Lần ấy, Minh Hùng giúp nhà Triệu Vếnh đẵn cây, chặt nứa rào và làm lều coi nương. Ấu Liên lo làm cơm cho hai người lúc buổi trưa. Trong suốt bữa ăn, đôi mắt Ấu Liên cứ ngời lên, lúng liếng dán chặt vào bộ ngực và đôi vai trần bóng nhẫy mồ hôi, căng tròn những đường cơ chắc nịch của Minh Hùng. Triệu Vếnh bằng lòng với món ăn khoái khẩu của lão là chuột khô nướng đưa cay với rượu ngô ủ trong ống nứa uống đến mềm môi rồi khật khưỡng lăn luôn ra góc nương ngáy khò khò. Minh Hùng đang chuẩn bị chỗ nằm nghỉ trưa thì Ấu Liên đến đứng chặn trước mặt
– Minh Hùng à, xuống thác Suối Tháng cùng tắm với mình đi!
Nói đoạn, không cần biết Minh Hùng phản ứng ra sao, nàng nắm luôn lấy cổ tay Minh Hùng kéo đi.
Suối Tháng chảy trong lòng núi chồi lên thành dòng bắt đầu từ hang Côm, là đoạn đầu nguồn nên nước trong vắt nhìn rõ tận đáy với những viên sỏi trắng đen lẫn lộn nhẵn bóng, chập chờn, lung linh tròn méo. Đoạn suối Ấu Liên kéo Minh Hùng xuống nằm bên dưới một cái thác nước không tên, dân động Rặt gọi theo tên dòng suối là thác Suối Tháng quanh năm ầm ào gầm réo, dưới chân thác là vũng Khoang Chàm lúc nào cũng sủi tung nước ngầu bọt trắng. Trưa nắng hè, sau buổi làm việc mà chạy xuống thác thì bao nhiêu mệt nhọc cũng tan biến hết bởi cái mát dịu êm đến lịm người của không khí trong lành bên suối. Ấu Liên kéo Minh Hùng chạy ào vào giữa lòng suối mặc cho nước ngập váy, té lên ướt hết cả mặt mũi đầu tóc. Nàng vừa cởi áo, vừa nói với Minh Hùng
– Cởi quần ra, tắm một cái cho mát đi!
Minh Hùng đứng như trời trồng giữa suối ngắm Ấu Liên. Ban đầu là cái áo được kéo ra vứt lên bờ suối, bộ ngực trần nõn nà với hai núm nhũ phớt hồng đậu ngay ngắn giữa đỉnh hai quả gò căng cứng dướn lên kiêu hãnh. Tiếp đến là cái váy ướt sũng được tụt xuống lồ lộ cặp đùi đầy đặn cùng với quả mông tròn trịa mịn màng. Mắt Minh Hùng như nhoà đi khi Ấu Liên quay người lại đối diện với Minh Hùng, chàng sung sướng tận hưởng món quà quý giá của tạo hoá ban cho đến nỗi đê mê chỉ còn nhìn thấy lờ nhờ một vóc dáng thon thả nổi lên giữa vòm xanh của tán lá cây bụi ven bờ suối, nó trắng ngần, thanh khiết và chập chờn đâu đó một vùng xanh xanh lúc nét, lúc nhoà…
– Lùng ơi! (Trời ơi!) cởi quần ra đi chứ!
Chỉ đến khi Ấu Liên dục Minh Hùng mới bừng tỉnh. Chàng tụt nhanh cái quần ném lên bờ suối rồi sải tay bơi đuổi theo Ấu Liên. Họ bơi vượt vũng Khoang Chàm, xuyên qua bức tường nước trắng xoá dội từ độ cao trên lưng chừng núi Cả xuống. Phía trong dòng thác là một cái vòm rộng, nền đá liền khối bằng phẳng nhẵn bóng, những chiều mùa hè, sau một ngày lao động nóng bức, đám thanh niên và cả thiếu nhi thường hay lội vào đây đùa giỡn. Bây giờ là buổi trưa, chỉ có hai người, màn nước như tấm kính lớn che chắn cho họ tách biệt với thế giới bên ngoài. Ấu Liên ôm lấy Minh Hùng.
– Chúng mình “coóng trình” đi! (Chúng mình yêu nhau đi)
Minh Hùng đờ đẫn đang định vòng tay ôm Ấu Liên thì bỗng chàng giật thót để hai tay lên vai Ấu Liên
– Hình như ngoài suối có người.
– Làm gì có ma nào, mà có nó cũng chả sang đây vào giờ này!
– Nhưng mà…-
– Còn nhưng mà cái gì nữa.
– Nhưng mà mình chưa làm lễ cấp sắc, không lấy được vợ…
– Ai bảo thế, “coóng trình” là quyền của mình, ai ngăn được…
Nói đoạn nàng xiết chặt vòng tay, kéo chàng nằm xuống nền đá mát lạnh. Sự động chạm da thịt làm cho bản năng đàn ông trong người Minh Hùng bốc lên rần rật như đám cháy rừng. Họ xoắn xuýt, cuồng nhiệt đến nỗi nền đá trong vòm hang cũng phải đổ mồ hôi…
Họ Bàn ở động Rặt có cuộc họp họ ở nhà cái Bàn Minh Vàn về việc con Ấu Liên nhà Triệu Vếnh thích thằng Minh Hùng và thằng Minh Hùng đã chấp nhận “coóng trình” với con Ấu Liên. Người cả động Rặt ai cũng biết chuyện này. Bây giờ phải lo vợ cho thằng Minh Hùng. Bàn Minh Vàn nói:
– Nhà mình không đủ bạc để làm lễ cấp sắc cho thằng Hùng. Thôi thì cho nó sang ở công bên nhà họ Triệu vậy.
– Không được đâu tía ơi, thà không có vợ chứ con đi ở công thì ai chăm sóc tía, ai nuôi em gái.
– Không làm được lễ cấp sắc, không đi ở công, nhỡ nó có thai, người động Rặt bắt vạ thì lấy gì nộp phạt.
Bàn Minh Làn là em ruột Bàn Minh Vàn nói:
– Thằng Hùng nói đúng, Họ Bàn nhà ta là họ đứng trưởng, anh Vàn đã từng nhận sắc bảy đèn. Chẳng qua do sa sút phải nhường chức quản động cho nhà họ Lý. Nay lại cho cháu trai trưởng đi ở công cho họ Triệu thì nhục lắm, sao chịu được. Anh em mỗi người trong họ góp một ít, không làm được lễ cấp sắc nghi thức “Chày phị đàng” thì cũng phải làm theo nghi thức “Tồ tàng” cho thằng cháu lấy vợ về cho nhà họ Bàn.
Bàn Minh Làn được phân công đi quyên góp người nhà trong họ để làm lễ cấp sắc cho cháu Minh Hùng. Khốn nỗi dù chỉ để làm lễ cấp thấp nhất hạng ba đèn theo nghi thức “Tồ tàng” thì cũng mất một ngày một đêm cho người cả động Rặt ăn uống, nhảy múa. Người nhà họ Bàn ở động Rặt đều nghèo khó, đóng góp chả đáng được là bao nên Bàn Minh Làn cứ lúm thúm như gà mắc tóc. Đang lúc túng bí chưa biết xoay sở cách nào thì bỗng nhiên thằng Lý Phẩy đến nhà kéo Minh Hùng ra đầu trái to nhỏ;
– Việc này rất hời, mà phải to khoẻ, thông thạo đường như mày cũng mới làm được. Có người thuê vác một bao muối từ Mường Đà sang động Rặt đi theo đường núi vào ban đêm để trốn thuế. Nếu mày làm, sẽ được trả bạc cho thừa sức làm lễ cấp sắc.
– Nhưng nhỡ Tây Đoan nó bắt được thì sao.
– Hầy à! Chẳng thằng ma Tây nào dám đến đoạn đường núi ấy vào ban đêm. Mình mà khoẻ như mày thì mình đã làm, không đến lượt mày. Mà rủi bị chúng nó rình thì cứ vứt của chạy lấy người, không được trả công thôi chứ không bị bắt đền đâu mà lo.
– Thế bao giờ thì làm?
– Nhưng mày có đồng ý làm không đã?
– Đồng ý!
– Không được nói với ai về việc này. Mày có thể làm ngay vào tối ngày mai. Cứ sang bên Mường Đà đợi nửa đêm, đến đầu nhà mụ Mùi Phạn buôn bán tạp hoá, có bao tải muối đặt sẵn ở đấy, cứ thế vác đi, không được nói gì với ai. Mày chỉ cần vác đến đầu trên con thác Suối Tháng đặt xuống bên bờ suối rồi về. Làm xong việc, bạc và tiền mình sẽ lo trả mày.
Ấu Liên ở bên nhà họ Bàn. Hôm nay là ngày làm lễ cấp sắc cho Minh Hùng, người cả động Rặt kéo đến ngay từ sáng sớm, đứng ngồi vòng trong, vòng ngoài quanh sân. Hai ông thầy cả đang vừa đi vào nhà vừa cầm cây gậy có tua đỏ vẽ vòng khử tà ma. Minh Hùng không được đi ra ngoài sân còn Ấu Liên là đàn bà con gái không được vào trong nhà. Ấu Liên nhìn qua cửa thấy Minh Hùng đang được các ông thầy phụ tế giúp mặc áo tế màu lam có thêu hình hổ phù, ngựa, chó. Đầu đội mũ hoa văn ngũ sắc có cái chỏm ngù trông rất bảnh trai. Họ vẫn kịp đánh mắt cho nhau trước khi mấy ông thầy phụ tế xua đuổi đám con gái đang thập thò trước cửa để làm lễ “Shing hung” (Dâng hương). Sau lễ “Shing hung”, một ông thầy phụ tế ra sân để chọn ba thanh niên, ba thiếu nữ yêu cầu ăn mặc, trang điểm đẹp đợi làm xong lễ “ Pủng miên” (Treo tranh) thì tổ chức “Páo dung”. Bộ tranh của nhà họ Bàn là bộ tranh quý loại chín vai, theo khẩu truyền nó đã có từ thời cụ mọ cách đây cả trên một trăm năm. Ấu Liên cũng được chọn để hát bên phe nữ nhưng thiếu Minh Hùng đối đáp nên cô thấy không hứng khởi nhiệt thành, trong suốt buổi hát, cô chỉ đòng đưa những câu hát cũ mèm đã từng được nhiều người hát, tâm tưởng chỉ chú ý xem phía trong nhà các ông thầy và con trò Minh Hùng đang diễn vở gì. Lại một con lợn nặng trên một tạ được mổ phanh bụng, cạo lông sạch sẽ, để nguyên con nằm úp có phủ tấm mỡ chài trên lưng được khiêng lên ban thờ thay cho con lợn trước. Một ông thầy dùng bút lông và mực tàu viết sớ bằng thứ chữ nôm Dao, viết xong đặt sớ lên ban thờ, ở trên đó đã được đặt một cây đèn dầu, hai bát gạo cắm một cái đũa tre, hai bát đốt vỏ thơm, mười chén rượu, mười cái lá chít có đính những viên xôi , chuông đồng, tù và bằng sừng trâu và những thẻ bài dùng cho việc hành lễ, phía dưới cái ban thờ là một mẹt đựng lúa nguyên cả bông, một cái chiếu cói, lọ muối, chai dầu và các giỏ đựng vàng mã. Các ông thầy và con trò bắt đầu chuẩn bị lại trang phục, họ đang quấn xà cạp vào cổ chân. Lễ đặt tên bắt đầu được khởi hành, hai ông thầy cả cùng con trò Minh Hùng nhẩy múa trong điệu nhạc của trống, chiêng và kèn. Cứ mỗi một hồi múa nhảy dừng thì các thầy phụ tế lại gỡ một lá bùa cài trong tấm thẻ trên đầu hai ông thầy cả và con trò đặt lên ban thờ. Bảy ngọn nến do bảy đứa con trai tuổi mười hai, mười ba nâng trên tay múa lượn theo con trò lung linh, chập chờn, kỳ ảo. Ông thầy cả xin âm dương bằng hai mẩu nứa chẻ làm đôi, lần nào gieo quẻ cả hai mẩu nứa đều ngửa phần bụng lên là được, một ngửa một sấp hoặc sấp cả hai thì phải gieo lại, cả thảy có 12 lần gieo quẻ và nhảy múa như thế. Vậy là lễ “Phảo tồng” (Đặt tên) đã xong. Ông thầy cả lấy trên ban thờ tấm lá sớ rồi dõng dạc đọc, con trò được đặt tên cúng cơm là Phặt Dụng. Ôi, Phặt Dụng! thế là Minh Hùng đã có tên cúng cơm, thế là đã có thể ra gánh vác việc làng, việc nước, rồi cũng có thể lại làm quản động bởi họ Bàn vốn dĩ là họ anh cả trong tộc người Dao. Và điều sung sướng, mãn nguyện hơn cả là đã có thể lấy vợ. Ấu Liên bỗng thấy đôi má nóng bừng. Thế là mình sắp sửa được quấn bảy lần váy, đội trên đầu cả một đống to khăn thêu, dây lưng, váy áo, phải cần đến bốn người dìu để đi sang nhà chồng…Bỗng những cái sọt nứa đựng lá bùa đặt dưới gậm ban thờ bắt lửa bốc cháy, ngọn lửa nhanh chóng bắt vào tấm mỡ chài trên lưng con lợn bùng lên làm cháy cả những tờ tranh sáng rực. Cái áo tế của Minh Hùng cũng bắt lửa, ngọn lửa ở đấy đỏ như máu, nó quấn lấy người Minh Hùng. Minh Hùng đâm bổ ra cửa, chạy ra ngoài sân, chạy ra ngoài đường như một mũi tên…Ấu Liên gào lên thất thanh “Minh Hùng…” rồi cô co cẳng chạy đuổi theo…
Tại phòng chỉ huy đồn Gò Đèn có ba người. Viên trung uý đồn trưởng và thiếu uý đồn phó ngồi trên ghế có kê bàn phía trước. Trung sĩ Lý Lẩu Lang đứng giữa gian phòng. Hôm nay có cuộc thẩm vấn Lý Lẩu Lang về việc không hoàn thành nhiệm vụ trong cuộc vây bắt đối tượng tiếp tế cho Việt Minh.
– Trung sĩ Lý Lẩu Lang, anh tường trình lại diễn biến lúc ấy và tại sao các anh không bắt sống mà lại nổ súng bắn chết đối tượng?
– Dạ thưa ngài chỉ huy, do đối tượng phát hiện bị phục kích nên đã vứt bao tải vác trên vai bỏ chạy lên rừng. Chúng tôi định truy kích thì thấy súng nổ và đối tượng trúng đạn. Chắc chắn là do phía Việt Minh giết người để khỏi lộ bí mật.
– Ý kiến của thiếu uý đồn phó thế nào?
– Thưa ngài đồn trưởng. Đã có kết quả khám nghiệm tử thi, đối tượng bị ba viên chì găm trong lồng ngực, rõ ràng là bị bắn bằng súng săn, không phải súng của lính đồn.
– Tại sao đối tượng lại phát hiện bị phục kích?
– Dạ thưa ngài trung uý, do sơ suất tôi bị trượt chân ngã đã gây ra tiếng động.
– Anh phụ trách mật vụ đã tới hàm trung sĩ, sao lại có thể sơ suất đến ngây ngô như thế. Rõ ràng có điều gì khuất tất ở đây. Mặt khác, anh báo cáo là có người tiếp tế lương thực cho Việt Minh ẩn náu trên núi Cả nhưng lại là bao muối. Việt Minh đông đến đâu mà ăn lắm muối thế?
– Dạ, cái này là do bọn chỉ điểm điều tra không kỹ thôi ạ!
Viên thiếu uý đồn phó nói:
– Báo cáo ngài đồn trưởng, sau mấy ngày điều tra vụ này, tôi được biết nạn nhân là Bàn Minh Hùng. Theo nguồn tin của thanh niên động Rặt thì trung sĩ Lẩu Lang có mâu thuẫn với Minh Hùng bởi Hùng được cô Triệu Ấu Liên người cùng động rủ “coóng trình” còn trung sĩ LẩuLang đến ngủ thăm thì lại không được tiếp.
– “Coóng trình” là thế nào?
– Đấy là một tập tục của người Dao. Con gái Dao thích người đàn ông nào thì có thể công khai rủ người ấy ra rừng hoặc xuống suối tình tự. Còn ngược lại, người đàn ông không có quyền ấy.
– À, ra là vậy! Thế nào trung sĩ, anh trả lời về việc này ra sao?
– Thưa trung uý, ngài đồn phó nói cũng đúng nhưng hai sự việc này không liên quan gì đến nhau. Vả lại, thưa sếp! em cũng không ra lệnh bắn đối tượng. Nếu phía Việt Minh không bắn chết đối tượng, chắc chắn chúng em sẽ bắt được.
– Thôi được, việc không hoàn thành nhiệm vụ của anh sẽ xem xét hình thức xử phạt sau.
Quay sang phía đồn phó, trung uý đồn trưởng nói:
– Ông cho gửi bằng văn bản sang nhà chức trách trả lời về cái chết của đối tượng Minh
Hùng không thuộc trách nhiệm của đồn ta. Dù sao thì hắn cũng đang là thành phần
thuộc gia đình bị nghi vấn thân Việt Minh. Nói với họ ý kiến của đồn là không cần phải điều tra gì nhiều cho mất thời gian.
Ra đến cổng đồn, Lẩu Lang đã thấy Lý Phẩy đứng chờ. Lẩu Lang sẵng giọng:
– Không ở nhà lên nương, ra ngoài này làm gì?
– Thì hôm nay là thứ bảy, ra đón ông anh về. Mấy lại còn xem mày thưởng cho mình cái gì nữa chứ. Mày có thấy mình thiện xạ không?
– Suỵt! Bé bé cái mồm. Lộ ra chết cả nút đấy!
Cả buổi chiều nhà họ Triệu không thấy Ấu Liên, đi khắp các nhà trong động cũng không có. Mãi đến tận tối khua người ta mới tìm thấy cô lạnh cứng nằm gần như chết bên cạnh ngôi mộ Minh Hùng. Người ta khiêng cô về sức dầu, xông hơi, nặn bóp cho người mềm lại. Nhưng rồi cô lại lên cơn sốt nóng hừng hực, li bì mê sảng suốt đến chiều tối hôm sau chưa hạ. Trong lúc lão Triệu Vếnh lên vạt rừng phía sau nhà hái thuốc, mụ Ấu Phủ đang mải giã nắm lá để đắp vào trán cho Ấu Liên hạ bớt cơn sốt thì bỗng nhiên thấy Ấu Liên bật dậy, miệng hét “Minh Hùng…Minh Hùng…” rồi cứ thế co cẳng chạy như bay như biến. Mụ Ấu Phủ luýnh quýnh quẳng cái chày giã vừa chạy theo Ấu Liên vừa kêu:
– Lắng trặng ơi! ( Hàng xóm ơi) Cứu, cứu con Liên nhà tôi với!…
Khi những người hàng xóm ùa ra hỏi han hiểu rõ sự tình thì Ấu Liên đã chạy được một quãng xa. Thanh niên trai động chạy trước, người lớn tuối chạy sau theo bóng Ấu Liên về phía núi Cả, chỗ ấy là đoạn suối Tháng bên trên cái thác nước có ngôi mộ của Minh Hùng. Khi họ chạy đến nơi thì chẳng còn thấy bóng dáng Ấu Liên đâu nữa. Cái bát đựng vỏ thơm ai đốt đặt trên mộ Minh Hùng bỗng cháy sáng bùng lên trong màn đêm cuối chiều đang buông chập choạng. Phía dưới, con thác vẫn ầm ào gầm réo, vũng Khoang Chàm vẫn sủi tung nước ngầu bọt trắng…
*
Trong Vườn Quốc gia Xuân Sơn có một con thác mang tên Ấu Hùng. Người động Rặt ngày xưa nay là xóm Tân Lang gọi con thác là thế nhưng cũng chẳng biết ai là người khởi xướng đặt tên cho con thác quen gọi theo tên dòng suối khi xưa. Người tứ phương đến thăm vườn quốc gia thì cho rằng do con thác nằm giữa cánh rừng nguyên sinh đại ngàn, quanh năm đầy nước gầm réo nên được gọi là Gấu con. Ít người biết được rằng, cái tên Ấu Hùng ấy là do ai đó đã gép hai cái tên của đôi trai gái người Dao là Ấu Liên và Minh Hùng trong câu chuyện tình trắc trở và đầy ẩn ức bên dòng thác trắng
C.S.