Ngày 18/7 tại Trung tâm Văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Bảo) đã diễn ra chương trình thơ nhạc “Vĩnh Bảo yêu thương” chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ XXVI. Tới dự có lãnh đạo Huyện ủy, UBND, HĐND, MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Bảo; Đại diện Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội; các văn nghệ sĩ tới từ Thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng…
Chương trình đã ra mắt tập thơ “Bút sinh hương” viết về mảnh đất, con người Vĩnh Bảo và trình diễn các ca khúc ca ngợi quê hương, đất nước nói chung và miền quê Vĩnh Bảo nói riêng.
“Bút sinh hương” – NXB Hội Nhà văn, 2020, dày gần 400 trang là tập thơ thứ hai do Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội thực hiện với sự tham gia của 77 tác giả trong và ngoài thành phố Hải Phòng.
Chương trình diễn ra trong không khí vui tươi, thắm tình nặng nghĩa quê hương.
VHP trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Nhà báo, TS Phạm Từ.
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo huyện Vĩnh Bảo!
Kính thưa các vị khách quý, các nhà văn, nhà báo, văn nghệ sỹ cùng anh chị em đồng nghiệp!
Thay mặt những người con Vĩnh Bảo đang sống, học tập, làm việc tại Hà Nội, tôi xin gửi lời chào tới tất cả quý vị và bày tỏ lời cảm ơn về sự quý mến, tin cậy của lãnh đạo và nhân dân huyện nhà, đã dành thời gian cho Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội có dịp được tham dự Chương trình thơ nhạc “Vĩnh Bảo yêu thương”, trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo lần thứ XXVI hôm nay!
Chúc quý vị mạnh khỏe, chúc chương trình thành công tốt đẹp!
Thưa quý vị! Người Vĩnh Bảo hiện có mặt ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc. Riêng ở Hà Nội đã có vài vạn người, với gần như đầy đủ các lĩnh vực chuyên môn, trên nhiều cương vị, trách nhiệm khác nhau. Dù ở đâu làm gì, chúng tôi cũng luôn tự hào mình là người Vĩnh Bảo và luôn động viên nhau đem trí tuệ, công sức, mối quan hệ, kinh nghiệm nghề nghiệp đã tích lũy được để tham gia hiến kế, đóng góp mỗi khi thấy có vấn đề cần, hoặc khi được lãnh đạo huyện tham vấn , hay bà con quê hương cậy nhờ.
Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội thành lập khá muộn, nay mới bước sang tuổi thứ 5, nhưng được sự quan tâm khích lệ của lãnh đạo huyện, chúng tôi đã động viên nhau để mỗi năm có một sản phẩm tinh thần làm quà tặng nhân dân và lãnh đạo huyện ta.
Hai năm trước, Hội đã phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về Vĩnh Bảo, thu hút được nhiều nhạc sĩ gạo cội của nước nhà và những người yêu Vĩnh Bảo tham gia. Kết quả của chương trình này đã đưa huyện Vĩnh Bảo ta, có thể nói là huyện duy nhất trong toàn quốc, có tới gần ba chục bản tình ca viết về mảnh đất, con người giàu truyền thống lịch sử văn hóa… Năm ngoái, đúng dịp kỷ niệm 180 năm thành lập huyện Vĩnh Bảo, 80 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên trong huyện, đêm nhạc “Lung linh Vĩnh Bảo” trình diễn các ca khúc viết về Vĩnh Bảo đã được Huyện và Hội phối hợp tổ chức thành công.
Trước đó, khi Hội vừa tròn 1 tuổi, chúng tôi đã tổ chức xuất bản tập thơ “Hồn quê Trạng Trình” với niềm tự hào về bậc kỳ tài Nguyễn Bỉnh Khiêm – “Ngôi sao sáng trên nền trời Việt Nam thế kỷ XVI, làm vẻ vang cho giống nòi”, như cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã từng đánh giá.
Hôm nay trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, chúng tôi trân trọng giới thiệu với quý vị và toàn thể nhân dân huyện nhà tập thơ thứ 2 của Hội, với chủ đề “Bút sinh hương”, cũng là tiếp nối mạch nguồn và dự vào “Ngụ hứng” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm – Nhà nho có đức nghiệp, Tuyết Giang phu tử, cây đại thụ, tác gia lớn có đến nghìn bài thơ Hán-Nôm, có uy vọng cao với đương thời và hậu thế.
“Am quán thư nhàn xuân thắm mãi
Giang sơn như họa bút sinh hương
Dòng tuôn vang vọng cung cầm nhuận
Bóng cả che râm mộng khách vương
Mừng thấy tư văn trời chẳng bỏ
Đến nay vẫn tắm ánh dương vàng”.
Vĩnh Bảo là một miền quê “Giang sơn như họa”, giàu về văn hóa sử, đang đổi mới từng ngày mà vẫn giữ được nét đẹp của một miền quê cổ tích, của văn minh lúa nước sông Hồng từ thế kỷ XVI.
Nhiều hiện vật lâu đời còn được lưu giữ, là bảo tàng sống của làng quê Việt, gắn liền với tên tuổi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và nhiều danh nhân tiêu biểu như: Tổ nghề tạc tượng Nguyễn Công Huệ (Thế kỷ XV, đời Lê Nhân Tông); Thánh thuốc nam Đào Công Chính (Thế kỷ XVII) – nhà chính trị, nhà sử học, danh y lỗi lạc đời Lê Thánh Tông, Hữu thị lang Bộ Hình, Hữu thị lang Bộ Lại, đồng tác giả Bộ quốc sử, Tổng tài Bộ sử Đại Việt Lê triều, Bộ sách Bảo sinh diên thọ toàn yếu (sách y lý sớm nhất Việt Nam); Tổng đốc, Tướng công Đào Trọng Kỳ, tước hiệu hàn lâm tu soạn, Hiệp tá đại học sỹ, người đã dành toàn bộ lương đống khi về hưu để phát động dân trong huyện đào sông Chanh Dương dẫn thủy nhập điền đưa nước tưới đến ruộng đồng toàn huyện.
Bên canh Khu di tích đền Trạng Trình, Vĩnh Bảo còn có nhiều đình chùa, miếu mạo nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, được thế giới biết đến và nhiều laoij hình nghệ thuật, nghề thủ công nổi tiếng như: điêu khắc, tạc tượng, dệt vải, rối cạn, rối nước, pháo đất, đèn trời… Truyền thống yêu nước, đánh giặc giữ làng của vùng đất Vĩnh Bảo đã nổi tiếng từ thời Hai Bà Trưng, và đến nay, Vĩnh Bảo là huyện Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hàng chục ngàn thanh niên Vĩnh Bảo đã lên đường chiến đấu chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, hơn 3.000 liệt sĩ, hơn 3.000 thương binh và gần 500 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Vĩnh Bảo còn nổi tiếng là vùng đất học, có hàng trăm giáo sư, nhà giáo nhân dân, tiến sỹ, văn nghệ sỹ, thầy thuốc ưu tú…
Ngày nay, Vĩnh Bảo đang đi lên xây dựng nông thôn mới, huyện công nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao, cách mạng 4.0…Vĩnh Bảo đang đổi mới, phát triển từng ngày!
“Giang sơn như họa” và sự phát triển của Vĩnh Bảo đã tạo nguồn cảm hứng, tạo sức lôi cuốn các văn nhân trong cả nước, các nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn hải Phòng và những người con Vĩnh Bảo trên mọi miền đất nước, tức cảnh sinh tình để “Bút sinh hương”, giúp chúng tôi có nguồn tư liệu quý, xuất bản tập thơ này.
Cảm ơn các nhà thơ nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam đã nhận lời mời, về Vĩnh Bảo chiêm nghiệm và sáng tác những áng thơ hay!
Nhà thơ Trần Quang Quý từ Phú Thọ, nguyên ủy viên Hội đồng thơ, Hội Nhà văn Việt Nam, lần đầu về quê Trạng đã “đứng lặng trước vườn dưa công nghệ xanh Vĩnh Bảo/ dưa treo chùm nõn quả baby/ thấy những thửa ruộng đang cởi trần lên phố/ Những con đường giã biệt bờ tre/ những nông dân tự thay đổi mình…/ cấy vào đất quê những khát vọng Việt/ Tháo cũi tư duy mãi cánh cò”.
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc, người Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, bên “Dòng Tuyết Giang bờ bến mù sương/ Quán Trung Tân tiếng thơ xuân gió thoảng” đã thấy “Thi hứng bừng sơn thủy… Khí thiêng huyền tích một vùng quê”.
Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng, từ Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với “Thông điệp phù sa” đã phát hiện ra “Vĩnh Bảo một ngày đang mới… Đất bồi sang nhau sông ngòi giao thoa/ Nuôi những vầng trán mọc lên chí hướng…”.
Nữ sỹ Trần Kim Hoa, quê Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, với “Những cánh đồng vàng như ca dao/ những dòng sông xanh như câu hát/ những ngôi làng trăng buông bát ngát/ những cánh cò bay lả chiều hôm”… đã cảm thán “Ôi phù sa làng quê ta đó/ Ngàn xưa trong Vĩnh Bảo của ta nay”…
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người Quảng Bình “Sau bao lấm láp ruộng đồng/ Thổi vào con rối trẻo trong hồn mình/ ta về Vĩnh Bảo ân tình/ đắm lòng rối nước lung linh Nhân Hòa”.
Và nhiều nữa những Nguyễn Sỹ Đại, Trần Quang Đạo, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Vũ Xuân Hoát, Trần ninh Hồ, Nguyễn Thế Hùng, Hà Cừ, Nguyễn Đức mậu, Phan Đình Minh, Phan Quế, Hà Văn Thế, Bình Nguyên Trang… và, hơn ba chục nhà thơ có tên tuổi từ nhiều tỉnh thành của đất nước, trong Hội Nhà văn Việt Nam đã có những lời lời châu ngọc về Vĩnh Bảo quê Trạng.
Tiếp đến là các nhà văn, nhà thơ quê hương, rộng ra cả Hải Phòng như: Thi Hoàng, Nguyễn Thụy Kha, Trung Trung Đỉnh, Kim Chuông, Nguyễn Đình Minh, Tô Ngọc Thạch, Nguyễn Xuân Hải, Nguyễn Nghiêm, Nguyễn Thị Thúy Ngoan… đã tích cực đóng góp cho chất lượng tập thơ.
“Người quê tôi qua bao thuở bao thời/ Trầm tích lại để tượng hình khuôn mặt/,,, Người quê tôi có ở Toronto, Nĩu ước… nhưng phải thực ở Vĩnh Bảo rồi mới ran ríu hồn người và đất đai/ Mở cúc áo ra thấy ngay trước ngực trần, có một sớm mai/ Khu nông nghiệp công nghệ cao, những con đường mới nữa/ có hàm lượng trí tuệ dồi dào trong ngụm nước miếng ăn/… Lịch sử vỗ vai mình như nghĩa cử/ Người Vĩnh Bảo ơi người Vĩnh Bảo à!… có một ngày ở nơi xa ngái/ Nhìn vào mắt ai ta nhận ra người Vĩnh Bảo quê ta” – (Thi Hoàng tức Hoàng Văn Bộ, quê Vĩnh Tiến).
Hay, “Con gái đất này vẫn gối mộng Hàn giang/ Bắt ốc mò cua nuôi con tiến sỹ/ Con trai đất này tài hoa mà bình dị/ Sức vóc mở đường cày mơ mộng trải bể Đông” – (Nguyễn Xuân Hải, quê Thanh Lương).
“Ta bên bạn bước chân vui đường mới mở/ Nghe tiếng hoan ca từ quá khứ hào hùng/ Hồn nhen lửa thêm yêu miền quê Trạng/ Vần thơ chiều mở lòng gửu sóng Hàn Giang” – (Đinh Thường, Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng).
Và “Khi bước chân đã nói/ Lòng những muốn quay về/ Trong cơn mơ thấy một miền quê/ Đồng lúa bây giờ đang vào hạt/ Từ sông Chanh Dương/ Dòng nước ngọt cho mùa vàng trĩu nặng/ cho con đường thênh thang”. – (Dương Thị Nhụn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hải Phòng, quê Cộng Hiền).
Với Thy Nguyên (tức Phạm Thúy Nga, quê Lý Học) thì “Sông Chanh Dương tấp nập mà hanh/ Con đò cuối bến táp mành mành trôi/ Bên kia tắm tuổi thơ tôi/ Bên đây đắp đổi một vời vợi sông”…
Còn Kim Chuông (người làng Thắng, xã Giang Biên) lại ví mình “Như hạt muối âm thầm mặn trắng/ tôi ra đi như thế giữa cuộc đời/ trong quy luật vô thường/ trong biến động/ Trong tan hòa tôi biết trở về tôi/… Tôi đi từ A tới muôn nẻo phương trời/ Vĩnh Bảo quê hương là bước chân thứ nhất/ Mọi bến B là về/ hướng nào tôi cũng gặp/ Vĩnh Bảo quê mình/ Vĩnh Bảo yêu thương”.
Tôi cứ muốn dẫn chứng mãi vì đọc bài nào, của ai cũng thấy hay, cũng muốn giới thiệu, nhưng phải dừng lại vì không thể, và để độc giả tự chiêm nghiệm khi có trong tay tập thơ.
Với các anh chị em đồng hương trong huyện, Ban biên tập không giới hạn chủ đề, để bút của người Vĩnh Bảo có thể sinh hương trước mọi cảnh tình, mọi nhân vật, trên mọi miến đất nước, nhiều người tuy “ngoại đạo văn chương” cũng đã tích cực tham gia, nhiệt tình đóng góp cho chất lượng và bề thế của tập thơ.
Tại chương trình trọng thể thắm tình quê hôm nay, chúng tôi trân trọng báo cáo và công bố tập thơ thứ hai về Vĩnh Bảo do Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội thực hiện mang tên “Bút sinh hương” chính thức ra mắt.
Trong số xuất bản 1.200 cuốn, chúng tôi xin dành một nửa (500 cuốn) vừa xuất xưởng, làm quà tặng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI và các quý vị đại diện lãnh đạo huyện; 100 cuốn xin gửi về đền Trạng phục vụ khách du lịch bốn phương; số lớn ấn phẩm chúng tôi sẽ phát hành trên toàn quốc để Vĩnh Bảo được sinh hương trên mọi vùng miền Tổ quốc.
Cuối cùng tại diễn đàn trọng thể này, chúng tôi có hai đề xuất nhỏ trước thềm Đại hội Đảng bộ huyện, mong được Đại hội quan tâm.
Một là, Với tiềm năng thế mạnh riêng đẹp như thơ, theo chúng tôi, Vĩnh Bảo hoàn toàn có thể giàu lên khi đặt trọng tâm phát triển du lịch văn hóa trong phương hướng phát triển kinh tế huyện nhà. Vĩnh Bảo sẽ là điểm đến của du khách bốn phương, qua đó mà lan tỏa văn hóa Vĩnh Bảo, văn hóa Trạng trình và tăng trưởng kinh tế. Khách du lịch đến Vĩnh Bảo sẽ không chỉ là khách tham quan trong ngày rồi đi, mà là khách lưu trú qua đêm, nghỉ lại Vĩnh Bảo, tiêu nhiều tiền, mua nhiều đồ lưu niệm từ quê Trạng.
Nếu được lãnh đạo huyện nhất trí, sau Đại hội, chúng tôi đề nghị có cuộc tọa đàm về chủ đề này, mời Tổng cục Du lịch Việt Nam xuống cùng tham gia hỗ trợ, lập dự án phát triển du lịch văn hóa cấp quốc gia ở Vĩnh Bảo, mà điểm đặc thù là đền Trạng. Đền Trạng hoàn toàn cần thiết và có thể trở thành điểm đến nổi tiếng của Du lịch Việt Nam, là lầu bình thơ, trại sáng tác của các văn nhân trong cả nước.
Muốn vậy, trên tiến trình đi nhanh lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nông thôn Vĩnh Bảo sẽ khang trang qua từng ngày nhưng nét đẹp của một miền quê cổ tích, tạo nên văn hóa Trạng cần được bảo tồn. Phải có chương trình kiểm kê bảo tồn di tích danh thắng, các điểm đến trong toàn huyện, có kế hoạch sửa sang, làm mới như cũ để lưu chân khách. Việc này cần được ưu tiên quan tâm ngay, nếu để chậm, tài nguyên du lịch đáng quý và duy nhất có ở Vĩnh Bảo sẽ mất đi hàng ngày và khó khôi phục.
Thứ hai, rất cần và có thể tiến hành cuộc vận động UNESCO công nhận Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa thế giới. Nếu huyện có chủ trương, thì trước hết cần kiến nghị thành lập Ban vận động do lãnh đạo thành phố Hải Phòng làm trưởng ban, chủ tịch huyện Vĩnh Bảo làm phó ban, có Hội đồng biên tập gồm một số văn nhân có tên tuổi trong nước, các doanh nhân lớn nhiệt tình tham gia, để chuẩn bị bộ hồ sơ gửi UNESCO qua Bộ Ngoại giao, để vận động được hai quốc gia trên thế giới đồng ý giới thiệu. Hội đồng hương Vĩnh Bảo tại Hà Nội xin đảm nhận là mối dây chắp nối mọi mối liên hệ cho cuộc vận động này.
Mong được Đại hội Đảng bộ huyện quan tâm để ý tưởng sớm trở thành hiện thực!
Xin chúc các đại biểu mạnh khỏe và xin gửi lời chúc Đại hội lần thứ XXVI Đảng bộ huyện Vĩnh Bảo thành công rực rỡ.
_______________
* Tiêu đề do Vanhaiphong.com đặt.