Suốt cuộc đời chỉ là bản nháp – Vũ Quốc Văn

Một “Bản Nháp” luôn hướng tới sự hoàn thiện của đời mình.

 

Nhà thơ Phạm Ngà tên khai sinh Phạm Văn Ngà. Sinh năm 1944. Tại Hà Nội.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Văn, năm 1965. Dạy học tại các Trường cấp 3 Tiên Lữ (Hưng Yên), Hồng Quang (Hải Dương). Năm 1973 dạy văn ở Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng. Năm 1994, chuyển về NXB Hải Phòng làm cán bộ biên tập. Năm 1992 làm Phó giám đốc – Phó Tổng biên tập. Năm 1997 làm Giám đốc – Tổng biên tập, kiêm nhiệm công việc Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng khóa 3 (1987 – 2003), đồng thời là Hội trưởng Hội Văn học Hải Phòng đến khi nghỉ hưu.

 

Tôi mượn câu nhập đề trong bài thơ “Bản Nháp” của nhà thơ Phạm Ngà làm tên cho bài viết về ông.

Quen biết nhà thơ đã hơn ba mươi năm, tôi không nghĩ lời tự nhận: “Suốt cuộc đời chỉ là bản nháp” kia có ý than thân trách phận vào tuổi xế chiều (ông viết bài thơ vào tuổi 63) vì một xui rủi bất bằng nào đó trong cuộc đời, hay khiêm tốn giả vờ, kiếm cớ đăng đàn lập ngôn làm bậc trí giả.

Vu khoát, hiểu Phạm Ngà thế là vô tình hàm oan cho ông, bởi trước nay ai từng thân sơ trò chuyện, đọc thơ ông đều biết đó là một người cẩn trọng, nhu lành, nhỏ nhẹ ở ngoài đời, lãng mạn trong thơ nhưng chưa từng bốc đồng, lộng ngôn, ngoa ngôn bao giờ.

Lần đầu tiên tôi biết rồi nhớ tên Phạm Ngà là qua đọc bài thơ “Rét Nàng Bân” in trên Tạp chí Cửa Biển hồi cuối thập niên 70 của thế kỷ trước chứ chưa gặp người. Tôi thích bài thơ ấy với những câu thơ tinh tế, ngọt đằm bâng khuâng lắm.

Sau cái dư ba ru mị của bài thơ “Rét Nàng Bân” trong lòng tôi  nảy mối cảm tình với tác giả, nhưng chưa có dịp nào giao du cùng ông.

Đến đầu năm 2000 thế kỷ này, thật hạnh ngộ tôi lại về làm việc ở Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng, nơi Nhà thơ Phạm Ngà là Phó Chủ tịch Hội nên thường xuyên được gần gũi với ông.

Nhà thơ Phạm Ngà không giống với những gì tôi hình dung về ông. Cũng bởi những nhà thơ mà tôi đánh bạn bấy nay không ai có phong thái chỉn chu, gọn mượt mà thường rất lười nhác chăm sóc “ bộ vỏ” và dung mạo của mình.

Thi sĩ Phạm Ngà thì khác, ông ăn mặc lúc nào cũng model lắm. Mùa hè thu, gọn gàng thanh lịch trong bộ quần tây áo sơ mi sáng màu là phẳng nếp. Mùa đông xuân đóng hộp trong bộ com lê, cà vạt hợp màu, nom ông nghiêm trang lịch lãm cứ như sắp đi dự tiệc hay lên bục đăng đàn đọc thơ trước đám đông vậy.

Trải hơn năm mươi năm đồng hành cùng thơ, từ ngày còn ngồi trên ghế trường phổ thông, sinh viên Khoa văn Đại học Sư phạm Hà Nội, Phạm Ngà đã có những bài thơ đầu tay: Nghe tiếng ve kêu; Quê em; Lửa Hải Phòng… in trên các báo Văn nghệ, Văn Nghệ Quân đội, Cứu quốc… gây ấn tượng trong bạn đọc.

Thành công bước đầu này là sự khuyến khích, nói theo cách cơ học nó là một cú hích khiến Phạm Ngà có đủ lòng tin, niềm mê đắm chung thủy cùng thơ.

Đến nay, ngoài tập “Hoa Nắng” in chung cùng một tác giả khác, ông đã trình làng ba tập thơ, hai tập trường ca và một tập phê bình tiểu luận. Tập trường ca “Độc thoại mưa” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2010 cùng một số bài thơ lẻ in trên các báo và tạp chí thời gian gần đây lại cho thấy thơ Phạm Ngà có một bước bứt chuyển đáng kể trong lộ trình tìm tòi đổi mới thơ mình.

Có thể nói Trường ca “Độc thoại mưa” là một tiêu biểu của đổi mới trong thơ Phạm Ngà. Nhà thơ viết trường ca này theo lối truyền thống chương khúc,  khác một điều về hình thức cấu trúc cũng như phương cách chuyển tải nội dung ý tưởng là không trình bày khai triển theo phép tuyến tính thuận chiều. Ở trường ca “Độc thoại mưa”, tác giả có ý tạo ra một kết cấu mở khá linh động, mỗi chương theo một thể thức khác nhau khá uyển chuyển về biên độ phản ánh, cũng như chiều kích không gian, thời gian; những ngôn ngữ thơ tự nó làm nên màu sắc, mảng khối, hình tượng lúc đồng hiện, khi ẩn dụ, đan cài cùng ý tưởng sinh động và lôi cuốn.

Từ những thực tế trải nghiệm cuộc sống, giờ đây Nhà thơ Phạm Ngà đã có một năng thế nghiệm sinh về cái lớn lao của vũ trụ, của thiên nhiên vĩnh hằng và cuộc đời. Ông như thấu tỏ muôn nỗi thăng trầm, buồn vui, được mất của kiếp người. Phải chăng qua thời gian dài thụ giáo trong trường ốc, qua thời tồn sinh trong biển đời trôi giạt, làm bầu bạn cùng con người để đến tháng năm này Phạm Ngà mới có năng lực, cơ hội gửi vào con chữ, dòng thơ những ấp ủ, tinh lọc, căn cốt tâm đắc nhất của đời ông mang đến cho bạn đọc.

Trước trường ca “Độc thoại mưa” cùng một số tác phẩm thơ gây được ấn tượng của Phạm Ngà, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến: “Lời ru con của người yêu cũ”, “Giấc ngủ của người con gái”, hay “Trầm tư Côn Sơn”, “Gia đình”, “Tự tình ở đảo”… những thi phẩm trữ tình, giàu tính triết luận, để lại dư ba trong lòng người đọc.

Với Chương Một có tên: “Định mệnh” của Trường ca “Độc thoại mưa”  tác giả viết:

Con người sinh ra cất tiếng khóc chào đời

Lúc xuôi tay lại tiễn biệt tiếng khóc

Cuộc đời là hành trình nước mắt

Như sứ giả buồn vui

Nước mắt chẳng phân ngôi đẳng cấp sang hèn.

Cũng trong trường ca này, tác giả có những câu thơ tràn ra với nhịp độ thật hối hả thôi thúc:

Mưa. Vẫn mưa

Giọt buồn nghe máu khóc

Gió than van

Rền rĩ kiếp người.

Trong niềm xúc cảm dồn nén, người viết tựa vịn vào thơ văn xuôi để có cơ hội trải lòng khá đặc địa:

Em có biết đâu, chính ta đã trú mưa dưới hàng mi cong long lanh ánh nhìn trong trẻo tinh khiết ban mai từ độ ấy. Em giờ lưu lạc nơi đâu?

Và ở chương cuối trường ca, có những câu thơ lay thức lòng người:

“Ta là thiểu số trong biểu quyết cuộc đời đen bạc

là kẻ chừa ra trong tranh chấp lợi danh

Là người lỡ đò nơi bến sông vắng khách

Ta trở về ta để mãi mãi nguyên mình.

Không thể trích ra đây tất cả những bày tỏ nhận thức cùng những chiêm nghiệm mang tính minh định hay nói to tát hơn là lời cảnh tỉnh cái ý thức sống của con người đang xuống cấp, lầm lạc, thậm chí phản bội những giá trị tốt đẹp của quá khứ thông qua những câu thơ được chắt lọc từ trái tim và niềm xúc cảm, Phạm Ngà muốn bày tỏ cùng cộng đồng đang sống quanh ông.

Đau đáu đổi mới thơ nhưng Phạm Ngà không làm lạ thơ, ông vẫn giữ được phong cách dung dị mà sâu sắc, đằm thắm trên từng tác phẩm. Ông là người đam mê nhưng không cực đoan thái quá, xưng tụng những lời tuyên ngôn to tát.

Tôi đọc thơ Phạm Ngà đã nhiều năm, từ tập trường ca: “Đi dọc đời mình”, công bố 1986; tiếp đó là ba tập thơ: “Lời ru con của người yêu cũ”, xuất bản 1991; “Trầm tư”, xuất bản 1995; “Mảnh vỡ”, xuất bản 2001, tôi thấy thơ ông luôn tạo được phong cách riêng. Những bài thơ của ông thường hằn rõ nét tinh kỹ, trăn trở của người viết.

Cảm nhận, xét đoán là quyền của người đọc. Nhưng công bằng mà nói, thơ của Phạm Ngà mấy mươi năm qua ít nhiều đã gây được ấn tượng trong lòng công chúng yêu thơ đương đại.

Nhà thơ Phạm Ngà tên khai sinh là Phạm Văn Ngà. Ông sinh năm 1944, quê xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội. Hồi còn tuổi nhi đồng, Phạm Ngà theo gia đình chuyển cư từ Hà Nội xuống Hải Phòng sống cùng cha là một viên chức làm việc ở đây.

Phạm Ngà nguyên là học sinh trường cấp ba Ngô Quyền, một ngôi trường giàu truyền thống nổi tiếng nhất ở Hải Phòng. Ông nhận bằng tốt nghiệp năm 1962. Cùng năm đó thi vào Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Học xong đại học, Phạm Ngà về dạy văn ở một trường cấp ba thuộc tỉnh Hưng Yên. Hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương sáp nhập, ông được điều về dạy chuyên văn ở trường Hồng Quang, một trường điểm của tỉnh Hải Hưng.

Đứng trên bục giảng ở tuổi hai mốt, dù còn quá trẻ nhưng nhờ giàu kiến văn và năng khiếu truyền thụ nên những giờ giảng văn của ông luôn hấp dẫn cuốn hút học sinh. Đến nay những thế hệ học sinh của thời ấy vẫn còn nhớ những giờ dạy văn của thày Phạm Ngà.

Năm 1973, Phạm Ngà thôi dạy trường Hồng Quang, ông chuyển về làm giảng viên Khoa văn Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng.

Phạm Ngà có gần 20 năm đứng lớp, ông cũng có ngần ấy năm là giáo viên, giảng viên dạy giỏi. Không thể nhớ hết đã có bao nhiêu môn sinh – Là khách qua đò đã được  Người lái đò Phạm Ngà từng chở qua sông.

Đầu thập niên 80, Phạm ngà rời bục giảng trường Cao đẳng sư phạm chuyển về làm biên tập viên Nhà xuất Hải Phòng. Công tác ở đây một thời gian, ông được giao đảm trách chức Phó Gíam đốc- Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản. Vài năm sau, Phạm Ngà chính thức được bổ nhiệm đảm trách chức Gíam đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Hải Phòng cho đến ngày nghỉ hưu.

Thời ở Nhà xuất bản Hải Phòng, với năng lực tổ chức và trình độ chuyên môn  nghề nghiệp, Phạm Ngà cùng với các đồng nghiệp của ông đã cho ra mắt hàng ngàn ấn phẩm có giá trị mang đến cho bạn đọc cả nước. Nhà xuất bản Hải Phòng thời ông làm chủ sự nơi này được biết đến là một địa chỉ “ mát tay” năng động, được  giới văn hóa văn nghệ và các đơn vị phát hành sách cả nước tìm đến hợp tác.

Bận bịu với công việc xuất bản sách là thế, nhưng Phạm Ngà lại được giới văn nghệ sĩ đất Cảng tín nhiệm bầu thêm cho ông chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hải Phòng liên tục ba khóa liền.

Hằng ngày làm việc ăn lương ở Nhà xuất bản, nhưng Phạm Ngà vẫn phải dành thời gian chỉ đạo một Hội nghề nghiệp đông có tới hơn 500 hội viên. Tính ra ông có  mười bảy năm “làm quan Văn Nghệ” nhưng không hề nhận được một đồng xu nhỏ thù lao hay bổng lộc gì trả cho cái chức quan ấy cả. Lạ một điều là ông chưa bao giờ quan tâm về chuyện tiền bạc bất cập vô lý đến mức khó tin ấy.

Một sự trùng hợp thật ngẫu nhiên là đúng cữ rét Nàng Bân năm con rắn này tôi đến tư gia Nhà thơ Phạm Ngà thăm ông, tiện thể “ phỏng vấn” ông đôi điều  lấy tài liệu cho bài viết tôi còn bí mật chưa tiện cho ông biết. Trong câu chuyện  gia đình, con cái xen vào là chuyện thơ, chuyện đời hên xui được mất qua ngót bảy mươi năm cuộc đời của ông. Đến giữa chừng câu chuyện tôi bỗng nổi cơn thực thà  thẳng đuột đến mức vô duyên hỏi ông: “ Bác Ngà này, qua ngần ấy năm cống hiến say mê sống chết với thơ, rồi bác có những mười bảy năm làm quan Văn Nghệ của một thành phố lớn, lại qua biết bao nhiêu đận làm giám khảo, chủ khảo, thành viên Hồi đồng xét trao những bộ Giải thưởng văn học nghệ thuật danh giá của Hội, của cả thành phố, vậy cơn cớ gì mà ngần ấy năm bác là người duy nhất không có một cái giải thưởng còm nào, mặc dù sức viết  dồi dào sung sức là nghĩa làm sao?

Nghe tôi nói xong, Phạm Ngà nhìn tôi bình thản, ông cười hiền, nói: Thực ra khi chưa làm lãnh đạo mình cũng nhận được hai cái giải thưởng, một “ Giải Hoa Phượng Đỏ, cái thứ hai là Giải Nguyễn bỉnh Khiêm của thành phố trao cho tác phẩm thơ của mình đấy chứ. Nhưng từ hồi mình được giao làm giám khảo, chủ khảo, thành viên Hội đồng, có lúc được giao làm Thường trực Hội đồng Giải thưởng thì mình tự rút ra không tham dự giải nào nữa.  Bởi lẽ ai lại tự chấm, tự phán định bình giá cho tác phẩm của mình thì có khác nào “ vừa đá bóng vừa thổi còi” thì ngại lắm, ngượng lắm ông ơi.

Một lát im lặng, ông nhìn tôi giọng trầm trầm, nói thêm: Kể cả lúc phán quyết Gỉai thưởng mình có ngồi im lặng, mặc cho những người đồng sự, đồng nghiệp xét chấm, trao cái danh to lộc cho mình, mình cũng thấy áy náy lắm.

Và Nhà thơ Phạm Ngà cứ ngượng ngại trong suốt thời gian dài tại vị như thế nên cho đến giờ ông là một người làm thơ có chức sắc, có danh phận, có thành tựu nhưng không có nhiều giải thưởng. Đành rằng giải thưởng đôi khi đơn giản chỉ là một sự ghi nhận nào đó, và chưa hẳn sự tôn vinh bình giá nào cũng chuẩn xác, minh bạch, công bằng.

Như để giải thích cái điều thắc mắc của tôi, Phạm Ngà cười, nói tiếp: Ông biết đấy, cái chính vẫn là giá trị thực của tác phẩm, giải thưởng lớn nhất xưa nay đối với tác phẩm vẫn là sự đón nhận của bạn đọc, của công chúng.

Phạm Nhà nhìn nhận về giá trị của một tác phẩm như vậy nên ông cũng bỏ qua luôn cái phần liệt kê giải thưởng ở nơi trang các cuốn kỷ yếu có in tên mình.

Nhà thơ Phạm Ngà không phải là người chê danh lợi hay tiền bạc. Ông cũng cũng không phải là một sư ông từ bi sắp đến hồi đắc đạo. Mà ông vốn là người có nết nhu lành, nhưng cương nghị, luôn dặn mình tránh xa thói sân si.

Và có lẽ ông cũng là người dám thẳng nhận về mình “ Suốt cuộc đời chỉ là bản nháp”. Một “ Bản Nháp” luôn hướng tới sự hoàn thiện của đời mình

Kiến An, ngày giữa Thu năm Tỵ

Vũ Quốc Văn

Địa chỉ: 409 Hoàng Quốc Việt ,Kiến An, Hải Phòng
ĐT: 0985. 99 33 29
Email: vuquocvanhp@gmail.com

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder