Từ hai trường hợp nhặt được của rơi trả lại người mất- Nghĩ về vụ án tham nhũng ở Vinalines

Tôi muốn dẫn lại hai mẩu chuyện cảm động mà thông tin đại chúng đã đưa…

 

Nhà văn Cao Năm

Trên phương tiện thông tin đại chúng mới đây đưa trường hợp chị Nguyễn Thị Liễu, quê Diễn Châu, Nghệ An trên đường đi làm về nhặt được chiếc ví, trong có 46 triệu đồng tiền mặt cùng một số giấy tờ. Thấy ví có số tiền lớn, chị không về mà đứng lại bên đường hàng tiếng đồng hồ chờ người mất ví có quay lại tìm thì trả. Nhưng vẫn không thấy, xem lại giấy tờ trong ví thấy ghi họ tên và số điện thoại, chị liền gọi điện cho chủ nhân đến và giao tận tay chiếc ví với nguyện vẹn số tiền 46 triệu đồng và giấy tờ. Mừng vui khôn xiết, chủ nhân chiếc ví biếu 3 triệu đồng, nhưng chị Liễu không nhận, mặc dù gia đình chị cũng chỉ là nông dân chân lấm tay bùn.

Khác chị Liễu là người lớn, Bùi Duy Nhất ở Đoàn Lập, Tiên Lãng, Hải Phòng là đứa trẻ đang học lớp 6. Trên đường đi chơi, Nhất nhìn thấy chiếc ví màu đen nằm vệ đường, em nhặt lên và mở ra thấy trong ví có 1.500 đôla Mỹ (bằng hơn 30 triệu tiền Việt) và 1 triệu 300 nghìn đồng tiền Việt cùng một số giấy tờ tùy thân. Em đứng bên đường chờ gần hai tiếng đồng hồ xem người mất ví có quay lại tìm thì trả, nhưng không có ai qua lại trên đường. Em đem ví về nhà đưa cho bố mẹ và bảo bố mẹ tìm người đánh rơi trả cho người ta. Bố mẹ em xem kỹ giấy tờ, xác định được chủ nhân chiếc ví là người ở thôn bên, cùng xã. Nhất mang ví sang tìm người mất trao trả tận tay. Cảm kích trước tấm lòng của em, người mất ví đưa tặng 1 triệu đồng, nhưng em nhất định không lấy, mặc dù nhà em còn nghèo, lại có tới bốn anh chị em, bố mẹ cần cù nhưng chỉ làm nông nghiệp nên cũng khó khăn, nhưng không vì thế em tham của người khác đánh rơi.

Tôi muốn dẫn lại hai mẩu chuyện cảm động mà thông tin đại chúng đã đưa, để muốn người đọc cùng tôi nghĩ tới vụ đại án tham nhũng đứng đầu là Dương Chí Dũng, nguyên chủ tịch HĐQT Vinalines mà tòa án Hà Nội vừa xử, cùng những vụ án tham nhũng khác đã xử hoặc sắp được đưa ra xét xử.

Có thể nói, hầu hết những vụ án tham nhũng đều là những kẻ có quyền cao chức trọng, và dường như chức tước càng cao quyền hành càng lớn mà đã “dính vào” thì đều là những vụ án lớn.

Vậy thì vì sao lại thế?

Nhiều người đã nói tới luật pháp, cơ chế quản lý, phương thức điều hành của ta còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở. Đúng cả. Nhưng “cái gốc” của vấn nạn tham nhũng thì lại ít được nói tới, đấy là cái TÂM của con người, hay như nhiều người thường nói là phẩm chất, đạo đức thì cũng thế. Mà cái Tâm của con người thì lại không tuỳ thuộc vào tuổi tác lớn bé, người có chức quyền hay không, mà lại tùy thuộc vào tính bản thiện của mỗi người. Nếu ngẫm kỹ một chút, hẳn mọi người đều biết, Đảng ta và người sáng lập và lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả đời gần như đặt công việc chăm lo rèn luyện đạo đức, mà thực chất là cái TÂM, lên hàng đầu. Chẳng thế, trước khi cảm thấy mình không thể cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân lâu hơn nữa, Bác Hồ đã viết bài báo cuối cùng về Đảng đăng báo “Nhân dân” số ra đúng ngày kỷ niệm 39 năm thành lập Đảng 3/2/1969: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thể hiện rõ sự quan tâm sâu sắc của Bác trong việc rèn luyện đạo đức người cán bộ, đảng viên với những lời thống thiết: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo dức cách mạng” (Bác nhấn mạnh). Bởi theo Bác, người mang nặng chủ nghĩa cá nhân thì “Việc gì cũng nghĩ đến lợi ích cá nhân của riêng mình trước hết”. Ngày ấy, tham nhũng chưa trở thành “vấn nạn” như bây giờ, nhưng đúng như tiên đoán của Bác, qua vụ án Dương Chí Dũng, cũng như một số vụ án tham nhũng khác, phần nhiều đều có xuất phát điểm là “lợi ích cá nhân của riêng mình trước hết”, họ chỉ nghĩ đến “vinh thân phì gia” cho mình, chứ đâu có mảy may nghĩ đến lợi ích của nhân dân, đất nước và danh dự của Đảng.

Trở lại trường hợp hai người nhặt được của rơi tìm cách trả lại người mất, một là người lớn, còn một là cháu nhỏ mới hơn chục tuổi, nhưng đã biết xa lánh chữ “tham” bằng việc tìm cách thông tin cho người mất để trao lại tận tay; không những thế, khi người nhận lại của rơi cảm kích biếu tặng một số tiền thì nhất mực từ chối, mặc dù cả hai đều là con nhà nông còn khó khăn nghèo túng. Họ có nghĩa cử như thế vì có cái TÂM trong sáng, thẳng thắn và trung thực, không mảy may tham lam của người. Còn cái TÂM thì như đại thi hào Nguyễn Du dạy “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Mong sao Đảng và Nhà nước ta mỗi khi nhìn nhận, đánh giá, cất nhắc cán bộ trước tiên hãy nhìn vào cái Tâm, hay nói như Bác Hồ trong bài báo cuối cùng Người viết về Đảng cách đây đúng 45 năm là “đạo đức cách mạng” có trong sáng và thẳng thắn, trung thực hay không, chứ không nên chỉ nhìn cái màu “váng cua” nổi trên mặt. Bởi đạo đức chính là “cái gốc” của con người, mà như cha ông ta nói, “gốc có vững cây mới bền”, nên đã đến lúc xem xét cán bộ, đảng viên dù làm đến chức tước gì chăng nữa trước hết cũng phải nhìn vào cái Tâm, cái Đức, chứ không thể để nắm quyền cao chức trọng như Dương Chí Dũng, và bao kẻ tham nhũng khác, mà cái Tâm, cái Đức không bằng một đứa trẻ con, thì chỉ làm hại nhân dân mà thôi.

CN

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder