Thanh Tùng: Đời người, đời thợ, đời thơ – Lưu Văn Khuê

 

Có những bài thơ sau nhiều năm âm thầm trên trang giấy hoặc chỉ được những người yêu thơ biết đến đã trở nên phổ biến khi thành lời bài hát. Thời hoa đỏ của Thanh Tùng là vậy, in trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1978 nhưng phải đến năm 1989 khi Nguyễn Đình Bảng biến thành ca khúc, bài thơ mới thực sự lan tỏa.

Nhà thơ Thanh Tùng (1935 – 2017) tên thật là Doãn Tùng (có sách nói Nguyễn Doãn Tùng), sinh tại Nam Định nhưng suốt thời trai trẻ đến tuổi 60 gắn bó với Hải Phòng. Ông từng là giáo viên thể dục trường cấp III Thái Phiên nhưng chỉ một thời gian ngắn thì đi làm công nhân. Đời thợ của ông trải qua nhiều nghề, nghề nào cũng in dấu trong thơ. Nghề chính là thợ sắt: “Lưng áo xanh bạc nắng vỗ lưng trời/ Tôi đã tìm ra bao nhiêu cung bậc buồn vui trong tiếng búa/ Rắn lên cùng thép gang” (Hải Phòng – muối của đời tôi). Nhưng đôi khi theo chân thợ xây: “Mỗi nhát bay/ Mỗi hạt mồ hôi cháy dưới mặt trời/ Nếu tìm anh, em hãy lên đây/ Nơi mỗi sáng anh đặt viên gạch/ Gọi mặt trời thức dậy/ Nơi mỗi chiều viên gạch/ Còn như mảnh mặt trời/ Chưa chịu lặn trong tay” (Lên cao), có lúc còn theo cả xe bò chở gạch. Rồi áp tải hàng hóa kiêm cửu vạn, ngoài bài thơ Nhà thơ áp tải, ở bài thơ khác ông viết: “Cái nghề khuân vác của tôi/ Trong cơn mơ còn thấy những giọt mồ hôi cười/ Tôi sợ nó và tôi yêu nó/ Như người mẹ sợ cơn đau đẻ nhưng vẫn thèm có con” (Cái nghề của tôi).

Tiếng máy, tiếng búa, mồ hôi vào thơ Thanh Tùng một cách tự nhiên làm nên vẻ riêng khỏe khoắn mà lại mang chiều sâu tư tưởng: “Mười bảy tuổi, tôi vào đời thợ/ Buổi làm đầu về/ Mẹ tôi run run chống gậy ra chờ đầu ngõ/ Bữa cơm hôm ấy có thêm món xào của bể/… Bàn tay quai búa bỏng rát chai tay/ Tấm áo công nhân bạc màu nắng gió/ Những tầm về mệt nhọc/ Tôi bước lẫn những tấm lưng mồ hôi hầm hập/ Thấy mặn lòng, từng vết muối trắng vai ai” (Phố cửa biển). Cả khi nghe tiếng khóc chào đời của con ông cũng nghĩ bằng tâm hồn người thợ: “Có thể con chưa quen hơi thở của cha/ Hay vì trái tim cha đập mạnh/ Có thể con chưa quen mùi lửa than cháy khét/ Còn phảng phất đâu trong tóc cha/ Hay có thể vì cha quen xiết mạnh cây búa thép/ Nên giật mình con khóc/… Cha ôm con đi trước/ Mẹ xốn xang bước theo/ Tiếng con khóc hồng hào/ Hòa vào tiếng máy dồn cuối phố” (Đón con). Ông gọi nhịp búa là nhịp tim của phố và “Trong tiếng búa/ Ta bỗng nhận ra phần sâu xa hạnh phúc” (Phố cũ).  

Cùng với đất nước, Thanh Tùng đã trải qua những ngày kháng chiến chống Mỹ gian lao nhưng tự hào; đó chính là những ngày làm nên con người thi sĩ trong ông, ông trở thành nhà thơ công nhân của Thành phố Cảng. Trong thơ ông, phố xá, dòng sông, con người đều đậm chất Hải Phòng không thể lẫn với bất kỳ nơi nào: “Mặt sông của tôi/ như tấm lưng người khuân vác/ Những con sóng cuộn vòng gân bắp/… Mặt sông của tôi/ Váng dầu bề bộn/ Chân vịt ầm ì sôi/ Còi hẹn bến nôn nao/ Kè đá xích rê ướt rượt/ Những mũi tàu phăm phăm như ngựa bổ/ Những cây buồm lặng lẽ giấc mơ nâu/… Mặt sông của tôi không một phút nghỉ ngơi/ Tất tưởi như tấm lòng người mẹ/ Như ống khói đang ùn khói tỏa” (Mặt sông). Trong cái chất Hải Phòng ấy thấy rất đậm tính cách Thanh Tùng: “Nơi dòng sông chảy ra ôm choàng lấy biển/ Nơi con tàu rúc còi chào bến cảng/ Dãy phố của tôi/ Nơi tôi leo nhẵn bao thân bàng sù mốc/ Mài viên bi lẹm cả bìa đường/ Ngày ấy mẹ cứ lo sau rồi tôi lêu lổng… ” (Phố cửa biển). Thanh Tùng có những bài thơ về Hải Phòng tiêu đề mộc mạc đến mức thật thà nhưng chan chứa một tình yêu tha thiết: Hải Phòng – muối mặn của đời tôi, Ở ga Hải Phòng, Hải Phòng hôm nay, Hải Phòng lúc ra đi, Hải Phòng ơi!.

    Thanh Tùng là một trong những nhà thơ trẻ nổi lên từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ở tuyển tập Thơ chống Mỹ cứu nước 1965 – 1967 (NXB Văn học, 1968), trong số 112 tác giả có thơ, Hải Phòng góp mặt 9: Bên cạnh hai tác giả lớp trước là Nguyên Hồng, Nguyễn Viết Lãm là 7 tác giả trẻ, trong đó có Thanh Tùng. Giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Hội Nhà văn và Tổng Công đoàn là sự khẳng định cho bản sắc thơ Thanh Tùng.

Nghỉ hưu phải lúc kinh tế đất nước gặp khó khăn, ai cũng lo kiếm thêm nghề phụ để sinh sống, Thanh Tùng bán đồ nhựa ở vỉa hè góc phố Nguyễn Đức Cảnh – Mê Linh; bán hàng nhưng đầu óc vẫn mê mải với thơ nên bạn bè đến là có thể quên ngay việc, hào hứng và sôi nổi thơ phú! Nhà thơ Nguyễn Thị Hoài Thanh bảo: “Vừa làm được bài thơ mới/ Lại thấy bóng anh vỉa hè/ Bàn tay cầm kìm cầm búa/ Chào nhau giọng cũng choang choang” (Nhớ Thanh Tùng). Thấy Thanh Tùng vất vả, một giáo viên dạy văn ở Trường cấp III Ngô Quyền mở Quán Văn gần đấy, tuyển thi sĩ vào làm; thật hợp người hợp cảnh vì khách phần đông là cánh văn chương, cứ có tí hơi men là thơ phú ào ào nên Thanh Tùng thả cửa chuyện trò và đọc thơ.

Vất vả với miếng cơm manh áo nhưng điều đó không quan trọng với Thanh Tùng, ông bảo: “Đã là thi sĩ thì không nên quá ràng buộc với vật chất, chỉ cần được đối xử phóng khoáng và được người khác hiểu”. Hạnh phúc gia đình mới thực sự khiến ông vật vã: “Mẹ tôi giờ đơn chiếc/ Trong căn phòng mênh mông/ Cha tôi giờ thầm lặng/ Người đi xa luôn/ Giữa hai người/ Có những điều tôi chưa bao giờ được nghe ai kể/ Mà tôi chưa bao giờ dám hỏi một ai.” (Cha mẹ tôi). Bài thơ Thời hoa đỏ Thanh Tùng viết về vợ mình, đó là một tuyệt phẩm đụng đến cõi sâu thẳm của bất kỳ ai trong yêu đương với những buồn vui trong hạnh phúc: “Mỗi mùa hoa đỏ về/ Hoa như mưa rơi rơi/ Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi/ Như máu ứa của một thời trai trẻ/ Hoa như mưa rơi rơi/ Như tháng ngày xưa ta dại khờ/ Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau/ Mà thấy lòng đau xót/ Trong câu thơ của em/ Anh không có mặt/ Câu thơ hát về một thời yêu đương tha thiết/ Anh đâu buồn mà chỉ tiếc em không đi hết những ngày đắm say… Anh biết mình vô nghĩa đi bên em/ Sau bài hát rồi em như thế/ Em của thời hoa đỏ ngày xưa/ Sau bài hát rồi anh cũng thế/ Anh của thời trai trẻ ngày xưa.”.

Tháng 8/2019 Nhà xuất bản Hội Nhà văn ra mắt tuyển tập thơ Thanh Tùng Còn đây một thời hoa đỏ, tên sách đã vậy, trong tập còn có ba bài viết về Thanh Tùng, bài nào cũng nhắc đến Thời hoa đỏ, cho thấy bài thơ có vị trí thật đáng nói trong sự nghiệp của nhà thơ. Vợ ông mất năm 1989 ở Quảng Ninh, năm 1995 trước khi vào miền Nam ông đến nơi vợ: “Em xa đã lâu và ở lại/ Nơi triền núi chập chờn sương khói vỡ/ Hoa rừng hoang ướt nặng những hoàng hôn/ Em xa đã lâu/ Máu vẫn đập trong lời thơ cũ/ Tim anh đập phía nào cũng xót” (Sau “thời hoa đỏ”). Đã có lúc Thanh Tùng phải kêu lên: “Bao nhiêu trầm luân lại như giáng cả lên đầu tôi, có lúc khiến tôi cảm giác như mình đang bị rơi xuống đáy!”. Nghị lực sống, tính cách hồn nhiên hay sinh ra chỉ để làm thơ đã giúp Thanh Tùng đứng vững? Chính là tất cả nên lúc nào cũng thấy ông vô tư, vui vẻ và nồng nhiệt với bạn bè. Nguyễn Thụy Kha gọi Thanh Tùng là nhà thơ của tuổi trẻ, “bao nhiêu năm không chịu già thêm lên vì quả tim ngây thơ trong ông, cho nên vẫn thấy một Thanh Tùng ngất ngư ngày xưa cũ, vẫn thấy một Thanh Tùng hào sảng, vậm vạp thuở thanh xuân.”.

Năm 1996 con gái Thanh Tùng là Doãn Hoàng Lan Hương sống ở Thành phố Hồ Chí Minh thương bố nên đón vào trong đó. Ông nghẹn ngào phải xa Hải Phòng: “Mai tôi đi rồi/ Tôi có khóc đâu mà gió ướt/ Mà nắng rát lên môi mặn chát/ Mai tôi đi rồi để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố/ Cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường/ Những hạt mồ hôi hát lên trong suốt/ Những lưng thợ đã bết mãi vào nhau/… Rồi mai đây ở bất cứ nơi nào/ Tôi cũng chỉ thấy mình chen chân trên đường Cầu Đất.” (Hải Phòng lúc ra đi).  Những ngày đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh, được mời làm biên tập thơ cho tạp chí Tài hoa trẻ, Thanh Tùng rất chăm chỉ, hào hứng với công việc. Nhiều bài thơ qua tay ông biên tập, chỉnh sửa, đang từ mức trung bình trở nên khá và từ khá trở thành bài thơ hay. Ông cao tuổi nhất cơ quan nhưng hầu như lại là người trẻ trung nhất bởi tính cách hồn nhiên vô tư vui vẻ.

20 năm ở phương Nam, Thanh Tùng đã trải nhiều nơi, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, đến đâu cũng có thơ. Với người sinh ra như để làm thơ điều ấy không khó, và ông có cả một bài thơ dài Nhịp điệu phương Nam. Nhưng lạ, hình như nghĩ đến Thanh Tùng nhiều người vẫn nghĩ về một nhà thơ Hải Phòng và thường chỉ nhớ những bài thơ ông làm hồi ở Thành phố Cảng. Chính Thanh Tùng cũng nghĩ vậy: “Nơi ấy tôi còn nguyên tất cả/ Tôi còn lời hẹn với muôn năm/ Với vai người dầu mỡ/ Với phố chiều ăm ắp giọng khơi xa/… Ở nơi ấy tôi còn nguyên tất cả/ Tình yêu gửi trong trái tim người/ Tôi trong gió và trong nắng/ Sôi trong những lửa lò nung/ Ai cũng gọi tôi về, tôi biết lắm/… Tôi vẫn gọi về từng cánh cửa/ Với từng bánh xe lên dốc nặng nề/ Tôi vẫn gọi về đêm đêm xa xứ/ Tiếng vọng vang trùng trùng cơn nhớ/ Hải Phòng ơi!” (Hải Phòng ơi). Và ông đưa ra bằng chứng:“Nơi tôi đã có những giọt mồ hôi làm chứng cứ/ Những giọt nước mắt góp vào với đất/ Nơi tự do được trở về theo sóng gió của biển khơi/ Rồi mặn vào tôi như muối… Hải Phòng ơi!/ Người đã nhận của tôi nước mắt và mồ hôi/ Rồi trả lại cho tôi những câu thơ lửa. (Hải Phòng hôm nay). Có thể nói dù sống ở đâu, dù có thế nào nơi sâu thẳm và bền chặt trong đời người, đời thơ Thanh Tùng vẫn thuộc về Hải Phòng.

Cũng cần nói đến tài ứng tác thơ của Thanh Tùng. Thường là trong cuộc vui. Ông đề nghị “ra đề”, nhận đề rồi ông nghĩ một lúc rồi đọc thơ, chỉ hai ba câu tưởng tào lao mà ý vị. Một năm Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng tổ chức đón giao thừa và “hái hoa dân chủ”, giải đặc biệt khá xôm: Con gà sống thiến 3kg, người “hái” được là ca sĩ Hương Liên! Giữa tiếng reo vui, ai đó nói rất to: “Thanh Tùng ứng tác về con gà sống thiến đi!”. Đề ra thật oái oăm vậy mà Thanh Tùng vẫn có một bài thơ lý thú. Có điều chẳng ai nhớ, chính ông nếu ứng tác lại cũng không còn như thế. Chỉ duy nhất một lần có người nhớ và kể lại, đó là trong một đám cưới, ông cầm đôi đũa giơ lên cao và đọc: “Chúc hai em/ Với đôi đũa ngắn/ Gắp được miếng hạnh phúc từ xa”. Cả đám cưới vỗ tay tán thưởng, không ai nghĩ đó là bài thơ tào lao.

Nhà thơ Thanh Tùng là vậy!

L.V.K

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder