Tết Ất Mùi, nói chuyện dê

Dê được loài người nuôi từ bao giờ?

Theo di tích để lại, dê được loài người nuôi từ lâu, có thể là trước thời kỳ đồ đá mới, cách đây hơn hai vạn năm. Các nước ở Trung Đông, Ấn độ nuôi sớm nhất rồi tới Ai Cập. Sau đó, mới tới các nước phương Tây, châu Á và châu Phi. Hiện nay, người ta cho rằng có ba nhóm dê có nguồn gốc từ ba loài dê rừng: Nhóm dê châu Âu, dê châu Á và dê châu Phi. So với dê rừng, dê nuôi có sừng nhỏ và yếu hơn, đôi khi thiếu hẳn, tai dài hay ngắn hơn tùy giống. Riêng màu sắc và phẩm chất lông thay đổi nhiều nhất, rõ nhất là dê giống Angôra và Casơmia có lông dài mịn như lông cừu.

Dê có là loài vật khôn không?

Dê rất mến người cho ăn, nhận biết người này từ xa và kêu ầm lên để đón chào. Dê kéo xe, nếu được vỗ về sẽ kéo xe ngoan ngoãn hàng giờ, nhưng nếu bị ngược đãi hoặc bị đánh đập vô cớ, chúng sẽ “ì” ra không kéo nữa. Nhiều lúc dê phạm lỗi, bị phạt đòn, dê không kêu, nhưng nếu bị đánh bất công, dê “be” ầm lên để phản đối.

Ở châu Phi, người ta quen vắt sữa dê hai lần trong ngày. Nếu chậm vắt bị tức sữa, dê chạy ngay về nhà ra hiệu cho người nuôi. Trên khắp thế giới, dê là loài vật thân quen, gần gũi với con người. Có số lượng đông đảo, chủng loại đa dạng, dáng vẻ ngộ nghĩnh, đặc điểm sinh học ẩn chứa nhiều khả năng đặc biệt nên dê tạo lập được nhiều kỷ lục thú vị, hấp dẫn, đáng làm chúng ta ngạc nhiên…

Dê hiếm nhất

Hiếm nhất trong họ hàng nhà dê hiện nay là loài Sơn dương saiga. Con trưởng thành trung bình dài 1,2-1,4m, cao 0,65-0,75m, nặng 40-45kg, bộ lông màu xám vàng vào mùa hè nhưng nhạt hơn, mọc dài và dày lên vào mùa đông. Điểm đặc biệt về hình dáng loài này là có mũi dài rộng, phình lên như một cái vòi ngắn (giúp lọc bỏ cát bụi trong môi trường thảo nguyên và sa mạc nơi chúng sống). Ngoài ra, do có về ngang thân to (vai rộng 60-80cm), sừng kiểu lạ, nhưng tai lại nhỏ, đuôi rất ngắn, chân teo nên khi đi hoặc đứng thì tư thế của chúng trông rất ngộ nghĩnh.

Dê to nhất

To lớn nhất trong các loài là dê linh dương canna. Con trưởng thành trung bình dài tới 3,2m, cao tới 1,8m, nặng tới 3 tạ. Chúng có sừng cuộn xoắn rất khỏe, lông màu vàng nâu hoặc vàng xám, sống phổ biến tại những thảo nguyên, rừng thưa ở Sudan, Kenya, Cameroon, Senegal, Gambia, phía Nam sa mạc Sahara và các vùng thuộc miền Tây Nam Phi. Năm 1996, tại Kenya người ta bắt được một chú linh dương canna dài 394cm, cao 207cm và nặng 412kg.

Dê nhỏ nhất

Danh hiệu trên dành cho dê lùn Cameroon. Tầm vóc cực đại của loài dê nhà ở quốc gia châu Phi này chỉ đạt chiều cao 40cm, dài 75cm và nặng 11kg.

Dê chạy nhanh nhất

Nhanh nhất trong họ hàng nhà dê là loài linh dương mắt trố. Có hình dáng mảnh, chân nhỏ dài, sống phổ biến ở Đông và Trung Phi, khi chạy chốn nguy hiểm chúng có thể duy trì tốc độ tới 25-28m/giây trên một quãng đường dài.

Dê nhảy cao nhất

Danh hiệu trên chắc chắn dành cho loài dê vàng Mông Cổ. Loài dê khá đẹp của quốc gia châu Á này có bộ lông vàng mịn, vóc dáng gọn mềm, chân sau khỏe và dài hơn nhiều so với chân trước. Ở vị trí  cố định chúng dễ dàng nhảy qua hàng rào cao 2-2,5m; còn khi chạy lấy đà chúng có thể vượt được tốc độ cao 4-5m.

Dê nhiều sừng nhất

Đa số các loài dê đều thường chỉ mang hai sừng, một số không có sừng, nhưng trên thế giới từng xuất hiện trường hợp dê mang tới sáu sừng. Đó là chú dê con được dê mẹ của gia đình anh Chô Hông ở Hàn Quốc sinh ra vào tháng 4 năm 1983. Trên đầu chú dê này mọc 6 cái sừng tách rời với kích cỡ, hình dáng bình thường như sừng những con dê cùng loại. Chú ta cũng lớn rất nhanh: mới bốn tháng tuổi đã nặng trên 40kg.

Dê nhịn khát lâu nhất

Khả năng nhịn khát giỏi nhất trong tất cả các loài thú thuộc về  sơn dương oryx linh dương addax. Hai loài dê này đề sống tại châu Phi (oryx ở những thảo nguyên Tây Nam Phi, addax ở sa mạc Sahara) và có thể tồn tại suốt 4 tháng mà không hề uống nước.

Dê có trái tim nhân tạo đầu tiên và thọ nhất

Tính đến nay, đã có nhiều con vật được thay ghép tim nhân tạo để phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Trường hợp đầu tiên và thành công nhất diễn ra tại Nhật Bản đối với dê. Năm 1980, một nhóm nhà y dược, sinh học và kỹ sư nước này đã thử nghiệm thay ghép tim nhân tạo cho một chú dê. Họ đã giải phẫu dê, thay quả tim bình thường của nó bởi một thiết bị làm chức năng tuần hoàn máu gồm một động cơ tí hon và hai máy bơm có hệ thống van bằng chất dẻo. Sau khi thay tim, chú dê đó vẫn tiếp tục sống khỏe mạnh, đạt mức thọ kỷ lục là 358 ngày.

Dê cho nhiều sữa nhất

Tại nhiều nơi, dê được nuôi để lấy sữa, có con cho tới hàng ngàn lít sữa mỗi năm. Kỷ lục cho lượng sữa nhiều nhất thuộc về con dê mang tên Waiorer ở New Zealand: Trong năm 1972, nó đã sản sinh ra được và cung cấp tới 3.422 kg sữa.

Dê được bảo vệ nghiêm ngặt nhất

Duy nhất tại bang Cashermir của Ấn Độ có một loài dê chỉ mọc lông từ cổ trở lên đầu. Thứ lông này dài, mịn mượt, nhiều tác dụng nên người dân ở đây thường lấy để làm khăn quàng cổ vì rất đẹp, ấm vào mùa đông và lại không gây nóng nực nếu quàng vào mùa hè. Bởi vậy, loài dê quý hiếm đó được bảo vệ cực nghiêm, đến nỗi khi dê chết người ta chôn cất tử tế, kẻ ăn thịt dê hoặc trộm cắp dê đều bị xử phạt nặng với mức cao nhất là …tử hình.

Nơi và thời điểm thuần dưỡng dê sớm nhất.

Các kết quả nghiên cứu cùng những phát hiện của ngành khảo cổ khẳng định dê được thuần dưỡng sớm nhất ở vùng Trung Đông và lưu vực sông Indus (Ấ Độ) từ trước thời kỳ đồ đá mới, cách đây hơn 20.000 năm.

Đàn dê đông nhất

Cuối thế kỷ XIX, nhiều đàn dê rừng (thuộc loài linh dương mang tên antidorcas marsupialis) với số lượng cực đông xuất hiện và di chuyển qua các thảo nguyên ở phía Tây của Nam Phi. Năm 1888 người ta quan sát được một đàn đông nhất đi qua Nel Pudge, ước lượng có tới khoảng …100 triệu con. Đến 1894 lại thấy một đàn khổng lồ khác đi qua Boffat Wett liên tiếp trong…3 ngày liền mới hết.

Đàn dê lớn nhất

Vào tháng 7 năm 1896, tại tỉnh Orange (Nam Phi), người ta được chứng kiến có một đàn dê antidorcas marsupialis đông đảo, chiếm diện tích quá lớn, dàn trải tới 24km chiều rộng và 160km chiều dài.

Con dê trong đời sống văn hóa Việt Nam

Do được thuần dưỡng từ rất sớm, sử dụng phổ biến, liên tục, lâu dài, mang giá trị vật chất đa dạng và mật thiết, nên dê cũng tạo giá trị tinh thần phong phú ảnh hưởng đến tâm linh và đời sống văn hóa nghệ thuật của người Việt Nam. Nó là một trong sáu con vật nuôi thông dụng nhất (Lục súc: Dê, gà, chó, lợn, ngựa, trâu) và một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thánh (tam sinh: dê, lợn, bò) trong sự kết hợp thiên can với địa chi để tính thời gian và chu kỳ phát triển, dê nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mùi- một chi quan trọng mang ý nghĩa triết lý và nhân văn sâu sắc. Giờ Mùi kéo dài từ 13-15 giờ, thời gian mở đầu buổi chiều, con người vừa ăn trưa xong, đang thanh thản nghỉ ngơi và sung mãn bước vào buổi lao động mới. Tháng Mùi là tháng sáu âm lịch, thời tiết sáng sủa nhất trong năm, cây cối tươi tốt, ra hoa kết quả. Quan niệm tín ngưỡng cho rằng, người sinh năm Mùi thường mưu trí, nhiệt tình, năng động, tài giỏi, thành đạt gặp nhiều may mắn hạnh phúc trong đời. Câu ca dao: “Người ta tuổi Ngọ tuổi Mùi/ Riêng tôi ngậm ngùi mang lấy tuổi Thân” có ý nghĩa xuất phát từ đó.

Dê được lấy làm đối tượng cho hàng trăm câu ngạn ngữ, tục ngữ, thành ngữ, ca dao sinh động, dân dã mà thâm thuý. “Bán bò tậu ruộng mua dê về cày” mỉa mai cách thức làm ăn trái khoáy, không biết tính toán hoặc việc bỏ vật hữu ích để chuốc lấy thứ chẳng ra gì. “Cà kê dê ngỗng” đánh giá sự kể lể tản mạn, dài dòng huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn. “Máu bò cũng như tiết dê“nhìn nhận coi hai chuyện, hai sự việc, sự vật chẳng khác gì nhau mấy về phương diện. “Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, không nghề nuôi ngỗng” là kinh nghiệm lựa chọn những hoạt động phù hợp với năng lực, hoàn cảnh. Còn “Thói dê” lại khái quát bản tính kẻ dâm đãng.

Dê cũng là hình ảnh tiêu biểu đi vào thơ văn, góp phần tạo nên những tác phẩm nổi tiếng thuộc nhiều thể loại và ở mọi thời đại Trong áng văn chính luận sắc bén chống giặc Hịch tướng sĩ (thế kỷ 13) của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có câu: “Tặc lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ“. Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu có câu: “Hai vầng nhật nguyệt chói loà, đâu dung lũ treo dê bán chó“. Đến thơ ca lãng mạn trữ tình trong bài Dê cỏn (thế kỷ 18) của bà chúa Thơ Nôm-Hồ Xuân Hương “Ong non ngửa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa”. Thi phẩm cung oán ngâm khúc của văn thần Nguyễn Gia Thiều có câu “Phải duyên hương lửa cùng nhau/Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào“…Còn trẻ em Việt Nam thường thuộc bài đồng dao vui nhộn: “Dung dăng dung dẻ/ Dắt trẻ đi chơi/ Đến cửa nhà trời/ Lạy cậu lạy mợ/ Cho cháu về quê/ Cho dê đi học/ Cho cóc ở nhà/ Cho gà bới bếp/ Ngồi xệp xuống đây”.

Hình ảnh dê trở nên sinh động, gần gũi hơn qua những trò chơi và lễ hội truyền thống. Phổ biến và đặc sắc nhất vẫn là Bịt mắt bắt dê. Trò chơi này thường được tổ chức trong các ngày vui (Hội đầu xuân, trung thu..) hoặc các cuộc chơi thể thao văn hoá dân dã, với cách khác nhau tùy thuộc đối tượng tham dự. Nếu là trẻ em, một em nhỏ bịt mắt đuổi bắt trong khu vực sân, nhiều em khác giả làm dê vừa di chuyển vừa kêu “be, be…”. Nếu là người lớn, trò chơi còn ngộ nghĩnh hơn, vì con dê thực được thả vào sân, hai người (một nam, một nữ) bị bịt mắt đuổi bắt nó; cả ba đều khoác áo tơi chân đeo lục lạc, nên phát ra những âm thanh giống nhau khi chạy nhảy, khiến hai người khó phân biệt nổi nhiều lúc không bắt được dê mà lại… ôm nhầm phải nhau gây tiếng cười sảng khoái, thích thú cho khán giả.

Ở một lĩnh vực khác, tĩnh lặng nhưng phong phú bền vững là hình tượng dê trong kiến trúc, tạo hình, trang trí. Dê được thể hiện khá đa dạng, trên tranh bìa, miếu đình đến chùa, rạp, nhà, công sở với đủ chất liệu: đất, đá, vữa, bạc, đồng, gỗ, mực… và bằng nhiều kỹ thuật: tạc, đắp, nặn, xăm, chạm, khắc…

Trong tranh bức vẽ Hai dê qua cầu diễn tả hai chú dê húc nhau, giữa chiếc cầu cong do chẳng con nào chịu nhường đối phương. Bức Mẹ con nhà dê là sự âu yếm của dê mẹ đối với dê con hiếu động. Mô tả đặc sắc nhất là bức Bịt mắt bắt dê của làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) vẽ cảnh chú dê vừa chạy trốn vừa ngoái nhìn đôi thanh niên nam nữ mặt bịt kín đang lần mò tìm bắt nó. Những thập niên gần đây tranh dê còn thu hút năng lực sáng tạo của không ít họa sĩ Việt nam hiện đại, đem lại nụ cười hóm hỉnh và ấn tượng gây bất ngờ khó quên cho người xem.

Dê trong thành ngữ, tục ngữ

– Bán bò tậu ruộng mua dê về cày

– Bịt mắt bắt dê

– Cà kê dê ngỗng

–  Dê non ngứa sừng

– Dê già lại giả nai non

– Đánh như đánh dê tế đền

– Giàu nuôi chó, khó nuôi dê, vô nghề nuôi ngỗng

– Làm thân dê chó

– Không có trâu, bắt dê đi đầm

– Máu bò cũng như tiết dê

– Mất dê rồi mới sửa chuồng

– Treo (đầu) dê bán (thịt) chó

vanhaiphong .com ( sưu tầm)

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder