Tản mạn về Vũ Từ Trang – Nguyễn Thị Toàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mỗi chân dung trong “Nhà văn độc hành độc bộ”, tôi hiểu thêm về anh qua những suy nghĩ, tâm sự và những cảm thông sâu sắc anh dành cho nhân vật. Anh là tác giả, anh không viết về mình, song đọc cuốn sách tôi đã thấy rất rõ “chân dung” anh. Với tôi, anh chính là một nhà văn chân chính!

VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Toàn về nhà văn Vũ Từ Trang.

Mỗi chân dung trong “Nhà văn độc hành độc bộ”, tôi hiểu thêm về anh qua những suy nghĩ, tâm sự và những cảm thông sâu sắc anh dành cho nhân vật. Anh là tác giả, anh không viết về mình, song đọc cuốn sách tôi đã thấy rất rõ “chân dung” anh. Với tôi, anh chính là một nhà văn chân chính!
VHP trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Nguyễn Thị Toàn về nhà văn Vũ Từ Trang.

Nhà văn, nhà thơ, nhà báo, nhà khảo cứu… Vũ Từ Trang mà tôi gặp giữa đời thường là một người bạn hết sức bình thường. Anh chân thành, cởi mở, ân cần. Tiếp xúc với anh hẳn ai cũng sẽ có một cảm giác dễ chịu, gần gũi và tin cậy.

Nhớ hôm ấy, ngày thơ Việt Nam năm 2013, tôi về Hà Nội, đang lơ ngơ tìm đến một địa chỉ, tình cờ tôi gặp các bác giữa ngã ba gần Văn Miếu. Họ cầm tay nhau vừa đi vừa nói cười vui vẻ. Nghe tôi hỏi đường, các bác hỏi han vài câu rồi đề nghị tôi nếu không vội thì cùng đi uống cà phê. Cũng lạ, hình như các nhà văn, nhà thơ là vậy, họ muốn chia sẻ mà không dò xét ngay cả người lạ(!). Chúng tôi cùng ngồi cà phê ở một quán đầu phố Nguyễn Văn Tố và trò chuyện rôm rả đến cả tiếng đồng hồ. Họ hỏi về tôi và cùng nói những câu chuyện hài hước, ấn tượng. Chia tay, mọi người hẹn tôi, lần sau về Hà Nội lại tụ tập quán cà phê. Quà cho buổi gặp mặt tình cờ này là một chồng sách nặng trĩu tôi đem về Hải Phòng. Với anh em văn chương thì sách là tâm huyết, là thành quả lao động. Tôi hiểu và rất vui, rất trân trọng tình cảm của họ. Sau này, đọc tác phẩm của họ, tìm hiểu thêm về họ, tôi mới biết, đó là những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi trong Hội Nhà văn Việt Nam như nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà thơ Mã Giang Lân, Phan Quế, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Việt Bắc…

Vũ Từ Trang là một người trong số họ. Anh tuổi Mậu Tý, quê Từ Sơn, Bắc Ninh, hiện đang sống tại Hà nội. Anh từng trải qua nhiều nghề, từng làm việc ở Bộ Xây dựng, rồi làm phóng viên báo Tiểu Thủ công nghiệp, báo Doanh nghiệp và cả nghiên cứu nghề cổ đất Việt. Nhưng với Vũ Từ Trang, nghiệp văn chương luôn đi theo anh từ năm 1977 đến nay, anh đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm thơ, văn và khảo cứu. Năm tập thơ đã xuất bản của anh gồm: Nắng đã lên cao (1977), Thời trai trẻ (1996), Ngược dốc (1999), Lẻ và không lẻ (2002) và các tác phẩm văn như: Miền đất đợi chờ, Chiều dài mùa hạ, Phía sau con chữ… Và một số sách khảo cứu về nghề cổ đất Việt nữa. Đọc thơ anh, có lúc tôi thấy những hình ảnh chân quê mộc mạc. Trong “Những đám khói” tôi thấy có “Những bàn chân không quen mang giày dép”, có “rau rệu, rau lang” và có quê của người nhà quê ở đó… Nhưng cũng có lúc tôi gặp một tâm hồn chất chứa những ưu tư về nhân tình thế thái ngay ở giữa những khoảng thời gian mong manh, giữa những tiếng “tích tắc’’ tưởng như không đủ để cho người vô công rồi nghề buông một tiếng thở dài. Bài thơ “Ga xép”, anh quan sát những con người giữa cuộc đời, những bà bán bánh, cô bán vé, khách lữ hành… mỗi người mỗi vẻ với những truân chuyên, những xa xăm rồi: “Bàng hoàng chợt nhận đâu đây cha tôi một thuở nơi này bán buôn”… Phải chăng, những con người lam lũ quanh anh đều cho anh cảm giác quen thuộc và biết ơn vì qua họ, anh thấy bóng dáng người thân yêu của mình. Cuốn khảo cứu về Nghề cổ đất Việt (NXB Văn hóa – Thông tin) là một sự tìm tòi, khám phá và dày công nghiên cứu suốt chặng đường khảo sát bền bỉ của anh hơn hai chục năm làm báo. 600 trang với 71 bài viết trong tập sách Nghề cổ đất Việt đã phác họa được khung cảnh sản xuất đa dạng và sinh động của nghề thủ công nước ta ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam qua nhiều thế kỷ. Từ nghề đốt than ở Cà Mau, nghề làm gốm ở Hòn Đất, nghề dệt vải lanh của người H’Mông… Cuốn sách được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đánh giá cao. Đọc cuốn sách này ta hiểu thêm được về những làng nghề nổi tiếng như: nghề gốm của từng làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), Thổ Hà (Bắc Giang), Mường Chanh (Sơn La). Mỗi làng có lai lịch vị tổ nghề, quá trình hình thành và phát triển đến kỹ thuật chế tác riêng. Nghề chạm vàng, chạm bạc với kỹ thuật công phu tinh xảo…, hiểu thêm về quá trình tồn tại và phát triển của một số nghề, sự quên lãng hoặc suy phế của một số nghề khác như: nghề sơn then ở Đình Bảng; nghề làm song mây ở Tân Hồng; thợ gốm Thổ Hà bỏ lò gốm thay vào đó là nghề nấu rượu… Mỗi làng nghề đều có những nét độc đáo và những nguyên tắc đôi khi thật chặt chẽ và thật khắt khe. Đọc cuốn sách, tôi có cảm giác như được theo anh đi tới những làng nghề. Với lối viết khúc triết, chi tiết và đam mê khám phá, tôi hiểu anh đã gửi cả tâm huyết của mình vào mỗi chuyến đi thưc tế. Phải là người viết có trách nhiệm mới có thể làm được điều ấy. Trách nhiệm ở đây không chỉ bó gọn trong trách nhiệm với trang viết mà là trách nhiệm với một nền văn hóa. Mỗi làng nghề, mỗi nghề đều mang bản sắc của từng vùng miền và thể hiện nét văn hóa Việt. Nhều làng nghề chỉ còn lại cái tên. Nó đã bị mai một cùng thời gian vì không còn “giá trị kinh tế”. Dưới ngòi bút của Vũ Từ Trang, những làng nghề đó cũng có nét văn hóa riêng và nghề nào cũng từng có một thời lên ngôi và có đất của nó. Nhiều lúc, tôi vẫn thắc mắc: giữa bộn bề cơm áo, nhà thơ, nhà văn, nhà khảo cứu và nhà doanh nghiệp thật ra anh là ai?. Anh đã sử dụng quỹ thời gian của mình như thế nào? Sao anh có thể viết được nhiều đến vậy?. Tôi không có trong tay đủ những tác phẩm của anh và cũng chưa đọc được nhiều. Song cầm đến cuốn “Nhà văn độc hành độc bộ” của anh tôi đã đọc đi, đọc lại. Và qua anh, tôi hiểu thêm cuộc sống vinh quang và cay đắng sau nghề cầm bút của nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Xuân Khánh, Ngô Quân Miện, Phan Xuân Hạt, Thái Giang, Thanh Tùng, Hoài Anh, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Lê Bầu, Yến Lan,… Tôi cũng hiểu thêm anh qua những trang anh viết về những khuất lấp sau vinh quang của họ; hiểu thêm về nhân vật, những con đường khác nhau đến với văn chương cùng những thành tựu dù nhiều hay ít của họ. Đó là những cuộc chạy đua với những cay cực, thắng thua, được mất – những cuộc chạy đua của các nhà văn, nhà thơ (là nhân vật trong cuốn sách của anh) với số phận của họ. “Nhìn mưa nhớ Nguyễn Ngọc Ly”, tôi thấy không chỉ là nỗi nhớ thông thường mà là sự cảm thông sâu sắc của anh với nhà thơ Nguyễn Ngọc Ly, với một cậu bé từ nhỏ đã phải ở lại nhà dì cho mẹ đi tái giá. Bài thơ “Mưa” của Nguyễn Ngọc Ly không chỉ âm thầm lan truyền sang anh, sang tôi mà tin rằng tất cả những ai đọc cũng sẽ cảm thấy xót xa: “Ấy là tôi nói ngày xưa/ Mẹ tôi tái giá đò đưa theo dòng/ Không mưa cũng thể phập phồng/ Lừa tôi ngõ trước mẹ vòng ngõ sau…/ Ghét lây bẩy sắc cầu vồng/ Giá như biết chặn lối vòng cơn mưa”. Những chi tiết nhỏ nhặt đời thường của nhân vật đã được Vũ Từ Trang viết ra như một sự cảm thông chia sẻ sâu sắc. Nguyễn Ngọc Ly ngày ngày mưa nắng trên đường đạp xích lô kiếm sống, để rồi đêm đêm, vẫn miệt mài chong đèn làm thơ. Thật cảm động về một con người đam mê văn chương, hết mình với văn chương. Rồi qua anh tôi biết thêm về Nguyễn Thị Hoài Thanh “Người đàn bà chơi với bóng của mình”. Đó là một người phụ nữ xinh đẹp song có số phận truân chuyên. Một thời tuổi trẻ chị gắn bó với thành phố Cảng của tôi. Từ dòng sông Cấm ngổn ngang tàu bè, loang lổ váng dầu mỡ đến phố xá nườm nượp kẻ lại, người qua… Tất cả góp phần làm nên một hồn thơ cho người đàn bà đơn lẻ ấy. Vũ Từ Trang trăn trở: “Không biết văn thơ đã cứu giúp hay đã hành hạ cuộc đời chị?”. Tôi đọc về chị và thấy cả hai ý anh thắc mắc đều đúng cả. Tôi rất thích bài lục bát của chị mà Vũ Từ Trang đã giới thiêu: “Thế là đột ngột gió về/ Sao không hẹn trước còn nghe nỗi niềm/ Tiếng gà đã lạnh đầu hiên/ Nắng say đường nắng tận miền chân mây/ Gió ơi, khoan hãy heo may/ Chỉ e ngắn bớt một ngày mộng mơ”.

Những nhà văn, nhà thơ thường có nhiều lúc mộng mơ gần với hoang tưởng. Có mấy ai không phải đối diện với cuộc đời, với cơm áo để thảnh thơi chỉ có viết và viết. Có lẽ vì họ mộng mơ, thánh thiện không trần trụi như thực tế nhưng vẫn phải đối diện với nó nên cuộc đời thường gặp éo le chăng? Cho dù vậy, tôi vẫn thấy dáng dấp của họ, tâm hồn của họ rất tinh khôi không bị những chuyện vụn vặt, nhỏ mọn đời thường làm vẩn đục. Qua trang viết của anh, tôi cũng hiểu thêm về cuộc đời và sự kết thúc bi thảm của hai con người, hai nghệ sĩ tài năng Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ. Những bài thơ của Xuân Quỳnh, những vở kịch của Lưu Quang Vũ tôi đã từng say mê đọc, say mê xem. Mặc dù gặp những trắc trở trong đời, nhiều lúc tưởng chừng gục ngã nhưng họ vẫn vượt lên để say mê sáng tác, viết kịch, làm thơ… Tôi rất ngưỡng mộ họ. Còn Lương Vĩnh, một người từng là thợ móc cống, thợ đổ thùng vệ sinh…Ở dưới đáy tận cùng cuộc đời như thế, nhưng ông vẫn gắn bó với từng con chữ. Kết quả, người thợ khốn khó tưởng mãi mãi khuất lấp kia đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam… Và còn rất nhiều những gương mặt quen thuộc với bạn đọc như Mã Giang Lân, Nguyễn Xuân Khánh, Lê văn Bầu… đọc về họ mới hiểu họ đã lao động thực sự ra sao. Vì thiết tha với con chữ, họ đã vất vả, nhọc nhằn thế nào.

Anh yêu quý, trân trọng những cuộc đời, cảm thông sâu sắc với từng số phận. Việc anh viết về họ chính là lời cảm ơn vô giá dành cho những người cầm bút một thời quên mình say đắm với văn chương. Mỗi trang viết, anh đều khắc họa được rất rõ chân dung của họ. Bằng những nét chấm phá khéo léo, anh đã đưa những minh chứng cần, đủ cho người đọc hiểu thêm về thân thế, sự nghiệp của các nhà văn, nhà thơ, dịch giả, họa sĩ… Cuốn “Nhà văn độc hành độc bộ” tôi càng đọc càng bị cuốn hút và đọc xong tôi thấy rất khâm phục, rất ngưỡng mộ những nhân vật của anh và cả anh nữa. Mỗi chân dung trong “Nhà văn độc hành độc bộ”, tôi hiểu thêm về anh qua những suy nghĩ, tâm sự và những cảm thông sâu sắc anh dành cho nhân vật. Anh là tác giả, anh không viết về mình, song đọc cuốn sách tôi đã thấy rất rõ “chân dung” anh. Với tôi, anh chính là một nhà văn chân chính!

N.T.T

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder