Người lính trinh sát gầy gò, nhỏ bé đó là Quách Ngọc Lâm, sinh viên Mỹ thuật công nghiệp nhà ở Lê Văn Hưu, Hà Nội. Anh vốn lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 đã từng chốt giữ Thành Cổ trong những ngày ác liệt nhất và chỉ có những con người đã từng chiến đấu, đã cận kề với cái chết vì Thành Cổ mới có thể xúc cảm được thế nào là LỬA LŨY THÀNH…
Người lính trinh sát gầy gò, nhỏ bé đó là Quách Ngọc Lâm, sinh viên Mỹ thuật công nghiệp nhà ở Lê Văn Hưu, Hà Nội. Anh vốn lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 đã từng chốt giữ Thành Cổ trong những ngày ác liệt nhất và chỉ có những con người đã từng chiến đấu, đã cận kề với cái chết vì Thành Cổ mới có thể xúc cảm được thế nào là LỬA LŨY THÀNH.
“Lửa lũy thành”
Mấy hôm sau vào một sáng chủ nhật tôi xin nghỉ và sang nơi đóng quân của C20 trinh sát rủ An đi thăm Hùng côn. Từ bờ sông tôi rẽ xuống một ngôi nhà khá lớn ẩn mình dưới rặng tre bên sông đây là nơi C20 trinh sát đóng quân. Ở góc sân có một người lính gầy nhỏ mặc một cái quần soọc ca-na-đa (quần đùi) thùng thình của lính với một cái áo cộc tay bạc phếch đang lúi húi đục đẽo một mảnh ghi đường băng sân bay bằng nhôm, trước mặt anh ta là một bức tranh với mầu đỏ của ngọn lửa bao trùm lên hình tượng ba người chiến sĩ: một người đang giương khẩu B40, người thứ hai một tay chống AK, tay kia đỡ đồng đội bị thương, người bị thương đầu quấn băng ngồi dựa vào bạn tay lăm lăm quả lựu đạn, xung quanh họ là những bức tường đổ xạm đen khói đạn của Thành Cổ. Bên dưới nhóm chiến sĩ đó là dòng chữ LỬA LŨY THÀNH được cách điệu bằng những ngọn lửa rực cháy. Bức phác thảo với ngọn lửa rực cháy làm tôi xúc động đến gai người, có thể tôi chưa đủ trình độ để đánh giá một tác phẩm nghệ thuật nhưng ở góc độ của một người lính đã cùng đồng đội chiến đấu trong những thời điểm máu lửa nhất thì bức phác thảo này hoàn toàn đạt đến sự chân thực mô tả cuộc chiến đấu ác liệt bảo vệ Thị xã – Thành Cổ Quảng Trị, Hè 1972. Người lính trinh sát gầy gò, nhỏ bé đó là Quách Ngọc Lâm, sinh viên Mỹ thuật công nghiệp nhà ở Lê Văn Hưu, Hà Nội. Anh vốn lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 đã từng chốt giữ Thành Cổ trong những ngày ác liệt nhất và chỉ có những con người đã từng chiến đấu, đã cận kề với cái chết vì Thành Cổ mới có thể xúc cảm được thế nào là LỬA LŨY THÀNH. Gặp gỡ với Lâm chỉ chưa đầy 10 phút rồi phải chia tay để lên Sư đoàn tìm Hùng côn nhưng hình ảnh LỬA LŨY THÀNH vẫn ám ảnh mãi trong tôi suốt mấy chục năm cho đến tận 28 năm sau.
Món quà kỷ niệm cho Ban Chỉ huy huyện đội Triệu Phong trong chuyến về thăm lại chiến trường năm 2001 phải thật là ý nghĩa được đặt ra dựa trên hình ảnh của LỬA LŨY THÀNH năm xưa. Nghĩ tới đó tôi bàn với Hùng côn đi tìm Lâm, thật là may khi Hùng cho biết sau khi giải phóng đã một lần đến nhà Lâm ở Lê Văn Hưu, còn lâu nay thì không biết. Sau từng ấy năm tôi không chắc đã tìm thấy Lâm nhưng chúng tôi vẫn đến Lê Văn Hưu để tìm và thật không ngờ sau khi hỏi thăm thì người ra đón chúng tôi chính là Lâm. 10 phút biết nhau ở Trà Liên Tây cách đây 28 năm nếu như gặp nhau ở đâu đó thì không thể nào nhận ra Lâm, giờ đây Lâm với vóc dáng vẫn thanh mảnh nhưng lại đậm chất nghệ sĩ với mái tóc xoăn bồng bềnh và hàng ria mép thật là lãng tử. Trở lại câu chuyện LỬA LŨY THÀNH năm nào Lâm vẫn còn nhớ và cũng không ngờ còn có một người nữa là tôi đã giữ được hình ảnh đó trong tâm thức của mình. Bản khắc trên tấm nhôm sau này Lâm đem tặng cho Hồ Tú Bảo, một lính trinh sát nổi tiếng của Sư đoàn nguyên là sinh viên Toán Đại học Sư Phạm, sau này trở thành một giáo sư của Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản tại Nhật, một nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trước đề nghị của chúng tôi Lâm đã phục dựng lại tinh thần của LỬA LŨY THÀNH là hình tượng nhóm chiến sĩ trên nền lá cờ giải phóng nửa xanh nửa đỏ tung bay trong chớp lửa của đạn nổ: cô du kích AK trong tay xốc tới tóc dài bay về phía sau, người chiến sĩ đội mũ tai bèo đang giương khẩu B40, phía dưới một chiến sĩ đang ôm bạn mình bị thương, người bị thương đầu quấn băng một tay chỉ về phía trước còn tay kia nắm chặt quả lựu đạn, phía trước là một bức tường Thành đổ. Bên dưới nhóm chiến sĩ là dòng chữ Quảng Trị Mùa hè đỏ lửa 1972. Viền phía trên có dòng chữ Cựu Chiến binh Sinh Viên Đại học Xây dựng – Sư đoàn Ái Tử (sau chiến dịch Quảng Trị Sư đoàn 325 mang tên Ái Tử, Trung đoàn 101 mang tên Triệu Phong, Trung đoàn 95 là Thành Quảng, Trung đoàn 18 là Nhan Biều và trung đoàn pháo binh 84 là Gio Cam); viền phía dưới là dòng chữ Kính tặng huyện đội Triệu Phong. Ý tưởng thể hiện hình tượng trên được làm bằng chất liệu gốm sứ Bát Tràng mang một ý nghĩa xâu xa huyền thoại Thành Cổ Quảng Trị là Đất và Lửa. Trước ngày đi một tuần, tôi và Hùng côn đèo nhau sang Bát Tràng để mang đĩa về nào ngờ trên con đường đê đầy ổ gà đã xảy ra sự cố: chiếc đĩa gốm đường kính 60 cm được đặt trong một cái bị cói quàng qua vai đã bị đứt quai rơi xuống đất khiến đĩa bị vỡ làm nhiều mảnh. Lặng người nhìn thành quả với bao tâm huyết chỉ còn lại những mảnh vỡ mà thời gian không cho phép chúng tôi làm lại, Lâm đề xuất làm lại bằng chất liệu mâm đồng khắc bằng a-xit ăn mòn. Trong ba ngày tác phẩm được hoàn thành nhờ những người thợ làm biển quảng cáo ở cùng số nhà với Lâm. Hiện tại chiếc mâm đồng đường kính 60 cm tặng Huyện đội Triệu Phong nằm trang trọng trong phòng truyền thống của Huyện đội. Sau chuyến đi đó những thành viên trong đoàn được tặng mộtđĩa đồng với biểu tượng được thu nhỏ đường kính 10 cm để Kỷ niệm ngày trở lại chiến trường xưa. Chúng tôi nói đùa với nhau là nó giống như một miếng hộ tâm bằng đồng của những chiến binh thời xưa đeo trước ngực, với dải dây nửa xanh nửa đỏ cộng với mầu vàng của của đồng là hình tượng của lá cờ giải phóng như một tấm huy chương trước ngực. Chính biểu tượng này xuất phát từ LỬA LŨY THÀNH mà anh em chúng tôi đã chọn làm lô-gô cho CỰU CHIẾN BINH – SINH VIÊN ĐẠI HỌC XÂY DỰNG.
Như tôi đã nói Ái Tử, Đông Hà ngày ấy như là hậu phương, là nơi bạn bè, đồng đội dễ gặp gỡ nhau. Ở Ái Tử ngoài An đen tôi gặp được Động cận ở C17 cùng trung đoàn cũng đi lấy vật liệu, Ngọ tây ở D6/E95 và một số anh em ở E95 và E18 đã cùng tôi trở về đơn vị từ hậu cứ Sư đoàn ở Song Mai, Hà Bắc vào.
Chia tay với Lâm, tôi và An đen lên Sư bộ để thăm Hùng côn. Theo đường 1 ra đến gần cầu Lai Phước rẽ trái lúc theo vệt đường tăng, lúc theo vệt bánh xe tải băng qua những vùng đồi thấp lúp xúp cây bụi chừng hơn chục cây số chúng tôi tới một thung lũng ven sông có rừng cây tái sinh, đây là Tân Vĩnh – Sư bộ của 325 đóng tại đây. Qua mấy trạm gác chúng tôi lên chỗ Hùng côn trên một quả đồi thấp. Từ đây có thể quan sát một đoạn sông Vĩnh Phước trong xanh lượn quanh những rừng cây thấp lấp ló những nhà hầm của các cơ quan Sư đoàn. Hùng côn từ C1 được điều lên Sư cùng với An đen tháng 11/1972 khi ở Nam Cửa Việt. Ở C20 trinh sát một thời gian, Hùng được điều lên A12 trực thuộc Ban 2 (Ban quân báo của Sư), đây là tiểu đội trinh sát kỹ thuật làm nhiệm vụ dùng các thiết bị thông tin liên lạc thu được của địch để thu nhận tin tức từ phía địch để thông báo cho cơ quan Tham mưu của Sư đoàn được biết các hoạt động của địch. Hùng vẫn gầy gò như hồi còn gặp nhau ở Đầu Kênh, da dẻ có vẻ trắng hơn. Anh em A12 hầu hết là sinh viên của các trường đại học, một môi trường công tác dễ thông cảm lẫn nhau. Sau này khi tôi chuyển về học tại Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội tôi có gặp Duyên bên khoa Anh cùng ở A12 với Hùng.
Đi lấy vật liệu ở Ái Tử về, Trình ba toác đưa cho tôi lá thư của Thái Hồng Sơn (Sơn trắng) gửi vào cho Trình. Nó chưa biết tôi đã trở về đơn vị. Thư nó viết về trường Đại học kỹ thuật quân sự và về cuộc duyệt binh mừng chiến thắng 1/5/1973 tại Hà Nội: đáng nhẽ trong hàng quân duyệt binh đó phải có mặt những thằng lính đã vào sinh ra tử để có ngày chiến thắng hôm nay. Cầm lá thư của Sơn trong tay mà tôi bồi hồi nhớ lại lúc vượt sông Thạch Hãn nó và thằng Chiến đã cứu tôi khỏi chìm xuống dòng sông đang sôi lên sùng sục.
Tuyến chốt “trực tiếp, tiếp xúc” Vân Hòa – An Lộng
Tháng 6/1973 đang ở khu vực 4 mỏm chúng tôi được lệnh chốt giữ tuyến Vân Hòa – An Lộng nằm dọc theo sông Vĩnh định. Đây là khu vực trực tiếp tiếp xúc với địch, thuộc xã Triệu Hòa. Trước khi vào chốt chúng tôi tập kết ở thôn An Lộng mấy hôm để là công tác chuẩn bị. Khu vực chốt này chúng tôi sẽ nhận bàn giao từ E27. Tôi, Bình trố và Bình lác ở tại một gia đình chỉ có hai ông bà già ngoài 50 nhưng vẫn còn khỏe mạnh, các con cụ đều theo quốc gia, còn các cụ ở lại với giải phóng và sơ tán ra Vĩnh Linh. Căn nhà tạm này quây bằng những viên táp-lô sót lại của căn nhà cũ, lợp bằng cỏ gianh và những tấm tôn không còn lành lặn được dựng trên một nền nhà khá bề thế. Cái nóng hầm hập với gió Lào làm cho người như bị vắt kiệt, làng xóm hồi sinh lại nhưng còn rất thiếu những tán cây xanh để làm dịu bớt cái nóng khủng khiếp này. Từ đây ra tuyến chốt chỉ có chưa đầy 500 mét theo đường chim bay.
Tám giờ tối đại đội được lệnh hành quân vào chốt, trước đó cán bộ từ A trở lên đã vào nhận vị trí của mình. Ra khỏi xóm, chúng tôi theo đường hào dẫn ra vị trí chốt giữ, tất cả phải di chuyển dưới hào để giữ bí mật. Cả đại đội chốt giữ với chiều dài khoảng 500 mét, B1 của tôi nằm lui phía sau làm nhiệm vụ cơ động cho đại đội, còn hai B kia ở phía trước trực diện với tụi Thuỷ quân lục chiến, hai bên cách nhau một hàng rào dây thép gai do địch dựng lên. Địch bố trí theo cụm với công sự bằng những bao cát phủ bạt. Chỗ B3 là một căn nhà hòa hợp được dựng lên để hai bên tiếp xúc. Đại đội lập một tổ có nhiệm vụ tiếp xúc với địch, những người không có nhiệm vụ không được lai vãng tới khu vực đó, mà phải chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu. Mọi sự đi lại trong khu vực đóng quân đều dưới giao thông hào. Tiểu đội tôi nằm cách nhà hòa hợp chừng 300 mét trong một căn nhà âm có đủ hầm chữ A và các ụ chiến đấu, phía trước mặt là cánh đồng nước ngập trắng xóa, hàng rào dây thép gai do địch dựng lên chạy ngang trước ụ súng tiền tiêu của tiểu đội chừng mấy chục mét. Tiếp đến là khu đất cao của làng Bích La và các công sự của địch. Chỗ chúng tôi không gần địch như ở b3 mà khoảng cách tới gần 200 mét. Cánh đồng trước mặt chắc chắn đầy mìn do hai bên cùng cài.
Lính địch bên kia hàng rào thằng nào thằng ấy cởi trần trùng trục, nghễu nghện đi lại, nếu như đánh nhau chắc chắn chúng sẽ không thể trở tay kịp với quân ta. Phía sau bọn này là như thế nào chúng tôi cũng không biết được, nhưng chắc chắn một điều toàn bộ tuyến chốt của chúng tôi đã nằm sẵn trong tọa độ bắn pháo của chúng một khi xảy ra chiến sự.
Công việc hàng ngày ở chốt thật buồn tẻ, năm thằng thay nhau gác liên tục 24/24. Những thằng không phải gác thì kiếm rau, bắt cua và nhất là đặt bẫy bắt chuột. Thằng Hảo toét (mắt nó lúc nào cũng như thằng bị đau mắt hấp háy) có biệt tài làm bẫy chuột. Làng mạc hoang tàn nên chuột nhiều vô kể. Hôm nào cũng vậy sau một đêm cũng phải có tới hơn chục con chuột bị sập bẫy. Thôi thì đủ món: luộc, rán, kho tầu… mà gia vị chỉ độc một loại hột ném và sả. May mà còn có thịt chuột để ăn. Nhưng giống chuột này đâu có sợ người, con nào con ấy bằng cổ tay, ngủ buổi trưa là bò lên gặm ngón chân. Có một lần tiểu đoàn trưởng Dương nửa đêm đi kiểm tra các chốt, ông đến khu vực chốt của chúng tôi không ngờ vấp phải bẫy sập bị hai hòn táp-lô đè vào chân, may mà không gẫy. Thủ trưởng đau quá chửi toáng lên “Sao chúng mày không đặt ở hàng rào để thám báo mò sang là dính đòn có hơn không.”
Chuột nhiều thì thì rắn cũng nhiều. Xung quanh trận địa là cỏ tranh mọc rất nhiều, chúng tôi nhìn thấy đủ loại rắn bò trong các vạt cỏ tranh để lùng chuột, thôi thì đủ loại con đen trũi, con khoanh vàng, khoanh đỏ… ghê cả người. Tôi là một thằng rất sợ rắn nhưng vẫn phải nhìn thấy chúng hàng ngày. Có những lúc ngủ trưa trong nhà âm thấy bụi vào mặt nhìn lên mái nhà thấy một chú rắn đen sì mắt thao láo luồn dưới mái tranh chắc để tìm chuột. Có lần đêm đi gác về chui vào màn để ngủ lại thấy cái đình màn chũng xuống bèn lấy bật lửa soi thì thấy một chú khá to đang nằm cuộn khoanh trên đình màn. Ngồi trong màn hãi quá nhưng chẳng còn cách nào khác là dùng hai tay hất cái đám đen sì đó như hất quả bóng chuyền đi đâu thì đi. Còn loại rắn lục xanh lét rất thích nằm ở dép cao-su có lẽ ở dép có mồ hôi chân có vị mặn mòi của muối thì phải. Cho nên trước khi đi ngủ phải cho dép vào màn để tránh cái chuyện giẫm phải các vị ấy.
Đây là vùng đất thịt không phải là cát, dưới cái nắng khủng khiếp cua ở ruộng nhoi hết cả lên mặt ruộng, lính tráng chỉ có việc chộp lấy cho vào bao cát. Giống cua đồng ở đây bà con địa phương gọi là con đam, không ai ăn cả chỉ có quân ta xài. Cua thì to, mầu nâu đen trông rất dữ dằn với hai càng rất to. Bắt cua về giã trong mũ sắt và nấu canh nhưng đăc biệt khi nấu xong thịt cua không đóng thành vầng như cua ở ngoài ta. Không biết đó là giống cua hay vì nấu canh không đủ vị.
Bó rau muống trên trận địa chốt
Ở khu vực này rau cỏ không đến nỗi hiếm như ở vùng cát. Các loại rau mọc hoang khá nhiều như rau dền, rau mồng tơi, rau đay. Đơn vị bạn bàn giao lại những vạt rau muống họ trồng ở các hố bom. Có một câu chuyện nghĩ lại rất đỗi bình thường về việc đi hái rau và sau đó trên báo Quân đội Nhân dân một loạt phóng sự viết về tuyến giáp ranh Quảng Trị trong đó có bài Bó rau trên trận địa chốt. Phóng viên viết về mình mà khi đọc chỉ có mỗi tên của mình mà cứ tưởng viết về ai. Số là thế này, lần ấy tôi được cử đi hái rau, hôm ấy phải đi xa một chút vì xung quanh đó anh em ta hái hết cả. Tuyến hào của ta dẫn về phía sau đi ven làng, đoạn đó lại sát hàng rào dây thép gai và địch cách xa tới hai, ba trăm mét. Đang lúi húi hái rau dưới một hố bom đầy nước thì thấy đám rau muống chuyển động từ từ về phía hàng rào cách đó khoảng chục mét. Những ngọn rau muống trên đất ta vươn qua hàng rào sang vạt ruộng nước bên đất địch. Tôi thoáng thấy bóng người đang thụp trong đám cỏ lác. Phản ứng của tôi lúc đó rút nhanh quả lựu đạn ở xanh-tuya rông và quát “Ai!”. Bóng người vụt đứng dậy ấp úng “Em… em … là lao công đào binh … xin các anh ít rau.”. Đó là một thằng lính ngụy tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, mặt mũ đen nhẻm mặc một bộ quần áo tả tơi không có tay áo. Thắng lính cho biết nó là lính lao công đào binh bị đưa ra tuyến trước phục dịch bọn Thuỷ quân lục chiến: đào hầm, nấu ăn, vận tải. Bọn chỉ huy bắt thằng này đi hái rau, nó biết khu vực này có gài mìn nên chỉ hái những ngọn rau vươn sát bờ ruộng bên đó. Nó dùng một sợi dây có móc như móc câu lăng vào đám rau muống và kéo vào để hái. Tôi quát “Rau chúng tao trồng tại sao mày hái mà không xin, có muốn ăn đạn không?”. Nhưng thực ra tôi có súng đâu, chỉ có mấy quả lựu đạn ở dây lưng mà thôi. Câu chuyện chỉ có thế nhưng tôi đã báo cáo lại đơn vị biết tình hình phòng khi chỗ đó địch đã gỡ mìn để tìm cách lấn sang đất ta. Ngay hôm sau đơn vị đã bố trí một tổ ba người chốt đêm ở đó. Nhân có mấy phóng viên về viết bài, chuyện của tôi được đăng lên báo là tôi đi hái rau gặp địch hái trộm rau nhưng rồi lại cho chúng nó rau mà mình đã hái được, và tuyên truyền cho chúng nó về chính sách của Mặt trận.
Hệ thống trận địa chốt của chúng tôi được bàn giao từ E27 rất hoàn chỉnh từ giao thông hào đến những ụ súng cùng các nhà âm và các hầm chữ A hoàn toàn bị xụp lở sau những trận mưa đầu mùa. Nước sông Vĩnh Định dâng cao tràn hết vào trong cánh đồng. Các B khác ở chỗ đất cao không sao, chúng tôi ở dìa làng nơi đất thấp, nửa đêm nước tràn hết cả vào nhà âm, mấy anh em bắt buộc phải dỡ mái tranh để chui ra. Sáng ra xung quanh mênh mông là nước, nước ngập hết cả hàng rào dây thép gai, bên phía địch chúng phải lùi sâu vào làng nơi đất cao hơn. Chúng tôi không được phép rút lên chỗ cao mà phải đóng bè chuối để hết vũ khí trên bè và trụ lại trên nóc nhà chờ nước rút. Đến giờ ăn một thằng bám bè chuối chở cơm từ bếp của trung đội ra để có cái ăn. Bây giờ ngẫm lại việc chốt giữ ngày ấy vẫn còn rùng mình vì rắn bơi tung tăng xung quanh bè chuối.
Nước rút sau một tuần, lại xoay trần ra củng cố lại trận địa như làm mới. Đám bụi cây xấu hổ rất lớn trước cửa nhà âm của tiểu đội bị nước cuốn trôi lộ ra một bộ hài cốt của quân ta. Người chiến sĩ đó hy sinh trong tư thế ngồi, khẩu AK để bên hông, xương đùi phải bị gẫy. Chiếc mũ tai bèo vẫn úp trên xương sọ chỉ còn lại lớp lót ni-lông chống nước, bộ quân phục chỉ còn lại phần túi trên nắp có thêu chữ SƠN và một gói mì chính còn nguyên vẹn cùng một cây bút Trường Sơn. Khu vực này cũng là khu vực ta và địch giành đi giật lại cho nên khả năng người chiến sĩ này đã bị thương gẫy xương đùi không thể quay về đơn vị mà mắc kẹt lại và hy sinh. Chúng tôi khâm liệm SƠN và chôn cất anh ở chỗ đất cao ngay trục đường về làng. Trên bia mộ có khắc dòng chữ Liệt sĩ SƠN, ngày tìm thấy hài cốt … tháng 8/1973.
…
Những ngày làm lâm tặc
Tôi được lệnh tập trung lên trung đoàn để đi khai thác gỗ ở miền Tây. Ra khỏi đơn vị để thay đổi không khí là thích rồi mặc dù biết làm công việc sơn tràng là vất vả lắm. Đoàn đi khai thác gỗ khoảng gần ba chục con người, mỗi đại đội cử một người, đi lên miền Tây bằng chiếc xe GMC thu được trong trận Cửa Việt. Chúng tôi rời Triệu Đại nơi e bộ đóng quân qua phà Đại Áng để sang bên Triệu Giang ra đường 1. Cứ theo đường 9 rồi rẽ vào Cam Lộ, xe chở chúng tôi lội qua ngầm B Bến Hải (có phải bây giờ gọi là Bến Tắt không?). Qua khỏi ngầm, xe cứ ngược dòng Bến Hải mà đi, bên đường là những cánh rừng đại ngàn của Trường Sơn. Quá trưa chúng tôi dừng xe bên đường, ở đây có một bãi đất bẳng phẳng ngay cạnh một dòng suối nhỏ, chúng tôi dựng nhà bạt, dựng bếp, và dựng cọc mắc võng.
Dụng cụ khai thác gỗ chỉ có một ít dao tông còn chủ yếu là dao găm. Gỗ khai thác phải có chu vi tối thiểu là 30 cm. Những ngày đầu chưa quen chật vật lắm mỗi ngày mới hạ được hai cây. Tay phồng rát như phải bỏng. Sáng sáng từng tốp vào rừng chặt cây, phải chọn những cây có kích thước ưng ý và tương đối thẳng, chặt xong còn phải vác ra ven đường để có xe chở về ngầm B để đóng bè về Cửa Việt. Công việc khai thác gỗ rất vất vả, sáng ra vào rừng muỗi rừng bu lại đốt, tôi thấy rằng khi nào xung quanh cổ những nốt muỗi đốt dầy lên tạo thành những cục, khi cổ và gáy mình đã dầy lên thì muỗi không đốt nữa vì con muỗi sau không bao giờ châm vào cái nốt u cục của con muỗi trước. Lại còn vắt nữa, ở đây chỉ có giống vắt nâu núp dưới lớp lá mục, mỗi khi có người chúng ngoi từ dưới đất lên. Nắng lên thì chúng cũng chui hết xuống lớp lá mục. Cánh rừng này nằm sát bên đường nên chúng tôi hay gặp bom bi lắm, phải hết sức cẩn thận thôi. Dần dần đi chặt gỗ lại phải đi xa hơn vì ven đường cây có kích cỡ như quy định cũng chẳng còn nữa. Cứ một tuần xe từ trung đoàn lên chở lương thực, thực phẩm và bổ sung dao tông thay cho dao găm và chuyển gỗ ra ngầm B để đóng bè trở về Cửa Việt.
Một lần đang nghỉ trưa có hai người lính xuất hiện ở khu lều bạt của chúng tôi. Họ là những người lính biên phòng đi tuần tra. Người đeo súng ngắn quê ở Dương Xá, Gia Lâm tên là Thanh (cứ tạm gọi như vậy vì lâu quá không nhớ tên), anh ta đi Công an vũ trang từ 1963, gần mười năm nay đóng quân ở vùng này. Tôi không tưởng tượng được vào thời điểm này mà trang bị của họ vẫn còn trang bị của những năm 60: quân phục bằng vải Nam Định bạc trắng, mũ giống mũ cối nhưng làm bằng rút và người chiến sĩ đi cùng khoác một khẩu K50 từ thời Điện Biên. Họ bám trụ ở đây bao nhiêu năm ở biên giới đối mặt với bom đạn nhưng trang bị của họ vô cùng thiếu thốn. Để có thực phẩm họ phải đi tận Hồ Xá để mua thực phẩm chủ yếu là cá khô và bí đỏ. Tôi lấy trong ba-lô mấy phong đường ép khô và túi bột trứng đưa cho anh Thanh gọi là chút quà đồng hương Hà Nội (mấy thứ này là của mấy người lính lái xe chở hàng chúng tôi gặp mấy hôm trước).
Con đường chạy qua chỗ chúng tôi thỉnh thoảng cũng có xe đi, không hiểu những xe này tại sao không đi đường 1 để vào Đông Hà và ngược lên đường 9 để vào sâu hơn. Có những đêm phía ngoài đường là những đoàn xe chở nặng phủ bạt kín mít, chắc là hàng gì bí mật lắm mới đi đường này.
Chủ nhật được nghỉ tôi và mấy người nữa đi lang thang để tìm hiểu khu vực xung quanh. Có một khu kho dã chiến còn sót lại với những hòm gỗ đã bị mối ăn hết chỉ còn trơ lại những bọc giấy dầu-đó là những khẩu súng còn nguyên mỡ niêm. Gần đấy là vết tích của một xe chở tên lửa bị trúng bom đổ vật xuống vực, quả đạn vẫn còn nhưng biến dạng và phần đuôi bị bay đi mất, không xa là một xe chỉ huy cũng bị trúng bom nằm bên vệ đường. Tôi cũng lần mò tới khu vực có trạm gác biên phòng ở thượng nguồn Bến Hải. Con đường tới sát sông rẽ trái thì về ngầm B còn rẽ phải tới trạm biên phòng. Ở đây có một bản Vân Kiều khoảng hơn chục nóc nhà. Ngầm qua sông có một ba-ri-e chặn lại, một trạm gác của biên phòng ngay đầu dốc qua sang bên kia. Hôm đó anh Thanh phải về đồn nên tôi không tiện hỏi bên kia là đâu, và đây có phải khu vực biên giới không ? Chả nhẽ đây là khu vực Cù Bai giáp với Lào.
Từ chỗ nhà bạt về xã Vĩnh Thủy để mua rau phải mất hơn nửa ngày đường. Đây là khu dân cư gần chúng tôi nhất. Ở Vĩnh Thủy chúng tôi thường mua mướp và đu đủ. Giống mướp ở đây lại có những sống chạy dọc theo thân, ăn cũng ngon và để lâu được vì quả cứng vận chuyển đường xa không bị nẫu.
Thấm thoắt ở rừng đã gần hai tháng, các đơn vị khác họ đã cho người lên thay nhưng C tôi chưa thấy ai lên để về. Rồi thì cũng có người lên thay thật, C tôi hai người là anh Dung CV phó lên làm trưởng đoàn thay ông trưởng đoàn cũ và cậu Tân ở B2 lên thay tôi. Ở nhà có nhiều sự kiện quá: đơn vị rút ra nằm ở Vân Hòa phía sau chốt rồi về Lệ Xuyên. Một đơn vị của tỉnh đội vào thay chúng tôi. Thằng C. (cái thằng Hải Phòng gây sự với tôi) bị quân pháp về bắt vì có ý định vượt rào sang bên kia. Chuyện này có thật hay không thì chỉ có chỉ huy cấp E mới biết nhưng thực ra sau lưng thằng C. là thằng Tr, thằng này khôn ngoan hơn toàn làm cái việc chỉ đạo đằng sau. Lần này nó không sao mà chỉ bị điều về A của tôi.
Tôi theo xe chở gỗ về ngầm B rồi bắt xe về Đông Hà. Ông trưởng đoàn cũ – là trợ lý hậu cần của E – cùng đi muốn ở lại chơi Đông Hà nên tôi cũng ở lại, không ngờ đến chiều xuồng máy về Cửa Việt không còn nữa mà tối đến nơi rồi hai anh em đành phải ở lại. Đông Hà về đêm khá là vui, hàng quán cũng khá sầm uất, nhân dân đi sơ tán đã về, những đoàn cán bộ dân sự vào xây dựng vùng mới giải phóng. Tôi rẽ vào hiệu sách Đông Hà, cũng khá nhiều sách, đập vào mắt tôi là cuốn tiểu thuyết Chiến sĩ của Nguyễn Khải. Móc trong túi ra còn mấy đồng bạc lẻ đắn đo có nên mua không, mua thì chẳng đủ tiền đi xuồng về nhà, không mua thì tiếc. Quyết định mua còn ngày mai nếu như ông trưởng đoàn cho mình đi ké xuồng về thì đi còn không ta đi bộ hơn hai chục cây chứ mấy.
Ông trưởng đoàn có bạn đóng quân ở Đông Hà hẹn tôi sáng hôm sau gặp nhau tại cổng chợ để về. Tôi phát hiện ở gần cổng chợ có những dãy bàn bằng xi măng không biết người ta bán gì nhưng cũng sạch sẽ và lấy đó làm chỗ nghỉ đêm. Cứ cho là những bàn này người ta ban ngày bán thịt bò, thịt heo đi thì ban đêm bán thịt người vậy. Ngay tại chỗ này có một ngọn đèn điện đủ để đọc sách, thế là còn nửa phong lương khô thay cho bữa tối, tôi dở những trang sách đầu tiên và đọc nghiến ngấu. Câu chuyện đưa tôi về chiến dịch đường 9 – Nam Lào đầu năm 1971 với người chiến sĩ xe tăng bị thương ra viện và trở về đơn vị. Đang đọc dở thì đến giờ tắt điện, tôi trải võng và chụp màn để ngủ. Muỗi Đông Hà cũng ghê, cứ lăn xả vào đốt xuyên qua màn.
Sáng ra ông trưởng đoàn ra tìm tôi để về, tôi cho ông ta biết tôi không đủ tiền để đi xuồng về đơn vị vì chót mua cuốn sách. Ông ấy buông một câu “Mày chỉ phí tiền”. Nhưng thấy tôi xác định đi bộ về nhà ông ấy đành phải cho tôi đi cùng về bằng xuồng máy. Sau này về nói chuyện thì ra ông ấy có thời gian ngắn về làm B trưởng của C tôi sau khi tôi bị thương đi viện.
Về Lệ Xuyên
Chúng tôi lại về Lệ Xuyên. C bộ và B2, B3 đóng quân trong xóm, còn B1 của tôi ra chốt ở một gò cát, trên bản đồ là điểm cao 2,5. Vị trí này cách thôn Lệ Xuyên chừng hơn cây số. Tại đây bao quát một vùng khá rộng: phía đông là tuyến chốt Thanh Hội cách một trảng cát rộng chừng hai cây số, phía Đông-Nam là tuyến Long Quang rồi Vân Hòa, An Lộng. Nếu không có những hàng cờ của hai bên cắm làm ranh giới thì chỉ thấy mênh mông một mầu cát trắng. Nhà ở của các tiểu đội được làm như những lô-cốt bằng ghi sân bay và các bao cát, có đường hào dẫn ra các ụ chiến đấu. Ngày nào cũng phải vét cát trong các công sự nếu không chỉ một ngày là cát lấp đầy. Tháng 11 là cao điểm của mùa mưa Quảng Trị, nó cứ rả rích suốt ngày, buồn đến thối ruột. Năm đó ở Quảng Trị lại rét sớm, cộng với trời mưa, nước sông tràn vào đồng, từ A nọ đến A kia là lội nước, có việc phải vào trong làng là lội nước đến bụng.
Chốt tại gò cát ngoài những lúc trực chiến, tăng gia hoặc làm những công việc chung của đơn vị thì thời gian rảnh rỗi nhiều nên dự định víết lại quãng thời gian từ khi nhập ngũ đến giờ. Hiềm một nỗi cuốn nhật ký ghi chi tiết đã bị thất lạc khi vào trận, cũng may còn cuốn lịch báo Nhân dân vẫn còn để ở túi ngực có ghi tóm tắt đầy đủ từng ngày, đấy là tư liệu quý giá để phục dựng quãng đường đã qua. Việc viết lách thật là khó vì khả năng có hạn nhưng cái khó nhất lại là những người xung quang không thông cảm mà còn cho rằng mình không hòa đồng, nào là không yên tâm công tác…Cho nên chỉ có thể tranh thủ nghỉ trưa hoặc sau bữa chiều ra một góc hầm chiến đấu nào đó để viết mà thôi…
Gò cát nơi chúng tôi ở mọc lúp xúp những cây bụi xen lẫn những bụi mẫu đơn được trồng ở các ngôi mộ của dân. Có một loài hoa trắng muốt tinh khiết, cánh mỏng manh như cánh bướm đậu trên đám lá xanh rì, chúng tôi thường hái về cắm trong nhà cho vui mắt. Cũng có những bụi mẫu đơn với những tia đỏ le lói ở những ngôi mộ. Ở đây rất nhiều hố bom to, cái nào cũng đầy ăm ắp nước. Tôi đã một lần gác đêm trong một đêm mưa không thể nhìn thấy gì hết xung quanh đen kịt và bị tụt xuống một hố bom đầy nước. Nước hố bom đến cổ, tìm mọi cách để leo lên mà không thể được vì thành hố bom rất dốc, cát lại trôi. Cứ lụi hụi leo lên rồi lại bị tụt xuống, mắt kính nhòe nhoẹt vì nước mưa không thể nhìn thấy gì và đánh liều phải nổ ba phát AK báo động. Cả tiểu đội bị đánh thức xách súng chạy ra công sự, không thấy tôi đâu mà các chốt gác của hai A kia yên ắng không có gì mọi người đổ đi tìm thấy tôi đang lóp ngóp dưới hố bom và kéo được tôi lên.
Sau lần đó tôi được chuyên gác ca cuối cùng và câu chuyện đó đã được báo cáo lên trên, ngay tháng đó nhu yếu phẩm của tôi có thêm một đôi pin đèn. Ông Khảm C trưởng nói với tôi “Thủ trưởng Ngoan quyết định hàng tháng cho cậu thêm một đôi pin đèn.”
Tôi đã gửi gắm lòng mình trong bài viết “Người cha già của Trung đoàn” để nhớ tới tấm lòng yêu thương nhân hậu của trung đoàn trưởng Bùi Đức Ngoan.
Quang ấm giờ về làm A trưởng A3 của tôi, cái thằng này nghịch ngầm lắm. Một lần vào buổi trưa đang ngủ chúng tôi chợt nghe tiếng. hú…hụ… rất lạ, bật dậy lao ra cửa hầm thấy thằng Quang tay cầm đôi pin của tôi mặt thuỗn ra. Hố bom trước nhà sôi ùng…ục và phát ra tiếng hú, từ dưới hố bom một quả H12 không có đầu chỉ còn phần thân đang lách lên khỏi hố bom. Xung quanh gò cát chúng tôi đóng quân có một số quả H12 không bắn được do gẫy cánh đuôi hoặc không có đầu mà đơn vị pháo vứt lại, thằng Quang dùng dây điện thoại đấu vào dây điểm hỏa của quả đạn và lấy pin kích hoạt. Quả đạn cũng may không có đầu nên không bay lên được nhưng nó bò như một con rắn rồi rúc xuống hố bom đầy nước rồi lại trườn lên cho tới khi tới cửa hầm chúng tôi thì cháy hết liều phóng và dừng lại. Thật là hú vía nếu như nó rúc vào hầm chúng tôi thì không biết điều gì sẽ xảy ra. Mấy chục năm sau gặp lại nó lại nhắc câu chuyện không thể nào quên này.
Môt lần tôi có việc phải vào C bộ, băng qua bãi cát ngập nước để vào làng, dìa làng có một chiếc tăng đang chốt ở đây, một cậu lính tăng đang bổ củi. Nhìn nhau thấy quen quá, tôi hỏi:
– Ông hình như nhà ở gần Ga Hàng Cỏ thì phải ?
– Tôi ở 38 Phan Bội Châu.
– Tôi ở bên Tức Mạc, gần nhà ông chả thế trông ông quen quá!
Đó là Bình béo, pháo hai của chiếc T59 số 988. Bình là sinh viên Đại học Nông nghiệp 1 đi lính tháng 12/1971 vào chiến trường cùng thời gian với tôi. Chính là tốp lính tăng chúng tôi đã gặp ở Quảng Bình. Sau trận Cửa Việt C tăng của Bình mới sang bờ Nam để chốt giữ cùng các đơn vị bộ binh của chúng tôi. Thế đấy mọi nẻo đường đều dẫn tới Rôma, và Quảng Trị chính là Rôma của lứa trai chúng tôi thời ấy.
Gần Tết 1974 chúng tôi rời gò cát chuyển vào thôn Lệ Xuyên. Đơn vị đang xây dựng nề nếp: nào ăn bếp đại đội, xây dựng hội trường, mỗi tiểu độimộtnhà, mỗi trung đội có sân chung để sinh hoạt, làm các loại học cụ để huấn luyện và cắt tóc ba phân, rồi tăng gia. Nói chung không khoái lắm vì kiểu chính quy huyện đội này. Ở chốt thích hơn tuy vất vả vì phải trực chiến nhưng được cái tự do mà tự do thì thằng nào chẳng thích.
Từ khi rút ra khỏi Vân Hòa, An Lộng đơn vị đã bị cắt ba tháng lương thực để tự túc: trồng sắn ở Dốc Miếu, về Lệ Xuyên thì trồng khoai. Mỗi đầu người mỗi tháng phải nộp 10 cân rau, không đủ định mức, đến bữa ăn đều bị nhắc nhở: ăn vào tiêu chuẩn của người khác mà vùng cát trồng rau quả là một sự thách thức. Những luống rau được tắm tưới bằng mồ hôi của lính tráng và có một chuyện cũng cần nhắc lại để không bao giờ quên những năm tháng đó, số là rau trồng trên cát phải được tắm tưới bằng phân gio cho nên một quy định bất thành văn là đi đâu cần giải quyết thì phải về nhà, thằng A trưởng phát hiện đưa nào đi bậy là nó cắt ngay. Còn chuyện nhà vệ sinh của các tiểu đội lúc nào cũng sach sẽ không có hàng tồn kho. Có lần ở B bạn ồn ã vì chuyện kho hàng của một A bị A khác xúc mất… thế đấy tất cả chỉ vì sự muôn hình muôn vẻ của sự sống. Bữa sáng làm mấy củ khoai, hai bữa trưa và chiều mỗi thằng được khoảng hai lưng cơm còn lại là khoai. Khoai thu hoạch về thái ra phơi khô trộn với cơm. Khi ăn phải nhai từ từ vì khoai khô phơi lẫn cát mặc dù đã đãi rửa nhiều lần nhưng vẫn bị ghê răng vì cát. Mùa mưa khoai khô bị mốc cho lợn ăn, lợn còn chê nhưng quân ta vẫn phải ăn vì vứt đi thì lấy gì mà xơi. Khoai trồng ở cát củ chỉ bằng chuôi dao vì có ngọn khoai nào non thì lính vặt trộm sach để cải thiện.
Tiểu đội tôi làm nhà ngay sau xe tăng của Bình béo. Trong kế hoach tác chiến được phổ biến nếu như xảy ra chiến sự thì chúng tôi có nhiệm vụ phối thuộc với chiếc tăng 988 này. Trưởng xe là B trưởng Gấm quê Thanh Hóa, người đậm chắc rất kiệm lời, anh rất xốc vác trong công việc được anh em rất kính nể. Thấy chúng tôi sinh hoạt thiếu thốn hơn cánh tăng anh Gấm thỉnh thoảng bảo Bình mang sang chúng tôi lúc hộp bột đậu, khi vài phong lương khô 702 hoặc gói cà-phê. Đài là lái xe người Hà Tây đang học Cao đẳng sư phạm thì nhập ngũ vào lính tăng, cậu này gầy gò nhưng lại là một tay lái cừ, cũng phải kể tới Tú Bình cũng là người Thanh Hóa, đây là một anh chàng có đầy đủ những nét đặc trưng của một người xứ Thanh: ăn to, nói lớn, hay tranh cãi đến cùng trên tất cả mọi lĩnh vực.
Đầu 1975 chúng tôi rời Nam Cửa Việt rút về Cam Lộ để chuẩn bị cho chiến dịch 1975, đơn vị tăng này đi sau chúng tôi và họ cũng tiến sâu vào phía Nam.
Sau này Dũng bạc bên C1 có gặp Bình ở Sơn Trà. Về sau tôi có hỏi Bình và một số anh em bên tăng-thiết giáp về chiếc xe 988 này nhưng không ai biết gì về số phận của nó. Năm 1984 trong một lần tiễn đưa quân tình nguyện của ta từ KPC về nước, lúc đó tôi đang là chuyên gia giáo dục VN tại KPC có mặt tại cảng Phnôm-pênh, nhìn thấy chiếc xe tăng T59 với số hiệu thân quen 988 đang xuống tầu há mồm để về nước. Cảm xúc lúc đó trào dâng trong tôi đã đưa tôi ngược thời gian trở lại nơi cát trắng cháy bỏng của Nam Cửa Việt hơn 10 năm về trước.
…
(Còn tiếp)
L.X.T