Khi tác phẩm “Những ngày thơ ấu”…
(Nhà văn Bão Vũ)
Khi tác phẩm Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng đến với người đọc trên nhật báo Ngày Nay thì không lâu sau, bản trích dịch tiểu thuyết Đêvit Copơphin của Charles Dickens dành cho học sinh do dịch giả Anh ngữ có tiếng thời đó là Bùi Ý thực hiện cũng được độc giả nước ta biết đến. Rồi Vô gia đình, Những kẻ khốn nạn của hai tác giả Pháp viết về những cảnh đời bất hạnh cũng được dịch ra tiếng Việt. Độc giả phổ thông có dịp so sánh “văn ta” với “văn Tây”
Hồi đó, tính tự tôn của dân ta cao lắm tuy có ngây thơ. Người ta luôn so sánh mọi việc làm của dân mình với nước ngoài để tự hào. “Người Nam ta cũng có tàu chạy đường biển của ông Bạch Thái Bưởi, kém gì Tây? ”; “ Hãng nước mắm Vạn Vân – Hải Phòng lừng lẫy đến người Tàu cũng phải nể.” v.v…
Mạnh Phú Tư, một tác giả lớn hơn Nguyên Hồng 5 tuổi, đã viết cuốn tự truyện Sống nhờ về một số phận nhỏ mọn bất hạnh gây xúc động cho nhiều người đọc. Cùng với hai tác phẩm Những ngày thơ ấu và Bỉ vỏ của Nguyên Hồng, một tác giả thiếu niên về loại tự truyện và truyện xã hội hạ lưu Việt Nam, chẳng thua gì tiểu thuyết Pháp. Người đọc của ta hãnh diện về văn chương nước nhà như hãnh diện về những doanh nhân quốc nội kể trên.
Thời ấy có những nhà văn mượn “tuồng tích” ngoại quốc để viết thành tác phẩm như Hồ Biểu Chánh đã Việt hoá
Những kẻ khốn nạn của Victor Hugo thành Ngọn cỏ gió đùa, Vô gia đình của Hector Malot thành Cay đắng mùi đời. v.v… Hoặc cốt truyện giữ nguyên tác, chỉ Hán hoá cái tên như Lôi Xích ( Le Cid của Corneille), Hâm Liệt, Mặc Biệt ( Hamlet, Macbet của W. Shakspeare). Sau, chỉ còn Phạm Cao Củng vẫn với hàng loạt chuyện về thám tử Sherlock Home mang tên Việt là Kỳ Phát, theo sát nguyên mẫu. Phạm Cao Củng còn Việt hóa cả Người vô hình của George Orwell trong các truyện về Bác sĩ Mai Anh, là loại truyện giải trí như truyện kiếm hiệp ba xu, bền bỉ cho đến những năm 50.
Nguyên Hồng thuở thiếu niên đã đọc rất nhiều truyện kim cổ Đông Tây, cùng với các nhân vật say mê sống trong những câu chuyện ấy. Nhưng ông không theo lối các tác giả nói trên. Nguyên Hồng ở trong số những nhà văn khác cùng thời như Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân,… đã có ý thức sáng tác văn học tạo nên những tác phẩm của người Việt Nam gây ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài cho những thế hệ cầm bút sau này.
Những tác phẩm Bỉ vỏ , Những ngày thơ ấu được viết bởi một tác giả ở độ tuổi 17, 18 đã là một động lực rất mạnh đối với những thiếu niên say mê văn học, để rồi trong số đó đã có những nhà văn chuyên nghiệp sau này.
Có một truyện ngắn của Nguyên Hồng ít được người ta nói đến, đăng ở Tiểu thuyết thứ bảy ( tôi không nhớ tên truyện – BV ) viết về sự sa đoạ cùng cực của một con người. Hắn là kẻ có học, nhưng hắn nghiện thuốc phiện, nằm bẹp trong túp lều ở một góc vườn hoang. Như những “con nghiện” thời đó, hắn nằm hút thuốc triền miên suốt ngày. Cô em ruột xinh đẹp hiền thục hàng ngày tần tảo kiếm cơm trắng và cơm đen cho hắn. Rồi hắn đã cưỡng bức em gái của mình trong một cơn mơ màng khói thuốc. Người em có thai, đã trốn đi vì tủi nhục, nhưng vẫn thương anh. Còn hắn sống dai dẳng trong hổ thẹn và sự dằn vặt. Hắn là người có học, thấm nhuần đạo lý phương Đông nên sự ân hận của hắn ghê gớm hơn cả cực hình của pháp đình. Có thể Nguyên Hồng đã dựa theo câu chuyện loạn luân của một nhân vật tên là Lot với các con gái của mình trong Kinh Thánh ( Gia đình Nguyên Hồng vốn là dân đạo gốc ); nhưng ông đã Việt hoá và hiện thực hoá một cách rất lôgich, rất tài tình để có cớ thể hiện nội tâm con người trong một trường hợp đặc biệt. Và ông đã rất thành công trong truyện ngắn ấy. Người đọc trí thức thời đó cũng có thể tự tôn dân tộc theo cách nói trên kia: “Văn sĩ của ta dựng chuyện và phân tích tâm lý nhân vật đâu có kém gì Flober của Pháp hay Dostoevsky, Tourgueniev của Nga?” Sự thực thì người ta đã ví Nguyên Hồng với Macxim Gorky vì cả hai ông đều từng trải những đoạn đời cực khổ và vì thế đã viết được những tác phẩm đặc sắc về lớp người cặn bã của xã hội với một văn khí dữ dội nhưng không kém phần trữ tình tài hoa.
Tôi không có tham vọng phân tích, bình luận chi tiết cụ thể tác phẩm của Nguyên Hồng. Đã có những nhà phê bình văn học làm rất tốt việc này từ lâu và chắc chắn là sẽ còn tiếp tục nữa. Nhưng thấy cần thiết phải nói về một truyện ngắn đặc sắc của Nguyên Hồng, mặc dù có thể đã không ít người nhắc đến. Đó là Chuyện cái xóm tha hương ở cửa rừng Suối Cát và com hùm con mồ côi, một truyện ngắn có nhan đề rất dài ít được nói đến vì những lý do kiêng kỵ mơ hồ của một thời, nhưng lại được coi như một mẫu mực của truyện ngắn. Truyện này cho thấy khả năng phi thường của Nguyên Hồng. Chỉ cần một dung lượng nhỏ của một truyện ngắn mà ông có thể từng nấc một tạo nên cho người đọc cảm xúc mạnh mẽ nhưng lại bị kìm nén đến trạng thái trầm uất ngột ngạt vì mối thương cảm nhân ái song hành với sự căm phẫn cuồng nộ; và cuối cùng là sự bi thương đẹp đẽ đầy tính mỹ học. Với truyện ngắn này, người ta thấy Nguyên Hồng có thể viết khác hơn và hay hơn nhiều những gì ông đã viết. Đó là bản lĩnh và tài năng của một nhà văn bậc thầy. Chính điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tốt đến những người viết thuộc thế hệ sau, khi họ đã quá quen với một phong cách. Những nhà văn đã đến độ không còn thấy hài lòng với mình nữa, họ sẽ tìm cách tự đổi mới và nâng cấp mình như cách của Nguyên Hồng.
Có những nhà văn lớp sau ít nhiều đã hướng theo lối viết của ông, lối viết bây giờ ta thường gọi là hiện thực ảo, lối viết có thể là tối ưu, chừng nào người ta chưa nghĩ ra cách viết tốt hơn.
Một vấn đề nữa,
Cùng thời với Nguyên Hồng, Thạch Lam, tác giả của những truyện ngắn trữ tình sâu sắc, cũng thành danh từ khi chưa đầy 20 tuổi đã có một ý kiến rất hay về sự bền vững của một tác phẩm:
Chỉ có những tác phẩm nào có nghệ thuật chắc chắn, trong đó nhà văn biết đi qua những phong trào nhất thời, để suy xét đến tính bất diệt của loài người, chỉ những tác phẩm đó mới vững bền mãi mãi.
Thạch Lam cũng từng viết rằng:
Những nhà văn nào ồ ạt theo thời chỉ tạo ra được những tác phẩm có số phận mỏng manh.
Ngày nay, về vấn đề này có thể có những nhìn nhận khác. Nhưng dù sao những ý kiến của một nhà văn ở thời kỳ mở đầu nền văn học mới của nước nhà cũng đáng để những thế hệ cầm bút sau này suy xét. Nguyên Hồng đã làm tốt được việc này. Ông viết về những kiếp người Việt cùng khổ và ông viết theo kiểu Việt. Ông viết về những vấn đề lớn lao thông qua những riêng tư nhỏ nhoi của những con người bé bỏng. Chỉ một chi tiết về anh giáo học nghèo, sĩ diện, nhưng đói quá phải ăn vụng cơm nguội nhà chủ, mà nói đến vấn đề nhân phẩm và quyền sống của con người.
Về đề tài trong những truyện của Nguyên Hồng, ta thấy ông viết về mọi đề tài. Dường như ông có khả năng vô tận về đề tài. Tuy vậy, đọc bất cứ truyện nào của ông ta vẫn rất cái hồn Việt ở trong đó. Và rõ ràng hơn cả, những truyện của ông luôn phảng phất chất thợ thuyền, chất biển Hải Phòng, vùng quê văn chương của ông
Cũng vẫn về đề tài và phong cách, hơn nửa thế kỷ trước, nữ nhà văn Pháp, bà Christine Fournier, đã từng nói với các nhà văn Việt Nam thời ấy, trong đó có Nguyên Hồng của chúng ta, rằng:
– Các nhà văn Pháp, các nhà văn trên thế giới đã viết về tất cả những vấn đề mà một nhà văn có thể viết được. Vậy các nhà văn Việt Nam còn viết về cái gì nữa ? – Các anh còn tâm hồn của các anh. Đó là sự phong phú dồi dào của chính các anh, các anh không cần tìm đâu nữa .
Lời khuyên chí tình, chí lý từ thời ấy vẫn còn nguyên giá trị đến bây giờ. Không rõ Nguyên Hồng có chú ý đến lời khuyên ấy không, nhưng những tác phẩm của ông đã làm được điều đó và chính vì thế ông đã gây ảnh hưởng lớn đối với thế hệ nhà văn sau này.
Ngày nay có những người ngông ngạo cho rằng Nguyên Hồng thuộc lớp những nhà văn ít học nên chỉ bộc lộ được những phần trời phú cho ông mà thôi, nghĩa là ông chỉ là một nhà văn bản năng. Rất khôi hài là trong số những người ngông ngạo ấy lại có khá nhiều người không được học hành đến nơi đến chốn, hoặc được học theo một kế hoạch sản xuất trí thức cấp tốc. Vì thế, những nhận xét hồ đồ của họ về Nguyên Hồng đã tự bác bỏ giá trị của nó, nên không cần phải tranh biện với họ.
Nguyên Hồng có công lớn trong việc xây dựng thế hệ nhà văn ở Hải Phòng từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi ông làm chủ tịch Chi hội Văn nghệ Hải Phòng. Ngày nay, nhiều nhà văn ở Hải Phòng còn nhắc đến ông và gọi là “Thầy Hồng”.
Những năm sau này, Nguyên Hồng đã nhẹ nhàng từ bỏ tất cả những lợi quyền vật chất và tinh thần mà lớp người như ông có thể tọa hưởng. Ông rũ áo lên rừng Yên Thế để được ngồi dưới mái hiên nhà mình, nhìn ra cửa rừng mà sáng tác văn chương trong sự thanh thản.
Nếu coi Văn nghiệp là Văn giáo thì Nguyên Hồng là một hình ảnh về một Văn đồ chịu khổ nạn, thà tuẫn đạo còn hơn chịu cải giáo. Ông đã không phải khó khăn nhiều với bản thân để luôn giữ nguyên là mình trong văn chương trong cuộc sống, mãi cho đến phút cuối đời.
BV