Thử phiêu cùng Sông trời hoa khói – Trần Quang Quý


“Cánh cửa đã mở ra những bước phiêu du mỹ cảm trong một thế giới thực và ảo, trong và ngoài, biết và chưa biết, giữa tự do cá nhân và các vai kịch xã hội… trong cuộc sống đa phức đang chờ đón một lối đi, sự khám phá của Nguyễn Thanh Lâm”. Đó là nhận xét của của nhà thơ Trần Quang Quý về tập thơ “Sông trời hoa khói” của tác giả Nguyễn Thanh Lâm. Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

“Cánh cửa đã mở ra những bước phiêu du mỹ cảm trong một thế giới thực và ảo, trong và ngoài, biết và chưa biết, giữa tự do cá nhân và các vai kịch xã hội… trong cuộc sống đa phức đang chờ đón một lối đi, sự khám phá của Nguyễn Thanh Lâm”. Đó là nhận xét của nhà thơ Trần Quang Quý về tập thơ “Sông trời hoa khói” của tác giả Nguyễn Thanh Lâm. Vanhaiphong.com xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cho tới thời điểm hiện tại, Nguyễn Thanh Lâm đã có 6 tập thơ xuất bản, một hành trình thơ cũng khá dày dặn, kể cả số lượng sách và số bài trong một tập. Tôi đọc anh muộn. Chỉ mới đọc Hương dương cầm (Nxb. Hội Nhà văn, 2009) và Sông trời hoa khói (Nxb. Hội Nhà văn, 2013). Cả hai tập thơ đều có tên khá gợi, bảng lảng, huyền ảo… Hoa thì hoa khói, hương thì hương dương cầm, sông thì sông trời. Ngay ở đó đã hé lộ bản năng thi sĩ, sự mê đắm, thích những làn hương, thích sương khói mờ ảo trong cõi tinh thần, trong nhập thế hơn là những gì gồ ghề, góc cạnh của đời sống thực. Ấy là căn cốt của người thơ lãng mạn, yêu và cảm trên những vẻ đẹp tinh túy của người Hà Nội, kể cả phía chìm khuất sau thi ảnh.

Tôi nói thế bởi Hương dương cầm, tập thơ có tới 76 bài, mà phần lớn viết về Hà Nội, một tình yêu Hà Nội đến mê thiếp, miên man không dứt của chàng thi sĩ sinh ra và lớn lên ở thành phố này: “Tiếng dương cầm lan xa hương/Thơm thơm mùi nhớ/Vương vương dặm tình/Nghìn mắt lá, nghìn ánh đèn đọng mưa chơm chớp/Tiếng dương cầm loang loáng ướt/… Bên kia sông Hồng mưa có rơi/Tiếng dương cầm có cùng hạt mưa thấm vào lòng đất/Phía bên này năm cửa ô thao thức/Hay đang mơ giấc nhạc dương cầm…” (Hương dương cầm).

Tình yêu Hà Nội, yêu phố cổ và những phong rêu trầm tích của nó đến mức dường tác giả không ôm xuể khối tình quá lớn cho riêng mình, mà phải kêu gọi bạn tình, thiên nhiên đồng hành, hòa nhập một tình yêu “tay ba” vào phố cổ: “Vầng trăng người tình thứ nhất/Ngọn đèn người tình thứ hai/Ta âm thầm yêu phố cổ/Là ba người yêu một người”. Người ta tưởng là thế thật, nhưng sáng mai, thì: “Sớm mai trăng tàn đèn tắt/Chỉ còn một mình ta thôi” (Thơ tình phố cổ). Lôi thêm bạn tình vào hóa ra là cái mẹo để “độc chiếm”, để nhấn nháy cái tình của riêng mình với Hà Nội. Và tình yêu ấy Trong Nguyễn Thanh Lâm cũng không đơn giản, nó được săm soi dưới nhiều góc cạnh, cảm xúc, hồi tưởng, cũ mới, mất còn, nói xa để yêu gần… Một tình yêu thường trực của không gian, thời gian: “Hà Nội ẩn hiện trong mặt trời mặt trăng hương hoa trời đất/Đi đâu, ở đâu Hà Nội cũng hiện về” (Tâm tình người Hà Nội). Một tình yêu ngẩn ngơ du mộng, phiêu diêu thực ảo, ẩn hiện: “Ta đứng ở ngoài hồn nhập vào Tháp Bút/Ta bay hay gió bay/Ta trôi hay trăng trôi/Tháp Bút nhập vào ta hay ta nhập vào Tháp Bút” (Bên Tháp Bút). Và, với Hà Nội, luôn luôn thành kính, cả cảm xúc sám hối đó đây: “Con xin quỳ bên người, Hà Nội ơi/Mong được sà vào lòng người như trẻ thơ sà vào lòng mẹ” (Con đã trở về Hà Nội ơi). Trong tình yêu xứ sở tầng tầng lớp lớp như vậy, còn có một tình yêu khác song hành, cũng mướt mát lắm, luôn đan xen trong mỗi con phố, mỗi ký ức, mỗi làn hương hoa sữa, mỗi mùa xuân sắc thắm hoa đào, trong cả những tàn phai: “Ta bơi trong tình yêu, lặn chìm trong đau khổ/Đời chiều rồi, vẫn vụng dại, ngây ngô/Tự xé hồn mình thành muôn mảnh nhỏ/Rồi lại chắp vào thêu dệt thành thơ” (Em đã hóa tâm hồn đau khổ thơ tôi).

Đến Sông trời hoa khói – bài thơ đầu tập, cũng là tên cho cả tập, theo tác giả, nó là tinh thần chung cho cả tập, lưu vết thơ dọc nhân gian của ông. Vẫn bắt đầu là những bảng lảng: “Sông trời mây trắng bồng bềnh/Neo thuyền trăng vào vô định/Sông mây không bờ bến/Neo bến bờ thơ tôi”. Một cái gì đó buồn lắng, khát khao, không định dạng, hoặc dạng ảo, mà ở đó: “Đâu ngờ thơ tôi cũng không bờ không bến/Một đời hoa khói tự nhiên trôi”. Để cho hồn thơ cuốn đi lang bạt, phiêu du, như duyên tình với nàng thơ dắt díu trở về cõi tự nhiên, mặc nhiên lôi cuốn lãng tử, ngoài sự kiểm soát của chủ quan. Có lẽ thế mà Nguyễn Thanh Lâm thường “nương” giữa thực và ảo, ngay cả trong tình yêu, nương vào cái “duyên”, là cái mà “cơ trời” có se hay không se: “Cõi mơ và thực/Nương vào nhau thành đôi/Vui tình tùy duyên/Em ơi” (Đi lễ chùa Thầy). Chữ “duyên” trong quan niệm phương Đông quả nó cũng ảo, cũng huyễn hoặc, cũng nhiều luyến láy làm sao!

Và sau những va đập, lôi cuốn, tương tác của đời thực, vốn rất mệt mỏi bởi các vai kịch, xử thế khác nhau, đặc biệt là trong xã hội hiện đại, người ta càng ý thức muốn được là mình, khát vọng được tự do, dù đã chủ động “tùy duyên”: “Sau một ngày/Chung vui chung khổ/Nhập vai cùng diễn với đời/Trở về với mình/Tháo mũ/Cởi giầy/Cởi áo quần/Bỏ buông/Quyên tất cả/Có lẽ con người thật người hơn/Biết đến bao giờ/Ở đâu/Tôi cũng thấy như mình đang ở nhà” (Sau một ngày). Tất nhiên, đấy là mơ ước của con người muốn được tự do, được thật là mình khi không phải sắm những vai diễn. Nhưng con người xã hội thì không thể, vẫn phải sắm vai, đấy cũng là mâu thuẫn là bi kịch của người đời. Mà cái đời ấy, cái xã hội ngoài ta ấy thì luôn vận động: “Ôi cuộc sống bao giờ cũng mới/Ta vừa nghĩ suy thì đã cũ rồi” (Chiếc gương). Nó đòi hỏi một sự bứt tốc để không nhàm cũ, lạc hậu mới có thể hòa điệu vào cuộc sống. Nó cũng mách bảo đổi mới, luôn luôn làm mới mình là một đòi hỏi khách quan.

Hiển lộ hơn, ở Sông trời hoa khói, vẫn là cái thước ngắm tình yêu, cảm nhận trên các góc cạnh đời sống, nhưng Nguyễn Thanh Lâm đang “cựa quậy” những góc nhập cuộc mới, cách nhìn khác, giàu suy tưởng, muốn lập lý, triết lý, hoặc bày tỏ những trải nghiệm tình yêu của người từng trải, có những dấu hiệu tìm đến thiền, thả lỏng tinh thần trong cõi mênh mông, sương khói; không bị đời sống thực nhiều lầm lũi kéo lùn lại sau cơm áo của nó. Tần xuất hiển lộ những mối quan tâm quan thiết như đã nói ở Nguyễn Thanh Lâm nhiều lên và nhiều hơn ở những bài thơ ngắn: Soi gương, Đêm mưa, Hỏi đường, Mục đích, Du lịch ký, Thư viện, Nằm bên biển… Thử cùng ông vào một Đêm mưa nghe tiếng còi tàu bảng lảng, ngân xa: “Một tiếng còi tàu/Vào ga/Hay đi xa không rõ/Tiếng còi/Gió đưa vào phòng ta rộng mở/Ta dang tay đón tiếng còi tàu/Gục vào ngực ta/Niềm thương nỗi nhớ/Chia li gặp gỡ/Nồng mặn thương đau/Ngực ta ướt đầm nước mắt/Mưa/Trong quả tim ta vội đập”. Ở đây, dường như có bước chuyển trong cảm xúc. Ý thơ đồng hiện cùng ùa về các ký ức, các ngữ cảnh khác nhau của một đêm mưa hối thúc tiếng còi tàu. Tiếng còi đánh thức cùng lúc những cảnh, những cung bậc tình cảm khác nhau. Nó không mới, nhưng là mới trong khúc thức thơ của Nguyễn Thanh Lâm.

Hỏi đường là bài thơ ngắn, nói về một người hỏi đường cụ thể, bất kỳ khi ta gặp, nếu không chỉ đường thì thiếu từ tâm, nhưng nếu chỉ đường có khi lại làm cho người ta lạc, bởi người chỉ chắc gì đã đúng, đã thạo? Và tác giả: “Tôi im lặng nhìn chân mình/Nhìn chân bạn/Và nhìn ngắm chân trời”. Cái tâm sự ngoài tình huống của Nguyễn Thanh Lâm ở đây là, mỗi người hãy tìm cho mình một con đường, không ai có thể “chỉ” cho ai được. Hãy khám phá chân trời của bạn. Cũng như trong cuộc sống, mọi sự tồn tại không phải lúc nào cũng lý giải được một cách thấu đáo, và có lẽ nó là cấu trúc, cân bằng tự nhiên, cũng không cần lý giải: “Đâu là mục đích của mặt trời mọc hàng ngày mỗi sớm/Đâu là mục đích cây cỏ nở hoa/Chim hót vì mục đích gì?/Không mục đích/Rất cần cho sự sống” (Mục đích). Bài thơ chỉ có 5 câu. Một cách lập luận ngược lại mệnh đề có lẽ không ít người ngạc nhiên. Quả thực, nhiều khi chẳng có mục đích gì cả, nhưng ngay cả điều ấy cũng là một phần của đời sống tự nhiên, vậy thôi. Chỉ có điều, cái kết của nhà thơ có vẻ hơi gượng. Để Mục đích được tự nhiên, trong cả một số bài thơ khác dạng này nữa, cần độ nhuyễn tình – ý – tứ, để nội hàm những câu thơ tự nói về sự “cần” ấy, một cách thuyết phục hơn. Rõ ràng ở đây, Nguyễn Thanh Lâm trở nên tỉ mẩn hơn, vân vi hơn những ý nghĩa của đời sống, tìm những ngôn ngữ ngoài câu chữ, ngoài thi ảnh, là những cái mà bất cứ sự sáng tạo nghệ thuật nào cũng muốn vươn tới và khám phá.

Nguyễn Thanh Lâm đã bắt đầu chăm chút cho các dòng suy tưởng của mình, một cách điềm tĩnh, đến trầm lặng, không cố ồn ào, to tiếng. Cũng giống như những gì anh vẫn miệt mài, lẳng lặng trên thi đàn, theo cái cách tự tìm lấy “thi trường” của mình, như phép ứng xử của người chỉ đường đã nói ở trên; đến nỗi, mới chỉ đến năm 2013, tôi mới đọc anh khi có người nói về thơ anh và cái sự “kiêu” của người thơ này nữa. Có lẽ, bởi cái cách tiếp cận “thì thầm”, điềm tĩnh của thi cảm, mà phải có lối đọc thật bình tĩnh mới cảm nhận, mới dào dạt, đồng cảm và rồi lay thức với thi điệu của Nguyễn Thanh Lâm, như khi ta ngồi trong khu rừng du lịch này: “Tôi ngồi lặng lẽ trong rừng cây/Ngôi nhà của các loài chim/Ngôi nhà trong tiếng thì thầm của trái đất nhòa dần vào bóng đêm/Đón ngôi sao đầu tiên lấp ló/Đợi vầng trăng giữa đêm lên đồng/… Đáng kể là sự giao cảm giữa thiên nhiên và tôi/Tôi đưa thiên nhiên du lịch ở lòng mình” (Du lịch ký). Cái khác của Nguyễn Thanh Lâm ở đây chính là anh biết cách đưa thiên nhiên du lịch ở lòng mình, chứ không tán trải lòng ra. Hay nói một cách khác là biết mở các kênh thức, các cửa tâm hồn để đưa vũ trụ, thiên nhiên, sự sống vào tĩnh tại, tươi xanh ở mình. Nguyễn Thanh Lâm cũng khác với rất nhiều người yêu, viết về Hà Nội hay những mảng đời sống ngoại vùng, là ông không chạy theo sự quen bị những ký ức, dù rất đẹp và gợi nhớ, như tiếng rao đêm, tiếng xe điện một thời… lôi cuốn; cũng không bị những băn khoăn, quặn thắt, cần chia sẻ của đời sống mưu sinh cần lao trì kéo đôi cánh của thi ca, bởi ông là người của Hương dương cầm, của Sông trời hoa khói rồi.

Tìm một cách tiếp cận, diễn ngôn khác. Cũng cái cách cảm thụ, để dòng suy tưởng của mình phiêu du vào những ngõ ngách, thu nhận những tín hiệu, những “mật chỉ” của đời sống, mà mật chỉ ấy lại rất giản dị là biết cách hòa nhập vào thiên nhiên, thế giới tự nhiên mà cảm và ngộ, mật chỉ ấy ngoài cả sách vở, sự giao giảng: “Tất cả những cuốn sách đang cười/Trí tuệ loài người đang cười/…Đạo vốn vô ngôn/Phật đã giảng năm ngàn bốn mươi tám chân lý/Mà chưa từng nói về chân lý/Chân lý chỉ là những ngón tay chỉ trăng/…Có tiếng đập trái tim hướng tới vầng trăng gọi ta ngoài thư viện/Ta bước ra lòng nhẹ lâng lâng” (Thư viện).

Nhưng để có ăng ten thu nạp đa tầng những tín hiệu của đời sống, của thiên nhiên và chuyển động của thế giới quanh ta, còn gì khác là những tiền tố của tình yêu, sự mê đắm và nhạy cảm của tâm hồn. Tình yêu ấy là sợi dây tình cảm bền bỉ, máu thịt của một người yêu Hà Nội, yêu thiên nhiên, yêu những “người yêu”… miên man trong Hương dương cầm, chuyển tiếp Sông trời hoa khói ở một tầm vực cao rộng, sâu sắc hơn, có màu sắc thiền hơn, như khi nhà thơ bật mở hết các kênh cảm xúc, các giác quan của mình trong và cho một thế giới tĩnh tại, thiền định, huyền tưởng và cao đẹp: “Ta nằm dài trên cát/Đọc những dòng thơ ánh sáng trời cao/Tất cả các cửa hồn ta mở rộng/Tràn đầy rỗng không” (Nằm ở biển).

Cánh cửa đã mở ra những bước phiêu du mỹ cảm trong một thế giới thực và ảo, trong và ngoài, biết và chưa biết, giữa tự do cá nhân và các vai kịch xã hội…trong cuộc sống đa phức đang chờ đón một lối đi, sự khám phá của Nguyễn Thanh Lâm. Nhưng lối đi ấy cũng đầy thách thức, không dễ dàng gì để thành hình khối, mà ở đó, nó rất cần sự “biết” trong mỗi bước chân thơ đang phiêu của ông.

Hà Nội, ngày 9/6/2014

T.Q.Q

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder