Từ nhân vật truyền thuyết đến nhân vật trong thần phả

Từ nhân vật truyền thuyết đến nhân vật trong thần phả là một quá trình sáng tạo, hoà đồng chuyển hoá giữa văn học dân gian và văn học viết.

PGS. TS Trần Mạnh Tiến

Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội

Tiến trình phát triển của lịch sử văn học dân tộc cho thấy, trước khi có nền văn học viết, chúng ta đã có một nền văn học dân gian giàu bản sắc dân tộc với nhiều hình tượng nghệ thuật đặc sắc, đó là nguồn “nguyên liệu” dồi dào cho các nhà Nho sáng tạo những hình tượng nghệ thuật trong văn bản văn học viết. Rồi những hình tượng trong tác phẩm văn học viết lại trở về với dân gian tạo nên những quan hệ văn hoá đa chiều trong đời sống tinh thần dân tộc. Có thể thấy các nhân vật trong truyền thuyết như Vua Hùng, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Sơn Tinh, Thuỷ Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Hai Bà Trưng… từ ký ức dân gian đã đi vào những trang thần phả, thần tích, ngọc phả, với một diện mạo riêng qua lăng kính của nhà Nho.

Với lịch sử văn học dân tộc, chữ Hán có vai trò đặc biệt, nó giúp nhà Nho biến các di sản văn học dân gian từ chỗ lưu hành truyền miệng đến lúc hình thành các văn bản nghệ thuật xác định, tạo nên hai loại hình nghệ thuật trong một nền văn hoá: Văn học dân gian và văn học viết. Các hình tượng nghệ thuật trong thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn… dần dần hiện lên trong những tác phẩm viết bằng chữ Hán tiêu biểu như Thánh Tông di thảo của Lê Thánh Tông, Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ, Thiên Nam vân lục liệt truyện của Nguyễn Hàng… Khi chữ Nôm ra đời, các nhà Nho như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều…đã sử dụng nó như một công cụ thiết thực để sáng tác những tác phẩm bằng quốc âm. Có cây bút như Đoàn Thị Điểm còn phiên dịch văn bản chữ Hán Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn ra Tiếng Việt một cách tài hoa, tạo cho hoạt động tiếp nhận thêm một giá trị mới có tính song hành… Sự xuất hiện những Truyện Nôm khuyết danh trong thời kỳ trung đại cũng nói lên ý thức về một nền văn học viết bằng tiếng mẹ đẻ của cha ông. Dùng văn tự ghi chép các di sản văn học dân gian để tránh thất truyền, phản ánh tinh thần dân tộc cao của nhà Nho. Trong đó, truyền thuyết là những câu chuyện dân gian có quan hệ mật thiết với thần thoại kể về sự hình thành và phát triển của lịch sử dân tộc như Truyện đẻ trăm trứng, Truyện nỏ Thần… Đặc biệt truyền thuyết về thời đại Hùng Vương là nơi lưu giữ những dấu vết lịch sử để các nhà Nho các thời kì sau sáng tạo những tác phẩm văn học viết. Cả truyền thuyết và thần phả cùng làm phong phú thêm những sinh hoạt văn hoá truyền thống. Song từ truyền thuyết trở thành thần phả, không đơn thuần là việc sao chép, “phiên dịch” tác phẩm văn học dân gian sang tác phẩm văn học viết bằng chữ Hán mà đây là hoạt động kế thừa và sáng tạo kho tàng văn học dân gian của nhà Nho. Trong quá trình biên sử và sáng tác, các nhà Nho rất quan tâm đến cội nguồn dân tộc, vận mệnh đất nước, truyền thống gắn kết cộng đồng, lòng yêu nước thương nòi, ý chí chống giặc ngoại xâm và xây dựng đất nước. Các nhân vật trong truyền thuyết hội đủ những tinh hoa của nòi giống tổ tiên, sống hồn nhiên, bền bỉ trong tâm thức dân gian và truyền lại qua nhiều thế hệ. Theo nhận thức của người xưa, Lạc Long Quân và Âu Cơ là tổ tiên của người Việt, vua Hùng là người chủ giang sơn, người cha của trăm họ; các nhân vật Sơn Tinh, Cao Sơn, Quí Minh, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng… là những người giúp nước trợ dân, được dân gian lập đền tưởng nhớ, họ trở thành biểu tượng trong tiềm thức dân tộc qua nhiều thời đại. Truyền thuyết lưu lại trong kí ức dân gian hình ảnh các vua Hùng cày cuốc cùng dân, tham gia lễ hội; dạy nghề cho dân; các Mị Nương thường xuyên đi đó đây để xem xét cuộc sống dân tình. Các nhân vật anh hùng trong truyền thuyết là con người bình thường, từ nhân dân mà ra, gần gũi nhân dân, được nhân dân kính trọng tin yêu, quan hệ “đồng bào” với nhân dân. Họ là sợi dây gắn kết vua cha với cộng đồng, thuận lòng dân sẵn sàng đánh giặc, sống và thác vì dân, tất cả cho lợi ích cộng đồng, không màng danh lợi, khi hoá để lại niềm luyến tiếc muôn đời trong lòng dân như Thánh Gióng, Hai Bà Trưng v.v…

Các nhân vật truyền thuyết khi đi vào văn học viết vẫn mang được những bóng dáng ban đầu, nhưng có phần được “cải biên” theo nhận thức của nhà Nho, được các nhà Nho sáng tạo theo nhu cầu phản ánh hiện thực và quan niệm thẩm mĩ của thời đại mình. Cho dù lịch sử là không ngừng biến đổi, nhưng quan niệm nghệ thuật của nhà Nho phần đông là “tĩnh tại” và chứa đựng trong đó những “khuôn vàng thước ngọc” của thi pháp văn chương trung đại có nền móng từ văn hóa Trung Hoa. Qua thực tiễn xã hội, tư tưởng của nhà Nho không chỉ dừng lại ở những luận đề Khổng giáo, mà tư tưởng của Lão giáo và Phật giáo cũng đồng hành trong nhận thức của họ. Đồng thời, trong đời sống dân gian của cư dân Lạc Việt xưa vẫn tồn tại những hình thức tôn giáo bản địa theo quan niệm vạn vật hữu linh, như tục thờ các vị thần linh, thánh mẫu. Nhiều trang viết của nhà Nho có sự hoà đồng các tôn giáo phương Đông và tín ngưỡng dân gian. Do vậy, quan niệm nghệ thuật về con người trong các Thần Phả, Thần tích và Ngọc phả là sự hài hoà tư tưởng Nho – Phật – Lão với quan niệm dân gian.

Những tác phẩm chữ Hán mang tên gọi: Thần phả (神譜), Thần tích (神跡), Ngọc phả (玉 譜) đều đề cập tới nguồn gốc lịch sử một danh thần nào đó được thờ phụng, tuy có sự khác nhau về sắc thái ngữ nghĩa nhưng các tên gọi trên đều thống nhất chỉ những truyền thuyết được viết bằng chữ Hán theo quan niệm nghệ thuật của nhà Nho. Chẳng hạn như các tác phẩm Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương, Trưng Nữ Vương, Phép tế lễ ở bản Minh Cầm xưa, Ngọc phả đình Sở xã Thọ vực, Thần tích đình Ngọc Tân v.v… đều gắn bó mật thiết với truyền thuyết dân gian ở nhiều phương diện. Thần phả là thuật ngữ được dùng phổ biến chỉ những câu chuyện có chủ đề về nguồn gốc dân tộc, quá trình dựng nước và giữ nước cùng các phong tục tập quán dân gian. Thần phả và truyền thuyết tuy có cùng cốt truyện và nhân vật, nhưng cũng có những điểm khác nhau giữa hai loại hình văn học: truyền miệngvăn bản viết. Thế giới nhân vật trong Thần phả cũng phong phú như các nhân vật trong truyền thuyết có vua, tôi, dân, có tướng lĩnh, thần, vật, giặc dã, người già, trẻ em, phụ nữ, dân nghèo v.v… nhưng chân dung của hai kiểu nhân vật thần phả và nhân vật truyền thuyết có khác nhau. Nhân vật trong truyền thuyết thường đơn giản và dân dã hơn về ngoại hình, danh xưng, ngôn ngữ và tính cách so với nhân vật trong thần phả. Nhân vật trong truyền thuyết gần gũi về tình cảm cộng đồng, tính cách hồn nhiên ít bị ràng buộc về tôn giáo như nhân vật trong thần phả. Nhân vật trong thần phả là những con người chịu sự ràng buộc của luân thường đạo lý hoặc theo quan niệm trung quân của Nho gia: Với cha mẹ là hiếu nghĩa phải đi cùng nghi lễ trang trọng: tiếp xúc phải quì lạy, tang phải 3 năm, táng phải chọn đất theo phong thuỷ, khóc phải thấu tận trời; nghiêm chỉnh tuân theo chiếu chỉ đức vua, hành động nghiêng về lý trí và mệnh lệnh. Con người trong truyền thuyết lại tự nhiên, gần gũi thậm chí hoà đồng với nhau: vua với dân, tướng với quân và có sự ràng buộc nhau về phong tục tập quán (Truyện bánh chưng bánh dày, Truyện Trầu Cau Vôi). Con người trong thần phả thường được khắc hoạ theo đẳng cấp, thứ hạng (vua tôi, chủ tớ, dòng giống, tiểu nhân và quân tử). Trong Thần phả phần lớn người anh hùng làm nên thời thế, còn trong truyền thuyết thường thấy thời thế tạo anh hùng (theo quan niệm: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh).

Truyền thuyết thời Hùng Vương, khi giặc ngoại xâm đến bờ cõi mới xuất hiện người anh hùng làng Gióng từ nhân dân mà ra. Người anh hùng trong thần phả cũng từ nhân dân mà ra nhưng được kỳ bí hoá về sự ra đời theo kiểu truyện chí nhân chí quái của Trung Hoa hoặc quan niệm chiêm tinh, thuyết thiên mệnh hay thần linh báo mộng. Chẳng hạn đoạn mô tả về căn nguyên sự ra đời của Cao Sơn và Quí Minh trong thần phả Phép tế lễ ở bản Minh Cầm như sau: “Một đêm nọ vào lúc canh ba, bà mộng thấy một ông lão ăn vận chỉnh tề, hình dung lạ lẫm cầm cành đào có hai quả, đứng ở đầu giường, tự xưng là quan Sơn thần và nói rằng: Nhà ngươi có đức, trời cho hai trái đào, ắt sẽ sinh con trai! Ông già nói xong rồi biến mất. Nguyễn Thị hoảng sợ, tỉnh dậy mới biết là giấc mộng lạ. Hôm sau bà kể lại với chồng, ông nói: Ắt có điềm lành trong mộng, từ đó thấy bà mang thai.”[3/2]. Hoặc Ngọc phả Đình Sở xã Thọ Vực ghi: “Rồi một đêm vào cuối canh ba, bà nằm mộng thấy có một con rắn Bạch hoa lớn quấn quanh thân mình, tỉnh giấc bà liền kể lại với ông. Ông bảo rằng: Đó là điềm mộng tốt lành, từ đó bà liền mang thai” [5/2]. Người anh hùng trong thần phả được hình thành từ một yếu tố siêu nhiên linh dị gắn với mệnh trời, do thần thánh đầu thai, bà mẹ bình dân cũng chỉ là phương tiện là cái cớ cho linh thần náu mình xuất thế mà thôi, cùng với đó là quan niệm “phúc đức tại mẫu” của Nho gia. Con người trong truyền thuyết dân gian về chủ đề chống giặc, có quá trình lớn lên mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu lịch sử, không bàn đến tướng mệnh, trình độ học vấn, quá trình đào luyện từ “cửa Khổng sân Trình” mà thường thông qua lối cảm nhận dân gian, đó là khả năng ăn khoẻ, lớn nhanh và có sức khoẻ hơn người như: cậu bé Gióng ba tuổi vươn vai thành tráng sĩ, ăn không biết no, khi xung trận gươm bị gãy liền nhổ bụi tre quật vào lũ giặc… Con người trong các thần phả cũng có quá trình trưởng thành, thành người anh hùng nhưng được mô tả là kẻ học thức hơn người, thông làu sử sách về thiên văn địa lí, tỏ tường đạo nghĩa, văn võ song toàn… mang sức mạnh của thánh nhân tàng ẩn.

Trong hệ thống văn xuôi trung đại, một bộ phận là “những mảnh vỡ” của truyền thuyết dân gian, các nhân vật trong thần tích thần phả, được nhà Nho sáng tạo và được hiện thực hóa trong hành động. Chẳng hạn như nhân vật Thi Sách trong truyện Trưng Nữ vương (Nguyễn Hàng) viết Hịch kêu gọi dân chúng chống ách đô hộ của nhà Hán, lời lẽ trong bài hịch của ông thống thiết, mạnh mẽ: “Ta nay dòng dõi Rồng Tiên, cháu con Hùng tướng. Thương dân đen sa xuống hầm sâu, nằm không yên gối, hiệp mưu sĩ dấy quân vì nghĩa, diệt bọn hung tàn…” [176], thể hiện rõ từ ngữ, giọng điệu của văn chương bác học. Trong thần phả ở bản Minh Cầm, tâm lí con người phức tạp hơn tâm lí con người trong truyền thuyết. Ngôn ngữ người anh hùng thể hiện rõ khẩu khí của Nho gia: “Ta nay mà được vinh hiển làm chủ ấp, các ngươi có lòng tôn kính, ta cho phép các ngươi sau này được thờ phụng thần hiệu của ta” [1/5]. Người anh hùng phải hội đủ các phẩm hạnh của người quân tử: trí quân, trạch dân; phải nắm được thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Trang bị của nhân vật trong truyền thuyết mang tính dân dã như: nơi ở nhà tranh, vũ khí đánh giặc bằng tre (Thánh Gióng). Con người trong Ngọc phả Đình Sở xã Thọ Vực ra trận rất uy linh: “Tướng binh, cùng Sơn Thánh đi tuần phòng hai đạo Tây Bắc, hai ông vâng lệnh thuỷ bộ đường đường đi tới. Trên đường cờ bay vạn dặm, đầu thuyền chiêng trống vang động đến đỉnh núi…” [5/5]. Thế trận trong thần phả ở đây dường như mang dư âm hùng khí của Tam quốc chí; những trận huyết chiến mù mịt đất trời trong Thuỷ hử. Cả truyền thuyết và thần phả đều chứa đựng yếu tố hoang đường kì ảo, nhưng cái hoang đường kì ảo trong truyền thuyết tự nhiên, dân dã hơn, còn yếu tố kì ảo trong thần phả được hư cấu chi tiết hơn mang màu sắc tượng trưng thường được lấy từ điển cố hay các chỉ xích đo lường của Trung Hoa.

Mặc dù gần trung tâm đất tổ Hùng Vương (Phú Thọ), nhưng chi tiết trong các thần phả, thần tích, ngọc phả cũng được dị bản hoá theo từng địa phương: ở bản Minh Cầm (Yên Sơn- Tuyên Quang), các vị anh hùng là Cao Sơn, Quí Minh có mẹ là Nguyễn Thị Hiền; ngọc phả đình Ngọc Tân (Đoan Hùng- Phú Thọ) của đồng bào Cao Lan ba vị anh hùng là Cao Sơn, Cao Đạo và Cao Đào; mẹ Cao Sơn có tên là Đặng Thị Cẩn, Cao Đạo, Cao Đào là dòng dõi vua Hùng; ngọc phả Đình Sở xã Thọ vực (Sơn Dương – Tuyên Quang) thờ phụng ba vị anh hùng dân tộc là Cao Sơn, U Sơn, Ất Sơn có mẹ là Nguyễn Thị Thanh. Trong khi truyền thuyết không xác định cụ thể tính danh nhân vật người mẹ mà chỉ kể đến: “có người đàn bà” nói chung. Còn các bà mẹ của các vị anh hùng trong thần phả khác nhau về danh tính cụ thể, nhưng người cha lại phải có căn nguyên về dòng dõi. Điều đó phản ánh quan niệm nam tôn của Nho gia. Đó là những anh hùng tiêu biểu trong truyền thuyết, được nhân dân ở nhiều địa phương thờ phụng và được nhà Nho ghi chép trong các trang thần phả được lưu thờ ở các đình chùa đền miếu khác nhau.

Để thực hiện chính sách nhân hoà, nhiều triều đại các bậc quân vương đã ban cấp sắc phong cho các nơi thờ phụng và ghi rõ các danh thần, đó là những chứng tích lịch sử văn hóa còn lại đến ngày nay. Danh thần trong thần phả thường được gắn với các sự kiện như khi giặc tan được vua ban thưởng và hậu đãi, nhưng các vị anh hùng lại ban phát các bổng lộc tiền tài cho dân rồi hoá; khi thần hoá được dân lập đình hoặc đền thờ phụng, kết thúc truyện các nhà Nho đều ghi chép ý nghĩa của nơi thờ phụng về thời gian các triều vua ban cấp sắc phong, địa điểm sự tích danh thần, mĩ tự được phong và sự hiển ứng của các thần trong lịch sử. Do vậy, con người trong thần phả được “sống” với không gian mang bóng dáng của nhà nước phong kiến có thể chế phép tắc. Để thuyết phục người đọc, sau phần kết các nhà Nho không quên ghi chép những tục lệ dân gian ở nơi thờ phụng. Người anh hùng trong truyền thuyết được dân gian lưu truyền gắn với những việc làm để lại chứng tích trong thiên nhiên (ao đầm, tre đà ngà trong truyện Thánh Gióng; dấu tích thành Cổ Loa trong truyện Nỏ Thần) hoặc các tập quán thờ cúng của dân gian một cách bình dị, hồn nhiên. Nhưng người anh hùng trong Thần phả lại có nguồn gốc từ một đấng linh thiêng ẩn sau cái vẻ ngoài dân dã.

Nhân vật trong thần phả thường mang yếu tố ước lệ (dáng vẻ, công cụ, trang phục, lời nói, cử chỉ, đại từ, tính nhân quả, nghiệp chướng, biểu tượng trong sử sách). Nhân vật thần phả dược mô tả về chân dung, hoạt động nội tâm, có diễn biến tư tưởng hành động và ngôn ngữ, tính cách rõ nét hơn truyền thuyết. Nếu nhân vật truyền thuyết là bức tranh tĩnh về kí ức lịch sử thì nhân vật thần phả là bức tranh động về quá khứ và không khí đương đại. Nhân vật trong thần phả được mô tả có quan hệ người với người cụ thể hơn. Chẳng hạn cử chỉ của những nhân vật Cao Sơn và Quí Minh vừa có hiếu với mẹ cha vừa có tình với dân được mô tả tỉ mỉ hơn trong cả hành động và lời nói; nhân vật có khi còn bộc lộ tính cách qua đối thoại. Nhân vật trong truyền thuyết nghiêng về kiểu tái hiện (kể) cho nên thể hiện rõ vai chức năng hơn, nhân vật trong thần phả nghiêng về kiểu tái tạo (tả), nhà văn có thể lồng ghép vào nhân vật những trang phục uy nghi hoặc những đặc điểm về tướng mạo khác thường theo quan niệm nhân tướng học. Nhân vật trong thần phả mang dấu ấn của chủ thể sáng tạo rõ nét hơn, thời gian cụ thể hơn, cả về quê hương, gốc tích, gia đình, nhân vật có da thịt và tiếng nói… Nhân vật truyền thuyết thường là một biểu tượng trong kí ức mang tính “mờ nhạt” (Ví dụ về lời kể: Ngày xửa ngày xưa, có hai vợ chồng, ở một làng nọ, có một câu bé…), nhân vật thiếu chi tiết mang tính thế sự. Dó đó nghệ thuật trần thuật trong thần phả góp phần đặt nền móng cho tiểu thuyết chương hồi và truyện ngắn trung đại.

Cũng cần nói rõ thêm, lời văn trong thần phả thường hoa mĩ, trang trọng, ước lệ, khoa trương, gắn với các điển cố trong sử sách (voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao – An Dương Vương). Lời văn trong truyền thuyết gợi ra vẻ dân dã, mộc mạc, giàu tính khẩu ngữ (Truyện đẻ trăm trứng, Truyện bánh trưng bánh dày, Thánh Gióng, Sơn tinh Thuỷ tinh, Nỏ thần…). Mục tiêu của người kể là tái hiện cốt truyện và thuộc tính vốn có của nhân vật. Thời gian trần thuật của thần phả mang dấu ấn đương đại (Phép tế lễ ở bản Minh Cầm xưa, Thần phả Đình Ngọc Tân...), người viết hay chú ý đến yếu tố “đương thử chi thời” (đương thời): còn thời gian trần thuật của truyền thuyết hướng về quá khứ (Truyện hai bà Trưng), thường có các cụm từ: Ngày xửa ngày xưa… Không gian thời gian trong thần phả thường được mô tả cụ thể hơn, xác định hơn không gian trong truyền thuyết như vị trí sao, ngày giờ sinh, ngày giờ mất của con người, các vật thể, các địa điểm con người vận động, địa danh, địa hình “long xà địa” hay “long bàn hổ cứ”… Không gian thời gian trong truyền thuyết chỉ có tính ước đoán gợi ra kí ức như: Ngày xửa ngày xưa; đời vua Hùng Vương thứ XVIII… Con số vua Hùng thứ XVIII, thực chất chỉ là ước số về thời gian theo thói quen của dân gian, chứ không có tính chính xác về lich sử. Là những văn bản văn văn học viết nên phép tu từ trong thần phả được quan tâm ở nhiều bình diện. Trong thần phả hay sử dụng những câu văn biền ngẫu, những hình ảnh tượng trưng, những chữ Hán có tính biểu cảm cao; giọng điệu quan phương (ta, ngươi, há phải…). Trong khi đó lời thuật của truyền thuyết là mộc mạc dân dã, nhịp điệu tuỳ theo người kể bám vào cốt truyện và người nghe. Người nghe phần lớn là lứa tuổi nhi đồng, người kể chủ yếu là người cao tuổi ở thôn quê, lời văn mang tính thuần Việt cao. Trong khi đó ở các đình làng xưa, trước khi làm lễ Thần, người chủ tế là nhà Nho phải thuật giải về thần phả, vừa dẫn truyện lại vừa kèm thuyết minh về giáo lí trong kinh điển và quan niệm sống của thời đại mình, cũng có khi lồng ghép thuyết minh cả về hương ước cho dân chúng cùng nghe…

Truyền thuyết và thần phả có sự gần gũi nhau, do sự kế thừa của văn học viết với văn học dân gian, nhưng không đồng nhất. Văn học dân gian là kho tàng văn hóa gắn bó với đời sống dân tộc và chi phối nhận thức của Nho gia. Bản thân việc ghi chép khách quan truyền thuyết đã là một thành công của nhà Nho, song nhà Nho do ý thức hệ phong kiến (có khi cả Phật giáo, Lão giáo) chi phối, luôn “uốn nắn” truyền thuyết theo quan niệm nghệ thuật của mình và thời đại mình. Còn truyền thuyết tồn tại một cách hồn nhiên trong đời sống dân gian, nhưng trong trường kỳ lịch sử, ở các giai đoạn về sau, khi người Việt dùng chữ Hán để ghi chép văn học dân gian, truyền thuyết cũng bị chi phối bởi các quan niệm Nho, Phật, Lão, nên truyền thuyết dân gian cũng không còn nguyên vẹn như buổi sơ khai của lịch sử nữa. Truyền thuyết “trôi nổi” trong đời sống dân gian nên dễ thất truyền, dễ sinh nhiều dị bản, thần phả được cố định hoá trong văn bản nghệ thuật bằng văn tự nên “ổn định” hơn. Song, không phải mọi truyền thuyết đều nằm trong thần phả và mọi thần phả “hoàn toàn” như truyền thuyết. Từ góc độ loại hình nghệ thuật cho thấy: Truyền thuyết phong phú đa dạng hơn thần phả bởi nó là những câu chuyện lịch sử sơ khai của dân tộc hình thành từ đời sống dân gian rộng lớn không bị bó buộc về thời gian và không gian diễn xướng cùng các ảnh hưởng của tôn giáo bên ngoài. Còn thần phả, ngoài việc ghi chép các tài liệu lịch sử trong truyền thuyết, còn bị ràng buộc từ ý thức hệ Nho gia và các học thuyết về tôn giáo trong lịch sử. Đa số các thần phả tình tiết “bề bộn” hơn truyền thuyết, nhưng cũng có trường hợp phạm vi truyền thuyết rộng hơn thần phả. Chẳng hạn như Thần tích Đền Thần Ỷ La lại ghi sơ lược hơn truyền thuyết: “Tương truyền đời xưa có hai nàng công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông, đến đêm nổi cơn mưa gió, hai công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị lập đền để thờ. Đền Phương Dung Công chúa ở phía hữu Sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La còn đền Ngọc Lân Công chúa ở xã Tình Húc cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm.”[3/359]. Trong khi đó ở khu vực Tuyên Quang, xoay quanh sự tích hai nàng công chúa thời Hùng Vương quy hoá được thêu dệt thành biết bao dị bản về công sức tài năng, nỗi bất hạnh và sự linh ứng của các nàng được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu và nguồn gốc tục lệ rước Mẫu ở địa phương…

Các thần phả viết về thời đại Hùng Vương có xu hướng “tổng hợp” các truyền thuyết ở nhiều chủ đề khác nhau vào chung một câu chuyện như Phép tế lễ ở bản Minh Cầm xưa; Ngọc phả Đình Sở xã Thọ vực, Thần phả Đình Ngọc Tân theo thứ tự: Trước tiên nói về nguồn gốc dân tộc, sau đó đến người dựng nước, tiếp đến chuyện đánh giặc và ban ơn, thờ phụng… Còn các truyền thuyết dân gian mỗi câu chuyện thường gắn với từng chủ đề riêng rẽ như: Truyện đẻ trăm trứng, nói về nguồn gốc dân tộc; Sự tích bánh trưng bánh dày, kể về một phong tục dân gian; Thánh Gióng kể về chiến công chống giặc Ân… Do vậy hai loại hình văn học dân gian và văn học viết luôn có mối quan hệ tương thông chuyển hóa với nhau trong đời sống văn hóa lịch sử. Đó là mối quan hệ nhân quả về di sản tinh thần dân tộc. Truyền thuyết và thần phả khác nhau ở hai kiểu văn bản về kiểu kết cấu, cách biểu hiện ngôn ngữ. Thế mạnh của truyền thuyết là tính tự do và dân chủ linh hoạt trong môi trường diễn xướng dân gian nên dễ đi vào lòng người nhưng hạn chế là tính không cố định và dễ thất truyền; thế mạnh của thần phả là khả năng lưu giữ chất liệu của truyền thuyết và hiện thực lịch sử của thời đại nhà Nho sống và sáng tác, nhưng lại là những văn bản chữ Hán tạo ra thứ rào cản ngôn ngữ nên khó phổ biến rộng rãi. Ngoài ra chưa kể sự “nhập cảng” nhiều yếu tố triết học, đạo đức và các điển tích điển cố trong văn học Trung Hoa không dễ phù hợp với tâm lý người dân bản địa. Về mặt dung lượng hình thức, truyền thuyết ngắn hơn thần phả ở phương thức trần thuật và các chi tiết nghệ thuật. Còn thần phả do lợi thế về văn tự nên hiện thực được nhà Nho mô tả “bề bộn” và chi tiết hơn. Những nhà Nho có tài là những cây bút luôn kết hợp hài hoà giữa hai yếu tố dân gian và bác học để tạo nên những văn bản văn học viết giàu nghệ thuật. Do vậy, việc biên soạn và giảng dạy văn học trong nhà trường một cách khoa học cũng cần chỉ rõ kiểu nhân vật ở hai loại hình nghệ thuật trong một nền văn hóa.

Nhiều văn bản thần phả còn lại đến nay thường gắn với tên tuổi vị Hàn lâm học sĩ Nguyễn Bính thời Lê, điều đó có nguyên nhân lịch sử và văn hóa. Đã đến lúc ông và các nhà Nho ý thức sâu sắc về vai trò của nền văn học viết, dùng phương thức ghi chép lịch sử và văn hoá dân tộc bằng nghệ thuật. Mặt khác Nguyễn Bính cũng là một cây bút đề cao truyền thống văn hiến của dân tộc cần bảo tồn và phát triển, nên ông đã đi đầu trong việc sưu tầm các truyền thuyết dân gian.

3. Kết luận

Từ nhân vật truyền thuyết đến nhân vật trong thần phả là một quá trình sáng tạo, hoà đồng chuyển hoá giữa văn học dân gian và văn học viết. Thần phả vừa mang được cái bóng của quá khứ vừa mang được cái hình của thực tại, vừa có những vẻ đẹp hồn nhiên của dân gian vừa mang tính bác học của tư duy văn học viết. Đó là quá trình vận động của dòng chảy tinh hoa dân tộc từ sông ra biển lại mưa về nguồn, kết tinh trong văn xuôi trung đại Việt Nam.

 

Hà Nội Quí Thu Kỷ Sửu

TMT

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Cổ tích minh cầm trang tự dụng (bản Thần Phả chữ Hán), Đình Minh Cầm, xã Đội Bình, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. 2000

[ 2] Phan Huy Chú. Đại Việt địa dư chí. NXB. Thuận Hoá. 1994

[3] Đại Nam nhất thống chí. Tập 4.  NXB. Thuận Hoá. 1994

[4] Hồ sơ Đền Hạ. Bảo tàng – Sở Văn Hoá – Thông tin tỉnh Tuyên Quang. 1990

[5] Ngọc phả Thọ Vực xã Đình Sở. (bản chữ Hán). Bảo tàng Sở văn hoá Thông tin tỉnh Tuyên Quang. 2000

[6] Ngọc phả Ngọc Quan xã Ngọc Tân Đình sở (Bản chữ Hán), làng Ngọc Tân, xã Ngọc Quan, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. 2005

[7] Sắc phong Thần Cao Sơn, U Sơn, Ất Sơn (Bản  chữ  Hán) huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

[8] Sắc phong Đền Ỷ La, Đền Thượng (Bản chữ Hán). Bảo tàng – Sở Văn Hoá, tỉnh Tuyên Quang. 1985

[ 9] Thần tích đền Ỷ La (bản chữ Hán). Bảo tàng – Sở Văn Hoá tỉnh Tuyên Quang. 1985

[10] Tổng tập văn học Việt Nam, tập 16. NXB Khoa học xó hội 1992

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder