Sáng 17/5/2017, tại tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ông Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường (Hải Phòng) đã có vinh dự được tham gia hội nghị và có bài phát biểu gửi tới Thủ tướng.
VHP trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sáng 17/5/2017, tại tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp”. Ông Tạ Quyết Thắng – Tổng giám đốc Công ty Sơn Trường (Hải Phòng) đã có vinh dự được tham gia hội nghị và có bài phát biểu gửi tới Thủ tướng.
VHP trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Trước hết tôi rất cảm ơn Ban tổ chức đã cho tôi được phát biểu trong hội nghị đặc biệt quan trọng này và xin được giới thiệu Tổng công ty Sơn Trường là 1 trong 6 doanh nghiệp ở Hải Phòng được thành lập sớm nhất đến nay đã trên 26 tuổi. Tổng công ty có 07 công ty thành viên, 4 nhà máy bê tông (ở Hà Nội, Hưng Yên và Hải Phòng). Năm 2016 đạt sản lượng 1,2 triệu m3 bê tông và trở thành 1 trong số công ty sản xuất bê tông hàng đầu Việt Nam. Ngoài sản xuất bê tông chúng tôi còn là nhà thầu thi công nền móng và cầu cảng có uy tín với các đối tác nước ngoài và các dự án quy mô lớn, doanh số hàng năm từ 2.400-2.900 tỷ đồng, sử dụng 2.000 lao động thường xuyên và mùa vụ, mỗi năm nộp ngân sách Nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Kể từ ngày Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng rất quan tâm tới việc tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp. Đây là tín hiệu tốt, bởi vì hơn lúc nào hết doanh nghiệp cần phải được cởi trói và rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuy nhiên, việc cởi trói không dễ dàng gì kể từ khi thủ tục hành chính lên ngôi.
Thủ tục hành chính ngày càng hoành hành bởi bộ máy quản lý khổng lồ của Nhà nước ta cứ hàng ngày đẻ ra hàng loạt các quy định pháp quy nhằm tăng cường quản lý Nhà nước trên mọi mặt. Không một quốc gia nào nhiều các văn bản pháp quy như ở Việt Nam. Nhưng cũng không ở quốc gia nào lại coi nhẹ các văn bản pháp quy như ở Việt Nam. Mà nói đúng hơn ở Việt Nam các văn bản pháp quy mặt phải ít được thực hiện nhưng mặt trái lại được vận dụng một cách tối đa. Vậy nên, càng dễ hiểu khi Nhà nước ta càng muốn tăng cường quản lý thì kết cục lại ngược lại.
Với tình trạng trên, nhiều năm nay và nhất là bây giờ các văn bản pháp quy đã giăng mắc trói chặt các doanh nghiệp. Ngày 28/7/2016 chúng tôi đã có văn bản gửi Thủ tướng sau khi đã dẫn chứng một loạt các vấn đề chúng tôi kết luận với tình trạng này doanh nghiệp không chết mới là lạ.
Thật vậy, bức thư cũ đó chúng tôi đã gửi đến Thủ tướng, các Phó thủ tưởng cùng các bộ trưởng các bộ Xây dựng, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch & Đầu tư, Thống đốc Ngân hàng nhà nước về việc thủ tục xin cấp phép xây dựng. Tại văn bản này, chúng tôi có dẫn chứng 2 dự án đầu tư của chúng tôi trên 2 khu đất đã có sẵn quy hoạch và mặt bằng sạch, mỗi dự án gần 200 tỷ đồng. Công ty đã đầu tư và xây dựng đưa vào sản xuất chỉ trong vòng 6 tháng nhưng tới nay thì thủ tục cấp phép xây dựng chưa xong, rất nhiều ngân hàng muốn rót vốn vào cho chúng tôi nhưng đều chịu bó tay vì không có giấy phép xây dựng. Tất nhiên vì chưa có giấy phép nên chúng tôi phải tìm cách để lách… hoặc phải chấp nhận ký biên bản nộp phạt xây dựng trái phép.
Đất nước ta cần phát triển, muốn phát triển thì phải đầu tư và chỉ các doanh nghiệp trong nước đầu tư thì đất nước mới phát triển một cách bền vững, nhưng với tình trạng của các thủ tục hành chính như hiện nay thì các doanh nghiệp không thể đầu tư được. Vì đầu tư phải có mặt bằng mà mặt bằng để làm xong cũng ít nhất 3 năm. Đầu tư cần vốn ngân hàng, nhưng đến khi nào hoàn tất thủ tục cấp phép xây dựng để ngân hàng cấp vốn. Và còn hàng loạt các vấn đề khác nữa liên quan tới việc đầu tư. Thời gian chờ thủ tục hàng nhiều năm thì cơ hội đầu tư còn chờ doanh nghiệp nữa không? Cơ hội có thể chờ 1 tháng, 1 năm nhưng không thể chờ nhiều năm được. Bởi vậy chúng tôi kiến nghị bỏ thủ tục cấp phép xây dựng với dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500 và bỏ điều kiện PCCC và ĐTM khi cấp phép xây dựng và chỉ đưa 2 điều kiện này trước khi dự án đưa vào vận hành.
Ngoài ra , chúng tôi kiến nghị với Thủ tướng muốn tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp thì trước hết Chính phủ phải sửa đổi lại hàng loạt các nghị định và sau đó là các bộ ngành cũng phải xem xét… thậm chí loại bỏ hàng loạt các thông tư đã lỗi thời. Đặc biệt một số luật về đất đai, về đầu tư, về xây dựng, về PCCC, về môi trường và quan trọng nữa là kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số bộ luật cho phù hợp. Từ khi có luật PCCC và luật môi trường doanh nghiệp chúng tôi bị khốn khổ vì thường xuyên bị những công chức đến hành mặc dù chúng tôi đã giải thích cho các Sỹ quan công an là các nhà máy bê tông và cơ khí của chúng tôi phun lửa vào cũng không cháy thì làm sao phải cần xây gạch bịt kín các cột thép và làm sao cứ 25 m2 cần phải có 1 họng phun nước tự động? Nhưng chỉ được câu trả lời “chúng tôi không cần biết mà chỉ cần làm theo đúng luật”.
Thủ tục hành chính với các doanh nghiệp là sự mất tiền bạc và quỹ thời gian vô giá, với các công chức thì làm thui chột sáng tạo cá nhân và lu mờ trách nhiệm của công chức.
Kính thưa Thủ tướng!
Những quyết tâm của Thủ tướng về sự phát triển của đất nước, về sự phát triển của doanh nghiệp là rất trân trọng. Song để làm được nó thì Thủ tướng cần phải có những giải pháp quyết liệt đúng điểm huyệt (mà điểm huyệt lại ở chính chân Thủ tướng), nếu không thì quyết tâm của Thủ tướng sẽ không được thực hiện.
Có một người Hồng Kông đầu tư vào Việt Nam, ông này rất giỏi tiếng Việt và rất hiểu các thủ tục hành chính ở Việt Nam. Ông nói với chúng tôi rằng, ở Hồng Kông mà thủ tục hành chính như ở Việt Nam thì Hồng Kông sẽ nghèo hơn Việt Nam và ngược lại nếu Việt Nam mà thủ tục hành chính như Hồng Kông thì sẽ giàu hơn ở Hồng Kông đấy. Rõ ràng sự giàu nghèo lại ở chính thủ tục hành chính.
Cuối cùng xin chúc Thủ tướng mạnh khỏe để có những giải pháp hữu hiệu giúp đỡ các doanh nghiệp chúng tôi và xin cảm ơn mọi người đã chú ý lắng nghe.
T.Q.T