Nhất Lự (Lê Thành Lự – nữ Giám độc tổng c/ty xuất nhập khẩu HP – Một đối tác số 1 với nước ngoài nơi đất cảng khoảng thời điểm 1989-1995) nhì Nhi. Từ cuộc sống buôn thúng bán bưng, chạy chợ, Vương Oanh Nhi trở thành đại diện của 14 doanh nghiệp Hồng Kông, Đài Loan nhập cảnh và quá cảnh hàng hóa qua cảng Hải Phòng. Cùng với việc kinh doanh, Vương Oanh Nhi sáng tác văn nghệ, trở thành Trưởng chi hội thơ, Hội phó Hội văn nghệ Hải Phòng, Uỷ viên BCH Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng (2003-2008). Dưới thời của Dư Thị Hoàn, nhiều hoạt động văn nghệ chưa từng có đã diễn ra tại Hải Phòng (xuất bản nội san TIN THƠ, hội thảo 15 năm đổi mới, triển lãm thơ tại trung âm thành phố, tổ chức trại sáng tác…) . Điều này càng cho thấy Dư Thị Hoàn mang nghĩa là dư sức hoàn thành công việc hơn là cái Oanh thừa như chị đã tự nhận. Vương Oanh Nhi muốn làm được tất cả những gì mà mọi người có thể làm, một người đàn bà có thể làm (ngay cả là làm thơ, làm cán bộ, làm nhà quản lý, làm kinh tế,…). Ý thức rất cao về giới, nhưng không phải là giới nữ – nữ tính như những diễn ngôn xưa nay bị áp đặt. Với chị, người đàn bà trước hết là một con người, và cuộc sống mà con người ấy đang trải qua cần phải được thực hiện bằng ý chí, ước nguyện, sức mạnh, năng lượng tối đa, không ràng buộc bởi quy ước giới tính tiên nghiệm nào. Dẫu tự nhận mình là người đàn bà quái dị, khác thường, nhưng, điều chúng ta có thể thấy, đó là người phụ nữ đẹp, mang những nét quý phái, sang trọng mà cuộc sống lam lũ, cơ cực cũng không thể che giấu được.
Câu chuyện về Vương Oanh Nhi – Dư Thị Hoàn được kể bởi chính nhân vật, không hẳn là những cứ liệu cho phép một sự đoan quyết nào đó đến những gì trình hiện trong tác phẩm. Tuy vậy, sự tham khảo hay những giả thuyết có thể được nêu lên, hướng đến một đối thoại về vấn đề nữ tính, thân phận,… trước hết trong tập Lối nhỏ của Dư Thị Hoàn, sau đó là một số liên tưởng đến thơ nữ và xã hội Việt Nam đương đại.
2. Những hoài nghi trên Lối nhỏ
Có lẽ, sau 1986 một vài năm là thời điểm thuận lợi cho những lệch chuẩn ra đời. Lối nhỏ hiện diện trước hết như một quá trình trật ra khỏi những chuẩn mực – đường lớn. Lối nhỏ phô bày những ám ảnh đã hết thời và thông báo những mối quan tâm mới của con người hậu chiến mà cụ thể là người phụ nữ. Chính vì thế, Lối nhỏ có ý nghĩa như một khởi động cho quá trình tạo ra bước ngoặt. Một xã hội không có lệch chuẩn là một xã hội không bình thường. E. Durkheim đã khẳng định điều đó khi đi phân tích “tính bình thường của những lệch chuẩn”7. Lệch chuẩn duy trì cấu trúc bình thường của hệ thống. Một khi, hệ thống không còn những lệch chuẩn, nghĩa là nó đã đi đến điểm cuối cùng để thay đổi nếu không muốn tự hủy diệt. Trong thực tế, bất kỳ hệ thống nào cũng vận hành trong môi trường tương tác của những lực lượng mang tính hợp thức, hợp chuẩn và nghịch luận, lệch chuẩn. Biểu hiện rõ nhất của hai động thái này là quá trình cổ súy, lựa chọn và quá trình loại trừ, phê phán, trừng phạt. Sự may mắn của Dư Thị Hoàn và Lối nhỏ chính là ra đời trong không khí đổi mới thực sự những năm sau Đại hội VI. Bởi vậy, với nhiều biểu hiện lệch chuẩn, nó “là dấu hiệu báo trước cho thế giới ngày mai”8. Ở đây, những dấu hiệu gợi lên từ Lối nhỏ cũng chính là niềm hân hoan của những người tâm huyết với công cuộc đổi mới văn chương, nghệ thuật và đời sống. Với Dư Thị Hoàn và Lối nhỏ, đó là hiện thân của một sự kháng cự, một lựa chọn để có thể diễn dịch đầy đủ nhất bản sắc cá thể của mình.
Tri thức về nữ tính, về sự hài lòng, viên mãn trong vai trò – thiên chức người mẹ, người vợ, về vị trí tiên phong và vai trò của người công nhân, thực chất là những lời nói dối của những kẻ vắng mặt đang thao túng trật tự của các diễn ngôn, tạo dựng các thực tại xã hội. Trong một chú thích ở bộ Tư bản luận, Marx viết rằng: “những phẩm chất đích thực của người phụ nữ bị xuyên tạc và gây thiệt hại cho họ, và mọi yếu tố tinh thần tinh tế thuộc bản chất họ trở thành những phương tiện nô dịch và làm họ đau khổ”9. Người đàn bà trong Lối nhỏ nhận ra: Hãy buông xuống/ Đừng giơ bàn tay che ngọn đèn dầu/ Đừng khám phá em/ Bằng đôi mắt nấp sau bóng đêm/ Hỡi bàn tay nhân từ khôn khéo/ Xin hãy buông xuống (Ánh lửa); Bị xén hết lá/… Thật đáng thương cho ta/ Ôi giá như không có bàn tay xuẩn ngốc kia/ Trên giàn cao/ Quấn quýt bên màu xanh tình tứ/ Ta lộng lẫy mà dịu dàng biết bao (Giàn hoa giấy than thở). Kẻ vắng mặt, nấp sau bóng đêm, nhân từ khôn khéo hay xuẩn ngốc kia chính là những tri thức về vai trò, vị trí, bổn phận của người đàn ông, đàn bà – một thực tại xã hội được tạo dựng, gây nên niềm tin ở tất cả mọi người về tính hợp thức, chân lý của nó. Kẻ tạo dựng tri thức có thể là đàn ông – người ta dễ nghĩ đến điều này. Rộng hơn, như M. Foucault đã nói, đó là những người tự cho mình quyền quyết định điều gì là tri thức, chân lý. Tuy nhiên, khi chân lý là kết quả của niềm tin mù quáng, kẻ vắng mặt kia có thể chính là người phụ nữ. Người phụ nữ bị mua chuộc, bị tẩy não và lập trình lại, tự biến mình thành kẻ vắng mặt với những lời nói dối mớm thêm thuốc an thần cho giới mình: Ta – người đàn bà do đàn ông sinh ra/ Người đàn bà do đàn ông sinh ra/ Người đàn bà phục sinh từ cõi chết/ Chàng – người đàn ông sinh ra ta/ Người đàn ông bứt tung xiềng xích/ Người-đàn-bà-do-đàn-ông-sinh-ra/ Mãi chơ vơ giữa chợ đời chộn rộn/ Người-đàn-bà-do-đàn-ông-sinh-ra/ Suốt đời chống chếnh (Người đàn bà do đàn ông sinh ra – Thảo Phương); Lúc nào trong con mắt anh/ Em cũng chỉ là cô bé (Giá gì được như cô Tấm – Nguyễn Thị Hồng Ngát); Áo rét đã đan xong/ Mùa đông không trở lại/…/ Người bỏ áo đi đâu/ Lỡ một thì con gái (Lỡ một thì con gái – Đoàn Thị Lam Luyến),… Điều này đưa đến nhận thức: kẻ thù của nữ tính, nữ quyền không phải là đàn ông: “Chúng ta không đấu đá với đàn ông, mà chỉ đấu tranh chống lại những phép tắc tồi tệ”10. Thứ phép tắc tồi tệ mà Betty Friedan nói đến chính là một thứ bản sắc nữ tính được tạo dựng, củng cố đã trở thành niềm tin, thành quy chuẩn trong ý thức hệ cộng đồng. Dư Thị Hoàn viết trong ý thức rất cao về giới tính của mình. Điều này là một cơ sở quan trọng để chị tách ra, đi vào lối nhỏ, thoát khỏi những ràng buộc của quy phạm nữ tính. Ý thức giới trong sự tự chủ về bản sắc, không phải là thứ niềm tin mù quáng vào những chuẩn mực đang hiện diện: Uy lực của em/ Một vẻ đẹp không luật lệ/ Sự bất thường chen nhau về hội tụ/ Trong khuôn hình tạo hoá đúc ra em (Mai). Vẻ đẹp, sự bất thường, uy lực của em được tạo nên bởi tạo hoá, không phải bởi những kẻ vắng mặt với những viên thuốc an thần như: Tam tòng, Tứ đức, nết na, thuỳ mị, chịu thương, chịu khó, đức hi sinh, tần tảo, phụng sự gia đình, chồng con, lo công việc bếp núc, nội trợ,… Quy thuộc những “quyền lực mù loà”, được tạo dựng bởi gia đình, nhà trường, truyền thống nho giáo, những diễn ngôn về nữ tính – kể cả truyền thống dân gian,… người phụ nữ không có cơ hội nhận ra bản sắc của chính mình. Dư Thị Hoàn nói về vẻ đẹp không luật lệ, sự bất thường nghĩa là thách thức luật lệ, thách thức sự bình thường. Đó cũng chính là tâm thức bao trùm trong Lối nhỏ.
Dường như mọi hiện diện ở bề mặt văn bản Lối nhỏ cùng những dữ kiện quan sát được quanh đời sống của Dư Thị Hoàn đều nói lên thực trạng bị mất mát, tổn thương, bị xua đuổi, kỳ thị, phản bội. Những người như Vương Oanh Nhi – Dư Thị Hoàn buộc phải chấp nhận một thực tế: không có bất kỳ quyền lực gì trong khi xã hội luôn tuyên xưng về quyền lực của họ. Là phụ nữ, là vợ, là mẹ, Dư Thị Hoàn phải đối diện với sự xa lánh của chồng và cộng đồng. Trở thành công nhân để cải tạo lý lịch Hoa kiều, để vô sản hoá, khi làn sóng bài Hoa diễn ra, Dư Thị Hoàn cũng bị bật ra, lăn lộn nơi đầu đường, xó chợ, buôn thúng bán mẹt. Đối diện với tất cả những mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm của kẻ vắng mặt, Dư Thị Hoàn đem vào thơ những ẩn ức của một “đứa trẻ bị hất hàm đuổi ra khỏi đám đông” (Viết tặng một nhà thơ già). Nhiều người khi nghiên cứu về thơ nữ đương đại thường trích dẫn bài Tan vỡ của Dư Thị Hoàn trong tập Lối nhỏ như một minh chứng cho tinh thần táo bạo, dám nói lên đời sống tình yêu – tình dục, những câu chuyện thầm kín của người phụ nữ11. Thế nhưng, một cấu trúc khác được ngầm giấu phía trong chính là câu chuyện về số phận của kẻ bị phản bội, bị lãng quên, bị lợi dụng, bị gạt ra rìa. Đó là số phận của một cộng đồng, một bộ phận, một giới, một giai cấp,… bị định đoạt bởi những kẻ vắng mặt và những lời nói dối. Suy nghĩ về chiếc ghế đá, phút giây êm đềm, sự lãng quên của người đàn ông và thái độ, ứng xử của người phụ nữ, có thể nhận thấy những mực thước của truyền thống, của trật tự cũ đang bị “Tan vỡ”. Lựa chọn “Tan vỡ” là lựa chọn chính bản sắc giới tính, huyết thống/ dân tộc tính, nhân tính của mình một cách không do dự trước những ràng buộc bởi quyền lực của kẻ vắng mặt. Thoát khỏi những viên thuốc an thần, thoát khỏi trạng thái hạnh phúc (có thể) được tạo dựng, lựa chọn “Tan vỡ” chính là ánh sáng của sự tỉnh trí. Chấp nhận tan vỡ hay cần phải đập phá, làm cho tan vỡ là hành động kháng cự tình trạng bị lừa phỉnh, phản bội, xua đuổi, xa lánh12. Ở nhiều bài thơ khác của Dư Thị Hoàn trong tập Lối nhỏ, người đọc nhận ra sự hiện diện của người điên, của một kẻ bị xem là bất bình thường: Buổi tối ngủ bằng thuốc an thần/ Mọi người đều rất yên tâm/ Khi thấy tôi không còn khả năng đập phá (Trong bệnh viện tâm thần). Trị liệu cho kẻ điên bằng thuốc an thần nhằm đem lại một sự yên tâm trước tình trạng đập phá của họ là cách mà cộng đồng – được xem là bình thường, vẫn tiến hành. Không ai chú ý đến thế giới được nhìn qua mắt người điên. Có lẽ, với người điên thì những kẻ bình thường cũng chính là một lũ điên? Tại sao không, khi người phụ nữ điên trong bệnh viện tâm thần của Dư Thị Hoàn buộc phải sử dụng thuốc an thần thay vì được thoả mãn một niềm ao ước đơn giản: Chỉ cần một bàn tay nào run rẩy mang đến/ Một nhành hoa dại thôi. Có thể, như M. Foucault đã nói về Kẻ điên, bản chất của nó mang tính hai mặt, một là những xấu xa của địa ngục còn bên kia là những trạng thái khôi phục, giải phóng của tâm hồn, thoát khỏi những lo toan hay ràng buộc13. Chấp nhận những viên thuốc an thần đồng nghĩa với việc bị mê hoặc, dẫn dụ, bị chìm vào giấc ngủ lành ngoan và như thế cũng có nghĩa là đánh mất: Hạnh phúc đã cho ta tận hưởng đêm trắng/ Vần vụ với chính ta (Đêm trắng). Trở về với chính ta là trạng thái bừng tỉnh của chủ thể, nhận ra sự dại dột khi tin vào những viên thuốc an thần, những lời nói dối.
Lối nhỏ là hành trình trở về tìm lại chính mình, tái cấu trúc cái tôi trong một không gian văn hoá mới cho phép những nghịch luận, lệch chuẩn, không luật lệ, bất thường hiện hữu. Điều này, xét về bản chất của cấu trúc hệ thống là tái lập trạng thái bình thường sau những quãng thời gian bị đồng hoá. Cái tôi ấy không phải là cái tôi được tạo dựng với những tri thức về giới, về thân phận, địa vị, thiên chức hay bổn phận. Cái tôi ấy từ chối những viên thuốc an thần, từ chối sự sắp đặt, tạo dựng, để đi tìm lời giải cho câu hỏi: Có vậy thôi sao? Còn gì nữa không? Có thật thế không?… Từ chối “cơn mê sảng tập thể”, can đảm để mở một lối đi khác, Lối nhỏ thể hiện một cảm quan khác về đời sống chỉ có thể xuất hiện trong bối cảnh hậu chiến. Khó khăn của người mở đường vào lối nhỏ trong tư cách một người phụ nữ là tâm lý tự ti của giới này. Khi nghĩ về giới của mình, thói quen sống quá lâu với những niềm tin lệch lạc, sự sùng bái giới tính thứ nhất đã khiến họ bắt đầu tư duy với các giá trị, tri thức sẵn có mang đầy định kiến. Điều này ngăn trở họ trở về với những diễn biến cốt lõi nhất của đời sống chủ thể. Có thể nhận ra nhiều trường hợp như thế khi nhìn về thơ nữ Việt Nam đương đại với Xuân Quỳnh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Đoàn Thị Lam Luyến, Phương Thảo, Vi Thuỳ Linh,… Có những lời nói thật chẳng ai tin/ Câu nói dối lên ngôi mà vĩ đại/ Anh là đấng trong em mãi mãi/ Kẻ muộn màng sám hối, chính là em! (Em chấp nhận lời nói dối – Đoàn Thị Lam Luyến); Tôi hôn Anh rưng rưng và biết mình đang trở thành nô lệ của tình yêu, một nô lệ không cần giải phóng/…/ Tôi yêu Anh như tuân theo sự sắp đặt của Đấng Sáng Thế/…/ Phủ phục trước Anh/ Hiến dâng trong hạnh phúc tuyệt đích của nô lệ tình yêu không muốn được giải phóng” (Thánh giá – Vi Thuỳ Linh). Trong thơ Dư Thị Hoàn người ta cũng bắt gặp những trạng thái tự ti như thế. Tâm thế của nhân vật trữ tình, vai giao tiếp (Ông – Em) trong Bức tranh chưa vẽ là một minh chứng cho thói tự ti đã trở thành đồng minh với những viên thuốc an thần: Có phép mầu quỷ thần quyến rũ/ Sẽ trở thành xà lim giam người tử tù/ Nếu quả thật em nhỏ bé/ Hơn kích thước ông mộng mơ. Nhận ra phép mầu quỷ thần, xà lim và thân phận tử tù, người nữ trong thơ Dư Thị Hoàn, dù tự ti, đã có những hành động cho thấy ý thức đào thoát khỏi những bó buộc của khuôn khổ. Biểu hiện của ý thức này chính là sự xuất hiện của những hoài nghi, những câu hỏi và hình tượng người phụ nữ “không đoan chính”.
Hai mệnh đề khác nhau thường bị đánh đồng đó là: Người phụ nữ là = Người phụ nữ phải là. Căn nguyên của sự mê muội này chính là những diễn ngôn về phụ nữ, về nữ tính, thiên chức hay trạng thái viên mãn có được từ sự quy thuộc. Lần đầu tiên trong thơ sau Đổi mới, Dư Thị Hoàn hoài nghi những trạng thái này. Khảo sát văn bản Lối nhỏ, có thể thấy những câu hỏi liên tiếp được đặt ra:
– Biết làm sao bây giờ ? (Lối nhỏ)
– Lẽ nào lại là em ? (Bức tranh chưa vẽ)
– Người là ai ? (Tổ quốc)
– Còn lại những ai ? (Lên cao)
– Đêm ngày anh ngắm ai ? (Đừng giận em)
– Anh đấy ư ? Chừng nào/ Anh mới thật là anh ? (Anh đấy ư ?)
– Liệu có nghe thấy không ? (Liệu có nghe thấy không)
– Em ở đâu ? (Tự khúc dưới trăng)
– Có phải không nhỉ ? (Hãy nói với tôi)
Trước khi nói về những câu hỏi, những hoài nghi, có lẽ cần phải nhắc lại một ý thức mà người đàn bà này đã sớm nhận ra: Bắt đầu từ một chiều mưa, chiến tranh/ Tuổi hai mươi/ Tôi thành bà goá sống/ Không còn biết khóc/ Quen rồi chỉ mím chặt môi/ Mỗi lần xiết tay quay chiếc la-tô bốn chấu…/ Rồi từ đó/ Chính tôi cũng không hề bắt gặp tôi (Gửi một nhà thơ mặc áo lính); Khối óc tôi tàn tật/ Bởi tiếng kêu cứu dai dẳng/ Từ những thân phận đang thoi thóp sống/ Từ những thân phận đang đợi chờ (Trước ban thờ). Chính tôi không hề bắt gặp tôi – kể từ ngày đó, là hình thái căn bản của chủ thể trong sự đánh mất chính bản sắc của mình. Nép mình để thiên hạ ban phát (Cưới muộn) cũng đồng nghĩa với việc không tự xác lập được đời sống của mình cùng những giá trị tự thân. Những chuẩn mực về người phụ nữ đã ngăn trở giới này tư duy về mình trong những đòi hỏi căn bản nhất với tư cách là một cá thể giống – loài, cá thể tự nhiên và xã hội. Tin vào những “chân lý” được tạo dựng giống như sử dụng những viên thuốc an thần. Điều đó, như Betty Friedan đã nói, họ đã “tự đánh đồng mình với các nạn nhân bị mù, điếc, tàn tật về mặt thể chất”14. Họ chỉ có thể cử động trong điều kiện cho phép, trong sự kiểm soát của bệnh viện, bác sĩ cùng những viên thuốc.
3. Bài mẫu giáo sáng thế
Tái tạo chủ thể nữ tính bằng tiếng nói của thân thể là tinh thần tiên phong xứng đáng được ghi điểm của Dư Thị Hoàn15. Nhìn lại thơ nữ Việt Nam trước và sau 1975 có thể thấy vị trí cắm mốc của Lối nhỏ trên hành trình tái nhận thức và diễn giải bản sắc chủ thể.
Thơ nữ Việt Nam 1954 – 1975 thường được hình dung với những sáng tác của Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi, Lê Thị Mây, Thuý Bắc,… Trên bề nổi của văn bản, từ những sáng tác này, người ta thấy hiện lên chân dung của thời đại, không phân biệt thân thể, giới tính. Đường lớn của dân tộc lúc này là đường ra trận, là chiến hào: Ta đứng trong chiến hào/ Nắng mưa mài trên mũ/ Chân mấy bận thay giày/ Mắt quen đêm không ngủ (Chiến hào – Xuân Quỳnh); Sức sống của những người con gái/ Là lòng căm thù và nỗi nhớ thương/ Không ai kịp băn khoăn chờ đợi/ Chỉ một niềm riêng tha thiết: Mở đường (Ở tháng giêng hai – Phan Thị Thanh Nhàn),… Cảm hứng sử thi của thời đại tập hợp sắc thái của cá thể trong một hình thái chung nhất: Người chiến sĩ. Bởi thế, tính nữ trong thơ nữ thời kỳ chiến tranh chống Mỹ bị chìm khuất trước vai trò lịch sử của con người công dân, con người đoàn thể16. Tất cả họ là chiến sĩ, trên đường ra trận, trong tư thế đương đầu với kẻ thù: Em đã lấy tình yêu tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng kẻ thù hứng lấy luồng bom (Lâm Thị Mỹ Dạ); Mai vào trận đánh đầu/ Trước mặt trời chói lọi/ Những ngôi sao dậy thì/ Trên mũ người chiến sĩ (Những ngôi sao dậy thì – Lê Thị Mây),… Chiến tranh là một biến cố bất thường. Bởi vậy, sự trương nở của một số đặc tính cùng sự co hẹp của các đặc tính khác trong cấu trúc xã hội, văn hoá, nghệ thuật là điều hiển nhiên. Những cảm xúc từ thân thể, giới tính, những diễn biến sâu thẳm của con người cá nhân, con người tự nhiên được tiết chế cũng nằm trong quy luật đó. Mỗi thời đại đều có những câu chuyện của nó, được kể từ mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng, nhưng thơ nữ, tính nữ, chủ thể người nữ trong chiến tranh không phải là mối quan tâm được ưu tiên. Chính sự thiếu vắng đã hàm chứa lời giải cho những tái hiện ở các giai đoạn lịch sử tiếp theo không riêng với thơ nữ mà với toàn bộ cấu trúc xã hội, văn hoá, nghệ thuật.
Ở trên, chúng tôi đã có dịp nói về sắc thái nữ tính trong thơ nữ Việt Nam đương đại. Một mô tả thông thường có thể đem đến nhận thức về sự trương nở của vấn đề nữ tính, nữ quyền, thân thể, tình dục, tình yêu,… trong thơ. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, những mô tả đó có thể chỉ là một ngộ nhận về bản chất của vấn đề nữ tính. Hình thái của chủ thể người nữ, như cách liên tưởng của Friedan là một bức tranh ghép mảnh. Bức tranh ấy còn thiếu mảnh ghép quan trọng nhất mang tên: Bí ẩn nữ tính. Điều oái oăm là ngay người phụ nữ cũng hoài nghi về bí ẩn nữ tính của mình. Sống quá lâu trong những chân lý được tạo dựng, họ nghi ngờ chính những diễn biến trong thân thể mình17. Mọi miếng ghép cho đến giờ dường như vẫn không vừa với khoảng trống còn lại. Những câu hỏi vẫn cứ vọng lên: Lẽ nào lại là em?, Có phải không nhỉ? Chen chúc trong bức tranh nữ tính là những khuôn mặt – không phải của người phụ nữ. Họ lầm tưởng rằng đó là vấn đề của họ. Kỳ thực, những diễn ngôn về nữ tính chỉ là những lời nói dối, sự xuyên tạc hay một thứ ảo ảnh được tạo ra theo cơ chế của những viên thuốc an thần. Người phụ nữ không đủ sức để rũ bỏ thứ mặt nạ bản sắc ấy. Họ bị đày đoạ giữa cái không phải là mình, đang định nghĩa, định danh, đại diện cho mình và những diễn biến của thân thể, tinh thần mang đầy bí ẩn chưa có lời giải đáp: Nụ cười em lãnh đạm/ Đôi mắt em lơ đãng/ Đâu phải cho anh/ Mà để tự hành hình (Tình lặng).
Dày vò chính mình trong nỗi đau đánh mất bản sắc, Dư Thị Hoàn đã mang đến trong thơ những câu hỏi, những hình tượng mà qua đó, ít nhiều, người đọc có thể tìm kiếm được những dữ kiện về một sự rẽ ngoặt từ đường lớn vào Lối nhỏ. Đó chính là điểm nhấn về mặt tư tưởng của tập thơ này. Ở đây, trong luận điểm vừa nêu, có hai vấn đề cần được đánh giá là tạo nên bước ngoặt. Thứ nhất, những tra vấn về bản sắc nữ tính của chủ thể. Thứ hai, trình hiện một tưởng tượng về bản sắc nữ tính mới thông qua hình tượng: Người phụ nữ không đoan chính. Những hoài nghi có ý nghĩa trước hết là thể hiện thái độ với thực tại đang hiện diện. Thông qua đó bày tỏ những dự phóng về thực tại mới. Chỉ riêng việc hoài nghi đã là một nỗ lực, một cố gắng rất đáng trân trọng của Dư Thị Hoàn. Hoài nghi tự xác lập tư thế của nó là ngoảnh lại, là tách ra khỏi đám đông, là đi con đường khác với những niềm tin được tạo dựng. Bởi thế, hình tượng người phụ nữ không đoan chính hiện diện như một tạo dựng mới, cho phép chúng ta vượt qua những định kiến: Giật mình tôi ngoảnh lại/ Gặp chị đang cất giấu/ Niềm vui hoang thai (Người sáng tạo); Anh đến thăm em/ Có gặp dáng chị ấy thẫn thờ đợi cửa/ Anh ngắm nhìn em/ Có thấy hình chị ấy ôm gối thở dài (Chị ấy); Em mang bản án chung thân/ Gái đã có chồng (Tình lặng). Hoang thai là một từ khoá quan trọng để khám phá ý hướng luân lý và những dự phóng đổi mới quan niệm về đời sống, giá trị, nghệ thuật, nữ tính và bản sắc chủ thể. Dễ hình thành liên tưởng từ niềm hạnh phúc hoang thai với Người sáng tạo. Tuy nhiên, cất giấu trong văn bản những trầm tích về một sự kiến tạo, không chỉ là những đòi hỏi, bản chất của hành vi sáng tạo, không chỉ là sản phẩm của sự sáng tạo – một vì sao nhỏ. Quan trọng hơn, đó là sự sáng tạo (lại) người phụ nữ – người sáng tạo/ chủ thể trong tư thế kháng cự hệ thống luân lý cùng những diễn ngôn về nữ tính – một “mãnh lực li tâm của thế giới đạo đức” (Charles Mauron)18. Dường như, “bí ẩn nữ tính” được gợi mở ở đây, trong niềm vui hoang thai. Tất cả búa rìu của luân lý không che giấu được niềm hạnh phúc trong mắt người phụ nữ đi về Lối nhỏ. Ở đó, họ bắt gặp điều mà trước kia họ lờ mờ nhận thấy nhưng luôn bị đè nén, kiềm toả. Hoang thai, ngoại tình chắc chắn là một tội tày đình trong quy phạm luân lý truyền thống. Thế nhưng, Biết làm sao bây giờ/ Chính lối này đưa em tới anh (Lối nhỏ). Trong những cấm kỵ, tội lỗi, người phụ nữ tìm thấy niềm hạnh phúc, được sống cảm giác đến từ thân thể của họ, làm hiện lên một phần của mảnh ghép còn thiếu về bức tranh nữ giới. Chính lối này đưa em tới anh diễn giải trạng thái chủ động của người phụ nữ trong việc kiếm tìm bí ẩn của mình. Chán chường, giận dữ, lo sợ là cảm giác có thể lý giải trên hành trình rẽ ngoặt vào lối nhỏ, xa lánh đám đông, xa lánh những chuẩn mực đảm bảo sự an toàn cho họ trên đường lớn. Cái giá phải trả cho lệch chuẩn là việc bị kết án hư hỏng hoặc quy chụp cho họ trạng thái tâm thần, điên loạn,… Ở thời điểm Lối nhỏ ra đời, trong tương quan với những giá trị hợp thức, quy chuẩn, nhiều cảm xúc trong thơ Dư Thị Hoàn đã trở thành cú sốc với cộng đồng. Điểm đáng lưu ý là Lối nhỏ không chỉ làm “Tan vỡ” những tri thức về nữ tính truyền thống vẫn tồn tại dai dẳng và trở thành “vô thức tập thể” của thơ nữ trước Đổi mới mà còn hàm chứa năng lượng để tạo nên vụ nổ nhằm kiến tạo một thực tại, tri thức khác về nữ tính. Từ bỏ đường lớn với đám đông không có khuôn mặt cá thể – hoặc chung khuôn mặt, chung tâm hồn (ý thơ Chế Lan Viên), chấp nhận “Tan vỡ”, khước từ những “Viên mãn”, tập thơ Lối nhỏ phủ định thực tại không có khuôn mặt giới và cả thực tại mang mặt nạ giới. Hai động thái này tạo nên hai bước ngoặt của thơ nữ sau Đổi mới trên phương diện kiến tạo chủ thể tính. Bước ngoặt thứ nhất từ không đến có và bước ngoặt thứ hai từ có đến có thật thế không? Chính những động thái này cùng với thời điểm nó xuất hiện đã làm cho Lối nhỏ trở thành một mốc quan trọng trong lịch sử thơ ca Việt Nam nói chung và thơ nữ nói riêng.
4. Tạm kết
Sau gần 30 năm nhìn lại Lối nhỏ, Dư Thị Hoàn thấy mình thật may mắn. Dường như, những bài thơ trong Lối nhỏ đã cứu vớt chị. Trạng thái Stress nặng đến như là điên loạn đã được giải toả nhờ những bài thơ. Không cần bệnh viện, bác sĩ và những viên thuốc an thần, người điên được chữa trị bằng chính sức mạnh của nghệ thuật – điều mà người ta nghĩ rằng không phải dành cho phụ nữ cũng như định kiến về người phụ nữ làm chính trị, làm quản lý và tham gia hoạt động xã hội. Năm 1988, Dư Thị Hoàn 41 tuổi, cái tuổi có thể đã xuất hiện những dấu hiệu của sự hoài nghi, đổ vỡ lý tưởng thanh xuân, đổ vỡ niềm tin vào chân lý đang hiện diện. Nhưng bù lại, ở độ tuổi ấy, thời điểm ấy, người phụ nữ nhận ra “bí ẩn nữ tính” của mình. Đó dĩ nhiên là một hành trình và Lối nhỏ chính là hành trình tìm kiếm bản sắc đã bị khuất lấp, bị xuyên tạc, bị lợi dụng. Điều này thức tỉnh không chỉ người nữ mà cả chính người nam, rộng hơn là cả cộng đồng. Giải phóng người nam và cộng đồng trước những lời nói dối, những viên thuốc an thần cũng quan trọng không kém việc đánh thức nữ tính ở người phụ nữ. Hiện tượng văn học trước hết là hiện tượng xã hội, bởi vậy, từ góc nhìn xã hội học, sự ra đời của Lối nhỏ không chỉ là câu chuyện văn chương. Ký ức Hoàng Thổ, di dân, Hoa Kiều, người công nhân, người buôn bán nhỏ, doanh nhân, thi sĩ, thân thể, giới tính, tình yêu, tình dục, bệnh điên, các thực tại xã hội được tạo dựng,… từ Dư Thị Hoàn là những tham chiếu hữu ích cho việc nhìn nhận quá trình đổi mới thơ trữ tình Việt Nam nói chung, thơ nữ nói riêng sau 1986 như một sự kiện xã hội học toàn thể.
Chú thích
1.Betty Friedan, Bí ẩn nữ tính, Nguyễn Vân Hà dịch, Nxb Hồng Đức, Đại học Hoa Sen, 2015, tr. 73.
2. Betty Friedan, sđd, tr. tr. 29.
3.Liễu Trương, Phân tâm học và Phê bình văn học, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 2011, tr. 61.
4. Theo điều tra năm 2007 của Bộ công an Trung Quốc, họ Vương là họ tộc đông nhất, chiếm tới 7.25% dân số Trung Hoa. Nguồn: Danh sách họ người Trung Quốc phổ biến, https://vi.wikipedia.org/wiki. Điều này càng làm tăng lên những niềm tin cho giả thuyết về ám ảnh trung tâm, vai trò chủ chốt, địa vị của huyết tộc trong lịch sử cũng như hiện tại bị tha hương, kỳ thị của Vương Oanh Nhi. Trong câu chuyện với tác giả bài viết này, Vương Oanh Nhi nói đến: Những ký ức Hoàng Thổ. Thêm nữa, Vương Oanh Nhi mang 100% huyết thống Trung Hoa, không phải là đứa con của hôn nhân lưỡng tộc Hoa – Việt. Đó không hẳn là một sự vô tình, buột miệng.
5. “Đầu thế kỷ 20, một bộ phận người Hoa ở Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng của Tôn Dật Tiên chống lại triều Thanh và sau khi nhà Thanh sụp đổ, chính quyền Trung Hoa Dân Quốc nỗ lực bảo vệ người Hoa tại Việt Nam. Chính quyền Trung Hoa Dân Quốc cũng thiết lập hai tòa lãnh sự ở miền Bắc Việt Nam. Chính quyền của Tưởng Giới Thạch dàn xếp hai thỏa thuận với Pháp thời kỳ những năm 1930, trao cho người Hoa địa vị “ngoại kiều được hưởng đặc quyền”. Về lý thuyết, họ được đối đãi như người Pháp và hưởng nhiều đặc ân hơn cả bản thân người Việt”. Xem thêm Xiaorong Han: “Những vị khách được nuông chiều hay những nhà yêu nước tận tuỵ? Người Hoa ở Bắc Việt Nam thời kỳ 1954 – 1978” (Đỗ Hải Yến biên dịch và hiệu đính), [International Journal of Asian Studies, Vol. 6, No. 1, 2009, pp. 1–36], bản điện tử tại: https://nghiencuuquocte.wordpress.com/2013/10/29/the-chinese-in-north-vietnam-1954-1978/.
6. Những ký ức này được Vương Oanh Nhi nhắc lại cho tác giả bài viết. Đồng thời, người đọc cũng có thể tìm thấy dấu vết của nó trong cuốn thơ Bài mẫu giáo sáng thế, Nxb Hội Nhà văn, 1993.
7. Đại học Quốc gia Hà Nội, Từ điển Xã hội học Oxford, Bùi Thế Cường, Đặng Thị Việt Phương, Bùi Huy Hoá dịch, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 267.
8. Đại học Quốc gia Hà Nội, sđd, tr. 267.
9. Simone De Beauvoir, Giới nữ, Nguyễn Trọng Định, Đoàn Ngọc Thanh dịch, tập 1, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1996, tr. 153.
10. Betty Friedan, sđd, tr. 154.
11. Sự thực, Dư Thị Hoàn là người phụ nữ khắc kỷ đến nghiệt ngã trong tình yêu. Chị quan niệm tình yêu là thứ tình cảm thiêng liêng, thần thánh. Tình dục diễn ra là sự gặp gỡ của Nữ thần và Nam thần. Bởi vậy, câu chuyện trên ghế đá trở thành một cú sốc, một tan vỡ kinh hoàng. Nó hoàn toàn không cổ vũ cho khoái lạc hay những động thái giải phóng tình dục của người nữ. Mà nếu có, đó chỉ là một mảnh của vấn đề lớn hơn là những Tan vỡ trong lý tưởng, niềm tin trước thực tại.
12.Việc người chồng thường né tránh trách nhiệm gia đình, nói dối vợ cũng như việc Dư Thị Hoàn đập phá Hội văn nghệ Hải Phòng, ly thân chồng là cơn bùng phát của những mâu thuẫn cá nhân âm ỉ, nhưng qua đó, cũng có thể nhận ra những động thái trong các tương quan xã hội, cộng đồng, dân tộc và chính sách.
13. Lydia Alix Fillingham, Moshe Susser, Nhập môn Foucault, Nguyễn Tuệ Đan, Tôn Thất Huy dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 36.
14. Betty Friedan, sđd, tr. 79.
15. Ý kiến của Nguyễn Đăng Mạnh: “Phải tính điểm cho người nói sớm, nói trước, trong khi người khác còn e sợ, còn nghe ngóng.” – “Thảo luận “bàn tròn” tại tuần báo Văn nghệ”, Văn nghệ, số 9 (27-2-1988), số 10 (5-3-1988). Nguồn: http://www.viet-studies.info.
16. Chúng tôi nói đến những tác phẩm của các nhà thơ nữ, sáng tác trước 1975, không dùng khái niệm “thế hệ thơ chống Mỹ” bởi thế hệ này vẫn tiếp tục sáng tác sau 1975 và thơ của họ cũng có những chuyển biến mang tính bước ngoặt với chính giai đoạn sáng tác trước đó.
17. Simone De Beauvoir, sđd, tr. 21.
18. Liễu Trương, sđd, tr. 154.