Thơ mới hiện nay cần những phẩm chất gì?
Để trả lời, cần phải hỏi câu này trước đã: sự cần thiết của thơ mới? Nó sinh ra để làm gì? Nhìn quanh, có ai cần đến nó đâu?…
THƠ MỚI HIỆN NAY CẦN NHỮNG PHẨM CHẤT GÌ?
(Bài 1)
Thơ mới hiện nay cần những phẩm chất gì?
Để trả lời, cần phải hỏi câu này trước đã: sự cần thiết của thơ mới? Nó sinh ra để làm gì? Nhìn quanh, có ai cần đến nó đâu?…
Bạn hỏi thế là vì: hình như thiên hạ thời nay vẫn có thể yêu nhau bằng truyện Kiều, thương nhau bằng thơ Nguyễn Bính, nhớ nhau bằng thơ Xuân Quỳnh, khóc nhau bằng lục bát Phạm Thiên Thư.
– Có chết ai đâu?
– Không ai chết cả, trừ những người đã biết đến thơ mới, lỡ yêu nó và không có nó không xong.
Tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của thơ mới đương thời- hay là thơ cách tân, thơ đương đại, hiện đại, tân hình thức, hậu hiện đại, các tên gọi ấy tùy lúc thay đổi, có khi nghĩa tương tự nhau, có khi rất khác nhau – nhiệm vụ quan trọng nhất của nó là tạo ra một nhu cầu mới. Nhu cầu mới là nhu cầu trước đó hoàn toàn không có, cho đến khi được tạo ra bởi một người hay một nhóm người, nó liền trở thành một nhu cầu hiển nhiên, đến nỗi ai cũng ngạc nhiên vì sao trước đó họ không hề nghĩ tới, vốn cũng tự nhiên như ăn uống hay khí trời hay quyền bầu cử tự do. Vào những năm 1930, thơ Thế Lữ đã xuất hiện như thế trước cái bóng hùng vĩ của thơ cổ điển, thơ Đường. Tôi là người mê xem phim 007. Xưa nay tôi vẫn tin rằng trong số các diễn viên đóng James Bond chỉ có Pierce Brosnan, kế tiếp Sean Connery, là đóng hay hơn cả với vẻ mặt lãnh đạm, phong độ lịch lãm của chàng, không ai thay thế được. Cho đến khi gặp Daniel Craig dữ dội, quyết liệt, mà vẫn hào hoa phong nhã, trong Casino Royale, thì tôi hiểu rằng tôi có một thần tượng mới. Nói cách khác, tôi có một nhu cầu mới. Nhu cầu ấy do diễn viên Craig tạo ra.
Đó là nhu cầu về một tính cách (personality) không thay đổi, về một động lực (motivation) không thay đổi, duy chỉ số phận là có thể thay đổi mà thôi.
Như vậy, nhiệm vụ hàng đầu của thơ hiện nay là tạo ra nhu cầu mới.
Để có khả năng làm được điều ấy, nó cần một số phẩm chất. Trước hết, nó phải có ý tưởng mới, suy nghĩ mới. Ai cũng biết thơ vốn là tiếng nói của tâm hồn, là âm thanh bật lên từ các xúc cảm sâu xa, trong những hoàn cảnh đặc biệt hay từ xung đột nội tâm. Thơ cũ, thơ cổ điển, thơ truyền thống, thơ dòng chính, ít nhất tính từ những năm 1930 đến nay, là thơ viết cho tâm hồn.
Đây mùa thu tới, mùa thu tới
Với áo mơ phai dệt lá vàng
(Xuân Diệu)
Đẹp, thơ mộng vô cùng. Đọc lên người nào cũng có thể tưởng tượng ra được cảnh rực rỡ của mùa thu, đắm đuối tâm hồn. Hỡi anh bạn kia, người đọc chúng tôi đây cần chi phải suy nghĩ lâu lắc, phân tích dài dòng? Thơ hay đâu phải để phân tích? Nó đẹp là vì nó đẹp. Chúng tôi đã được dạy từ năm học này qua năm học khác rằng thơ chính là cảm nhận, cảm xúc. Nhiều người Việt chúng ta hiện nay vẫn nghĩ thế.
Nhưng mà:
Mặt trời mọc
Mặt trời mọc
Rưng rưng mùa hoa gạo
(Quách Thoại)
Vẫn là cảm xúc. Nhưng viết sau đó khoảng hai mươi năm, đã thấy khác. Trong ba câu thơ sau, cũng đẹp, cũng trong sáng, có một cái gì đó làm ta ngẫm ngợi lâu hơn. Tức là phân vân suy nghĩ, tức là không hoàn toàn hiểu được nó. Té ra màu vàng mơ hồ mà sáng tỏ, màu đỏ rực rỡ lại mơ hồ. Như thế, sự trong sáng không đồng nghĩa với dễ hiểu hay khó hiểu. Cái gì làm cho một bài thơ trong sáng bỗng nhiên khó hiểu? Đó là chất suy tưởng.
Chỉ có chất suy tưởng mới làm cho cảm xúc phong phú hơn, lạ hơn, mới hơn.
Suy tưởng làm thay đổi cảm xúc.
Chất suy tưởng nối các hình ảnh tưởng như rời rạc vào với nhau.
Nhưng nếu Quách Thoại tách ra, dấn bước xa hơn:
Ôi Tự do thật vô cùng quyến rũ
Chất cảm xúc ít lại, chất suy tư mạnh hơn. Thì số người đọc quyến luyến đi theo ông phải rơi rụng một nửa: ông bắt đầu lạ lẫm. Từ lạ đến khó hiểu chỉ cách một khoảng ngắn.
Người ta không có khả năng đọc thơ mới nữa nếu họ không tự mình thay đổi.
Muốn yêu được câu thơ này người đọc phải có ba phẩm chất sau đây:
– Yêu tự do, tất nhiên
– Thích suy nghĩ, rất cần
– Kính trọng phụ nữ
Mà đó là chúng ta đang nói đến Quách Thoại của những năm 1960 xa lắc xa lơ.
Còn các nhà thơ bây giờ, họ mới ra sao? Xin cùng đọc vài câu thơ tôi dễ dàng nhớ lại, nhân khi đi tìm tài liệu cho cuộc nghiên cứu nhỏ “tác phẩm mà bạn thích nhất?” cách đây vài năm.
Trần Tuấn trừu tượng mà trẻ trung:
phải mất bao nhiêu ngón
phải thêm bao nhiêu ngón
mới đủ một bàn tay ?
Lê Thánh Thư bí mật:
Bếp lửa nằm co
kẻ về người đi
bí ẩn bờ ao nẻo đường rập rình ngọn đèn ám hiệu
Trần Quang Quý thời cuộc:
Những cái mặt di cư trong nhau
đến nỗi quên lối về
Nguyễn Thụy Kha tình tứ và khách quan:
Đêm thu lại chỗ chúng mình ngồi xuống
Nhỏ và mờ như những chiếc hôn
Vân Long chủ quan nhưng triết lý:
Cái nhìn trầm tư của bạn
Tạo nên Tam Bạc mờ sương
Như thế là mới hay cũ? Nếu mới, thì do cách nói mới hay vì ý tưởng mới?
Thường Quán nhìn về tuổi thơ chiến tranh ở Ga Đà nẵng:
những trận đá bóng mất dần quân
đứa con trai lên bảy dắt một đàn bóng, khi sao trời
Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đẹp, ngôn ngữ đẹp:
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian
Trần Tiến Dũng thời cuộc mà vẫn giữ được nét mơ mộng:
Tôi đang nghe tiếng con gà từ đỉnh cao nhất của hoàng hôn
Nguyễn Trọng Tạo không lạ mà vẫn mới:
từng giọt thời gian ngưng thành mai vàng
tích tắc nhịp tim sao ta bàng hoàng
Lê Vĩnh Tài, giữ được thăng bằng vốn rất khó giữa siêu thực và thời cuộc:
Tôi ngủ mơ thấy một con cá làm đơn tình nguyện cắn vào lưỡi câu
Lâu lâu quay lại đọc Nguyễn Đăng Thường, tôi vẫn gặp chất hài hước thú vị như ngày nào:
bước vô siêu thị tàu
vừa nhấc giỏ chợt nghe
rất rõ hai từ rau
muống mua bốn bó nhé
liếc mắt lé thì thấy
hai mĩ nhân bắc kì
Chúng ta thử nhìn vào một nền văn hóa khác, đương thời:
They made themselves so small
They could all fit in a suitcase
Họ tự thu mình nhỏ lại
Và tự nằm vừa vặn đáy vali
(Charles Simic)
Đó là văn chương của thời ly loạn. Văn chương hiện đại hoặc hậu hiện đại, tùy cách định nghĩa của mỗi tác giả. Không giải thích. Chỉ trình bày lịch sử như nó vốn là. Đó là một nền thơ đầy tính suy tư về số phận con người, nói như Camus, không phải con người làm nên lịch sử, chiến thắng lịch sử, mà là con người nạn nhân của chúng.
Các nhà thơ Việt Nam thường nói đến tứ thơ. Nếu tứ thơ là có thật, tức không phải là một khái niệm ảo (như tôi vẫn nghi ngờ), thì trước hết nó phải là một ý tưởng. Chứ không phải ngôn ngữ.
Mà nhắc đến ý tưởng, người ta thường nghĩ đến ý nghĩa.
Đừng cố sức đi tìm, săn đuổi, hay tra vấn ý nghĩa của một bài thơ mới. Mặc dù, vì bao giờ cũng vậy, một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên giá trị của một bài thơ chính là ý nghĩa của nó.
Tôi biết nhiều nhà thơ cách tân phủ định ý nghĩa. Có những người phủ định ý nghĩa để phủ định thơ, có người không phủ định thơ nhưng muốn thay đổi. Tôi cho rằng có một sự hiểu lầm tai hại ở đây: không cố tình đi tìm ý nghĩa không phải vì nó không tồn tại, nhưng ngược lại, vì nó tồn tại ở mọi nơi mọi lúc, mọi ngõ ngách của bài thơ, nên nó trở thành một tồn tại vừa phổ biến vừa bất định.
Ý nghĩa vẫn là một trong vài kích thước căn bản của thơ.
Sự đa nghĩa, tính nước đôi, cũng đã được một số nhà phê bình nhấn mạnh một cách quá đáng; tuy nhiên để đọc một bài thơ mới, điều cần nhất là đừng tìm cách phân vân chọn lựa một trong nhiều nghĩa. Thơ mới hiện nay, đối chiếu với phương Tây là thơ hiện đại, sau những năm 1930, hay hậu hiện đại, sau những năm 1970, mời gọi bạn đi tìm các nhân vật thay vì cốt truyện, đi tìm các nhân vật không điển hình, ngoại vi, thay vì các nhân vật điển hình, trung tâm, đi tìm mờ ảo ở nơi sáng sủa, và bổ sung sự tường minh vào chỗ tối tăm.
Tôi vừa nhắc đến sự tường minh. Minh bạch, trong sáng, sáng sủa, nói chung là sự chính xác, có vẻ như là điều xa lạ đối với thơ. Không những ngày xưa mà ngày nay, và mỗi ngày lại được nhấn mạnh hơn nữa, có một ý tưởng thống trị cho rằng thơ là cõi mơ hồ. Nói như thế là chỉ thấy được một khía cạnh của vấn đề thơ hiện nay: sự huyền ảo chỉ xảy ra ở nơi mà sự trong sáng khởi đầu. Kim cương cắt càng sắc càng sáng lung linh.
Thơ mới thời kỳ nào cũng đều tấn công vào các giá trị đã xác lập, vào thói quen thẩm mỹ của công chúng thời ấy. Các nhà thơ hiện nay phải học nhiều, đọc kỹ, có kiến thức về nhiều lãnh vực: lịch sử, triết học, vật lý, toán học, họ cần biết những khía cạnh khác nhau của nhân sinh: chính trị, xã hội, các trường phái nghệ thuật, các xung đột, đời sống của tầng lớp dưới đáy xã hội, đời tư của các ngôi sao Hollywood, cuộc tình vụng trộm của tổng thống Kennedy, những người phụ nữ nông dân của Mao Trạch Đông bạo dâm, tính chất bảo vệ tự do của quân đội Mỹ trong chiến tranh Triều Tiên, thể thức bầu cử tổng thống và cách thưởng thức một tô bún mắm, và các thứ đại loại như thế, thoạt nhìn có vẻ không có ích gì cho sáng tạo, nếu họ muốn viết chơi một bài thơ hiện đại hay hậu hiện đại.
Suy tưởng mới trong thơ là gì? Đó là khả năng xúc động gấp đôi và lược bỏ gấp đôi. Đó là khả năng sầu muộn gấp đôi và hài hước gấp đôi.
Khả năng riêng tư ấy, đối với các nhà thơ hiện nay, chỉ có thể phát triển dựa trên các nhận thức cao về chính trị. Các nhận thức đúng đắn.
Khác với thơ cổ điển hay truyền thống, trong thơ đương thời, ý tưởng, trí tuệ không bao giờ đi một mình, bao giờ cũng đi kèm, hoặc thúc đẩy, hoặc bị lôi kéo bởi, hay được trộn lẫn vào, với những cảm xúc tương hợp.
First, I emptied the closets of your clothes
Trước tiên, con dọn hết áo quần của mẹ trong ngăn tủ
(Sau cái chết)
Đó là Natasha Trethewey, nhà thơ công huân Hoa Kỳ, trò chuyện về cái chết của mẹ mình.
Ý tưởng hay cảm xúc? Chúng ta nghe thấy điều gì trong tiếng thì thào của chữ closets, clothes: hành động điên rồ? Cử chỉ bình thường? Mẹ mất rồi, dọn hết đồ ra, thì có ý nghĩa gì? Nhưng sao lại đầu tiên?
Thơ mới có cách nói trực tiếp, tác giả có cái nhìn rõ ràng và khắc nghiệt đối với bản thân. Trong một bài thơ, xuất hiện nhiều mối liên hệ ràng buộc gay cấn của lịch sử. Đa số người làm thơ hiện nay, mặc dù không phải là tất cả, vẫn còn quan tâm đến vấn đề giao tiếp tương thông giữa bài thơ và người đọc. Điều đáng chú ý, nếu không phải là đáng tiếc, là thơ mới có vẻ ngày càng trở nên xa lạ và khó hiểu với công chúng. Đừng vội kết luận rằng đó là sự thất bại thuần túy về phía các nhà thơ, sự bất tài của họ, mặc dù điều đó không bao giờ có thể sai hoàn toàn, mà vì bản thân ngôn ngữ thơ ngày càng bất lực trước đời sống. Hay được chọn lựa trở nên bất lực.
Nhược điểm của thơ mới hiện nay là xu hướng cá nhân hóa, tức là chỉ quan tâm đến mình. Chỉ than thân trách phận. Nhược điểm thứ hai của nó là các nhà thơ chỉ chăm chú đi tìm sự thay đổi về kỹ thuật.
Thật ra, viết một bài thơ mới là cố gắng tạo ra một hình thức sống mới.
Thơ đương thời có nhiều khuynh hướng: hiện đại, tân hình thức, hậu hiện đại, và sau đó nữa. Chúng ta đang có các nhà thơ mới đương thời, nhưng chưa có một nền thơ mới đương thời.
Một nền thơ mới cần ba thành tố: các nhà thơ mới, những người đọc mới, và các nhà phê bình mới, đủ sức tạo ra dư luận. Hai thành tố sau hiện nay chưa đáng kể.
Tôi nghĩ: thơ Việt chúng ta cần phải trẻ trung hơn. Nhưng người ta cần rất nhiều thời gian để trẻ lại.
Mùa hoa
Mùa đàn ông
Mệt như chiếc áo rũ
Vừa vịn rào đi vừa ngái ngủ
(Y Phương)
Như thế là trẻ trung. Một nền thơ trẻ trung trong tình yêu thì thừa sức trẻ trung trong nhận thức xã hội và chính trị, nếu nó tự do tiến triển theo hướng ấy. Không có những thay đổi tận gốc về suy tư có tính triết học, về xúc động có tính chính trị, về ao ước có tính công dân, trên nền chất liệu của thời sự, thời cuộc, thời đại, thì những cách tân ngôn ngữ tuy có một số đóng góp thẩm mỹ, vẫn chỉ là những thay đổi vụn vặt, không lay chuyển được nền tảng của thơ cổ điển.
Bắt đầu từ cuối thế kỷ trước, khi những quan niệm truyền thống bị thách thức và gãy đổ từ nhiều phía, các nhà thơ Việt Nam trước đó chịu ảnh hưởng của chúng (các quan niệm truyền thống này), và các nhà thơ tiếp tục họ, dễ rơi vào hai tình trạng cực đoan: hoặc hoàn toàn trở lại với các giá trị cổ điển trước cách mạng tháng Tám, hoặc là tự cho mình quyền tự do tuyệt đối trong sáng tạo. Khoan bàn đến những người trong nhóm thứ nhất. Những người trong nhóm thứ hai có thể quên rằng một trong vài cơ sở cho việc đánh giá thơ mới đương thời vẫn là khả năng của nó làm lay động lòng người hay thách thức lương tri của họ, ngay khi chỉ giới hạn vào lớp người đọc kén chọn tinh hoa mà thôi.
Không có tính nhân đạo và tình yêu đất nước, không biết phẫn nộ trước sự chà đạp tự do của con người, mọi cải cách và cách tân trong thơ hiện nay, mọi sự nổi loạn, đều trở nên trang sức nhảm nhí, không ai thèm đọc và nhớ.
Ngược lại, tồn tại một số phẩm chất của thơ vẫn không thể thương lượng được. Đó là tính vô tư gần như vô ích, tính vui chơi của ngôn ngữ, tính bí ẩn. Tôi nghĩ: khi thành công, thơ mới hôm nay có thể làm xúc động lòng người gấp đôi, ngược lại, khi thất bại, nó cũng có thể làm người ta căm ghét gấp đôi. Nếu nó mới.
Ghét, cũng là gương mặt khác của tình yêu.
N. Đ. T.
(nguồn Phongdiêp.net)