Thao thức với thành phố quê hương: Hoài Khánh

Hầu hết 72 bài trong tập thơ “Phố thức”(NXB Hội Nhà Văn – 2023) của Lê Việt Hùng đều thể hiện tiếng lòng chân thành của tác giả ngân lên qua những dòng thơ chứa chan tình cảm yêu say con người, cảnh vật gần gũi để từ đó tự hào và bày tỏ niềm ngợi ca thành phố Cảng quê hương.

Mấy năm gần đây, thành phố Hải Phòng có sự chuyển mình rõ rệt qua những bước đột phá mạnh mẽ, không chỉ tăng trưởng kinh tế khá nhanh và năng động, mà còn thay da đổi thịt cả về bộ mặt đô thị, bức tranh nông thôn mới,khơi dậy vẻ đẹp đời sống văn hóa – xã hội, bồi đắp thêm niềm tự hào cho mỗi người dân đất Cảng về miền đất quê hương đầu sóng ngọn gió bên bờ biển Đông này. Là người chuyên tâm sáng tác thơ ca, Lê Việt Hùng hơn ai hết thấu tỏ điều đó và cố gắng trải rộng tâm tình mình lên mỗi dòng thơ một cách đầy trách nhiệm công dân.

Những bài thơ giàu chất ngợi ca của Lê Việt Hùng sẽ đưa ta về thăm những phố phường đông vui, nhộn nhịp. Đó là phố Điện Biên Phủ chạy dài theo hướng nắng giữa nội thành, là dòng sông Cấm với cây cầu Hoàng Văn Thụ mang dáng hải âu bay, là cầu Rào mới xây, vắt qua sông Lạch Tray khoe với trời cao dáng hình hoa phượng đỏ, là di tích linh thiêng thờ Nữ tướng Lê Chân “Ngát ngàn đời hương sắc thủy tiên / Khói nhang bay cong cả mái đền / Bao voi ngựa giờ bình yên hóa đá” (Đền Nghè), là con phố đặc trưng cho Hải Phòng với “Nắng vàng nhuộm cong mái cổ / Tam Bạc thắp lửa hồn thơ” (Bên dòng Tam Bạc).

Có thể thấy rõ ánh nhìn trìu mến, trân trọng và cảm kích của một người nhiều năm ham mê tìm hiểu, học hỏi và miệt mài rèn luyện sáng tác văn chương trên miền đất Cửa Biển. Lê Việt Hùng có nhiều bài thơ về đảo Cát Hải, Cát Bà – nơi có những người bạn thơ chân tình, cởi mở, nơi có ngôi nhà cổ ngót trăm năm đong đầy lời thơ, khúc hát, nơi có những món đặc sản mặn mòi vị biển, có lễ hội Xa Mã độc đáo và một miền di sản thiên nhiên mời gọi du khách muôn nơi. Những bài thơ viết về Đồ Sơn, Kiến An, Thủy Nguyên, Kiến Thụy, Vĩnh Bảo và nhiều vùng quê khác như những bức tranh vừa vẽ xong, còn thơm mùi chất liệu. Có bài chỉ là đôi nét kí họa để anh gửi gắm tâm tư với vẻ đẹp cảnh sắc và tình người ở đó. Có bài dựa vào điểm nhấn địa danh mà anh ngầm chuyển tải bao tích xưa chuyện cũ và vượt lên đó là sự bày tỏ thái độ yêu thương, trân trọng, thành kính của tác giả. Có bài không dừng ở việc tả cảnh mà nhà thơ lại mang đến bao cảm xúc mới về tình mẹ nghĩa cha, về tình yêu đôi lứa và cả về trách nhiệm công dân của những lớp người khác nhau đối với Tổ Quốc thiêng liêng. Những bài thơ như thế được anh viết ra một cách phóng khoáng, để cảm xúc ùa theo những mạch thơ không chịu ép mình bởi lề luật.

Ngay trong những bài vần luật, tác giả lại cố gắng làm cho câu chữ mang vẻ đẹp và gợi cảm. Bài thơ “Ao quê” được mở đầu khá nhuyễn:

“Sương còn mắc võng bờ ao

Chuồn kim đạp nước vịn vào cỏ non

Vầng đông chưa điểm nét son

Đôi vai mẹ gánh vẹt mòn tháng năm” .

Lê Việt Hùng gắn bó với từng góc phố, hàng cây, gắn bóvới nghề hàng hải và những năm gần đây càng thêm yêu người, yêu đời và yêu thơ, bởi thành phố Hoa phượng đỏ thân thương đã nuôi dưỡng anh từ khi tròn 1 tuổi. Hình ảnh con người, cảnh vật ở mỗi miền đất quyện vào nhau khá hài hòa và hiện lên trong thơ Lê Việt Hùng thật dung dị, đáng yêu, đáng nhớ. Đấy là “Cô thôn nữ gánh xuân vào phố” (Thanh âm phố). Đấy là người vợ lính đảo

“Trằn trọc những mùa giông bão” và “Gồng gánh quê nhà / Gồng gánh nỗi nhớ biển xa” (Tiễn anh ra đảo). Đấy là ký ức tuổi thơ của bản thân mình gắn với cha mẹ tần tảo làm ăn, một thời trai trẻ bươn bả với nghề đi biển, có vợ hiền, con thảo, có mọi người yêu thương, đùm bọc. Khá nhiều ý thơ chân thực dễ lay động sự thấu cảm của bạn đọc.

Thơ Lê Việt Hùng chân tình, cởi mở, dung dị, đôi khi còn mộc mạc như chính bản thân anh vậy. Anh viết về những gì mình nhìn thấy và có khi vượt lên là cái cảm thấy. Tác giả hòa vào cuộc sống với niềm tin yêu con người và nhiệt thành khắc họa chân dung cuộc sống bằng đường nét trái tim mình.

Bài thơ “Chiều xuân: như một bức tranh lụa vẽ bằng ảo giác.Sắc xuân của mưa gió, hoa lá quyện vào nét đẹp con người, bảng lảng và mộng mơ, sao mà yêu đến thế. Mỗi khổ thơ tựa hồ một mảng phác họa vừa thực vừa ảo, nét vẽ nhòa vào những khoảng màu hồng dịu tiết xuân:

“Gió nói lời xa thẳm

Áo em quyện sắc đào

Kìa bầu trời mê đắm

Long lanh đầy mắt  sao”.

Lê Việt Hùng cố gắng mở rộng biên độ phản ánh. Cuộc sống ùa vào thơ anh khá tự nhiên.

Tâm trạng của người thơ trước thoáng gợn sắc của thiên nhiên cũng nặng lòng duyên cớ. Bài thơ “Mưa nghiêng” phần nào bộc lộ điều đó:

“Mưa chiều dốc cạn khoảng trời

Gửi bao niềm nhớ đầy vơi tháng ngày

Nhìn theo từng hạt mưa bay

Nghiêng vào trong gió rơi cay mắt chiều”.

Những năm gần đây, Lê Việt Hùng tích cực đắm mình vào dòng chảy thơ ca miền Cửa Biển. Anh đã có 3 tập thơ riêng do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn cho ra mắt là “Mắt biển” (2019), “Ngược dòng ký ức” (2020) và “Bình minh phố” (2021). Với tập thơ thứ tư này, anh đã bứt lên trong lối sáng tác trực cảm của riêng mình. Mảng thơ về mùa thu có nhiều ý thơ hay. Tác giả cũng khá thành công ở một số bài thơ viết về tình yêu. Ghi lại thật nhanh những dòng cảm xúc thực lòng của mình khi phát hiện, ngẫm ngợi, Lê Việt Hùng bày tỏ nỗi niềm yêu thương và thái độ nhân văn về con người, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống. Hải Phòng vẫn là đề tài lớn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác. Điều anh thổ lộ thật chân thành:

“Cho dù có đi đâu xa

Ngày về bâng khuâng nỗi nhớ

Đời ta còn đang mắc nợ

Quê hương năm tháng ân tình”.

(Trở lại Đồ Sơn

Tin rằng Lê Việt Hùng sẽ còn dâng hiến cho thành phố Hoa Phượng Đỏ và những nơi anh từng đến thêm nhiều bài thơ hay nữa.

 

 

Bài viết khác

violin amazon amazon greens powder